Quản lý nhà nước đối với các nền tảng thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới - Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách với Việt Nam

Admin

CT&PT - Thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây với sự xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm kỹ thuật số và mô hình kinh doanh mới. Hiện nay, hoạt động của các  tập đoàn kinh tế - truyền thông nước ngoài cung cấp các hoạt động thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, thời gian qua đã xuất hiện nhiều hành vi vi phạm trên môi trường trực tuyến, đặc biệt là trên các nền tảng thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới, đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động quản lý nhà nước.

CT&PT - Thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây với sự xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm kỹ thuật số và mô hình kinh doanh mới. Hiện nay, hoạt động của các tập đoàn kinh tế - truyền thông nước ngoài cung cấp các hoạt động thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, thời gian qua đã xuất hiện nhiều hành vi vi phạm trên môi trường trực tuyến, đặc biệt là trên các nền tảng thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới, đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động quản lý nhà nước.

Mô hình hoạt động và quản lý nền tảng thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới

Các nền tảng thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới (nền tảng xuyên biên giới) đang ngày càng mở rộng nhanh chóng trong những năm gần đây, xuất phát từ những cải tiến trong công nghệ, sự xuất hiện của các sản phẩm kỹ thuật số và mô hình kinh doanh mới, các hình thức tương tác mới, tạo ra rất nhiều lợi thế trong kinh doanh, cho phép mở rộng quy mô nhanh chóng và ít tốn kém, đang ngày càng tác động lớn đến các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và đặt ra các vấn đề đáng lưu ý về quản lý nhà nước. Thương mại kỹ thuật số bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, từ thuê phòng ở nước ngoài thông qua ứng dụng điện thoại di động, đặt mua trực tuyến một món đồ trang sức từ nghệ nhân trên khắp thế giới, lấy dữ liệu vệ tinh về thành phần đất để khai thác hoặc một doanh nghiệp bán lẻ bổ sung nguồn hàng từ một nhà cung cấp nước ngoài thông qua giao tiếp tự động trên nền tảng trực tuyến1. Các yếu tố của nền tảng xuyên biên giới trước hết liên quan đến chủ thể (người mua và người bán, người cung cấp dịch vụ và người nhận dịch vụ), nền tảng trực tuyến xuyên biên giới và các bên thứ ba khác (nhà cung cấp dịch vụ lô-gi-stíc, dịch vụ bưu chính, dịch vụ thanh toán xuyên biên giới...). Người bán (người cung cấp dịch vụ) sử dụng các nền tảng trực tuyến để bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ; người mua (người nhận dịch vụ) sử dụng các nền tảng trực tuyến để đặt hàng, nhận dịch vụ và các bên thứ ba sử dụng để kết thúc các giao dịch xuyên biên giới.

Các nền tảng xuyên biên giới có thể được định dạng dựa trên loại tài nguyên mà chúng cấp quyền truy cập2: a) quyền truy cập thông tin (hoặc nội dung) như các công cụ tìm kiếm chung (ví dụ: Google, Bing) hoặc các công cụ tìm kiếm chuyên biệt (ví dụ: TripAdvisor, Yelp, Google Mua sắm, Kelkoo, Twenga); danh mục này cũng bao gồm các dịch vụ khác cấp quyền truy cập vào nhiều nội dung, ví dụ như bản đồ (Google Maps, Bing Maps,...) hoặc nội dung sáng tạo hơn như trình tổng hợp tin tức (Google News...) hoặc nền tảng vi-đê-ô (ví dụ, YouTube, Dailymotion,...);
b) quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân và nội dung “riêng tư” khác như mạng xã hội (ví dụ: Facebook, LinkedIn); c) quyền truy cập vào hàng hóa, dịch vụ được cung cấp bởi các bên thứ ba như thị trường trực tuyến (ví dụ: Amazon, eBay, Alibaba, Allegro, Booking.com) hoặc nền tảng kinh tế chia sẻ (ví dụ, Airbnb, Uber, BlaBlaCar); tại đây, nhiều loại hàng hóa, dịch vụ được cung cấp; d) tiếp cận với lực lượng lao động hoặc khả năng chuyên môn hoặc trí tuệ của con người (TaskRabbit, Upwork,...); đ) truy cập vào tiền hoặc vốn như các trang web huy động vốn cộng đồng (ví dụ: Kickstarter, Gofundme) hoặc hệ thống thanh toán (ví dụ: PayPal, Mastercard, Bitcoin)...

Pháp luật quốc gia và pháp luật, thông lệ quốc tế đã có nhiều quy định về quản lý đối với các giao dịch trực tuyến và các nền tảng xuyên biên giới3. Nhiều quy định trong các điều ước quốc tế đã đề cập tới giao dịch kỹ thuật số xuyên biên giới4. Nhiều nỗ lực quốc tế đã được thực hiện để phát triển các quy định về quản lý các giao dịch trực tuyến và các nền tảng xuyên biên giới, ví dụ Liên minh châu Âu (EU) đã có đề xuất về Quy tắc thị trường thống nhất đối với các dịch vụ số (Luật Dịch vụ kỹ thuật số), Quy tắc về các thị trường có tính cạnh tranh và công bằng trong lĩnh vực kỹ thuật số (Luật Thị trường kỹ thuật số)... Nhiều chỉ số liên quan đến thương mại kỹ thuật số đã được xây dựng như: Chỉ số sẵn sàng cho mạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF, 2016); Các chỉ số kinh tế và xã hội kỹ thuật số của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat, 2019); Chỉ số Thương mại điện tử UNCTAD B2C (UNCTAD, 2018); Chỉ số hạn chế thương mại dịch vụ kỹ thuật số của OECD (Digital STRI) (OECD, 2019)... Tháng 8/2021, Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 42 (AIPA-42) với chủ đề “Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025” đã thông qua nhiều nghị quyết về phát triển kỹ thuật số.

Pháp luật của nhiều quốc gia cũng có những quy định về các giao dịch trực tuyến và ở một góc độ nhất định là các nền tảng xuyên biên giới, như Luật Thương mại điện tử năm 2018, Luật An toàn Thực phẩm năm 2009, sửa đổi, bổ sung năm 2015 của Trung Quốc. Chẳng hạn Luật An toàn Thực phẩm của Trung Quốc năm 2009, sửa đổi, bổ sung năm 2015 quy định: “Các nhà cung cấp nền tảng bên thứ ba để kinh doanh thực phẩm trực tuyến phải thực hiện đăng ký tên thật cho thương nhân kinh doanh thực phẩm trực tuyến và xác định trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm của thương nhân kinh doanh thực phẩm; đối với thương nhân kinh doanh thực phẩm phải có giấy phép theo quy định của pháp luật”.

Luật Thực thi mạng của Đức (NetzDG) năm 2017 yêu cầu các nền tảng có ít nhất 2 triệu người dùng phải thiết lập quy trình để người dùng báo cáo nội dung bất hợp pháp và yêu cầu xóa mọi nội dung “rõ ràng là bất hợp pháp” trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được đơn khiếu nại và các nội dung bất hợp pháp khác trong vòng 7 ngày. Tháng 2/2021, Nhật Bản đã ban hành Luật về cải thiện tính minh bạch và công bằng của các nền tảng kỹ thuật số, để cải thiện tính minh bạch và công bằng trong các giao dịch, lưu ý rằng các quy định không được can thiệp vào đổi mới kỹ thuật số5. Xin-ga-po đã ban hành các luật như Luật Giao dịch điện tử (ETA) năm 1998, Luật về bảo vệ khỏi sự giả dối và thao túng trên mạng (POFMA) năm 2019, thường được biết đến là Luật Tin tức giả, cho phép các cơ quan chức năng giải quyết việc phát tán tin tức giả hoặc thông tin sai sự thật. Luật POFMA áp dụng chế tài đối với thông tin sai sự thật ở Xin-ga-po ngay cả khi người truyền đạt thông tin đó không ở trong nước và thông tin sai sự thật đó gây phương hại đến an ninh quốc gia, sức khỏe, an toàn của cộng đồng, tài chính công, ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế thân thiện với các quốc gia khác, đến kết quả của các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống hoặc các cuộc trưng cầu dân ý, kích động căng thẳng giữa các nhóm người khác nhau hoặc làm giảm niềm tin của công chúng vào dịch vụ công hoặc quản trị chung của Xin-ga-po. Phi-líp-pin cũng ban hành nhiều luật điều chỉnh giao dịch kỹ thuật số và kinh doanh kỹ thuật số như: Luật thương mại điện tử năm 2000, Luật cho phép áp dụng hệ thống ID quốc gia, Luật số 11337 cung cấp thêm hỗ trợ vốn cho các công ty khởi nghiệp, Luật Bảo mật dữ liệu năm 2012, Luật Phòng, chống tội phạm mạng năm 20126...

Nga đã ban hành Luật Liên bang số 34-FZ, ngày 18/3/2019 Về việc sửa đổi các phần 1, 2 và Điều 1124 của phần 3 Bộ luật Dân sự Nga”. Ngày 31/7/2020, Nga đã ban hành Luật Liên bang về tài sản tài chính kỹ thuật số và tiền kỹ thuật số và một số sửa đổi liên quan đến các luật lập pháp nhất định ở Nga. Ngày 30/12/2020, Tổng thống Nga Putin đã ký Luật Liên bang số 482-FZ về sửa đổi Luật Liên bang về các hành động thực thi liên quan đến những người vi phạm các quyền cơ bản và tự do của con người và các quyền và tự do của công dân Nga. Theo luật mới, chủ sở hữu nguồn thông tin trên in-tơ-nét có thể bị truy cứu trách nhiệm do vi phạm luật truyền thông, nếu tài nguyên in-tơ-nét bằng cách nào đó hạn chế việc phân phối nội dung từ các phương tiện truyền thông nhà nước của Nga (Điều 1); Cơ quan Liên bang về giám sát truyền thông, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng (Roskomnadzor) có quyền chặn một phần hoặc toàn bộ nền tảng kỹ thuật số vi phạm vì “phân biệt đối xử với nội dung của các phương tiện truyền thông đại chúng của Nga” (Điều 3). Luật nhắm vào các chủ sở hữu tài nguyên in-tơ-nét, bao gồm cả các tài nguyên nước ngoài. Luật cũng áp dụng cho nội dung của các phương tiện truyền thông xã hội và các phương tiện trực tuyến đã đăng ký và chưa đăng ký, chẳng hạn blog.

Như vậy, các quốc gia và vùng lãnh thổ đã có những quy định về các giao dịch trực tuyến và ở một góc độ nhất định là các nền tảng xuyên biên giới. Mặc dù nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã có các luật liên quan đến giao dịch trực tuyến và xuyên biên giới, nhưng các luật này có sự khác biệt rõ ràng về chi tiết và không phải lúc nào cũng đề cập đến các khía cạnh xuyên biên giới. Bản thân tính chất xuyên quốc gia của thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới đặt ra các vấn đề trong việc thực thi quy định, bao gồm xung đột pháp luật, việc áp dụng quyền tài phán và tìm kiếm biện pháp khắc phục đối với các tác nhân có yếu tố nước ngoài. Một số văn bản quốc gia và quốc tế đã hướng tới tìm kiếm các giải pháp cho điều này. Ví dụ, Luật Bảo vệ dữ liệu chung của EU (GDPR) năm 2016 xác định quyền tài phán bằng cách tập trung vào nơi xảy ra tác động của quá trình xử lý, cụ thể là vị trí của đối tượng dữ liệu.

Thực trạng hoạt động của các nền tảng xuyên biên giới và một số gợi ý chính sách đối với Việt Nam

Hiện nay, hoạt động của cá nhân, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ với nhiều nhà cung cấp nổi tiếng, như Facebook, Google, Netflix, Youtube, Amazon, TikTok... Tuy nhiên thời gian qua, nhiều hành vi sai phạm xuất hiện tràn lan trên môi trường trực tuyến, đặc biệt là trên các nền tảng xuyên biên giới, như: Đăng tải thông tin sai lệch, xuyên tạc, trái pháp luật, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; không gỡ bỏ những nội dung vi phạm pháp luật, thông tin xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước; không tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam về truyền thông, thông tin, quảng cáo; tiếp tay cho việc quảng cáo sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, thổi phồng công dụng của sản phẩm, dịch vụ, lừa dối, gây nhầm lẫn cho người mua hàng, người sử dụng dịch vụ, gây bức xúc trong dư luận; không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế; không cung cấp thông tin kịp thời theo yêu cầu của các cơ quan chức năng...

Một trong những dạng vi phạm phổ biến nhất trên các nền tảng xuyên biên giới là hoạt động quảng cáo thương mại. Điều này đặt ra yêu cầu phải có sự kiểm soát mạnh mẽ hơn đối với hoạt động quảng cáo thương mại trực tuyến, nhất là kiểm soát nội dung của quảng cáo. Tốc độ quảng cáo thương mại thông qua các phương tiện truyền thông xã hội hiện đang phát triển rất mạnh, thực hiện một cách tràn lan, tự phát, khó kiểm soát, nhất là đối với một số ứng dụng mới nổi lên gần đây. Việc kiểm soát càng trở nên khó khăn hơn đối với các cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ quảng cáo thương mại trực tuyến xuyên biên giới.

Việc kiểm soát để thu thuế hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, do các bên tham gia hoạt động quảng cáo thương mại có thể tránh né được nghĩa vụ nộp thuế bằng các thủ thuật khác nhau. Một số nhà cung cấp mặc dù có được nguồn thu lớn từ thị trường Việt Nam nhưng lại chưa thực hiện các nghĩa vụ thuế, thậm chí cố tình tìm mọi chiêu trò để trốn thuế, làm tổn hại cho ngân sách quốc gia, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với những doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động, đặt ra không ít khó khăn, thách thức trong công tác quản lý nhà nước về thuế. Còn có hiện tượng cá nhân, tổ chức kinh doanh trên mạng nhưng không kê khai hoặc kê khai thông tin không chính xác, kinh doanh trên mạng nhưng không có địa điểm kinh doanh, không có tài khoản ngân hàng rõ ràng, không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước, không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ... Việc đánh thuế đối với các giao dịch trực tuyến và các hoạt động của các nền tảng xuyên biên giới luôn là vấn đề phức tạp không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới xuất phát từ các lý do sau7:

- Chính sách pháp luật khác nhau của các quốc gia khác nhau là thành viên của Liên hợp quốc tạo ra một trở ngại đáng kể cho việc áp thuế và tuân thủ pháp luật về thuế. Hoạt động kinh doanh trên in-tơ-nét dễ bị đánh thuế nhiều lần và bị phân biệt đối xử theo cách khác với hoạt động thương mại truyền thống. Đánh thuế hai lần là điều khó tránh khỏi vì bản chất không biên giới của in-tơ-nét.

- Vì hoạt động thương mại trên in-tơ-nét vẫn còn khá mới mẻ, do đó, không dễ hình dung mô hình kinh doanh cơ bản sẽ thay đổi như thế nào trong một vài năm tới và làm thế nào để đánh thuế với các hoạt động đó?

- Các khoản thuế sẽ được thu như thế nào? Rõ ràng việc buộc các nhà bán lẻ nộp thuế theo các chế độ pháp lý hiện hành đặt ra một gánh nặng đáng kể cho các thương gia; và gánh nặng như vậy có thể sẽ không được cảm nhận một cách thống nhất đối với tất cả các nhà bán lẻ.

- Một vấn đề khác là xác định quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào có thẩm quyền về thuế đối với thu nhập tạo ra từ các giao dịch trực tuyến và giao dịch xuyên biên giới. Các giao dịch trực tuyến và giao dịch xuyên biên giới cho phép một người nước ngoài tham gia vào nhiều giao dịch kinh doanh với khách hàng ở một số quốc gia mà không cần phải nhập cảnh vào một trong các nước đó.

- Mong muốn thực thi việc đánh thuế xuyên quốc gia hiệu quả sẽ tác động đáng kể đến khả năng bảo vệ quyền riêng tư khi phải tích lũy cơ sở dữ liệu toàn diện về các giao dịch mua hàng trực tuyến của chủ thể kinh doanh để một số cơ quan chính phủ có thể kiểm soát việc nộp thuế của các chủ thể kinh doanh.

Ngoài những điều trên, cũng cần tính đến các vấn đề khác xuất phát từ thực tế công nghệ để xác định xem một giao dịch trên in-tơ-nét có thể bị coi là chịu thuế hay không; và nếu có thì bên nào phải chịu thuế.

Vấn nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, dữ liệu cá nhân đang là vấn đề nổi cộm. Việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tồn tại tràn lan trên các nền tảng xuyên biên giới. Mặc dù các nền tảng xuyên biên giới cũng có cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng hệ thống kỹ thuật được sử dụng để xác định tính hợp pháp của nội dung, đơn cử như trên YouTube (Content ID), các vi-đê-ô được đăng tải lên hệ thống này được gắn mã xác minh quyền sở hữu, nhưng nhiều nội dung chưa được chủ sở hữu thực sự đăng tải lên đã bị “đánh cắp” trước... Không ít cá nhân, tổ chức đã trục lợi được từ việc lợi dụng quy trình kiểm soát quyền sở hữu trí tuệ lỏng lẻo của các hệ thống này. Việt Nam đã có nhiều quy định về việc xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật khi thu thập thông tin cá nhân và mua, bán dữ liệu cá nhân trái phép, nhưng với các nền tảng xuyên biên giới, việc này hoàn toàn không đơn giản. Vẫn còn một khoảng trống trong pháp luật Việt Nam về việc quy định dữ liệu xuyên biên giới hay chuyển giao dữ liệu xuyên biên giới. Hệ thống chế tài đối với hành vi vi phạm các quy định về mua bán, sử dụng dữ liệu cá nhân còn chưa đủ tính nghiêm khắc. Cụ thể là khoản 5, Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông; những người có hành vi mua bán thông tin dữ liệu khách hàng, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông với mức cao nhất của khung hình phạt là 7 năm tù và phạt tiền cao nhất là 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối chiếu với thực tiễn và thông lệ ở các nước thì mức phạt này còn rất nhẹ. Ví dụ, theo quy định của Luật Bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh châu Âu (EU) (GDPR), hành vi này có thể bị phạt tiền lên tới 20 triệu EUR (tương đương khoảng trên 500 tỷ VND).

Các nền tảng xuyên biên giới đang “xem nhẹ” việc quảng cáo trên các nội dung vi phạm pháp luật, trong đó có những nội dung tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta, và tin giả. Không ít đối tượng lợi dụng sự kiểm soát lỏng lẻo của các nền tảng xuyên biên giới để thực hiện một cách có hệ thống, có tổ chức nhằm mục đích trục lợi về kinh tế hoặc về chính trị.

Bên cạnh đó, đối tượng bị tác động trực tiếp từ các hoạt động thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới chưa được bảo vệ hiệu quả. Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến vấn đề này, như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ... Gần đây, một số văn bản đã được ban hành nhằm tạo thuận lợi cho chuyển đổi số và hoạt động kinh doanh trực tuyến8... Những văn bản trên là cơ sở pháp lý quan trọng giúp thị trường thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới phát triển an toàn, lành mạnh hơn trong thực tiễn. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của kinh doanh trực tuyến trên nền tảng các phương tiện truyền thông xã hội đã và đang làm nảy sinh một số vấn đề phức tạp, vượt ngoài tầm kiểm soát của các quy định pháp lý nêu trên. Những nguy cơ, tác động tiêu cực đối với người dùng trước những vi phạm của các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới vẫn luôn thường trực.

Trên thực tế, hiện nay, người tiêu dùng đang phải gánh chịu rất nhiều phiền hà từ việc quảng cáo thương mại trực tuyến xuyên biên giới. Hàng loạt hàng hóa, dịch vụ liên quan được hiển thị trên các trang web mà người tiêu dùng truy cập, thậm chí có trường hợp nhà quảng cáo thương mại còn cố ý tạo ký tự nhầm lẫn để người tiêu dùng truy cập. Sự phiền hà này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi hàng hóa, dịch vụ được hiển thị là những sản phẩm mang tính cá nhân. Trong trường hợp này, người tiêu dùng trở thành nạn nhân của quảng cáo thương mại. Một vấn nạn khác là việc quảng cáo quá mức công dụng của sản phẩm dẫn đến sự nhầm lẫn về chất lượng gây ảnh hưởng đến kinh tế và tổn hại cho sức khỏe của người tiêu dùng, ví dụ một dạng vi phạm phổ biến hiện nay là quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó, sửa đổi, bổ sung Điều 13 về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Theo Nghị định này, từ ngày 15/9/2021, các nền tảng xuyên biên giới sẽ bị siết chặt, những quảng cáo vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ phải gỡ bỏ trong vòng 24 giờ. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, về an ninh mạng và về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ in-tơ-nét và thông tin trên mạng; phải nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam không được đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật; phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 70/2021/NĐ-CP; cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quảng cáo xuyên biên giới có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp trong xử lý các hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới. Trong thời gian tới, để từng bước kiểm soát hiệu quả các vi phạm trên, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường kiểm soát, quản lý để giảm thiểu vấn nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên in-tơ-nét. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, nhất là với môi trường trực tuyến. Hiện nay, nhiều ấn phẩm, sách, báo, tạp chí, truyện, phim, hình ảnh... vẫn được đưa lên in-tơ-nét để rao bán dù không có sự cho phép của chủ thể quyền. Tuy nhiên, khó có thể xử lý triệt để các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên in-tơ-nét bởi các trang điện tử nói trên phần lớn sử dụng tên miền quốc tế, sử dụng máy chủ lưu trữ đặt ở nước ngoài... Do đó, một mặt, cần tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước; mặt khác, cần nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, có biện pháp cảnh báo các doanh nghiệp không quảng cáo ở những trang web hoặc mạng xã hội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Lễ ra mắt nền tảng mã địa chỉ bưu chính VPostcode trên phạm vi toàn quốc, nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triền, xây dựng một nền tảng chung phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực bưu chính

Thứ hai, tăng cường đấu tranh với các hành vi chống phá, cung cấp thông tin sai sự thật, gian lận thương mại trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là đấu tranh chống các hành vi lợi dụng không gian mạng, thông qua blog cá nhân, mạng xã hội... có nguồn gốc từ các máy chủ ở nước ngoài để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ ba, cần có hệ thống các quy định đồng bộ, thống nhất về các lĩnh vực liên quan đến các nền tảng xuyên biên giới:

Một là, sớm sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính, quảng cáo... gắn với trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp dịch vụ qua các nền tảng xuyên biên giới. Cần xác định rõ các chủ thể có hoạt động kinh doanh, thương mại liên quan đến các nền tảng xuyên biên giới (như: nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam; tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài; tổ chức, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam được nhà cung cấp ở nước ngoài ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam; ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của nhà cung cấp ở nước ngoài...) để xác định trách nhiệm đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế cũng như các trách nhiệm khác có liên quan.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, các quy định về thu thập dữ liệu điện tử, cụ thể hóa chứng cứ điện tử liên quan đến các nền tảng xuyên biên giới..., về chế tài đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ bảo vệ thông tin cá nhân.

Ba là, nghiên cứu cụ thể hóa một số nghĩa vụ, yêu cầu cụ thể liên quan đến các nền tảng trực tuyến, như nghĩa vụ xóa nội dung vi phạm, yêu cầu về việc lưu giữ thông tin người dùng, tin nhắn hoặc dữ liệu khác vô thời hạn hoặc trong một khoảng thời gian nhất định, các yêu cầu về nội luật hóa dữ liệu... Các quy định này cần có sự phân biệt giữa nội dung trái pháp luật, nội dung có thể gây tổn hại cho một số đối tượng dễ bị tổn thương (ví dụ trẻ em) và những nội dung có tính phi đạo đức, chống đối xã hội (ví dụ nội dung khiếm nhã, có tính chất gây rối hoặc gây hiểu lầm).

Bốn là, nghiên cứu ban hành chính sách yêu cầu các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới bảo đảm tính minh bạch về nội dung và khả năng có thể giám sát được về mặt kỹ thuật. Điều này là không dễ dàng nhưng là yêu cầu cần thiết bởi lẽ nhiều quy định trong tiêu chuẩn cộng đồng của một số nền tảng xuyên biên giới không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng cần nghiên cứu để có thỏa thuận cụ thể về mặt kỹ thuật giữa nhà quản lý với các nền tảng xuyên biên giới và đại lý của họ tại Việt Nam để có cơ chế thực thi rõ ràng.

Năm là, nghiên cứu ban hành chính sách yêu cầu các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới phải cung cấp sự rõ ràng cho người dùng về quy tắc kiểm duyệt của họ và các quyền khiếu nại của người dùng. Những nội dung này phải được thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ và dễ hiểu đối với những người dùng bình thường./.


1. Lillyana Daza Jaller - Simon Gaillard - Martín Molinuevo: “The regulation of Digital Trade Key policies and international trends” (Điều chỉnh các chính sách then chốt đối với thương mại kỹ thuật số và xu hướng quốc tế), World Bank Group, 2020.
2. Alain Strowel - Wouter Vergote: “Digital Platforms: To Regulate or Not To Regulate? Message to Regulators: Fix the Economics First, Then Focus on the Right Regulation” (Các nền tảng kỹ thuật số: Điều chỉnh hay không điều chỉnh? Thông điệp tới nhà quản lý: Giải quyết các vấn đề kinh tế trước, sau đó tập trung vào điều tiết), https://ec.europa.eu/information_society/newsroom/image/document/2016-7/uclouvain_et_universit_saint_louis_14044.pdf.
3. Nhiều văn bản quốc tế đã đề cập tới các giao dịch trực tuyến và các nền tảng xuyên biên giới như Luật mẫu của Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) về thương mại điện tử (MLEC) năm 1996, Luật mẫu của UNCITRAL về chữ ký điện tử (MLES) năm 2001, Công ước của Liên hợp quốc về sử dụng truyền thông điện tử trong hợp đồng quốc tế (ECC) năm 2005, Luật mẫu của UNCITRAL về hồ sơ có thể chuyển nhượng điện tử (MLETR) năm 2017. Phi-lip-pin và In-đô-nê-xi-a có kế hoạch áp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập đối với các giao dịch thương mại điện tử. In-đô-nê-xi-a đưa ra một loại thuế mới, được gọi là thuế giao dịch điện tử, để đối phó với các trường hợp trong đó các nhà cung cấp nước ngoài tuyên bố không có nơi thường trú ở In-đô-nê-xi-a và sử dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần để yêu cầu miễn thuế thu nhập, xem: Trang Pham: “Challenges in taxing the digital economy” (Những thách thức về đánh thuế đối với kinh tế số), Saigon Times Weekly, ngày 21/11/2020.
4. Ví dụ, khoản 2, Điều NN.7, Hiệp định CPTPP quy định: “Bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến: ... 2. Mỗi bên sẽ áp dụng hoặc duy trì các quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng để ngăn cấm các hành vi gian lận và lừa đảo thương mại gây tổn hại hoặc có nguy cơ gây tổn hại cho người tiêu dùng tham gia vào các hoạt động thương mại trực tuyến”...
5. “Competition law, policy and regulation in the digital era” (Luật pháp, chính sách, quy định về cạnh tranh trong thời đại kỹ thuật số), United Nations Conference on Trade and Development, 2021.
6. Luật số 8792 quy định việc công nhận và sử dụng các giao dịch và tài liệu thương mại và phi thương mại điện tử, các chế tài cho việc sử dụng bất hợp pháp các giao dịch và tài liệu đó và các mục đích khá, Luật cho phép áp dụng hệ thống ID quốc gia, Luật Bảo vệ Thông tin cá nhân trong hệ thống thông tin và truyền thông của Chính phủ và khu vực tư nhân, nhằm thành lập Ủy ban Quyền riêng tư quốc gia và các mục đích khác.
7. “Human rights and government regulation of digital platforms” (Quyền con người và điều chỉnh của Chính phủ đối với các nền tảng kỹ thuật số), Global Digital Policy Snapshot, Cyber Policy Center, 2020.
8. Như: Quyết định số 645/QĐ-TTg, ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định số 749/QĐTTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 2289/QĐ-TTg, ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.

Theo Tạp chí Cộng sản

Kiều Trang tổng hợp

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin