Mô hình kinh tế tuần hoàn với phát triển nền kinh tế xanh ở Việt Nam

Admin

CT&PT - Xây dựng kinh tế tuần hoàn được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên quy mô lớn trong 10 năm tới. Bài viết khái quát một số mô hình, triển vọng và giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

CT&PT - Xây dựng kinh tế tuần hoàn được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên quy mô lớn trong 10 năm tới. Bài viết khái quát một số mô hình, triển vọng và giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Việt Nam đang trong quá trình điều chỉnh cơ chế, chính sách theo hướng chú trọng tăng trưởng kinh tế gắn liền với phát triển bền vững. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn (KTTH) là cơ hội để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và cũng là bước chuyển để tiến tới nền kinh tế xanh.

1. Nhận thức chung về mô hình KTTH và nền kinh tế xanh

Mô hình kinh tế truyền thống (còn gọi là mô hình kinh tế tuyến tính) bắt đầu từ khai thác tài nguyên đầu vào cho hệ thống kinh tế, sản xuất, phân phối, tiêu dùng và cuối cùng là thải loại. Đây là quá trình biến tài nguyên thành chất thải, do đó tất yếu sẽ dẫn tới cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

Mô hình KTTH là một giải pháp thay thế bền vững cho mô hình kinh tế tuyến tính, bởi nó khắc phục những hạn chế và hệ quả của kinh tế tuyến tính, trong đó tác động tiêu cực đến môi trường được xem là hậu quả nặng nề, lâu dài và khó khắc phục nhất. KTTH cũng góp phần giải quyết bài toán tài nguyên, nhân công, chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Khái niệm về sự tuần hoàn, ý tưởng về phản hồi, các chu trình trong các hệ thống thế giới thực có nguồn gốc lịch sử và triết học sâu sắc. Mô hình KTTH tổng hợp một số trường phái tư tưởng chính, bao gồm nền kinh tế dịch vụ chức năng (performance economy) của Walter Stahel; triết lý thiết kế Cradle to Cradle của William McDonough và Michael Braungart; mô hình Biomimicry do Janine Benyus mô tả; hệ sinh thái công nghiệp của Reid Lifset và Thomas Graedel; chủ nghĩa tư bản tự nhiên của Amory, Hunter Lovins và Paul Hawken; cách tiếp cận hệ thống nền kinh tế xanh của Gunter Pauli.

Theo Giáo sư Lawrence R.Klein, Trường Wharton - Đại học Pennsylvania, Mỹ (năm 2015): “Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó toàn bộ các hoạt động từ khâu thiết kế, sản xuất đến cung cấp dịch vụ hướng tới tái sử dụng vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường”.

Nền KTTH tìm cách tái tạo vốn, cho dù là vốn tài chính, sản xuất, con người, xã hội hay tự nhiên. Điều này bảo đảm các luồng hàng hóa và dịch vụ được nâng cao. KTTH không phải là mô hình đồng nhất cho cả nền kinh tế, mà đó là nền kinh tế có chứa các mô hình KTTH (mô hình tuần hoàn vật liệu trong sản xuất sản phẩm, mô hình tuần hoàn trong chuỗi cung ứng). Theo đó, KTTH có ba nội hàm cơ bản gồm: bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên thông qua kiểm soát nhằm sử dụng hợp lý các tài nguyên và tái tạo các hệ thống tự nhiên; tối ưu hóa lợi tức của tài nguyên bằng cách tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu nhiều nhất có thể trong các chu trình kỹ thuật và sinh học; nâng cao hiệu suất chung của toàn hệ thống bằng cách tối thiểu hóa các ngoại ứng tiêu cực, thậm chí thực hiện thiết kế chất thải.

Tổ chức Ellen Macarthur đã xác định ba nguyên tắc chính của một nền KTTH là: giảm và loại bỏ thải và ô nhiễm; kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm và nguyên vật liệu; tái tạo hệ thống tự nhiên1. Như vậy, quá trình vận hành của nền KTTH sẽ không có chất thải ra môi trường, giải quyết được bài toán xử lý mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường, vì thứ nhất hạn chế tối đa khai thác nguyên liệu thô từ môi trường tự nhiên và duy trì hệ sinh thái, thứ hai không đưa chất thải sau quá trình sản xuất ra môi trường.

Mô hình KTTH là mô hình kinh tế giảm thiểu nhất về chất thải và chất thải ít độc hại, hoặc không gây độc hại, có khả năng tái sử dụng và tái chế cao mang tính khép kín chu trình sản xuất nhờ công nghệ sản xuất hiện đại, sạch, xanh và công nghệ xử lý chất thải bảo đảm xanh, sạch (đến mức hầu như có ít hay không có chất thải độc hại). Điều này vừa phù hợp, vừa có cơ sở từ nền kinh tế tri thức, kinh tế công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế nhân bản, thuận với tự nhiên, lấy tri thức tiên tiến và lấy con người làm trung tâm, vì con người, cho con người, hài hòa giữa thiên nhiên và xã hội.

Khái niệm KTTH luôn đi cùng với khái niệm kinh tế xanh, bởi nội hàm của hai khái niệm cùng hướng tới việc tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thải ra môi trường. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã đưa ra khái niệm kinh tế xanh “là nền kinh tế mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái”2. Đây được coi là định nghĩa chính xác và đầy đủ nhất về kinh tế xanh. Theo đó, kinh tế xanh đơn giản là nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm tính công bằng về mặt xã hội. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm trên cơ sở giảm thiểu phát thải cácbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái.

Các nghiên cứu về nền kinh tế xanh hầu hết đều thống nhất quan điểm cho rằng, xu hướng phát triển kinh tế xanh sẽ bám sát vào ba trụ cột chính là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Các nhà nghiên cứu khẳng định, khái niệm “kinh tế xanh” không thay thế khái niệm bền vững, nhưng nó sẽ ngày càng được công nhận là mô hình phù hợp, làm nền tảng cho phát triển bền vững. Trong đó, tính bền vững là mục tiêu dài hạn quan trọng, nhưng xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa mỗi quốc gia đi tới đích phát triển bền vững.

2. Phát triển KTTH và nền kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay

Việt Nam đã có những mô hình gần với KTTH từ rất sớm, như mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng (VAC), vườn - rừng - ao - chuồng (VRAC),… hay các làng nghề tái chế chất thải. Đến nay, Việt Nam đã xuất hiện thêm nhiều điển hình về KTTH, như: mô hình khu công nghiệp sinh thái, mô hình kinh tế sinh thái, mô hình sản xuất sạch, nhất là các sáng kiến tuần hoàn của doanh nghiệp (mô hình hỗ trợ thu gom và tái chế tất cả các chai nhựa từ các sản phẩm bán ra của Coca-Cola; mô hình sử dụng hoặc tái chế tới 99,01% phụ phẩm và phế liệu trong sản xuất của Heineken3; mô hình sử dụng bao bì nhựa dẻo để làm đường giao thông của DOW; mô hình thu gom, tái chế, tái sử dụng 100% rác thải từ bao bì nhựa của công ty Unilever; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (vỏ tôm, đầu tôm...) tạo ra Chitosan và SSE với tiềm năng 4-5 tỷ USD hằng năm…).

Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến KTTH và kinh tế xanh: Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Quyết định số 2612/QĐ-TTg ngày 30-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược sử dụng công nghệ sạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; v.v…

Nhiều văn bản luật có những quy định liên quan đến KTTH đã được ban hành như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Lâm nghiệp, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật An toàn thực phẩm, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Hóa chất, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; v.v.. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng tiêu chí, lộ trình và cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy KTTH ở Việt Nam. Đây là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.

Những luật và quy định nêu trên thể hiện sự chuyển đổi hướng đến xây dựng KTTH, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu: đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Xây dựng KTTH được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên quy mô lớn trong 10 năm tới.

3. Giải pháp phát triển KTTH hướng tới nền kinh tế xanh

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cácbon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”3. Như vậy, Nghị quyết của Đảng đã bước đầu nhắc tới khái niệm KTTH trong mối tương quan với bảo vệ môi trường và phát triển nền kinh tế xanh. Do đó, Việt Nam không chỉ phải giải bài toán phát triển nhanh, chống tụt hậu xa về kinh tế, mà còn phải nỗ lực phát triển kinh tế sao cho hạn chế tối đa rác thải, chống ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu một cách tốt nhất. Để đạt được mục tiêu đó cần thực hiện các sau:

Thứ nhất, thể chế hóa KTTH thông qua hệ thống pháp luật, chính sách, thủ tục hành chính… để thực hiện KTTH một cách có hệ thống và đồng bộ, cùng với các hình thức khuyến khích, ưu đãi về cơ chế, tài chính, tiếp cận các nguồn lực và chế tài rõ ràng, minh bạch. Có chính sách khuyến khích, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghiệp tái chế, năng lượng tái tạo, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Thứ hai, xây dựng lộ trình để thực hiện KTTH từ vi mô đến vĩ mô, trong đó, doanh nghiệp là động lực trung tâm. Lộ trình KTTH cũng cần gắn với các cơ chế tài chính để thực hiện các mục tiêu đặt ra, như cơ chế hợp tác công - tư, các cơ chế tài chính xanh… Xác định lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm.

Thứ ba, nâng cao nhận thức của nhà sản xuất trong vấn đề bảo vệ môi trường. Khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thu gom và tái chế. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tái chế, kéo dài vòng đời sản phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp từng bước tiếp cận kinh tế số. Phát triển các thị trường tái chế, thị trường nguyên vật liệu thứ cấp từ sản phẩm tái chế.

Thứ tư, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, bao gồm các khung tiêu chí và các tiêu chí mềm, đồng thời từng bước hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về KTTH để phục vụ quản lý và điều chỉnh việc thực hiện KTTH thống nhất trong cả nước.

Thứ năm, tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về KTTH nhằm thay đổi tư duy sản xuất và tiêu dùng theo hướng tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, các sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng hoàn toàn; tăng cường phục hồi tài nguyên từ các sản phẩm đã qua sử dụng, kéo dài tuổi đời của sản phẩm thông qua cung cấp các dịch vụ nâng cấp, làm mới và thiết kế lại sản phẩm; tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, phát triển kết nối người tiêu dùng thông qua hình thức tiêu dùng chung để nâng cao hiệu quả sử dụng sản phẩm.


1. https://www.ellenmacarthurfoundation.org/assets/downloads/publications/Ellen-MacArthur-Foundation-Towards-the-Circular-Economy-vol.1.pdf, ngày 19/6/2020, tr. 22.

2. Navstrechu “zelenoy” ekonomike. Obobshchayush-chiy doklad dlya predstaviteley vlastnykh struktur, http://www.unep.org.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 275.

Theo Tạp chí Lý luận Chính trị

Thu Hằng tổng hợp

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin