1. Lạng Sơn là tỉnh miền núi phía Đông Bắc của Tổ quốc, có 10 huyện và 01 thành phô loại II, trong đó có 05 huyện biên giới với 20 xã và 01 thị trấn biên giới; diện tích tự nhiên 8.310,09 km2; dân số khoảng 789.600 người, với 07 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống, gồm: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Sán Chay, Hoa, Mông; có đường biên giới tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) dài 231,74 km, có 02 cửa khẩu quốc tế (đường bộ Hữu Nghị và đường sắt Ga Đồng Đăng), 01 cửa khẩu song phương (Chi Ma) và 9 cửa khẩu phụ. Lạng Sơn nằm ở vị trí có các tuyến đường quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 31, 3B, 279 và tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội - Đồng Đăng - Bằng Tường - Bắc Kinh đi qua, là đầu mối giao lưu kinh tế với các tỉnh phía Tây như: Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, phía Đông như: Quảng Ninh, phía Nam như: Bắc Giang, Bắc Ninh, thủ đô Hà Nội.
Lạng Sơn có vị trí chiến lược về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, là đầu mối giao lưu thương mại đường bộ bậc nhất, điểm đầu tiên của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và cửa ngõ nối Trung Quốc với các nước ASEAN, trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, Lạng Sơn rất có tiềm năng phát triển kinh tế cửa khẩu với các loại hình dịch vụ đa dạng, trở thành một trong những trung tâm trung chuyển và giao dịch hàng hoá của cả nước với Trung Quốc và các nước trong khu vực.
Với vị trí trong Tiểu vùng Đông Bắc và là địa bàn du lịch trọng điểm của Vùng du lịch Trung du Miền núi Bắc Bộ, Lạng Sơn có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, như: Cảnh sắc thiên nhiên, khí hậu phong phú, đặc trưng; bản sắc văn hóa độc đáo; có nhiều di tích lịch sử văn hóa, tâm linh; hệ thống giao thông thuận lợi trong liên kết vùng để phát triển du lịch; chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội bảo đảm; người dân Lạng Sơn thân thiện, mến khách. Tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng và phong phú, có lợi thế so sánh với các tỉnh trong vùng, như: Khu di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh, thành Nhà Mạc, núi Nàng Tô Thị; cảnh quan, khí hậu núi Mầu Sơn, cảnh quan gắn với sông Kỳ Cùng, dòng sông độc đáo duy nhất của nước ta chảy từ Đông sang Tây và ngược về phía Bắc... Lạng Sơn cũng nổi tiếng với nhiều địa danh lịch sử, nhiều di tích cách mạng gắn liền với những lần đánh đuổi quân xâm lược trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, với những địa danh nổi tiếng như: Ải Chi Lăng, Bắc Sơn, đường số 4…
Với những tiềm năng và lợi thế đó thì việc phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với du lịch của tỉnh Lạng Sơn có nét đặc thù, nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo nên thương hiệu của tỉnh Lạng Sơn.
2. Xác định kinh tế cửa khẩu và thương mại, dịch vụ tiếp tục là thế mạnh và là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đồng thời các cửa khẩu và khu vực biên giới cũng là địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh; trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng trong Khu kinh tế cửa khẩu với nhiều công trình đường giao thông, nhà công vụ, nhà liên ngành, ưu tiên hiện đại hóa trang thiết bị làm việc cho các lực lượng chức năng... Phát triển và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ gắn với kinh tế cửa khẩu, phát triển du lịch, trong đó, trọng tâm là các dịch vụ thương mại, dịch vụ logistics, trung chuyển hàng hoá, tái chế hàng xuất khẩu, vận tải, kho bãi, hiện đại hoá và mở rộng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn... Những hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động tại các khu vực cửa khẩu vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, địa phương khác trong cả nước, vừa góp phần xây dựng và quản lý khu vực biên giới hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, trật tự, tạo môi trường hợp tác hữu nghị.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVI,nhiệm kỳ 2015 - 2020, đến hết năm 2020, tỉnh Lạng Sơn đã cơ bản hoàn thiện hệ thống quy hoạch, từ quy hoạch chung xây dựng đến quy hoạch chi tiết các khu vực cửa khẩu, khu chức năng của Khu kinh tế cửa khẩu; tích cực tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương và ưu tiên bố trí các nguồn vốn của tỉnh để tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng trọng yếu của Khu kinh tế cửa khẩu.
Cùng với tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu, thu hút đầu tư, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, kịp thời công bố các cửa khẩu phụ, điểm thông quan được phép tái xuất hàng hoá, giải quyết ách tắc hàng hóa cục bộ tại một số cửa khẩu; từ đó, thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giai đoạn 2016 - 2020 đạt 21.795 triệu USD, gấp 1,54 lần so với giai đoạn trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu 12.075 triệu USD, gấp 1,89 lần; nhập khẩu 9.720 triệu USD, gấp 1,24 lần. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh ước đạt 4.270 triệu USD, trong đó xuất khẩu 1.370 triệu USD; nhập khẩu 2.900 triệu USD. Hàng xuất khẩu qua địa bàn tỉnh chủ yếu là hoa quả, ván gỗ bóc, đồ gỗ mỹ nghệ, thủy sản (cá, tôm)...
Trong những năm qua, Lạng Sơn đã phối hợp với các tỉnh lân cận tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, hợp tác liên kết đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch... nhiều hoạt động được tổ chức thường niên, tiêu biểu như: “Chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc” với sự phối hợp tổ chức thường niên, luân phiên đăng cai của 6 tỉnh (Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thải Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang), đến nay chương trình đã tổ chức được 12 kỳ; các hoạt động liên kết xúc tiến quảng bá du lịch giữa Lạng Sơn với các tỉnh tham gia chương trình, các tỉnh khác như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Vĩnh Phúc... được thực hiện với nhiều hình thức, đa dạng, phong phú như liên kết website, tổ chức, tham gia các sự kiện văn hóa - thể thao - du lịch, các lễ hội, ngày hội văn hóa các dân tộc, hội nghị, hội thảo, các đoàn famtrip khảo sát kết nối tour tuyến du lịch, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng các sản phẩm du lịch, hình thành các tuyến “du lịch xanh”, “du lịch đỏ”, “du lịch về nguồn”, các tuyến du lịch trải nghiệm các di sản văn hóa các tỉnh...
Lạng Sơn đã xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện để các ngành khác cùng phát triển và góp phần thúc đẩy hội nhập nói chung. Trong giai đoạn 2010 - 2020, du lịch Lạng Sơn đã có những bước phát triển cả về lượng khách, doanh thu và sản phẩm du lịch; công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch đã phát huy hiệu quả, đã huy động được nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, trong đó có những tập đoàn có kinh nghiệm và tiềm lực lớn; hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đã được đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách; thị trường du lịch được mở rộng; nguồn nhân lực phục vụ du lịch từng bước được nâng cao; sản phẩm du lịch phát triển với một số loại hình du lịch đặc trưng của tỉnh có sức cạnh tranh cao, dần khẳng định thương hiệu và hình ảnh du lịch của tỉnh; công tác quản lý nhà nước về du lịch được quan tâm, bước đầu tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch. Đã thu hút được Tập đoàn Sun Group đầu tư dự án Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn với tổng vốn đầu tư 3.499 tỷ đồng.
Kết quả bước đầu, lượng khách du lịch đến Lạng Sơn tăng trưởng đều qua các năm, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất cho cộng đồng dân cư và giảm nghèo bền vững... Du lịch đã góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao giá trị cảnh quan, di tích để đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.
Với sự nỗ lực của tỉnh, sự hỗ trợ của Trung ương và các tỉnh bạn, kinh tế cửa khẩu gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: (1) Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển; (2) Chưa có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đủ mạnh đối với các khu chức năng thuộc Khu kinh tế cửa khẩu để tạo lợi thế so sánh cho nhà đầu tư; (3) Hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh chưa ổn định, phụ thuộc nhiều vào chính sách của Trung Quốc, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước; (4) Quản lý các hoạt động thương mại biên giới tại các cửa khẩu phụ, lối mở còn tiềm ẩn nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại... (5) Nguồn tài nguyên tự nhiên chưa được khai thác để phục vụ cho loại hình du lịch sinh thái, đặc biệt các nguồn tài nguyên văn hóa vẫn còn ở dạng tiềm năng chưa được phát huy; (6) Sản phẩm du lịch chưa phong phú, chưa tạo được thương hiệu; (7) Còn thiếu các dịch vụ bổ sung và các trung tâm vui chơi giải trí, các khu mua sắm; (8) Nguồn lực cho đầu tư phát triển còn phụ thuộc môi trường thu hút đầu tư; (9) Nguồn nhân lực lao động trong ngành du lịch còn thiếu ổn định về số lượng, chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là nhân lực du lịch được đào tạo chuyên nghiệp.
3. Hiện nay, Lạng Sơn đang xây dựng không gian và định hướng phát triển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Một tâm - một trục - ba vùng - hai tuyến - bốn trụ cột.
- Một tâm: Đầu tư phát triển thành phố Lạng Sơn-Trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh.
- Một trục: Trục phát triển kinh tế: Đồng Đăng - Hữu Lũng kéo dài từ cửa khẩu Hữu Nghị thị trấn Đồng Đăng và một phần huyện Văn Lãng (các xã Tân Thanh, Tân Mỹ, Cốc Nam) qua thị trấn Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn nối với cao tốc Lạng Sơn - Hà Nội qua địa phận huyện Chi Lăng, huyện Hữu Lũng.
- Ba vùng: Vùng kinh tế động lực của tỉnh- Vùng kinh tế phía Đông - Vùng kinh tế phía Tây.
- Hai tuyến: hai tuyến hành lang: Tuyến hành lang kinh tế Cao Lộc - Văn Lãng - Tràng Định (dọc theo cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, kết nối với Cao Bằng) và Tuyến hành lang kinh tế thành phố Lạng Sơn - Cao Lộc - Lộc Bình - Đình Lập (kết nối với Tiên Yên, Quảng Ninh):
- Bốn trụ cột: Phát triển kinh tế cửa khẩu; Phát triển du lịch; Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Để khai thác tiềm năng và lợi thế so sánh của tỉnh so với các địa phương khác về phát triển kinh tế cửa khẩu, trong đó thế mạnh là các dịch vụ logistics; nằm trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; là điểm đầu tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2026) kết nối với quê hương cách mạng Cao Bằng; thuận lợi trong việc kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh... là những tỉnh thành có thế mạnh về phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch; do đó, trong Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã đưa phát triển kinh tế cửa khẩu và phát triển du lịch là hai trong bốn chương trình trọng tâm với chủ đề “Tiếp tục tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh” và “Tập trung phát triển ngành du lịch, phấn đấu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện với 08 nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế cửa khẩu và 06 nhiệm vụ, 09 giải pháp về phát triển du lịch đến năm 2025. Đồng thời, hiện nay tỉnh Lạng Sơn đang triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xuất phát từ tầm nhìn về các khả năng phát triển của tỉnh, Lạng Sơn đang lựa chọn kịch bản tăng trưởng theo hướng đặt mục tiêu phấn đấu cao và có nhiều tác động đột phá cho sự phát triển của tỉnh. Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn dựa trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là lợi thế vị trí cửa ngõ quốc tế kết nối với thị trường Trung Quốc. Tập trung phát triển và đầu tư có trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực có lợi thế, nhất là kinh tế cửa khẩu, công nghiệp, thương mại và dịch vụ, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; theo đó, phát triển kinh tế cửa khẩu và phát triển du lịch sẽ là 2 trong 4 trụ cột phát triển trong 10 năm tới của tỉnh Lạng Sơn.
Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh Lạng Sơn xác định trong giai đoạn 10 năm tới, kinh tế cửa khẩu là trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội tạo tiền đề phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; tỉnh có những định hướng phát triển tổng quát như sau:
Về phát triển kinh tế cửa khẩu:
- Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn gắn với hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninhvà tạo liên kết của tứ giác phát triển Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; mục tiêu đến năm 2025, Lạng Sơn trở thành vùng kinh tế động lực chủ đạo phía Đông Bắc, là trung tâm dịch vụ của tiểu vùng Đông Bắc với các ngành dịch vụ trung chuyển hàng hóa, vận tải, tái chế và xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ.
- Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ như: Tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, logistics, thương mại, du lịch... Duy trì tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng GRDP; tăng dần tỷ trọng dịch vụ trong GRDP.
- Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, chuyển dịch mạnh cơ cấu nội ngành dịch vụ. Ưu tiên đầu tư vào những ngành dịch vụ phục vụ phát triển ngoại thương, kinh tế cửa khẩu, bao gồm: Xuất nhập khẩu, thương mại, du lịch. Tập trung vào các ngành thế mạnh của tỉnh như: Logistics và vận tải, dịch vụ phân phối... Chú trọng phát triển hạ tầng các ngành dịch vụ và các dịch vụ phụ trợ như: Dịch vụ tài chính, thông tin, truyền thông, tư vấn, bảo hiểm...
- Phát triển các ngành dịch vụ theo hướng hài hòa giữa các địa phương, phù hợp với điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn, hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững gắn với nâng cao uy tín, chất lượng, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm dịch vụ của Lạng Sơn.
- Tiếp tục huy động, thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, trở thành cầu nối giữa các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh (gồm kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch) với nhau và gắn kết chặt chẽ với hệ thống giao thông vùng, quốc gia, đặc biệt là mạng đường bộ cao tốc và đường sắt. Trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại tạo thuận lợi cho phát triển dịch vụ. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cần được ưu tiên bố trí cho việc phát triển, củng cố, nâng cấp, hiện đại hóa có trọng điểm kết cấu hạ tầng quan trọng như: Giao thông, cửa khẩu, viễn thông, du lịch, tài chính, ngân hàng. Tăng cường công tác vận động, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ.
- Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng là điểm khởi đầu cho sự hợp tác phát triển của tuyến hành lang kinh tế và khu, cụm công nghiệp ở Lạng Sơn. Đồng thời, là nơi xúc tiến thương mại trực tiếp giữa bên bán và bên mua hàng, là khu kinh tế mở xuyên biên giới. Trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, có đầy đủ cơ sở hạ tầng về đường, điện, thông tin, cấp và thoát nước; khu phi thuế quan, khu công nghiệp chế biến gia công hàng hóa gắn với các cửa khẩu… giữ vai trò chủ đạo kết hợp với phát triển dịch vụ thương mại, du lịch gắn với các cửa khẩu đường bộ và đường sắt của tuyến hành langkinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
- Xây dựng cụm đô thị Đồng Đăng - thành phố Lạng Sơn kết hợp với việc phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng thành khu vực có nền kinh tế năng động, trung tâm thương mại, dịch vụ và du lịch, điểm trung chuyển hàng hóa và giao thương lớn của tuyến hành lang Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và khu vực Trung Quốc + ASEAN.
- Phát triển các khu, cụm công nghiệp gắn với các điểm đô thị: Khu công nghiệp Đồng Bành (207 ha) trên cơ sở lấy Nhà máy xi măng Đồng Bành công suất 1,4 triệu tấn/năm là hạt nhân gắn với đô thị Đồng Bành; cụm công nghiệp Lạng Sơn - Cao Bằng - Đồng Đăng (100ha) gắn với phát triển đô thị; cụm công nghiệp và đô thị Lộc Bình - Na Dương (560 ha); cụm công nghiệp và đô thị Bình Gia - Bắc Sơn (50ha); cụm công nghiệp và đô thị Văn Lãng - Tràng Định (30ha);
Về phát triển du lịch:
- Phát triển thị trường và sản phẩm du lịch: (i) Thị trường nội địa: Thu hút kháchdu lịch tham quan, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng tâm linh, du lịch cuối tuần, du lịch cửa khẩu, biên giới kết hợp với mua sắm, du lịch hội thảo, hội nghị, thu hút sinh viên, học sinh, nghiên cứu sinh kết hợp tham quan, học tập, nghiên cứu thực tế... (ii) Thị trường quốc tế: Nhóm thị trường trọng điểm, ưu tiên phát triển trong giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo, gồm: Khu vực Đông Bắc Á (gồm thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc) - tập trung ưu tiên thu hút những dòng khách có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày và sử dụng dịch vụ đa dạng, cao cấp; khu vực Đông Nam Á (gồm: Singapore, Thái Lan, Lào, Malaysia...); Nhóm thị trường duy trì phát triển trước mắt đến năm 2025 và lâu dài đến năm 2030, gồm: Châu Âu, Bắc Mỹ, Úc. Các sản phẩm có thể đáp ứng nhóm khách này rất đa dạng như: Du lịch tham quan kiến trúc cổ theo phong cách Pháp ở Mẫu Sơn; tham quan cửa khẩu Hữu Nghị, ga Đồng Đăng; các di tích văn hóa lịch sử; khám phá văn hóa bản địa Tày, Nùng; du lịch cộng đồng homestay, trải nghiệm đồng quê, du lịch sinh thái (khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên); du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thương mại, tìm kiếm các cơ hội đầu tư; du lịch khảo cổ (Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng, Phai Vệ, Mai Pha)... và Nhóm thị trường tiềm năng phát triển sau năm 2030, gồm: Ấn Độ, các nước Trung Đông.
- Không gian phát triển du lịch: Không gian du lịch trung tâm gồm không gian Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và phụ cận, đặc điểm chung của không gian này là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh, khai thác du lịch chủ yếu là du lịch gắn với tài nguyên văn hóa, gắn với tài nguyên tự nhiên, gắn với cửa khẩu biên giới và trung tâm đô thị thành phố Lạng Sơn; ngoài ra, phát triển các Không gian du lịch Tây Nam, Không gian du lịch phía Tây, Không gian du lịch phía Bắc và Không gian du lịch Đông Nam là những cửa ngõ và cầu nối du lịch thành phố Lạng Sơn với Hà Nội theo QL.1A và cao tốc Bắc - Nam, với Thái Nguyên, Hà Nội và các tỉnh trung du Bắc Bộ thông qua QL.1B, với Cao Bằng và các tỉnh miền núi phía Bắc qua QL.4A, với du lịch duyên hải Đông Bắc (Quảng Ninh và Hải Phòng) qua QL.4B.
ThS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO
Học viện Tài chính