Phát huy nhân tố con người - Động lực phát triển bền vững đất nước qua gần 40 năm đổi mới

CT&PT - Trên cơ sở làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, phân tích thực trạng với những thành tựu, hạn chế và thách thức, bài viết đề xuất các giải pháp chiến lược nhằm tiếp tục phát huy nhân tố con người, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn tiếp theo.

 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc phát huy nhân tố con người

Nhân tố con người là khái niệm đề cập tổng hòa các yếu tố thuộc về con người, như: tri thức, kỹ năng, sức khỏe, đạo đức, thái độ…, đóng vai trò quyết định trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Trong phát triển bền vững, nhân tố con người được xem là trung tâm, không chỉ là đối tượng thụ hưởng các thành quả phát triển, mà còn là chủ thể sáng tạo, động lực thúc đẩy tiến bộ xã hội. Con người vừa là lực lượng sản xuất chính, vừa là nhân tố bảo đảm sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và tiến bộ xã hội.

Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh khẳng định phát triển con người toàn diện là điều kiện tiên quyết để xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Theo chủ nghĩa Mác - Lênin, con người là yếu tố trung tâm của lực lượng sản xuất, là nguồn vốn quý giá nhất, quyết định sự phát triển của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa; con người phải được đào tạo toàn diện cả về trí tuệ, thể chất, đạo đức và lối sống để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Như vậy, vai trò của nhân tố con người không chỉ dừng lại ở việc tham gia vào quá trình sản xuất, mà còn là động lực sáng tạo ra những giá trị mới, nâng cao chất lượng cuộc sống và đóng góp vào sự phát triển chung.

Hiện nay, có nhiều lý thuyết kinh tế và xã hội khẳng định vai trò quan trọng của nhân tố con người trong phát triển bền vững. Lý thuyết kinh tế học nhân lực (Human Capital Theory) cho rằng, con người là nguồn vốn quan trọng nhất trong quá trình sản xuất và phát triển kinh tế. Đầu tư vào con người thông qua giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khỏe không chỉ giúp nâng cao năng suất lao động, mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đóng góp vào sự thịnh vượng của xã hội. Theo lý thuyết này, con người không chỉ là nguồn lực lao động, mà còn là chủ thể sáng tạo, trong đó, tri thức và kỹ năng là những yếu tố quyết định sự phát triển bền vững.

Lý thuyết phát triển bền vững (Sustainable Development Theory) cũng khẳng định con người là trung tâm của mọi chiến lược phát triển. Phát triển bền vững được hiểu là quá trình phát triển đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Điều này đòi hỏi con người phải được phát triển toàn diện cả về mặt vật chất và tinh thần, được tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tối đa tiềm năng, từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát huy khả năng sáng tạo của con người có nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ giúp tạo ra giá trị cho hiện tại, mà còn góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai của xã hội. Khẳng định con người là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững, đòi hỏi việc phát huy nhân tố con người không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, hướng tới xây dựng một đất nước phát triển hài hòa, thịnh vượng và bền vững.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) quyết định thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xác định mục tiêu phát triển kinh tế gắn với ổn định xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân; đồng thời, chú trọng quyền làm chủ của nhân dân lao động, “thực chất là tôn trọng con người, phát huy sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, hướng sự sáng tạo đó vào sự nghiệp xây dựng xã hội mới”1. Với quan điểm này, mọi chủ trương, chính sách của Đảng đều nhằm mục tiêu chăm lo, bồi dưỡng phát huy nhân tố con người.

Đổi mới không đơn thuần chỉ là điều chỉnh mô hình kinh tế, mà còn là đổi mới tư duy và hành động trong quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh, đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi chiến lược phát triển. Đổi mới mạnh mẽ về thể chế, đẩy mạnh hội nhập quốc tế đã giúp Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao vị thế quốc gia.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của con người, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, nhằm phát triển toàn diện nhân tố con người. Ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, các chính sách về giáo dục, y tế, đào tạo nghề và việc làm đã được quan tâm, chú trọng nhằm nâng cao dân trí, sức khỏe và năng lực của người dân. Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa VII (năm 1993), Đảng ta nhấn mạnh: “Con người là vốn quý nhất, chăm lo hạnh phúc con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta… Chúng ta cần tìm hiểu sâu sắc những giá trị lớn lao và ý nghĩa quyết định của nhân tố con người, chủ thể của mọi sáng tạo, mọi nguồn gốc của cải vật chất và văn hoá, mọi nền văn minh của các quốc gia, phải xuất phát từ tinh thần nhân văn sâu sắc nhằm phát triển con người toàn diện, xây dựng một xã hội công bằng, nhân ái, thiết lập quan hệ thật sự tốt đẹp và tiến bộ giữa con người với con người trong sản xuất và trong đời sống”2; đồng thời khẳng định con người là trung tâm của chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Các chương trình đổi mới giáo dục, xây dựng xã hội học tập và khuyến khích sáng tạo khoa học - công nghệ đã tạo điều kiện cho mọi cá nhân phát huy khả năng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đặt mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, đạo đức và tinh thần, “đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”3. Có thể nói, những chính sách đúng đắn đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, cải thiện đời sống của nhân dân, đưa nhân tố con người trở thành động lực mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng và phát triển bền vững đất nước.

2. Thực trạng phát huy nhân tố con người tại Việt Nam

Những thành tựu đạt được

Một là, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và mức sống của người dân

Trong quá trình đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và cải thiện mức sống của người dân. Giáo dục Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, đặc biệt là ở bậc phổ thông và đại học. Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) năm 2022, Việt Nam có tỷ lệ hoàn thành cấp tiểu học rất cao (98%), tiệm cận mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học4. Việt Nam hiện đứng trong top 20 quốc gia có chất lượng giáo dục phổ thông cao nhất thế giới từ năm 20175. Các chương trình đổi mới giáo dục tập trung phát triển tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng mềm, giúp thế hệ trẻ tự tin, sẵn sàng tham gia vào nền kinh tế toàn cầu.

Về y tế, Việt Nam có bước phát triển vượt bậc trong việc cải thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng phạm vi chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2022, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của Việt Nam đạt khoảng 92,04% dân số6. Tuổi thọ trung bình của người dân tăng từ 70,5 (năm 1990) lên 75,45 (năm 2020). Chỉ số bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là 73, cao hơn mức trung bình khu vực và trung bình thế giới, trong đó, 87% dân số có bảo hiểm y tế7. Các chương trình y tế cộng đồng như tiêm chủng mở rộng, phòng, chống bệnh truyền nhiễm và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đã giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong và cải thiện sức khỏe của người dân.

Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống cũng được cải thiện rõ rệt. Năm 2022, quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 406,45 tỷ USD, tăng khoảng 50 lần so với năm 1986. Đặc biệt, trong giai đoạn 1986 - 2022, Việt Nam lọt top 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhiều nhất thế giới8. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 là 4,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021 và giảm bình quân 0,81 điểm phần trăm trong giai đoạn 2016 - 20229, giúp cải thiện đời sống của hàng triệu người dân trên khắp cả nước. Sự tăng trưởng kinh tế bền vững và các chính sách an sinh xã hội đã góp phần tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục nâng cao mức sống, bảo đảm quyền lợi cơ bản về giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội cho mọi người dân.

Hai là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành mũi nhọn

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong các ngành mũi nhọn như công nghệ thông tin, điện tử, công nghệ sinh học và y dược, là một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong quá trình đổi mới. Năm 2023, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022; đồng thời được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua, đây thực sự là một sự tiến bộ rõ rệt so với thập kỷ trước10Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm các chương trình đào tạo chuyên sâu, khuyến khích sinh viên học tập nước ngoài và tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Số lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) tăng mạnh, với hơn 50.000 sinh viên ra trường mỗi năm. Các khu công nghệ cao ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, tạo môi trường thuận lợi cho các kỹ sư, chuyên gia trẻ phát triển và cống hiến.

Sự đóng góp của các chuyên gia, kỹ sư trong các lĩnh vực công nghệ cao đã tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mang tính đột phá, giúp Việt Nam vươn lên trở thành một trong những trung tâm công nghệ tiềm năng tại khu vực Đông Nam Á11, không chỉ góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, mà còn tạo ra những cơ hội việc làm chất lượng cao, giúp cải thiện thu nhập và điều kiện sống cho người lao động, từ đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Những hạn chế và thách thức

Một là, bất bình đẳng trong cơ hội giáo dục và việc làm

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, song Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với vấn đề bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục và việc làm, đặc biệt là các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và đối với các nhóm yếu thế. Theo báo cáo của UNICEF năm 2022, tỷ lệ nhập học trung học phổ thông tại các khu vực nông thôn chỉ đạt khoảng 74%, thấp hơn so với 92% ở các khu vực thành thị12, qua đó phản ánh rõ nét khoảng cách giữa các vùng, miền. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tiếp cận chất lượng giáo dục của học sinh nông thôn, từ đó hạn chế cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập trong tương lai.

Bất bình đẳng cũng thể hiện trong thị trường lao động, nơi mà người lao động ở nông thôn và các nhóm dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các công việc có thu nhập cao và ổn định. Theo Báo cáo Lao động và việc làm của Tổng cục Thống kê năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên nông thôn là 6,5%, cao hơn mức 3,9% ở thành thị13. Hơn nữa, khoảng 20% lao động trong các ngành nông nghiệp không có bằng cấp chuyên môn, dẫn đến làm giảm khả năng tham gia vào các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao.

Hai là, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và hội nhập quốc tế

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2020, Việt Nam xếp hạng 97/141 quốc gia về chất lượng đào tạo kỹ năng, cho thấy sự cần thiết phải nâng cao năng lực của người lao động để thích ứng với thị trường lao động toàn cầu. Khoảng 80% lực lượng lao động là lao động phổ thông hoặc có kỹ năng thấp, chứng tỏ Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và dịch vụ chuyên môn cao.

Sự chênh lệch giữa nhu cầu thị trường và chất lượng đào tạo khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng phù hợp. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 50% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự có kỹ năng công nghệ thông tin, phân tích dữ liệu và quản lý dự án - những kỹ năng quan trọng trong thời đại số. Bên cạnh đó, khả năng ngoại ngữ và kỹ năng mềm của người lao động Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, nên gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với lao động của các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Những hạn chế trên không chỉ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, mà còn đặt ra nhiều thách thức trong thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Để vượt qua thách thức, cần có các chính sách đào tạo và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, bảo đảm mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận giáo dục và việc làm, từ đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước.

3. Một số giải pháp phát huy nhân tố con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo hướng hạnh phúc bền vững

Đổi mới giáo dục và đào tạo là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, nhằm phát huy tối đa nhân tố con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Theo đó, cần tiếp tục tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại, lấy người học làm trung tâm, thay thế các phương pháp truyền thống bằng cách khuyến khích tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và học qua trải nghiệm thực tế. Theo UNICEF, nhiều trường học đã áp dụng các mô hình học tập tích cực, giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo và thích nghi với các tình huống thực tế.

Bên cạnh đó, việc tăng cường đào tạo kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm và quản lý thời gian cũng cần được quan tâm, chú trọng, giúp người học thích ứng với môi trường làm việc hiện đại. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), kỹ năng mềm chiếm tới 70% yêu cầu của nhà tuyển dụng, từ đó cho thấy tầm quan trọng của việc bồi dưỡng kỹ năng mềm trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đổi mới giáo dục cần hướng tới xây dựng một nền giáo dục phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ, hướng đến hạnh phúc ngay trong mỗi giờ học, buổi học, khuyến khích tư duy tự do, sáng tạo và khả năng tự học. Đổi mới giáo dục giúp học sinh, sinh viên Việt Nam trở thành những công dân toàn cầu có trách nhiệm, sẵn sàng đối mặt với thách thức. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến nhằm thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa trong giáo dục, tạo nền tảng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là chiến lược quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường đầu tư vào nghiên cứu khoa học và công nghệ mới, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT) và công nghệ sinh học. Tỷ lệ chi cho R&D tăng lên 0,53% GDP vào năm 2022, cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Ứng dụng công nghệ trong sản xuất và đời sống sẽ giúp mang lại nhiều đột phá, như công nghệ nông nghiệp thông minh giúp tăng năng suất, giảm chi phí, hay công nghệ số hỗ trợ chẩn đoán và điều trị từ xa trong y tế.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục khuyến khích sáng kiến khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), lực lượng đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp thử nghiệm ý tưởng mới và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, cải thiện môi trường làm việc và chính sách lao động

Cải thiện môi trường làm việc là yếu tố quan trọng giúp phát huy tối đa năng lực và nâng cao hiệu quả lao động. Theo đó, doanh nghiệp tại Việt Nam cần chú trọng xây dựng môi trường làm việc thân thiện, an toàn và sáng tạo; áp dụng các chiến lược nhân sự bền vững, tập trung thu hút và “giữ chân” nhân tài, xây dựng văn hóa doanh nghiệp tích cực, hỗ trợ phát triển toàn diện cho nhân viên, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Chú trọng tăng cường chính sách phúc lợi, bảo hiểm và an sinh xã hội để bảo vệ quyền lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động. Mở rộng các chương trình bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tai nạn lao động, giúp người lao động giảm thiểu rủi ro và bảo đảm an sinh khi gặp khó khăn. Các chính sách hỗ trợ nhà ở, chăm sóc sức khỏe và đào tạo nghề cho người lao động cũng cần được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống và tạo ra một lực lượng lao động gắn bó, ổn định, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân.

Thứ tư, tăng cường vai trò̀ của văn hóa và đạo đức trong phát huy nhân tố con người

Xây dựng văn hóa tổ chức dựa trên giá trị nhân bản, khuyến khích sáng tạo và học tập suốt đời. Văn hóa và đạo đức đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy nhân tố con người, góp phần tạo ra môi trường làm việc tích cực và bền vững. Do đó, các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng văn hóa tổ chức dựa trên các giá trị như tôn trọng, công bằng, sáng tạo, khuyến khích nhân viên học tập suốt đời. Theo Báo cáo khảo sát “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2022”, 68% người lao động cảm thấy gắn kết hơn với tổ chức khi được làm việc trong môi trường đề cao giá trị con người. Các chính sách thúc đẩy văn hóa học tập sẽ giúp nâng cao năng lực cá nhân và tổ chức, đồng thời giúp doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với những thay đổi trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh trong cộng đồng, coi đây là yếu tố then chốt để phát huy nhân tố con người. Đặc biệt, việc đưa giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống vào chương trình học sẽ giúp học sinh, sinh viên phát triển nhân cách toàn diện. Lối sống lành mạnh (bao gồm duy trì sức khỏe, tham gia các hoạt động xã hội và bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống) cần được khuyến khích rộng rãi nhằm góp phần xây dựng xã hội văn minh. 


1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 9.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị Trung ương 4 khóa VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1993, tr. 5.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 136.

4, 12. Xem Báo cáo tóm tắt giáo dục Việt Nam năm 2022, https:// rg.com.vn/wbVF4.

5. Xem Đỗ Hợp: “Việt Nam lọt top 20 quốc gia tốt nhất về giáo dục”, Báo Tiền Phong điện tử, ngày 15/01/2017, https://tienphong.vn/ viet-nam-lot-top-20-quoc-gia-tot-nhat-ve-giao-duc-post929207.tpo.

6. Xem Thái Bình: “Bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92,04%: Chính sách an sinh nhân văn, ý nghĩa ngày càng được nhân lên”, Báo Sức khỏe và Đời sống điện tử, ngày 10/02/2023, https://suckhoedoisong. vn/bao-phu-bhyt-dat-9204-chinh-sach-an-sinh-nhan-van-y-nghia-ngay-cang-duoc-nhan-len-16923021017063442.htm.

7. Xem “Tổng quan Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới, https:// www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview.

8. Xem “Sau 36 năm đổi mới, GDP Việt Nam tăng gấp 50 lần, lọt top 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhiều nhất thế giới”, Trang Thông tin điện tử Ban Kinh tế Trung ương, ngày 17/8/2023, https://kinhtetrunguong.vn/kinh-te/kinh-tet-vi-mo/sau-36-nam-doi-moi-gdp-viet-nam-tang-gap-50-lan-lot-top-5-nuoc-co-quy-mo-kinh-te-tang-nhieu-nhat-the-gioi.html.

9. Xem “Thành tựu giảm nghèo và các chính sách hỗ trợ người nghèo ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2022”, Trang Thông tin điện tử Tổng cục Thống kê, ngày 09/10/2023, https://www.gso. gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/10/thanh-tuu-giam-ngheo-va-cac-chinh-sach-ho-tro-nguoi-ngheo-o-viet-nam-giai-doan-2016-2022/.

10. Xem “Tăng 2 bậc, Việt Nam xếp thứ 46 Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023”, Báo điện tử Chính phủ, ngày 27/9/2023, https:// baochinhphu.vn/tang-2-bac-viet-nam-xep-thu-46-chi-so-doi-moi-sang-tao-toan-cau-2023-10223092720022816.htm.

11. Xem “Việt Nam: Điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài trong khối ASEAN”, Tạp chí Tài chính online, ngày 22/9/2024, https:// tapchitaichinh.vn/viet-nam-diem-sang-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-trong-khoi-asean.html.

13. Tổng cục Thống kê: Báo cáo điều tra lao động và việc làm năm 2020, https://rg.com.vn/hEHC9.

TS. NGUYỄN NAM THẮNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin