Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Đỉnh cao của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nghệ thuật quân sự Việt Nam

CT&PT - Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, chủ động nắm bắt và tận dụng thời cơ, hạ quyết tâm chiến lược chính xác; xác định đúng mục tiêu chiến lược để mở đầu và kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn nhất; kiên định vận dụng đúng đắn, sáng tạo phương thức đấu tranh kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao; phát triển đến đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh… Đảng đã lãnh đạo quân và dân ta đấu tranh giành thắng lợi hoàn toàn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, tạo ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Cách đây tròn 50 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giành thắng lợi hoàn toàn đã tạo ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là minh chứng sáng rõ về đỉnh cao của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, được thể hiện qua một số nội dung cơ bản sau:

Một là, đánh giá đúng tình hình, chủ động nắm bắt và tận dụng thời cơ, hạ quyết tâm chiến lược chính xác.

Sau khi ta liên tiếp đánh bại các chiến lược chiến tranh, những cố gắng quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút quân Mỹ và quân đồng minh khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt chiến tranh phá hoại và phong tỏa đối với miền Bắc. Nhưng vì “danh dự, uy tín và quyền lợi”, Mỹ vẫn rắp tâm thực hiện cho được chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” bằng cách cung cấp vũ khí, gài nhân viên, cố vấn Mỹ ở lại làm nhiệm vụ chỉ huy, hỗ trợ cho ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn. Về phía ta, Hiệp định Pari là một thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, quân và dân ta đã bước đầu hiện thực hóa tư tưởng chiến lược trong lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”1. Nhận định rõ tình hình, tại Hội nghị lần thứ 21, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Nghị quyết số 227-NQ/TW, ngày 13/10/1973 thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới. Sau khi phân tích các khả năng phát triển của cách mạng miền Nam, Đảng ta chỉ ra hai vấn đề mấu chốt để thực hiện thống nhất nước nhà là: “Trong bất cứ tình hình nào, phải nắm vững lực lượng vũ trang, củng cố, phát triển và tăng cường ba thứ quân thật mạnh, đi đôi với xây dựng lực lượng chính trị mạnh để bảo vệ và phát triển những thành quả cách mạng, đưa cách mạng tiếp tục tiến lên”2.

Nghị quyết số 227-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã định hướng cho cách mạng miền Nam phát triển đồng bộ. Trong hai năm 1973 - 1974, quân và dân ta ở miền Nam đã đẩy mạnh các hoạt động phản công và tiến công, đẩy lùi và đánh bại các cuộc hành quân càn quét, các chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, lấn chiếm vùng giải phóng của địch, qua đó tạo ra được thế và lực mới có lợi cho ta. Cuối năm 1974, nắm chắc tình hình chiến trường, trong nước và quốc tế, tương quan giữa lực lượng cách mạng và lực lượng phản cách mạng, so sánh lực lượng giữa ta và địch, Đảng ta nhận định: quân ngụy Sài Gòn tuy quân số đông, có tổ chức, có kinh nghiệm tác chiến; còn chiếm và kiểm soát nhiều vùng đông dân, thành phố, thị xã, các trục giao thông quan trọng; hệ thống ngụy quyền từ Trung ương đến cơ sở có nhiều kinh nghiệm chống phá cách mạng trong vùng chúng kiểm soát nhưng quân ngụy Sài Gòn còn 2 điểm yếu cơ bản không khắc phục được, đó là: (1) Mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán lực lượng, quân số đông nhưng nhiều vùng quan trọng vẫn chưa được củng cố; (2) Không có lực lượng cơ động để ứng cứu cho những khu vực bị tiến công mạnh. Trên 50 vạn quân Mỹ và đồng minh cùng phần lớn binh khí kỹ thuật đã phải rút khỏi miền Nam, tạo một lỗ hổng lớn, mất chỗ dựa trực tiếp và chủ yếu đối với quân ngụy. Do đó, ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn không thể đương đầu nổi với lực lượng của ta; nhân dân ta, dân tộc ta đang đứng trước thời cơ lịch sử để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Triệt để tận dụng thời cơ lịch sử này, Ðảng ta đã hạ quyết tâm chiến lược: “Mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân ngụy… giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thống nhất nước nhà”3. Ðể bảo đảm chắc thắng cho cuộc tổng tiến công chiến lược này, Ðảng ta đã tính toán, cân nhắc rất kỹ lưỡng và chuẩn bị hết sức chu đáo. Trong đó, Đảng ta nhận định chính xác về khả năng Mỹ quay lại can thiệp với mức độ, hình thức khác nhau, từ đó chủ động ứng phó, với quyết tâm cao nhất về tinh thần và lực lượng, bảo đảm đủ điều kiện giành thắng lợi hoàn toàn, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hội nghị Bộ Chính trị từ ngày 30/9 đến ngày 07/10/1974 và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng từ ngày 18/12/1974 đến ngày 08/01/1975 đã họp bàn về quyết tâm và kế hoạch tác chiến chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Nhất là sau chiến thắng Đường 14 - Phước Long ngày 06/01/1975, Bộ Chính trị nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”4, quyết định chọn Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975. 

Thực tiễn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã diễn ra đúng chủ trương, kế hoạch dự kiến của Bộ Chính trị, chứng tỏ nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh hết sức tài tình, sáng tạo của Ðảng ta và nghệ thuật quân sự trong chiến tranh nhân dân Việt Nam đặc sắc, phong phú, phát triển đến đỉnh cao. Trong đó, thành công trước hết và nổi bật của Ðảng ta là đánh giá đúng tình hình, nắm vững thời cơ, hạ quyết tâm chiến lược chính xác.

Hai là, xác định đúng mục tiêu chiến lược để mở đầu cuộc tổng tiến công chiến lược và kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn nhất.

Sau khi hạ quyết tâm chiến lược, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định chọn Tây Nguyên làm địa bàn đột phá, mở đầu trận quyết chiến chiến lược, vì Tây Nguyên là vùng cao nguyên rộng lớn có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Ở Tây Nguyên, ta chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu để đánh trận mở đầu có tính then chốt, quyết định. Thực tế chứng minh sự lựa chọn đó là hoàn toàn chính xác và rất sáng tạo. Với việc ta giải phóng Tây Nguyên và lần lượt giải phóng các tỉnh thuộc Quân khu 2 thì toàn bộ hệ thống phòng thủ chiến lược của địch ở miền Nam bị chia cắt, tạo nên phản ứng dây chuyền, làm rung chuyển toàn bộ bộ máy chiến tranh của địch. Khi Chiến dịch Tây Nguyên chưa kết thúc, ta đã kịp thời mở các mũi tiến công về Quân khu I lúc đó đã bị cô lập, nhằm vào mục tiêu quan trọng là Huế và Ðà Nẵng. Sau khi lực lượng địch ở Quân khu 1, Quân khu 2 bị xóa sổ, cùng với những hoạt động của quân và dân ta ở Quân khu 3, Quân khu 4 của địch được đẩy mạnh, đã xuất hiện những nhân tố mới của cuộc chiến tranh: Địch bị tiêu diệt và tan rã hàng chục vạn quân; ta trên đà thắng lợi, lực lượng dồi dào, thế trận vững... Tình hình đó đã chín muồi để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Sài Gòn lấy tên Chiến dịch Hồ Chí Minh - trận quyết chiến chiến lược tại Sài Gòn - Gia Ðịnh, sào huyệt cuối cùng của địch.

Thực hiện tư tưởng chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”5, ngày 26/4/1975, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công đồng loạt vào các mục tiêu, phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch. Ngày 29/4/1975, quân ta tiến công tiêu diệt và làm tan rã các sư đoàn chủ lực số 5, 7, 25, 18 và 22 của địch. Các binh đoàn thọc sâu tiến vào cách trung tâm thành phố Sài Gòn từ 10 - 20 km. Đại sứ Mỹ và các nhân viên quân sự, binh lính cuối cùng của Mỹ lên máy bay trực thăng rút khỏi Sài Gòn vào sáng 30/4/1975. 5 giờ ngày 30/4/1975, quân ta mở đợt tiến công cuối cùng. Vào lúc 10 giờ 45 phút, phân đội xe tăng thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập. Quân ta bắt toàn bộ nội các của ngụy quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Trong 2 ngày 30/4 và 01/5, bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Quân khu 8 và Quân khu 9 nắm thời cơ, phát động quần chúng nổi dậy, tiêu diệt và làm tan rã hàng ngũ địch, giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, vùng biển và các đảo ở Tây Nam của Tổ quốc. Hơn một triệu ngụy quân và cả bộ máy ngụy quyền Sài Gòn bị đập tan. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng.

Ba là, kiên định vận dụng đúng đắn, sáng tạo phương thức đấu tranh: kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao.

Ðại thắng mùa Xuân năm 1975 là kết quả tất yếu của cả quá trình chiến đấu anh dũng, bền bỉ suốt hơn hai mươi năm của đồng bào và chiến sĩ cả nước, trực tiếp là đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, Ðảng ta đã động viên và phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân; đó là sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc vừa chiến đấu, xây dựng, vừa chi viện đắc lực sức người, sức của cho miền Nam, kết hợp với sức mạnh của đồng bào và chiến sĩ miền Nam trực tiếp trên tuyến đầu đánh Mỹ. Ðể hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, Ðảng ta đã kiên định và vận dụng sáng tạo quan điểm: con đường cách mạng miền Nam phải là con đường cách mạng bạo lực, với hai lực lượng cơ bản là lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; kết hợp khởi nghĩa với chiến tranh cách mạng; đánh địch bằng ba mũi giáp công “quân sự, chính trị, binh vận”; trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị), kết hợp chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, thực hiện đánh địch trên mọi quy mô: đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ của lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích); thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để giành quyền làm chủ. Quán triệt và nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công và phương châm chiến lược đánh lâu dài, nhưng đồng thời biết tạo thời cơ, tranh thủ thời cơ mở những cuộc tiến công chiến lược, làm thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho ta, để cuối cùng thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đánh bại hoàn toàn quân địch, giành thắng lợi triệt để và trọn vẹn.

Cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975 là đỉnh cao của sự kết hợp giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công để đánh bại và làm tan rã toàn bộ lực lượng địch, kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn, có lợi nhất, thể hiện nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh và tài thao lược quân sự sắc bén, sáng tạo, táo bạo và đúng đắn của Ðảng ta. Sự kết hợp giữa tiến công quân sự của bộ đội chủ lực và nổi dậy của quần chúng được thực hiện hết sức chặt chẽ, hiệu quả, trong suốt cuộc tổng tiến công chiến lược. Bằng một loạt trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, bộ đội chủ lực đánh thẳng vào các thành thị, trung tâm đầu não, căn cứ quân sự lớn của địch, tiêu diệt, làm tan rã lực lượng lớn và gây cho chúng hoang mang tột độ đã tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy lực lượng chính trị của quần chúng nổi dậy, đập tan bộ máy kìm kẹp của địch ở địa phương, cơ sở để giành quyền làm chủ. Tương tự như vậy, sự nổi dậy mạnh mẽ của lực lượng quần chúng nhân dân từ nông thôn đến thành thị, với nhiều hình thức đấu tranh phong phú, linh hoạt đã tạo thuận lợi cho bộ đội chủ lực cả về thế, lực và điều kiện để nhanh chóng đập tan sự kháng cự của địch; đồng thời, để tập trung lực lượng vào những mục tiêu chủ yếu của cuộc tổng tiến công.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta chủ trương ra sức tăng cường đoàn kết quốc tế, phát huy tối đa sức mạnh của thời đại, coi đó là bộ phận hợp thành của đường lối chống Mỹ, cứu nước và đặt hoạt động đối ngoại, đấu tranh ngoại giao thành một mặt trận có tầm quan trọng chiến lược, góp phần tạo nên sự vượt trội về thế và lực của nhân dân ta để đánh thắng kẻ thù. Đường lối kháng chiến và chính sách đối ngoại đúng đắn, khôn khéo của ta đã phát huy được những nhân tố thuận lợi, hạn chế những khó khăn, biến yếu tố quốc tế, yếu tố thời đại thành sức mạnh hiện thực, tăng cường thêm thế và lực để ta giành thắng lợi. Mặt trận nhân dân thế giới rộng khắp đoàn kết và ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ. Đặc biệt, sau chiến dịch ném bom B52 hòng hủy diệt Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận cuối năm 1972, hầu hết các nước đều quay lưng với Mỹ, hình thành một mặt trận bao vây, cô lập, tiến công đế quốc Mỹ từ nhiều phía. Liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia được củng cố và phát triển. Đồng thời, ta cũng tranh thủ được sự viện trợ, giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa. Sự đoàn kết, ủng hộ quốc tế về vật chất và tinh thần là biểu hiện của sức mạnh thời đại. Đảng ta đã khéo léo kết hợp chặt chẽ sức mạnh thời đại với sức mạnh dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Như vậy, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975 nói riêng, Ðảng ta đã kiên định vận dụng sáng tạo cả quy luật chiến tranh cách mạng và quy luật khởi nghĩa vũ trang, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao để tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn nhất, vào thời điểm quyết định, kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bốn là, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một minh chứng về sự phát triển đến đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam - nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Sự phát triển đó của nghệ thuật quân sự Việt Nam tập trung trên một số nội dung chủ yếu sau:

- Chủ động tạo lập thế trận, chuyển hóa thế trận linh hoạt.

Thế trận trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là sự kết tinh từ truyền thống hàng nghìn năm đánh giặc giữ nước của dân tộc ta. Từ trước năm 1975, ta đã chủ động đưa các sư đoàn chủ lực cùng nhiều lực lượng binh chủng hiện đại vào chiến trường, thành lập các quân đoàn chủ lực cơ động chiến lược, hình thành các cụm lực lượng chiến lược, bố trí tại các hướng chiến lược trọng điểm (Trị - Thiên, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ), tạo thế trận vững chắc, sẵn sàng tiến công vào các địa bàn chiến lược của địch. Ta đã tiến hành các hoạt động nghi binh chiến lược, làm cho địch không thể phán đoán được hướng tiến công chiến lược chủ yếu của ta năm 1975. Đồng thời, chỉ đạo phối hợp tác chiến các chiến trường nhằm kìm giữ, căng kéo và chia cắt lực lượng cơ động chiến lược của địch. Chỉ đạo phối hợp chiến đấu của liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia, tiến hành các hoạt động đấu tranh chính trị, ngoại giao nhằm loại trừ khả năng trở lại tham chiến của quân đội Mỹ ở chiến trường miền Nam. Ta đã chuyển hóa linh hoạt thế trận, tiến hành chia cắt về lực lượng quân địch, cô lập địch ở Huế và Đà Nẵng, tạo thế trận và thời cơ thuận lợi nhất cho Chiến dịch Huế - Đà Nẵng giành toàn thắng. Sau chiến dịch này, quân địch còn lại hoàn toàn bị cô lập, nhất là tại Sài Gòn - Gia Định. Khi Chiến dịch Tây Nguyên cơ bản hoàn thành và Chiến dịch Huế - Đà Nẵng đang diễn ra, ta tiếp tục cơ động lực lượng, lập thế trận có lợi cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.

- Tập trung có trọng điểm, tiến hành thắng lợi các chiến dịch chiến lược, chiến dịch quyết chiến chiến lược.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 được tiến hành bằng nhiều chiến dịch, trận đánh và các hoạt động tác chiến khác. Nét độc đáo của nghệ thuật quân sự là đã tập trung có trọng điểm, tiến hành thắng lợi hai chiến dịch chiến lược: Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, và chiến dịch quyết chiến chiến lược Hồ Chí Minh nhằm tiêu diệt lớn lực lượng, phá vỡ thế trận chiến dịch, chiến lược của địch, từng bước làm thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta. Chiến dịch Tây Nguyên ta tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2 của địch, buộc chúng rút bỏ Tây Nguyên và tạo ra thế chia cắt chiến lược giữa cụm quân địch ở phía Bắc và phía Nam. Chiến dịch Huế - Đà Nẵng ta tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 1 của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 12 vạn tên, tiêu diệt nhiều sư đoàn địch, trong đó có các sư đoàn tinh nhuệ, phá vỡ hoàn toàn âm mưu co cụm chiến lược của chúng. Hai chiến dịch chiến lược này làm thay đổi so sánh lực lượng về mặt chiến lược, tạo ra sự đột biến về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta, tạo ra thời cơ chiến lược sớm hơn để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiêu diệt lực lượng chủ yếu và sào huyệt cuối cùng của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, kết thúc chiến tranh.

- Nắm vững thời cơ, cơ động tiến công thần tốc, vận dụng linh hoạt các phương pháp tác chiến, kết thúc các chiến dịch trong thời gian ngắn.

Sau Chiến dịch Tây Nguyên, thời cơ chiến dịch chiến lược đã từng bước mở ra. Nắm vững thời cơ này, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta trên chiến trường cơ động tiến công thần tốc, táo bạo, vận dụng linh hoạt các phương pháp tác chiến, kết thúc các chiến dịch trong thời gian ngắn, đặc biệt là sau khi bức mật điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tới chiến trường: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”6. Đây vừa là mệnh lệnh, vừa là lời hịch cổ vũ tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ vào thời điểm vô cùng quan trọng của cuộc chiến. Trong quá trình tiến công thần tốc ấy, ta đã vận dụng hết sức linh hoạt và hiệu quả các phương pháp tác chiến, đặc biệt là phương pháp tiến công trong hành tiến, vận dụng ngay cả với tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc. Ngày 27/3, Quân ủy Trung ương điện cho Quân khu 5 và Quân đoàn 2: “Tình hình Đà Nẵng rất khẩn trương, cần có biện pháp đặc biệt nhanh chóng tiến công địch, bỏ qua những mục tiêu dọc đường đánh thẳng vào Đà Nẵng, nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất với những lực lượng có thể chuyển tới sớm nhất”7. Ta đã tiến công thần tốc, liên tục phá vỡ thế trận của địch, tiến công ngay khi địch chưa kịp ổn định thế trận, liên tục tạo ra đột biến và từ đột biến chiến dịch thành đột biến về chiến lược. Trong 2 tháng (tháng 3 và tháng 4/1975), ta đã mở nhiều chiến dịch, trong đó có 3 chiến dịch chiến lược và chiến dịch quyết chiến chiến lược. Riêng trong tháng 3, ta đã tiến hành hai chiến dịch chiến lược giành thắng lợi: Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Đặc biệt, Chiến dịch Hồ Chí Minh từ 26/4 đến 30/4/1975 là chiến dịch tiến công chiến lược binh chủng hợp thành có quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta. Ta tiến công trên tất cả các hướng, tạo thành thế hợp vây ngay từ đầu, khiến địch chỉ còn cách chấp nhận tác chiến hoặc đầu hàng. Trong đột phá chiến dịch, ta vừa đánh địch phòng ngự vòng ngoài, vừa dùng các binh đoàn chủ lực thọc sâu, đánh thẳng vào đầu não địch, khiến chúng nhanh chóng suy sụp. Lần đầu tiên trong lịch sử, ta sử dụng bộ đội tăng thiết giáp tập trung ở quy mô lữ đoàn, đảm nhiệm một hướng tiến công chủ yếu với tính chất là cụm cơ động thọc sâu, phát huy được sức đột kích nhanh và tăng cường khả năng tác chiến trong hành tiến. Sau khi đã hoàn thành công tác chuẩn bị, tập trung một khối lượng rất lớn lực lượng và phương tiện trong thời gian ngắn nhất ở vùng kế cận Sài Gòn, chiều 26/4, ta nổ súng mở màn chiến dịch. Từ 5 hướng, các quân đoàn đồng loạt tiến công Sài Gòn. Đến 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Dinh Độc Lập thất thủ, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn bị bắt. Ngày 01/5/1975, toàn bộ lực lượng còn lại của quân ngụy tan rã, ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

50 năm đã trôi qua, nhưng Ðại thắng mùa Xuân năm 1975 đã, đang và sẽ mãi là động lực tinh thần to lớn để chúng ta kiên định, vững bước trên con đường mà Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và nhân dân ta đã chọn: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiếp tục công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ra sức phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh... vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đã xác định, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.


1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 15, tr. 532.

2, 3, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 34, tr. 243; t. 35, tr. 185; t. 69, tr. 905.

4. Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr. 206.

6. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 280.

7. Thượng tá, TS. Lê Thành Công: “Công tác Hậu cần - Kỹ thuật trong Chiến dịch Huế - Đà Nng (Tháng 3/1975)”, http://ckt.gov.vn/ckt/cong-tac-hau-can-ky-thuat-trong-chien-dich-hue-da-nang-thang-3-1975-post553.html.

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí vui lòng để lại thông tin