Những bức thư Bác Hồ gửi cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ

CT&PT - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho đồng bào miền Nam những tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất. Trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đặc biệt thời kỳ đầu Nam Bộ kháng chiến, Người luôn chia sẻ với những đau thương, mất mát của đồng bào miền Nam. Người nhấn mạnh: “Dù ở xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ rất gần Nam Bộ. Tôi theo dõi từng giờ, từng phút cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào, chiến sĩ và cán bộ ta”(1).

Năm 1954, miền Bắc được giải phóng hoàn toàn, bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong khi đó, miền Nam vẫn còn lầm than dưới “gót giày” xâm lược của đế quốc Mỹ. Bác mong ước: “Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập, dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó, rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta”2. Cho đến lúc ra đi về cõi vĩnh hằng, điều trăn trở nhất của Người là miền Nam chưa được giải phóng, đất nước chưa được thống nhất, độc lập hoàn toàn và mong ước thăm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam của Người chưa được thực hiện.

Để bày tỏ niềm mong ước của Bác, chúng ta cùng điểm lại những bức thư của Bác gửi cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ từ năm 1945 đến năm 1969.

1. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1954

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, nước ta vừa giành được quyền độc lập, thì ở Nam Bộ, đêm 22 rạng sáng ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tập kích các công sở của chính quyền cách mạng, chính thức quay trở lại xâm lược miền Nam. Ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào Nam Bộ vạch trần rõ bản chất hèn nhát của thực dân Pháp và dã tâm xâm lược của chúng, đồng thời căn dặn đồng bào Nam Bộ: “Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: Chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước”3.

Trong hai ngày 29 và 30/10/1945, trước tình hình thực dân Pháp núp bóng quân đội Anh tiến hành tàn sát đồng bào Nam Bộ, Người ra Lời kêu gọi đồng bào Nam BộLời kêu gọi thanh niên Nam Bộ: “Vì công lý, cuộc kháng chiến tự vệ của dân tộc ta phải toàn thắng. Quân Pháp đi đến đâu sẽ gặp cảnh đồng không nhà vắng, không người, không lương thực. Chúng ta quyết không cộng tác với chúng, không chịu sống chung với lũ thực dân Pháp”4; “Hỡi anh chị em thanh niên Nam Bộ! Tôi thề cùng các bạn giữ vững nền độc lập tự do của nước Việt Nam. Dẫu có phải hy sinh đến nửa số dân tộc, ta cũng quyết hy sinh. Cuộc kháng chiến tự vệ chính nghĩa của dân tộc Viêt Nam phải toàn thắng”5.

Ngày 01/6/1946, Bác cùng đoàn đại biểu qua Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức, biết được tâm tư “bâng khuâng” của đồng bào cả nước nói chung và đồng bào Nam Bộ nói riêng, Người gửi thư cho đồng bào Nam Bộ với nội dung: “Tôi xin đồng bào cứ bình tĩnh. Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”6 và khẳng định: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”7.

Nhân dịp 100 ngày toàn dân kháng chiến, Bác cũng có điện văn gửi đồng bào Nam Bộ: “Trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, đồng bào Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ phấn đấu đã lâu, hy sinh đã nhiều. Nhưng càng hy sinh tranh đấu, đồng bào ta càng kiên quyết, càng dẻo dai, càng mạnh mẽ. Sự anh dũng của đồng bào trong đó đã làm gương cho đồng bào toàn quốc noi theo. Chúng ta đồng tâm hiệp lực, không sợ gian nan, kiên quyết tranh đấu đến cùng, thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất, độc lập nhất định thành công”8.

Từ năm 1947 đến năm 1953, mỗi năm khi đến ngày kỷ niệm Nam Bộ kháng chiến, người đều có thư hoặc điện gửi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Nam Bộ để khích lệ, động viên tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng của quân dân miền Nam trong cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi.

Ngày 23/9/1947, Bác gửi thư cho đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ, miền Nam Trung Bộ: “Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Lòng Hồ Chí Minh và Chính phủ cùng toàn thể quân đội và nhân dân các nơi luôn luôn ở bên cạnh các bạn, theo dõi các bạn, yêu mến các bạn. Chúng ta tay cầm tay mạnh dạn tiến lên. Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi! Thống nhất độc lập nhất định thành công!”9.

Ngày 15/9/1948, nhân dịp phái đoàn Chính phủ vào Nam, Bác gửi Thư vào Nam thăm hỏi và ghi nhận những hy sinh, cống hiến của đồng bào: “Đã hơn 3 năm, đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ đã và đang anh dũng kháng chiến để giữ vững nền độc lập, thống nhất và dân chủ mà Cách mạng Tháng Tám đã đưa lại cho nước nhà. Chính phủ luôn luôn nghĩ đến đồng bào. Và mặc dầu giao thông khó khăn, Chính phủ luôn luôn kiếm cách để liên lạc mật thiết với đồng bào”10.

Tháng 9/1950, nhân dịp kỷ niệm 5 năm Nam Bộ kháng chiến, Bác gửi Thư khen đồng bào và tướng sĩ Nam Bộ: “Quân dân Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ đã kháng chiến 5 năm và đang tiếp tục củng cố bức Thành đồng của Tổ quốc. Thực dân xâm lược Pháp dựa vào sự giúp đỡ của bọn can thiệp Mỹ và bù nhìn phản quốc đã bao phen định phá vỡ bức thành này. Nhưng chúng đã thất bại và bức Thành đồng càng ngày càng trở nên vững chắc sau mỗi mưu mô xâm chiếm của giặc”11.

Năm 1952, Người ra Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Nam Bộ kháng chiến: “Nam Bộ kháng chiến trước nhất. Chịu đựng gian khổ lâu nhất. Lại cách xa Chính phủ trung ương nhất. Hoàn cảnh rất khó khăn. Nhưng sức kháng chiến ngày càng mạnh mẽ và có nhiều thành tích rất oanh liệt, vẻ vang. Đó là vì đồng bào và bộ đội có lòng yêu nước rất nồng nàn, chí căm hờn quân giặc rất sâu sắc, lòng tin tưởng vào thắng lợi rất vững bền. Cho nên càng gian khổ, lại càng hăng hái. Như câu tục ngữ nói: Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Dù ở xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ rất gần Nam Bộ. Tôi theo dõi từng giờ, từng phút cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào, chiến sĩ và cán bộ ta”12.

Năm 1953, Người thay mặt Đảng và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi và khuyến khích cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ: “Suốt 8 năm kháng chiến anh dũng, Nam Bộ thật xứng đáng là bức tường đồng của Tổ quốc, bền bỉ chống cự bọn thực dân Pháp, can thiệp Mỹ và bè lũ Việt gian buôn dân bán nước. Càng đấu tranh gian khổ, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ lại càng hăng hái kiên quyết, càng bị thử thách, lại càng tỏ rõ đức tính kiên cường bất khuất của mình. Cuộc kháng chiến của ta nhất định thắng lợi, song phải trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh”13.

Năm 1954, sau 9 năm kháng chiến gian khổ và anh dũng, ngày nay miền Bắc đã hoàn toàn độc lập. Còn miền Nam đang do quân đội đối phương tạm đóng. Bác viết thư gửi đồng bào Nam Bộ: “Nam Bộ là thành đồng của Tổ quốc. Toàn thể đồng bào, nhất là đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn trước đây đã đoàn kết kháng chiến, nay cần phải đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi hơn nữa không phân biệt đảng phái, tôn giáo, không phân biệt trước đây đứng về phe nào và dù hiện nay đang làm việc với đối phương - đều phải đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ để đấu tranh cho Tổ quốc. Tôi thiết tha kêu gọi đồng bào trong các tôn giáo, các thân sĩ yêu nước, các sĩ quan và binh lính, cùng các nhân viên trong hàng ngũ đối phương hãy theo con đường chính nghĩa và vẻ vang của Tổ quốc, hãy cùng với các tầng lớp nhân dân mạnh dạn đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ của đất nước. Tôi đón chờ thành tích tốt đẹp của đồng bào”14.

2. Giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1969

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền, Người dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”15. Từng ngày, từng giờ, từng công việc lớn nhỏ, Người luôn hướng về miền Nam và dành sự quan tâm đặc biệt đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Nam - những người đang trực tiếp chiến đấu trên tuyến đầu chống Mỹ, góp phần quyết định thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngày 12/5/1955, trong bài viết Cái trò cải tổ của Ngô Đình Diệm làm cho tình hình miền Nam thêm căng thẳng và rối loạn liên miên, Người đã chỉ ra nhiệm vụ cấp thiết của đồng bào cả nước, đặc biệt là đồng bào miền Nam, đó là kiên quyết chống lại sự can thiệp của đế quốc Mỹ, chống lại chính sách phátxít độc tài kiểu Mỹ của Ngô Đình Diệm: “Đồng bào miền Nam cần đề cao cảnh giác trước những mưu mô mới của tớ thầy bọn Ngô Đình Diệm, kịp thời đập tan mọi mánh khóe lừa bịp của chúng. Việc tập hợp tất cả các lực lượng chống Mỹ, chống Diệm là hết sức cần thiết để đấu tranh thắng lợi. Trật tự, an ninh ở miền Nam chỉ có thể duy trì được khi nào Ngô Đình Diệm bị lật đổ và thay thế bằng một chính quyền tán thành hòa bình thống nhất, cam kết thi hành nghiêm chỉnh, triệt để Hiệp định Giơnevơ”16.

Ngày 19/6/1956, trong Thư gửi cán bộ miền Nam tập kết, Ngườinhấn mạnh: “Chính sách của chúng ta là: Củng cố miền Bắc, chiếu cố miền Nam. Muốn dựng ngôi nhà tốt, thì phải xây nền cho thật vững. Muốn cây được mạnh, lá được tươi, hoa được đẹp, quả được tốt, thì phải ra sức săn sóc, vun xới gốc cây. Miền Bắc là cái nền, cái gốc của cuộc đấu tranh hoàn thành giải phóng dân tộc, thực hiện thống nhất nước nhà. Cho nên mọi việc chúng ta làm ở miền Bắc đều nhằm tăng cường lực lượng của miền Bắc và miền Nam. Vì vậy, các cô, các chú hoạt động ở đây cũng như đấu tranh ở miền Nam, tức là đấu tranh cho miền Nam và cho cả nước Việt Nam ta”17.

Cuối năm 1960, trong bài viết Tuyên bố về tình hình miền Nam, Người nhấn mạnh: “Chính do tội ác của Mỹ - Diệm mà đồng bào miền Nam ta suốt 6 năm nay bị cảnh lửa bỏng nước sôi, mà Tổ quốc ta bị tạm thời chia cắt. Trước tình hình ấy, đồng bào miền Nam ta đoàn kết nhất trí, không phân biệt sĩ nông công thương, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, kiên quyết đấu tranh để giành lại tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng”18.

Ngày 23/12/1963, trong bài Miền Nam tất thắng đăng trên báo Nhân dân số 3556, Người khẳng định: “Hiện nay, hai phần ba đất đai đã được giải phóng, hơn 50% nhân dân sống trong vùng tự do. Có những thắng lợi vẻ vang đó là do đồng bào miền Nam đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng, do nhân dân ta có chính nghĩa; do sự nhiệt tình ủng hộ của nhân dân các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ”19.

Trong Thư gửi binh sĩ thuộc chính quyền miền Nam, đăng báo Nhân dân, số 3578, ngày 14/01/1964, Người viết: “Dù phải chiến đấu rất gay go gian khổ, đồng bào miền Nam nhất định sẽ thắng. Tuy không có máy bay, xe tăng, tàu chiến, nhưng đồng bào miền Nam đã đánh thắng những thứ vũ khí mới nhất của Mỹ, đã giải phóng hai phần ba đất đai, đã phá hơn một nửa số “ấp chiến lược”, hơn 7 triệu người được sống tự do... Đồng bào miền Nam càng đánh càng mạnh, càng mạnh càng thắng”20.

Ngày 19/12/1965, nhân dịp kỷ niệm lần thứ năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Bác gửi điện chúc mừng và thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối vào năng lực lãnh đạo của Mặt trận: “Tôi tin chắc rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Mặt trận Dân tộc giải phóng, có lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị hùng mạnh, có kinh nghiệm dồi dào, có khối đại đoàn kết của nhân dân cả nước, lại được nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ thế giới, kể cả nhân dân Mỹ, đồng tình và ủng hộ, đồng bào miền Nam ta nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng. Miền Nam Việt Nam nhất định sẽ được giải phóng! Tổ quốc Việt Nam nhất định sẽ được hòa bình, thống nhất! Đồng bào ta ở hai miền Nam Bắc nhất định sẽ được sum họp một nhà!”21.

Mùa Xuân năm 1966, nhân dịp năm mới, Bác gửi lời chúc mừng đồng bào miền Nam: “Năm vừa qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Mặt trận Dân tộc giải phóng, đồng bào miền Nam ta đã đoàn kết chặt chẽ, vượt mọi khó khăn gian khổ, kháng chiến anh dũng chống giặc Mỹ cướp nước và bè lũ bán nước và đã giành được những thắng lợi rất vẻ vang. Sang năm mới, tôi xin chúc quân và dân miền Nam anh hùng thu được nhiều thắng lợi mới to lớn hơn nữa!”22.

Trong Thư gửi luật sư Nguyễn Hữu Thọ và các vị trong Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, đăng trên báo Nhân dân, số 4804, ngày 05/6/1967, Người nhận định về thắng lợi của cách mạng miền Nam và dành nhiều lời khen ngợi đối với đồng bào và chiến sĩ miền Nam anh hùng: “Nhân dân ta đang tiến mạnh trên đà thắng lợi. Càng gần thắng lợi thì càng nhiều gian nan. Nhưng chúng ta quyết không sợ hy sinh, gian khổ. Vì độc lập, tự do của Tổ quốc, chúng ta quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn. Đồng bào và chiến sĩ miền Nam anh hùng đoàn kết một lòng, chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi là một lực lượng vô địch”23.

Nhân dịp Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam công bố bản Cương lĩnh chính trị, Người viết thư gửi Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đăng trên báo Nhân dân, số 4903, ngày 13/9/1967, trong đó nhấn mạnh: “Đồng bào, chiến sĩ và cán bộ miền Nam ta rất đoàn kết, rất anh hùng, cho nên đã thắng to. Ngày nay, toàn dân miền Nam triệu người như một, càng đoàn kết chặt chẽ, càng thực hiện đầy đủ Cương lĩnh chính trị đúng đắn của Mặt trận, càng phát huy khí phách anh hùng, nhất định sẽ hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”24.

Năm 1968, mặc dù sức khỏe của Bác yếu đi nhiều, song Bác vẫn 6 lần gửi thư và điện cho đồng bào và chiến sĩ miền Nam, trong đó ba lần gửi điện tới Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam vào các ngày 04/02/1968, 08/5/1968, 13/7/1968; và Thư khen đồng bào, chiến sĩ và cán bộ miền Nam ngày 08/9/1968; Điện thăm hỏi đồng bào miền Nam bị bão lụt 16/9/1968; Điện mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ tám ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 19/12/1968.

Năm 1969, sức khỏe của Bác suy yếu nhiều, song Bác vẫn luôn trăn trở về miền Nam ruột thịt. Từ tháng 1 đến tháng 3/1969, Người liên tiếp gửi 5 bức thư và điện cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam, trong đó có 2 bức thư gửi Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vào ngày 03/01/1969 và 18/02/1969; Bài nói chuyện tại buổi tiếp đoàn Đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc, ngày 28/02/1969; Điện khen đồng bào, cán bộ và chiến sĩ miền Nam, ngày 16/3/1969 và Điện cảm ơn Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây cũng là bức điện thư cuối cùng Người gửi đồng bào, chiến sĩ Nam Bộ: “Đế quốc Mỹ đã thua to, song chúng còn cố bám lấy miền Nam và đang giở nhiều thủ đoạn cực kỳ tàn ác và gian xảo. Nhưng dân tộc ta đang tiến mạnh đến ngày thắng lợi vẻ vang. Tổ quốc thiết tha kêu gọi đồng bào và chiến sĩ miền Nam yêu quý vượt mọi khó khăn, hăng hái xốc tới, giành nhiều thắng lợi quyết định hơn nữa”25.

Thực hiện lời căn dặn của Người, toàn dân ta, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ đã biến đau thương thành hành động, anh dũng phấn đấu, hăng hái vươn lên, đạp bằng mọi trở lực, chông gai, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đã hơn một phần hai thế kỷ trôi qua kể từ ngày Bác đi xa, song đọc những bức thư Bác viết gửi đồng bào, cán bộ và chiến sĩ miền Nam, chúng ta không khỏi xúc động về tình cảm mà Người dành cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ. Đối với Bác, miền Nam yêu quý luôn ở trong tim Người, là “Thành đồng của Tổ quốc”26.


1, 12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 496.

2, 14, 16.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 60, 217, 473.

3, 4, 5, 15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 29, 89, 90, 470.

6, 7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 280.

8, 9, 10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 136, 249, 610.

11, 26. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 443.

13, 17, 18. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 242; t. 10, tr. 349-350; 12, tr. 743.

19, 20, 21. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 221, 237, 684.

22, 23, 24, 25. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 2, 347, 366, 570.

 

ĐẶNG THỊ THANH TÂM

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin