1. Xu thế phát triển du lịch bền vững
Du lịch là một trong những ngành lớn nhất, không ngừng phát triển và ảnh hưởng tới sự tăng trưởng rộng khắp các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa. Có thể nhận thấy điều này thông qua con số thống kê về số lượng các chuyến du lịch thực hiện mỗi năm trước khi COVID-19 xuất hiện đã vượt qua dân số thế giới. Năm 2019 lượng khách du lịch quốc tế vượt 1,5 tỷ lượt, và dự kiến sẽ lên tới 1,8 tỷ lượt vào 2030. Tuy nhiên, khi du lịch phát triển ẩn chứa tiềm tàng mối đe doạ đến các sinh cảnh sống, xáo trộn đời sống hoang dã, tác động đến chất lượng nước và đe doạ cộng đồng địa phương do việc phát triển quá mức, dễ phá vỡ các giá trị văn hoá địa phương. Do đó, các quốc gia và các vùng cần lập kế hoạch một cách cẩn trọng theo hướng du lịch bền vững để mang những lợi ích đến cho cộng đồng địa phương, tôn trọng văn hoá địa phương, bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, nguồn lợi trực tiếp được mang đến cho cộng đồng địa phương.
Du lịch bền vững tìm cách duy trì số lượng, chất lượng và năng suất của cả hệ thống tài nguyên thiên nhiên và con người theo thời gian, đồng thời tôn trọng và thích ứng với các động lực của hệ thống đó. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc, du lịch bền vững là du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch hiện tại và các khu vực tiếp nhận đồng thời bảo vệ và nâng cao cơ hội cho tương lai. Mục tiêu là duy trì các lợi thế kinh tế và xã hội khi phát triển du lịch đồng thời giảm thiểu bất kỳ tác động không mong muốn nào đến môi trường tự nhiên, lịch sử, văn hóa xã hội tại địa bàn liên quan.
Nguyên tắc phát triển bền vững trong du lịch thiết lập sự cân bằng phù hợp giữa các khía cạnh môi trường, kinh tế và văn hóa xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Trong quá trình vận hành, tính bền vững thể hiện ở khía cạnh hướng tới giảm thiểu tác động đối với môi trường và văn hóa địa phương, đồng thời góp phần tạo ra thu nhập, việc làm và bảo tồn các hệ sinh thái tại đó.
Đồng thời, du lịch bền vững cung cấp các động lực kinh tế quan trọng để bảo vệ môi trường sống. Nguồn thu từ du khách thường được chuyển trở lại các chương trình bảo tồn thiên nhiên hoặc nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương để quản lý các khu bảo tồn. Hơn nữa, du lịch có thể là một phương tiện quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy thay đổi hành vi tích cực đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học trong số hàng triệu người đi du lịch trên toàn cầu mỗi năm. Tuy nhiên, xây dựng ngành du lịch bền vững vẫn đang là mục tiêu của nhiều quốc gia, đặc biệt tại các nước đang phát triển nơi mà cấp độ hiện tại chủ yếu là du lịch đại chúng.
2. Thực trạng phát triển du lịch ở Việt Nam
Hiện Việt Nam có hơn 40.000 di tích và thắng cảnh, trong đó hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.
Việt Nam cũng là một trong những số ít quốc gia trên thế giới được UNESCO công nhận nhiều di sản, gồm: Di tích Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hội An, quần thể danh thắng Tràng An, cố đô Huế, thành nhà Hồ, thánh địa Mỹ Sơn, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, vịnh Hạ Long. Đây là một trong những tiềm năng du lịch Việt Nam thu hút khách quốc tế. Hơn nữa, trên toàn lãnh thổ Việt Nam có khoảng 117 bảo tàng - nơi lưu giữ quá trình lịch sử của dân tộc với những dấu ấn hào hùng có sức lôi cuốn du khách tìm hiểu về lịch sử Việt Nam.
Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lối sống riêng khác nhau tạo thành nét cuốn hút riêng. Việt Nam còn có di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng: Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ, hát xoan, hội Gióng, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương... để thu hút khách du lịch. Đặc biệt, dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu khách, đây là một trong những yếu tố hấp dẫn và thiện cảm đối với du khách quốc tế.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xác định phát triển du lịch bền vững và bao trùm là quan điểm định hướng, dẫn dắt sự phát triển của ngành du lịch trong giai đoạn mới. Để thực hiện mục tiêu đó, các chính sách luôn hướng tới tạo môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các thành phần kinh tế có thể tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch, cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng trước pháp luật.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, ngành Du lịch Việt Nam đã tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, thông tin, dịch vụ du lịch, nơi vui chơi, giải trí, văn hóa... phục vụ du lịch, nâng cao sức hấp dẫn của tài nguyên du lịch, bảo đảm tính bền vững môi trường và phát triển nguồn nhân lực du lịch, tạo nên “đòn bẩy” quan trọng giúp Việt Nam trở thành điểm đến thu hút đối với du khách trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng cũng được xem là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch phát triển. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách và sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp trên thị trường, các doanh nghiệp du lịch buộc phải vươn lên, tự khẳng định và hoàn thiện mình thông qua việc nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội để Việt Nam có thể học hỏi từ các nước trên thế giới kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường trong nước và theo kịp trình độ quốc tế về du lịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng thuận lợi cho phát triển du lịch, ngành Du lịch Việt Nam vẫn còn một số hạn chế dẫn đến việc chưa khai thác được tiềm năng sẵn có, đồng thời có nguy cơ làm ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành: tính chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá chưa cao. Sản phẩm du lịch Việt Nam chậm đổi mới, đơn điệu, thiếu đặc sắc, ít sáng tạo, còn trùng lặp giữa các vùng miền, giá trị gia tăng hàm chứa trong sản phẩm du lịch thấp, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm, các sản phẩm chậm đổi mới trong khi nhu cầu của khách du lịch biến đổi mạnh mẽ. Các sản phẩm du lịch mới chủ yếu khai thác các giá trị tài nguyên sẵn có, chưa có nhiều sản phẩm bổ trợ nhằm thu hút khách, kích thích nhu cầu chi tiêu của khách, tăng nguồn thu cho địa phương. Việc thiếu các sản phẩm bổ trợ cũng làm giảm nhu cầu đến, cũng như khả năng quay trở lại của khách du lịch.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá mặc dù đã được quan tâm nhưng còn nhiều hạn chế, chưa chuyên nghiệp, chưa bài bản, chưa hiệu quả; mới dừng ở quảng bá hình ảnh chung, chưa tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn đặc thù cho từng sản phẩm, thương hiệu du lịch.
Các yếu tố về an ninh, an toàn, vệ sinh còn chưa được đảm bảo. Thực tế, thời gian qua, tình trạng mất vệ sinh, an ninh, trật tự tại các điểm du lịch vẫn thường xuyên xảy ra; taxi dù, hiện tượng chèo kéo, bán hàng rong, lừa đảo, ép khách du lịch vẫn thường xuyên diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là vào mùa cao điểm.
3. Một số đề xuất giải pháp
Để phát triển du lịch theo hướng bền vững, ngành Du lịch cần đề ra một số giải pháp trọng tâm như sau:
Một là, văn hóa, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường phải được gìn giữ và phát huy, nhất là giá trị các di sản lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống và những bản sắc đặc trưng của cộng đồng dân cư địa phương, tại các điểm du lịch. Duy trì và nâng cao chất lượng phong cảnh, kể cả ở nông thôn và đô thị, tránh để môi trường xuống cấp. Du lịch bền vững hướng đến du lịch xanh, sạch, thân thiện, an toàn. Hỗ trợ bảo tồn hệ động, thực vật. Bảo vệ môi trường phải được các cơ quan quản lý các cấp coi trọng, phải trở thành yêu cầu bắt buộc trong quy hoạch các đề án, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh và các khu, điểm du lịch.
Hai là, về quy hoạch và đầu tư, trên cơ sở của quy hoạch tổng thể, tiếp tục chỉ đạo rà soát, lập quy hoạch chi tiết từng khu, điểm, cụm và vùng du lịch trọng điểm, trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến quy hoạch các khu đô thị xanh. Quan tâm giải quyết tốt lợi ích Nhà nước, người lao động và doanh nghiệp để tạo niềm tin thu hút các nguồn lực xã hội vào hoàn thiện các khu, điểm, cụm du lịch hiện có mang tầm cỡ khu vực phía Bắc để tạo sức hút và sự lan tỏa.
Ba là, nhằm đa dạng sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn với du khách, các địa phương quan tâm khai thác sản phẩm thuộc các loại hình du lịch có thế mạnh đặc thù. Bên cạnh việc khai thác sản phẩm du lịch hiện có, các thành phố tập trung phát triển thêm sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm, du lịch nông nghiệp sinh thái và đường thủy, du lịch hội nghị - hội thảo (MICE), du lịch y tế…
Bốn là, cơ cấu lại ngành Du lịch, từ hoạt động xúc tiến quảng bá, định vị thị trường mục tiêu cho tới xây dựng sản phẩm phù hợp, ưu tiên xây dựng các gói kích cầu, hợp tác chặt chẽ giữa ngành Du lịch và các bên cung ứng dịch vụ liên quan như Hàng không, các lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch,... Trong đại dịch, người dân có xu hướng nâng cao ý thức về “lối sống xanh”, bảo vệ môi trường sống, môi trường tự nhiên, góp phần xây vào cộng đồng địa phương bền vững.
Năm là, triển khai nhiều hoạt động cho doanh nghiệp du lịch nhằm nâng cao kiến thức về phát triển bền vững, cách làm để có sản phẩm khác biệt, du lịch trách nhiệm với cộng đồng địa phương, bảo vệ môi trường, áp dụng các tiêu chí của phát triển du lịch bền vững…, bảo đảm các mục tiêu của phát triển du lịch bền vững gồm: Hiệu quả kinh tế; Phát triển cho địa phương; Đáp ứng sự thỏa mãn của khách du lịch; Bảo tồn các giá trị văn hóa; Bảo vệ tự nhiên; Bảo vệ môi trường; Sử dụng hiệu quả các nguồn lực; An sinh xã hội; Công bằng xã hội.
Sáu là, cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay, chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực có chất lượng trong cả quản lý ngành Du lịch, nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ. Rà soát, bổ sung cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và thực hành nghiệp vụ du lịch nhân lực hiện có; ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường, trong quản lý và phát triển du lịch, trong đào tạo nguồn nhân lực cần quan tâm đến yếu tố văn hóa của nguồn nhân lực.
ThS. LÊ TÙNG LÂM
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn