Phát triển các khu công nghiệp xanh trên địa bàn tỉnh Nam Định

CT&PT - Sau gần 30 năm hình thành và phát triển mô hình khu công nghiệp trên cả nước, đến nay, các khu công nghiệp đã và đang đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế đất nước nói chung và các địa phương nói riêng. Sự phát triển của các khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam.

1. Thực trạng phát triển các khu công nghiệp tỉnh Nam Định
Các khu công nghiệp tỉnh Nam Định đã trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 06 khu công nghiệp đã thành lập và đang hoạt động, gồm: Khu công nghiệp Hòa Xá, Khu công nghiệp Mỹ Trung, Khu công nghiệp Bảo Minh, Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, Khu công nghiệp Mỹ Thuận, với tổng diện tích là 1.288 ha; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt khoảng 55%, với 202 dự án đầu tư thứ cấp, vốn đăng ký khoảng 11.200 tỷ đồng và 1.460 triệu USD. Trong đó, có 03 khu công nghiệp đang đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư thứ cấp là Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, Khu công nghiệp Mỹ Thuận và Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng.

63-1718099711-1-20240608071444-1731478418.jpg
Khu công nghiệp Cồn Xanh thu hút nhiều nhà đầu tư lớn.

Với định hướng phát triển công nghiệp xanh - hiện đại - bền vững, cùng với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thu hút đầu tư của tỉnh, trong thời gian qua, các khu công nghiệp mới đều chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường với công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế; chú trọng tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Ngoài việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng khu công nghiệp xanh, các khu công nghiệp cũng chủ động trong việc lựa chọn, thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, thân thiện với môi trường, trong đó có thể kể đến một số nhà đầu tư lớn tiêu biểu như: Quanta Computer, JiaWei Lifestyle (Khu công nghiệp Mỹ Thuận), Tập đoàn Toray, Tập đoàn Crystal (Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông), dự án sản xuất găng tay y tế của Xingyu, dự án sản xuất giấy bao bì công nghệ cao (Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng).
Dẫn đầu trong việc quyết tâm xây dựng khu công nghiệp xanh của tỉnh là Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng). Được đầu tư xây dựng từ năm 2015 bởi Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Rạng Đông với diện tích 519,6 ha, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông tập trung thu hút các dự án đầu tư về lĩnh vực dệt may và công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, đặc biệt là các dự án dệt nhuộm. Với sứ mệnh đặt nền móng phát triển bền vững cho một trong các ngành công nghiệp vốn bị coi là gánh nặng môi trường, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông được định hướng phát triển trở thành Khu công nghiệp dệt may thông minh - sinh thái, góp phần đưa Nam Định trở thành trung tâm dệt may của miền Bắc và đóng góp chung cho sự phát triển ổn định của ngành dệt may Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, chú trọng việc đầu tư xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bền vững, hướng tới xây dựng Rạng Đông trở thành mô hình khu đô thị công nghiệp, bảo đảm an ninh cuộc sống cũng như môi trường làm việc thuận lợi cho các chuyên gia, công nhân ngay tại khu công nghiệp. Ngay từ giai đoạn đầu xây dựng, chủ đầu tư đã chú trọng đầu tư các mảng xanh, vườn ươm, hệ thống đường nội khu, khu vực hạ tầng kỹ thuật và hậu cần, bao phủ hơn 1/3 diện tích. Rạng Đông được bao quanh bởi một hệ thống tường rào bằng cây phi lao và hệ thống kênh đào có chiều dài khoảng 17 km thay cho lớp tường bêtông như nhiều khu công nghiệp truyền thống. Thiết kế này không chỉ thân thiện với môi trường, mà còn là sự kết hợp hài hòa với khu vực rừng ngập mặn kế bên khu công nghiệp. Đây cũng được đánh giá là một trong các khu công nghiệp tiêu biểu được vinh danh “Khu công nghiệp tiêu biểu 2022” do Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Bảo Minh đầu tư với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại từ các công trình hạ tầng kỹ thuật như: nhà máy cấp nước, nhà máy xử lý nước thải, hệ thống đường ống cấp thoát nước, hệ thống cây xanh, cảnh quan... đến các công trình hạ tầng xã hội như nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở chuyên gia cũng được xây dựng hoàn thiện, là một trong những khu công nghiệp xanh - sạch - đẹp của tỉnh và khu vực.
2. Phương hướng phát triển khu công nghiệp xanh trên địa bàn tỉnh Nam Định
Trên cơ sở triển khai thực hiện Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 882/QĐ-TTg, ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch số 113/KH-UBND, ngày 16/8/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 trên địa bàn tỉnh. Một trong những mục tiêu cụ thể đề ra là chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. 
Trong thời gian tới, mô hình khu công nghiệp xanh sẽ là một xu hướng tất yếu mà Ban Quản lý các khu công nghiệp hướng tới khi triển khai thành lập các khu công nghiệp mới cũng như chuyển đổi xanh hóa các khu công nghiệp hiện hữu để bảo đảm phát triển bền vững. Để thực hiện định hướng phát triển các khu công nghiệp xanh, cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, có giải pháp quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ ngay từ khi lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp như: hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc... Trong đó, chú trọng việc thu gom, xử lý nước thải triệt để, xử lý khép kín và kiểm soát chặt chẽ. Các khu xử lý, lưu giữ chất thải, khu cây xanh cách ly phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Hai là, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo vào công tác quản lý, vận hành hạ tầng khu công nghiệp như kiểm soát camera an ninh trật tự bằng AI, kiểm soát nước thải bằng việc thiết kế trạm quan trắc nước thải online, xây dựng hệ thống tưới cây, rửa đường... Qua đó, tạo sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư về khu công nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường.
Ba là, lựa chọn các dự án đầu tư vào khu công nghiệp theo hướng các dự án vốn lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Các dự án thứ cấp phải bảo đảm tuân thủ yêu cầu về ngành nghề thu hút đầu tư. Các nguồn chất thải phải được kiểm soát chặt chẽ và phải được xử lý trước khi thải ra môi trường hoặc thu gom về khu xử lý tập trung của khu công nghiệp trước khi thải ra môi trường theo đúng quy định.
Bốn là, đối với các khu công nghiệp hiện có, tăng cường rà soát, cải tạo, điều chỉnh các công trình hạ tầng, kịp thời bổ sung, sửa chữa về hệ thống cây xanh, hệ thống thu gom nước thải, hệ thống thoát nước mưa... nhằm thu gom và kiểm soát triệt để các nguồn thải từ các dự án về khu xử lý tập trung của khu công nghiệp. Đồng thời, tăng cường cải tiến, nâng cao hiệu quả xử lý nước thải; chỉnh trang khu công nghiệp theo các giai đoạn phù hợp để dần chuyển đổi từ mô hình khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp xanh.
Năm là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến về các lợi ích của mô hình khu công nghiệp xanh, phát triển bền vững tới chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và các nhà đầu tư trong khu công nghiệp. Qua đó, tạo sự chuyển biến từ từng nhà máy trong khu công nghiệp đến cộng đồng doanh nghiệp, tạo chuỗi liên kết cộng sinh công nghiệp, hỗ trợ nhau trong sản xuất, giảm chi phí, phát thải ra môi trường.
Sáu là, nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể đối với các mô hình khu công nghiệp xanh, nhằm tạo động lực chuyển biến mạnh mẽ cho doanh nghiệp.


VĂN THỊ HÀ

Trường Chính trị Trường Chinh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin