Phát huy vai trò của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay

CT&PT - Tổ chức cơ sở đảng giữ vai trò nền tảng, hạt nhân chính trị của Đảng ở cơ sở, là nơi trực tiếp tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời là cầu nối trực tiếp giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Phát huy vai trò của tổ chức cơ sở đảng góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Thực tiễn 93 năm xây dựng và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh, dù ở bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, tổ chức cơ sở đảng luôn là gốc rễ, hạt nhân chính trị lãnh đạo của Đảng ở cơ sở; đồng thời, trực tiếp tiến hành các hoạt động xây dựng nội bộ Đảng. Do vậy, có thể khẳng định, tổ chức cơ sở đảng là nền tảng có vai trò quan trọng quyết định năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo, vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, góp phần định hướng tư tưởng chính trị cho doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển. Các tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp là hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, người lao động, tuyên truyền, vận động các thành viên trong doanh nghiệp thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ của công ty và các quy chế, quy định của doanh nghiệp; tham gia xây dựng và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước, bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, cổ đông và người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Trong thời gian qua, các tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn giữ vững và phát huy vai trò hạt nhân chính trị trong lãnh đạo thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tiễn cho thấy, các tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống tại Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang từng bước phát huy vai trò nòng cốt, đóng góp tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp. Cấp ủy, tổ chức đảng trong doanh nghiệp tích cực tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công nhân viên, người lao động và các thành viên trong bộ máy quản lý của doanh nghiệp chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động; tạo lập mối quan hệ giữa cấp ủy đảng với Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) và các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp, tạo môi trường làm việc lành mạnh, đoàn kết, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Một số tổ chức cơ sở đảng khẳng định vai trò lãnh đạo trong việc đề ra các biện pháp thực hiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh, làm tốt công tác chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và người lao động; tham gia sắp xếp, tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ, giới thiệu những cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực, đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia vào bộ máy lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp. Các cấp ủy cơ sở đã ban hành các quy định, quy chế, nghị quyết, chương trình hành động, cải cách lề lối, tác phong làm việc, xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở... Qua đó, quy tụ, tập hợp, phát huy sức mạnh của các tổ chức, cá nhân trong doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp - cổ đông - người lao động.

Bên cạnh đó, cấp ủy, tổ chức đảng tập trung chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể trong doanh nghiệp thường xuyên phát động phong trào thi đua yêu nước, qua đó lựa chọn, giới thiệu những quần chúng ưu tú đứng trong hàng ngũ Đảng; quan tâm bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng từ công nhân, người lao động và người quản lý doanh nghiệp. Việc duy trì chế độ sinh hoạt đảng trong các doanh nghiệp cũng được quan tâm thực hiện. Nội dung sinh hoạt từng bước được đổi mới, nâng cao chất lượng, gắn với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và mục tiêu phát triển của doanh nghiệp; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, qua đó trao đổi, phối hợp với Hội đồng quản trị, doanh nghiệp giải quyết kịp thời những khó khăn, bảo đảm sự hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp.

Với vai trò lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc xây dựng và củng cố tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, phát triển đảng viên, đoàn viên trong các doanh nghiệp đã góp phần tích cực, hiệu quả công tác xây dựng đảng; đảng viên mới kết nạp bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, thật sự là quần chúng ưu tú tại nơi làm việc và nơi cư trú, được quần chúng tín nhiệm, có năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện và vận động quần chúng lao động tham gia thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, phát triển thành phố. Mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của các tổ chức đảng và công tác phát triển đảng trong các doanh nghiệp được các cấp ủy từng bước hoàn thiện. Các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành tốt kỷ luật lao động, góp phần quan trọng vào việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống tại Thành phố Hồ Chí Minh, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động về vai trò của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống và chủ doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng của tổ chức cơ sở đảng; nhiệm vụ xây dựng, phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp. Tuyên truyền, phổ biến và quán triệt thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Qua đó, nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và người lao động về vai trò hạt nhân chính trị quan trọng của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp.

Thứ hai, cấp ủy, tổ chức đảng trong doanh nghiệp cần quan tâm nâng cao chất lượng đảng viên trong doanh nghiệp

Mỗi đảng viên, trước hết là cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy phải luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng hành cùng doanh nghiệp trong các hoạt động, thực sự là tấm gương sáng về đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, vững vàng về lý luận chính trị; có ý thức tổ chức kỷ luật, tiên phong đi đầu trong mọi mặt, nói đi đôi với làm; am hiểu và chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có khả năng tập hợp và thuyết phục quần chúng. Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tâm tư, nguyện vọng của người lao động, từ đó có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp.

Thứ ba, đổi mới nội dung sinh hoạt đảng trong các doanh nghiệp theo hướng phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm

Chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ theo hướng thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm; không tiến hành sinh hoạt chi bộ hình thức, một chiều. Nội dung sinh hoạt chi bộ phải gắn với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy các hoạt động sản xuất của người lao động trong doanh nghiệp. Trong quá trình sinh hoạt chi bộ phải phát huy được tinh thần tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình của đảng viên. Chú trọng xây dựng đội ngũ cấp ủy, cán bộ phụ trách công tác đảng, đoàn thể và đảng viên trong doanh nghiệp; mở các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng công tác đảng, đoàn thể. Hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả đối với các tổ chức đảng ở doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ. Tăng cường sinh hoạt chuyên đề, đưa nội dung Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị vào các buổi sinh hoạt định kỳ. Phấn đấu 100% các chi bộ thực hiện việc họp cấp ủy trước khi họp chi bộ; tỷ lệ đảng viên tham gia các buổi sinh hoạt chi bộ đạt từ 90% trở lên.

Thứ tư, có cơ chế, chính sách phù hợp đối với cán bộ làm công tác xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp

Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các quy định của Trung ương về các chế độ chi phục vụ công tác đảng, trước hết, cần thực hiện đầy đủ chế độ hoạt động công tác đảng theo Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 30/5/2012 của Ban Bí thư về quy định chế độ hoạt động công tác đảng của tổ chức cơ sở đảng, đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở, Quyết định số 169-QĐ/TW, ngày 24/6/2008 của Ban Bí thư về chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cấp ủy viên các cấp. Căn cứ vào điều kiện thực tiễn, cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ chuyên trách, cộng tác viên làm công tác xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện thuận lợi để cấp ủy, tổ chức đảng trong doanh nghiệp hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc thực hiện các văn bản của Trung ương về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp

Tăng cường sơ kết, tổng kết, kịp thời rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả và nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, điển hình tiên tiến. Tổ chức gặp gỡ, động viên, biểu dương những doanh nghiệp thực hiện hiệu quả công tác phát triển đảng, đoàn thể; đồng thời, xây dựng chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp có tổ chức đảng, đoàn thể hoạt động hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của đảng viên, người lao động và doanh nghiệp, từ đó giúp cho việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể, đảng viên, hội viên trong các doanh nghiệp đạt kết quả cao hơn.

Doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt phát triển kinh tế xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống. Để các doanh nghiệp này tiếp tục trở thành lực lượng chính góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, cần phát huy mạnh mẽ vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp , góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

2. Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 20/12/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điêu lệ trở xuống.

 

ThS. HÀ THỊ HỒNG HẢI

Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin