Phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Phạm Thị Hương

CT&PT - Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là sự phát triển đến đỉnh cao của lòng yêu nước, gồm hệ thống những tư tưởng, tình cảm, quan điểm, quan niệm lấy đạo lý yêu nước làm điểm cốt yếu, thể hiện ở tinh thần, hành động sẵn sàng hy sinh vì nước, vì dân để bảo vệ Tổ quốc, giống nòi. Có thể thấy, ý thức phục vụ Tổ quốc nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân Việt Nam... là những yếu tố không tách rời, gắn bó với nhau thành một khối thống nhất, trong đó có sự hài hòa giữa lý tính và cảm tính, tư tưởng và tình cảm, suy nghĩ và hành động, nói và làm. Đó là tinh hoa của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, được hình thành, vun đắp, bồi dưỡng qua nhiều thế hệ và trở thành những giá trị bền vững của dân tộc.

Chủ nghĩa yêu nước truyền thống được biểu hiện ở một số nội dung cơ bản như: yêu gia đình, hàng xóm, quê hương xứ sở; yêu con người, nhân dân, đồng bào; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; ý thức bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước, ý chí tự chủ, tự cường, lòng tự hào dân tộc. Các nội dung này có mối quan hệ gắn bó với nhau. Ở mỗi giai đoạn, thời kỳ, mỗi trang sử đầy đau thương và mất mát của đất nước, nội dung của chủ nghĩa yêu nước có biểu hiện, mức độ khác nhau, song đều mang đậm cốt cách, suy nghĩ và hành động của mỗi người dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có thể khẳng định, chủ nghĩa yêu nước không chỉ là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với tư tưởng “lấy dân làm gốc”, mong muốn đem lại hạnh phúc cho nhân dân, mà đó còn là giá trị chuẩn mực cao nhất của đạo lý, đứng đầu trong thang bậc giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam, là cội nguồn sức mạnh, động lực nội sinh to lớn, tạo nên sức mạnh của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, vì sự trường tồn và phát triển của quốc gia, dân tộc.

Kế thừa truyền thống của dân tộc, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho việc xây dựng và thực hiện chủ trương, chính sách nhằm khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc nhưng ở từng giai đoạn, từng hoàn cảnh có cách thể hiện, mức độ khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại càng sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Về ý chí tự lực, tự cường, trong suốt quá trình tìm đường cứu nước cũng như lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần tự lực, tự cường và coi đó là phương châm hành động của cách mạng Việt Nam. Theo Người, tự lực, tự cường là không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài; là tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính; là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng, Người khẳng định “Muốn người ta giúp cho, thì trước hết phải tự giúp lấy mình đã” , “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Thực tiễn cho thấy, những thắng lợi của cách mạng Việt Nam bên cạnh việc nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế thì chính sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã tạo nên sức mạnh nội lực to lớn, là nhân tố quyết định. Điều này thể hiện rõ trong thành công của Cách mạng tháng Tám 1945, tranh thủ thời cơ “nghìn năm có một” của tình hình quốc tế, trong nước để “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Tiếp đó, trong điều kiện khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc”, ngày 19/12/1946, Người đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Chính bằng tinh thần tự lực, tự cường của nhân dân ta đã tạo nên sức mạnh to lớn dẫn đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng rất chú trọng, nhấn mạnh vấn đề phát huy ý chí tự lực, tự cường của con người Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, Đảng xác định luôn nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh trong nhiệm vụ cách mạng hai miền, cổ vũ nhân dân miền Bắc “tự lực cánh sinh để xây dựng một nền kinh tế tự chủ”, ở miền Nam “kháng chiến lâu dài, tự lực cánh sinh, diệt giặc cứu nước”. Ở các kỳ Đại hội tiếp theo, vấn đề phát huy ý chí tự lực, tự cường đều được nhấn mạnh và gắn liền với nhiệm vụ cách mạng của giai đoạn đó như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV gắn liền với nhiệm vụ “đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phát huy vai trò then chốt của cách mạng khoa học - kỹ thuật”; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI gắn liền với “kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, năng động và sáng tạo” để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Về sức mạnh đoàn kết, Ph. Ăngghen và C. Mác đã đưa ra khẩu hiệu: “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”. Sau này, V.I. Lênin đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác và phát triển trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa với khẩu hiệu bất hủ: “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại” - trở thành kim chỉ nam trong cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản các nước chính quốc và các dân tộc thuộc địa trong đó Việt Nam. Đồng thời, nhấn mạnh tinh thần đoàn kết quốc tế giữa giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức chống lại kẻ thù chung là chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, nhân dân là người sáng tạo lịch sử, sự liên kết giai cấp, trước hết là liên minh giai cấp công nhân với nông dân là hết sức cần thiết, bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng vô sản. Kế thừa truyền thống đoàn kết của dân tộc, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, nhất quán, lâu dài và xuyên suốt tiến trình cách mạng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Trong các tác phẩm của mình, Người đã có hơn 200 bài viết, bài nói về đoàn kết, cụm từ “đoàn kết” được nhắc tới hơn hai nghìn lần và cụm từ “đại đoàn kết” được nhắc tới hơn tám mươi lần. Người khẳng định “Sử dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn” ; “Ở trong xã hội, muốn thành công phải có ba điều kiện là: thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Ba điều kiện ấy đều quan trọng cả. Nhưng thiên thời không quan trọng bằng địa lợi, mà địa lợi không quan trọng bằng nhân hòa. Nhân hòa là thế nào? Nhân hòa là tất cả mọi người đều nhất trí. Nhân hòa là quan trọng hơn hết”.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là tư duy xuyên suốt qua các kỳ đại hội Đảng, luôn là nội dung quan trọng trong chủ trương, đường lối của Đảng. Ngay từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên (tháng 02/1930), Đảng đã chú trọng xây dựng khối đoàn kết giữa các giai tầng trong xã hội Việt Nam và đoàn kết với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới. Thực hiện chủ trương đó, Đảng có những quyết sách thành lập Mặt trận với các tên gọi khác nhau cho phù hợp với đặc điểm cách mạng từng giai đoạn với mục đích xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, về đại đoàn kết toàn dân tộc, về Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII trong chủ đề và cũng là tiêu đề của Báo cáo chính trị đều có nội dung phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi có Ðảng đã chứng minh: Một dân tộc nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu với vũ khí thô sơ như Việt Nam nhưng lại có thể chiến thắng hai kẻ địch hùng mạnh như thực dân Pháp, đế quốc Mỹ với trang bị vũ khí hiện đại, tất cả là nhờ cả dân tộc ta đã đoàn kết một lòng, “triệu người như một”. Chính nhờ sức mạnh của khối đại đoàn kết ấy, chúng ta lại tiếp tục vượt qua những đau thương, mất mát của chiến tranh đạt được thành tựu nhất định trong công cuộc đổi mới đất nước, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vấn đề phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Đảng ta kế thừa và phát triển, cụ thể hơn, mạnh mẽ hơn: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc…”. Điểm mới ở đây là Đảng đã bổ sung “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí” và “kết hợp với sức mạnh thời đại” vào nội dung “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” để trở thành “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại…”. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia như hiện nay thì việc giữ vững độc lập, chủ quyền, môi trường hòa bình, ổn định, phát triển nhanh, bền vững đóng vai trò quan trọng. Do đó, việc đưa nội dung “phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại…” vào chủ đề Đại hội XIII là cần thiết, đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng.

Để phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ bằng các giải pháp: cụ thể hóa thành các chính sách và phong trào thi đua yêu nước với hình thức, nội dung phong phú trên tất cả các lĩnh vực; không dừng lại ở việc tuyên truyền, kêu gọi thông thường mà phải chỉ dẫn các hành động cụ thể; chú trọng đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá các môn học trong nhà trường, đặc biệt là môn lịch sử, giáo dục công dân; đẩy mạnh học tập suốt đời theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực gắn với việc làm hằng ngày của mỗi người dân.

Hai là, xây dựng chính sách khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khát vọng xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh. Tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy tài năng, trí tuệ, phẩm chất, giá trị, sức mạnh con người Việt Nam; có cơ chế đào tạo, trọng dụng nhân tài; khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ba là, phát huy cao hơn nữa vai trò của Mặt trận tổ quốc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào ta ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, tăng cường xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc bằng các giải pháp: quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân để nhân dân được ấm no, hạnh phúc, yên tâm, tin tưởng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của “thế trận lòng dân”; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp theo hướng gần dân, chăm lo cho nhân dân; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước…


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

2. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

ThS. Phạm Thị Hương

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin