Nhận diện mô hình tăng trưởng kinh tế mới

CT&PT - Với chủ trương “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ dựa vào tài nguyên (trong đó có tài nguyên nhân lực) là chính sang mô hình phát triển dựa vào tri thức và hiệu quả, tức là chuyển từ mô hình phát triển theo chiều rộng sang mô hình phát triển theo chiều sâu.

Nghị quyết Đại hội XIII khẳng định “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước1. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII khẳng định nội dung của việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế là “chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. … thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu2. Liên quan tới sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng này, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của đất nước khẳng định “Phát triển mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính của tăng trưởng kinh tế3. Mục tiêu này cũng tương thích với đề xuất của các chuyên gia ADB về việc xây dựng một nền kinh tế tri thức với 4 trụ cột là phát triển hệ thống giáo dục và lực lượng lao động có kỹ năng tốt; thiết lập và vận hành một hệ thống đổi mới của quốc gia; thiết lập mạng lưới liên kết toàn quốc và xây dựng hệ thống chính sách và môi trường điều hành linh hoạt, hiệu quả4.

tai-xuong-18-1728429350.jfif
 

Mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa vào tri thức và hiệu quả có những đặc điểm cơ bản là:

  • Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và các hệ thống sản xuất kinh doanh;

  • Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong cơ cấu công nghiệp;

  • Nông nghiệp sạch, có giá trị cao, có hàm lượng chế biến cao chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp;

  • Các dạng năng lượng mới, vật liệu mới được sử dụng ngày càng nhiều;

  • Công nghiệp tái chế đảm nhận việc chế biến, tận dụng lại vật liệu cũ ngày càng triệt để.

Ngoài những đặc điểm trên, Đảng và Nhà nước chủ trương xây dựng nền kinh tế hiện đại đáp ứng được những yêu cầu cơ bản sau đây:

  • Phát triển bền vững trên cơ sở công nghiệp hóa;

  • Sự phát triển kinh tế gắn với nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân trong nền kinh tế toàn cầu;

  • Tăng trưởng kinh tế gắn với nâng cao nội lực của nền kinh tế và quốc gia;

  • Duy trì sự tăng trưởng với tốc độ cao đồng thời với việc nâng cao hiệu quả của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu, nâng cao đời sống của nhân dân.

Như vậy, có thể hình dung nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới có những đặc trưng chủ yếu sau:

  • Phát triển các lĩnh vực, các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, hàm lượng công nghệ lớn, có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.

  • Nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, tập trung phát triển những ngành công nghiệp nền tảng, nhất là công nghiệp cơ khí, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu; ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

  • Phát triển các ngành công nghiệp vẫn còn có lợi thế (chế biến nông sản, dệt may, da giày...), tạo nhiều việc làm, sản xuất hàng xuất khẩu, đóng góp lớn vào giá trị gia tăng quốc gia.

  • Nâng cao trình độ khoa học - công nghệ ngành xây dựng nhằm đủ năng lực thiết kế, thi công các công trình xây dựng lớn, phức tạp, hiện đại, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.

  • Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị.

  • Tập trung phát triển mạnh một số ngành dịch vụ như: du lịch, thương mại, viễn thông, công nghệ thông tin, vận tải, logistics, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ tư vấn pháp lý... Hiện đại hoá và mở rộng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, dịch vụ y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, dịch vụ văn hoá, thể thao, dịch vụ thương mại.

  • Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, điều tra tài nguyên, môi trường biển; xây dựng cơ sở dữ liệu số về biển, đảo, nâng cao năng lực giám sát môi trường biển, dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu vùng biển, ven biển.

  • Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Tập trung ưu tiên đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường không kết nối các vùng, khu vực, các trung tâm kinh tế trong nước và quốc tế; phát triển hạ tầng năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, bảo đảm an ninh năng lượng, cung cấp đủ, ổn định năng lượng cho nền kinh tế và sinh hoạt xã hội; phát triển hạ tầng thuỷ lợi theo hướng đa mục tiêu, bảo đảm an ninh nguồn nước, gắn với phòng, chống thiên tai; tập trung cao hơn các nguồn lực cho thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng đồng bộ, hiện đại hạ tầng đô thị, nhất là các đô thị lớn; tạo bứt phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia...

Ngoài ra, cần thiết lập và đưa vào vận hành một cách có hiệu quả một hệ thống “cơ sở hạ tầng tri thức” và một hệ thống quản lý, điều hành đa tầng đảm bảo chuyển hóa được ngày càng nhiều tri thức, đặc biệt là những tri thức mới, thành của cải vật chất phục vụ đời sống5. Đương nhiên, những đặc điểm này của nền kinh tế phát triển theo chiều sâu không tách rời thực tế là nền kinh tế Việt Nam vẫn ở trình độ phát triển thấp, hiệu quả và sức cạnh tranh còn hạn chế, còn nhiều yếu tố cản trở sự quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới. Hơn nữa, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sự phát triển của cơ cấu sản phẩm sẽ dẫn tới sự thay đổi mạnh mẽ trong cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động Việt Nam. Sự chuyển đổi này còn có tác động mạnh mẽ hơn nữa tới cơ cấu nhân lực Việt Nam khi quá trình nâng cao trình độ kỹ thuật - công nghệ của nền kinh tế Việt Nam được đẩy mạnh và quy mô của nó được mở rộng.


1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.2, tr. 329.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr. 120-121.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr. 227.

4. ADB (2007), Moving Toward Knowledge-Based Economies: Asian Experiences.

5. Loet Leydesdorff (2010), The Knowledge-Based Economy and the Triple Helix Model. Annual Review of Information Science and Technology 44.

NCS. NGUYỄN ĐỨC ANH

Đại học Kinh tế - Luật 

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin