1. Sự điều chỉnh lý luận của chủ nghĩa xã hội dân chủ sau Chiến tranh lạnh
Là một trong ba trào lưu lý luận chính trị - xã hội đương đại chủ yếu, có quá trình lịch sử lâu đời với nhiều giai đoạn tồn tại và phát triển phức tạp, sau những biến động ở Đông Âu và Liên Xô cuối thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội dân chủ cũng lâm vào khủng hoảng cả về lý luận và thực tiễn, buộc phải tiến hành điều chỉnh quan điểm lý luận, cũng như chiến lược, chính sách. Có thể khái quát sự điều chỉnh lý luận của chủ nghĩa xã hội dân chủ sau Chiến tranh lạnh ở một số nội dung chủ yếu sau:
Trước hết, định vị lại tính chất, mục tiêu của chủ nghĩa xã hội dân chủ: Chủ nghĩa xã hội dân chủ trong lịch sử là khái niệm từng đồng nghĩa với chủ nghĩa xã hội khoa học; tuy nhiên, theo thời gian lại ngày càng xa rời chủ nghĩa xã hội khoa học, thông qua việc phản đối cách mạng bạo lực, chủ trương dùng biện pháp “dân chủ” để thực hiện chủ nghĩa xã hội.
Sau biến động ở Liên Xô - Đông Âu, chủ nghĩa xã hội dân chủ mong muốn định vị lại tính chất, mục tiêu của mình, chủ trương dùng khái niệm “chủ nghĩa dân chủ xã hội” để thay thế cho khái niệm “chủ nghĩa xã hội dân chủ”. Theo những người xã hội dân chủ, “chủ nghĩa dân chủ xã hội” mà họ muốn nói đến ở đây là “chủ nghĩa dân chủ của xã hội”, chủ thể của nó đã trở thành “chủ nghĩa dân chủ”. Do đó, phải trao cho chế độ dân chủ hiện nay nội dung “xã hội”, chứ không còn mong muốn dùng chủ nghĩa xã hội với tư cách là chế độ để thay thế chủ nghĩa tư bản nữa1.
Điều này chứng tỏ, chủ nghĩa xã hội dân chủ đã thay đổi sự lý giải về chủ nghĩa xã hội, hoàn toàn từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội.
Thứ hai, đề xuất lý luận “con đường thứ ba mới”: Khái niệm con đường thứ ba này không nhằm vào ranh giới giữa cách mạng xã hội với cải lương xã hội, cũng không nhằm vào sự xung đột và đối kháng giữa hai hệ tư tưởng và chế độ chính trị là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản (như khái niệm “con đường thứ ba” được chủ nghĩa xã hội dân chủ đề ra trong thời kỳ Chiến tranh lạnh), mà nhằm vào ý thức chính trị và mô thức vận hành chính trị tả - hữu truyền thống trong nội bộ xã hội tư bản.
Những định hướng lớn của lý luận “con đường thứ ba mới” được khái quát ở một số nội dung sau2: (1) Thay đổi triết lý chính trị và hệ tư tưởng, để đại đa số quần chúng thuộc các giai tầng xã hội đều thừa nhận; xây dựng trung tâm chính trị mới để có thể đoàn kết được các lực lượng chính trị, các tổ chức xã hội; (2) Về mặt cương lĩnh chính trị, tuy khôi phục lại các giá trị truyền thống, như tự do, bình đẳng, đoàn kết, nhưng lại nhấn mạnh “dân chủ hóa”, “đa nguyên hóa chính trị”, làm nổi bật “tự do”, “nhân quyền”; tuyên bố “tôn trọng nhân quyền là tiêu chuẩn quan trọng để đo hành vi xã hội”, là nguyên tắc quan trọng cho quan hệ đối ngoại; (3) Về cương lĩnh kinh tế, chủ trương “kinh tế hỗn hợp kiểu mới”, không chú trọng chế độ sở hữu mà là thực hiện “cạnh tranh và quy tắc”. Mục tiêu cải tạo nhà nước phúc lợi truyền thống thành “nhà nước đầu tư xã hội”; (4) Về mặt hành vi cầm quyền, xây dựng tổ chức và hợp tác quốc tế, nhấn mạnh xây dựng phong cách quản lý công khai, rõ ràng, thực hiện nới lỏng quyền lực hoặc địa phương tự trị để chính phủ tiếp cận dân chúng, tăng cường tín nhiệm của dân chúng và tăng cường sức sống của xã hội công dân. Song song với việc tăng cường sức mạnh, mở rộng ảnh hưởng ở trong nước, mong muốn xác lập địa vị trong cục diện chính trị quốc tế mới.
Mặc dù luôn có những khác biệt trong các nền dân chủ xã hội xung quanh sự biến đổi lịch sử của chủ nghĩa xã hội dân chủ, nhưng đa số đều nhất trí quan điểm chung là, chủ nghĩa xã hội dân chủ cần thích ứng với những thay đổi mới của thời đại và cải cách sâu rộng mô hình truyền thống trước đây theo lý luận “con đường thứ ba mới”.
Thứ ba, sau thất bại của lý luận “con đường thứ ba mới”, chủ nghĩa xã hội dân chủ tích cực tìm kiếm một chiến lược tổng thể mới cho thế kỷ XXI. Năm 2003, Quốc tế xã hội (tổ chức chính trị bao gồm các đảng theo chủ nghĩa xã hội dân chủ) tổ chức Đại hội lần thứ XXII tại Sao Paulo (Brazil), định hướng điều chỉnh lý luận, chính sách và những nhận thức về chiến lược trong thế kỷ XXI, thể hiện ở các mặt sau đây:
Một là, lấy việc “hồi quy chính trị” thay cho quan điểm “đổi mới lý luận theo con đường thứ ba”, xác định nhiệm vụ của chủ nghĩa xã hội dân chủ là khôi phục tính chất cánh tả của mình, nhấn mạnh sự can thiệp của nhà nước vào các phương tiện chính sách và quay trở lại với những người lao động truyền thống trong chiến lược chính trị; bên cạnh việc chống chủ nghĩa bảo thủ mới, chủ nghĩa tự do mới, cần phải tập trung đối phó với những thách thức của toàn cầu hóa3.
Hai là, mở rộng tầm nhìn chiến lược, đề xướng “quản lý toàn cầu công bằng, có trách nhiệm và toàn cầu hoá thuộc về nhân dân”4 làm chủ đề.
Ba là, làm phong phú và phát triển thêm hệ thống lý luận của chủ nghĩa xã hội dân chủ trong tình hình mới thông qua việc trình bày lại các quan niệm giá trị cơ bản của mình (bình đẳng, tự do, đoàn kết và hòa bình), nâng các giá trị bình đẳng và hòa bình lên thành nội dung chủ yếu5.
Những định hướng trên thể hiện bước tiến về lý luận của chủ nghĩa xã hội dân chủ trong tình hình mới, đáp ứng được một số yêu cầu của việc cải thiện dân sinh, dân chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đây được coi là bước phát triển quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến việc định ra chiến lược mới của chủ nghĩa xã hội dân chủ trong thế kỷ XXI.
Tuy nhiên, từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009, với sự thất bại liên tiếp trong các kỳ bầu cử, nhiều vấn đề về đường lối tư tưởng, nền tảng xã hội và năng lực điều hành của các đảng cánh tả theo lý luận chủ nghĩa xã hội dân chủ ngày càng bộc lộ rõ. Các đảng cánh tả này không thể đưa trở lại các giá trị "dân chủ xã hội" của mình vào các chính sách hiện thực, cũng như không thể đề xuất một chương trình nghị sự khác với chủ nghĩa tự do mới, không thực hiện được lời hứa chính trị của họ là "tạo ra một xã hội công bằng hơn" trong thời gian cầm quyền của họ6.
2. So sánh quan điểm lý luận của chủ nghĩa xã hội dân chủ với lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học
Nghiên cứu lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học và chủ nghĩa xã hội dân chủ, có thể thấy, hai chủ nghĩa này đối lập nhau về cơ bản, ít nhất ở một số quan điểm sau:
Một là, về cơ sở lý luận. Chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên cơ sở chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Chủ nghĩa xã hội dân chủ dựa trên chủ nghĩa nhân đạo, lấy “tự do, bình đẳng, công bằng, đoàn kết” làm nội dung cơ bản trong hệ thống lý luận của mình. Về thực chất, hệ thống lý luận của chủ nghĩa xã hội dân chủ đã xa rời thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và lâm vào tình trạng rối ren, đa dạng, tự mâu thuẫn.
Hai là, quan điểm về quyền sở hữu tư liệu sản xuất. Đây là điểm khác nhau cơ bản giữa chủ nghĩa xã hội khoa học và chủ nghĩa xã hội dân chủ. Chủ nghĩa xã hội khoa học cho rằng, sau khi giai cấp vô sản giành được chính quyền, phù hợp với yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất, phải từng bước “chuyển toàn bộ tư liệu sản xuất lên sở hữu toàn xã hội”, thay thế sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa bằng sở hữu công cộng. Vì vậy, C. Mác và Ph. Ăngghen đã khẳng định: "Những người cộng sản có thể tóm tắt lý thuyết của họ trong một câu: xóa bỏ tư hữu". Trong khi đó, chủ nghĩa xã hội dân chủ không coi sự sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất là điều kiện cần và cơ sở cơ bản của chủ nghĩa xã hội, mà cho rằng đó chỉ là việc thực hiện những điều kiện tất yếu của chủ nghĩa xã hội, không có ý nghĩa quyết định.
Ba là, về tư tưởng chỉ đạo. Chủ nghĩa xã hội khoa học luôn tuân theo tư tưởng chỉ đạo của C. Mác và Ph. Ăngghen về sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động. Còn chủ nghĩa xã hội dân chủ chủ trương đa nguyên hóa tư tưởng chỉ đạo, phản đối một cơ sở tư tưởng và lý luận duy nhất. Đây là quan điểm hết sức sai lạc. Nếu vai trò tư tưởng chỉ đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin bị phủ nhận, đa dạng hóa tư tưởng chỉ đạo, sẽ dẫn đến sự hoang mang về tư tưởng trong tổ chức đảng và đại bộ phận đảng viên, tất yếu dẫn đến tình trạng đảng viên yếu kém về chính trị, chia rẽ tổ chức, thậm chí dẫn đến suy thoái đảng.
Bốn là, quan điểm về động lực của sự phát triển xã hội. Chủ nghĩa xã hội khoa học cho rằng, sự vận động của các mâu thuẫn xã hội cơ bản (mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng) là động lực cơ bản của sự phát triển xã hội. Chủ nghĩa xã hội dân chủ chủ trương tính tất yếu của đạo đức, cho rằng cần “phấn đấu để mọi người có cơ hội bình đẳng, để họ có thể phát triển cá nhân của mình trong mọi lĩnh vực của cuộc sống và lao động chung của họ”. Đây thực chất là một quan điểm duy tâm về lý luận.
Năm là, quan điểm về mục tiêu tiến bộ xã hội. Chủ nghĩa xã hội khoa học chủ trương thực hiện lý tưởng cao nhất là chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa xã hội dân chủ chủ trương thực hiện quyền tự quyết của mọi người trên mọi lĩnh vực của đời sống, coi đó là mục tiêu xã hội. Rõ ràng, dưới điều kiện của chủ nghĩa tư bản, quan điểm của chủ nghĩa xã hội dân chủ là ảo tưởng và chỉ có giá trị nhất thời.
Sáu là, quan điểm về phương thức thực hiện mục tiêu. Chủ nghĩa xã hội khoa học nhấn mạnh việc lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa bằng cách mạng bạo lực, việc giải quyết những mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản chỉ có thể đạt được thông qua cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, phá bỏ kiến trúc thượng tầng cũ và cơ sở kinh tế mà nó duy trì, nắm quyền chính trị, xây dựng kiến trúc thượng tầng mới và cơ sở kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất. Đồng thời, C. Mác và Ph. Ăngghen cũng không loại trừ khả năng chuyển hóa hòa bình giữa hai chế độ chính trị.
Trong khi đó, chủ nghĩa xã hội dân chủ kiên quyết phản đối cách mạng, nhất là cách mạng bạo lực, chủ trương quá độ hòa bình và sử dụng con đường đại nghị. Rõ ràng, trong một xã hội tư bản, nơi vẫn còn tồn tại chế độ bóc lột, quan điểm của chủ nghĩa xã hội dân chủ không những không thể thực hiện được, mà còn là tác nhân dẫn tới sự suy yếu tinh thần cách mạng của giai cấp công nhân.
Bảy là, quan điểm về bản chất của đảng. Chủ nghĩa xã hội khoa học nhấn mạnh bản chất giai cấp của đảng vô sản. Đảng Cộng sản là tổ chức tiên phong của giai cấp vô sản, được chủ nghĩa Mác - Lênin hướng dẫn và tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ nghĩa xã hội dân chủ nhấn mạnh tính cách dân tộc của đảng và chủ trương rằng cánh cửa của đảng xã hội chủ nghĩa rộng mở cho tất cả những người thừa nhận chủ nghĩa xã hội dân chủ, điều này nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng cơ sở quần chúng của đảng, giành được nhiều phiếu bầu hơn và nâng cao vị thế của đảng này trong quốc hội.
Tuy nhiên, cách tiếp cận như vậy đã làm thay đổi cơ bản bản chất của đảng. Đảng “chuyển từ đảng của giai cấp công nhân thành đảng của nhân dân”, dẫn tới không còn sứ mệnh lịch sử lãnh đạo giai cấp vô sản lật đổ chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điều này hoàn toàn phủ định bản chất giai cấp, cách mạng và tiên tiến của đảng.
3. Một số nhận xét
Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, trước sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực và thách thức của xu thế toàn cầu hóa kinh tế, sự nổi lên của chủ nghĩa tự do mới... chủ nghĩa xã hội dân chủ đã tiến hành điều chỉnh nhằm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng cả về tư tưởng, lý luận, đường lối, tổ chức... và đã đạt được những thành công nhất định trong thực tiễn châu Âu và các nước tư bản phát triển khác, để lại một số kinh nghiệm thực tiễn để chúng ta tham khảo. Và do đó, quan điểm đề cao mô hình và lý luận chủ nghĩa xã hội dân chủ có những ảnh hưởng lan toả nhất định, mức độ nguy hại không thể xem thường.
Tuy nhiên, từ sau khủng hoảng tài chính 2008 - 2009, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu mấy năm gần đây, lẽ ra các đảng cánh tả theo chủ nghĩa xã hội dân chủ ủng hộ bình đẳng và phúc lợi xã hội sẽ giành được nhiều thành công hơn, nhưng tình hình thực tế lại ngược lại, các đảng này không đề xuất được một chiến lược tốt để đối phó với khủng hoảng, không đề xuất các chính sách đạt được sự đồng thuận rộng rãi (từ cách bảo vệ quyền của người lao động đến cách đối phó với những thách thức của toàn cầu hóa, các vấn đề lớn như bảo vệ hệ thống phúc lợi xã hội hay cải cách hệ thống phúc lợi xã hội...). Điều này thể hiện năng lực ứng phó của các đảng theo chủ nghĩa xã hội dân chủ đối với các cuộc khủng hoảng tài chính. Phân tích sâu hơn có thể thấy, những thất bại của các đảng này có nguyên nhân sâu xa liên quan đến hệ tư tưởng, đến cơ sở tổ chức, liên minh cầm quyền và chiến lược cầm quyền của họ.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chủ nghĩa xã hội dân chủ đã “bộc lộ nhiều vấn đề về đường lối tư tưởng, nền tảng xã hội và năng lực điều hành, ngày càng bị tác động bởi các đảng dân túy cánh hữu”7; “cuộc khủng hoảng của các đảng cánh tả xã hội dân chủ xuất phát từ việc châu Âu không có khả năng phản ứng trước những thách thức của toàn cầu hóa... trước sự thất bại của các chính sách kinh tế tự do mới, phe xã hội dân chủ vẫn im lặng”8; “nền dân chủ xã hội đã phản bội lại xã hội tốt đẹp mà nó hứa hẹn và đại diện, đó là quyền bình đẳng, đoàn kết, tính di động xã hội, lòng tin và ý thức cộng đồng”9; “Chính những người theo chủ nghĩa thực dụng trung dung, chứ không phải là những người theo chủ nghĩa xã hội, mới biến Bắc Âu trở thành hình mẫu trên toàn thế giới”10 ...
Những phân tích trên càng khẳng định một quan điểm như các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra: “Những người xã hội chủ nghĩa dân chủ là những người đi theo cùng con đường với những người cộng sản, họ muốn thực hiện một phần những biện pháp cách mạng, nhưng không coi đó là những biện pháp quá độ dẫn đến chủ nghĩa cộng sản, mà coi đó là những biện pháp đầy đủ để xóa bỏ cảnh nghèo nàn và những tai họa của xã hội hiện nay. Những người xã hội chủ nghĩa dân chủ đó thì hoặc là những người vô sản chưa am hiểu đầy đủ những điều kiện giải phóng giai cấp mình, hoặc là những đại biểu của giai cấp tiểu tư sản, tức là của một giai cấp mà trên nhiều mặt, có quyền lợi giống như vô sản trong việc giành chế độ dân chủ và trong việc thực hiện những biện pháp xã hội chủ nghĩa xuất phát từ chế độ dân chủ đó”11.
Chỉ có chủ nghĩa xã hội khoa học mới là sự nhất quán giữa lý luận và hành động thực tiễn để cải tạo thế giới bằng cách mạng, thực hiện giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, giải phóng xã hội và con người, đưa họ lên vị trí làm chủ và vai trò sáng tạo lịch sử. Chủ nghĩa xã hội dân chủ chưa bao giờ tồn tại với tư cách là một chế độ xã hội độc lập, một hình thái kinh tế - xã hội hoàn chỉnh và sẽ hoàn toàn sai lầm nếu đánh đồng giữa hai hệ tư tưởng, hoặc mưu toan thay thế chủ nghĩa xã hội khoa học bằng chủ nghĩa xã hội dân chủ.
1. Xem Vương Học Đông - Tào Quân: Con đường thứ ba với việc chuyển đổi loại hình của trường phái dân chủ xã hội, Tạp chí Nghiên cứu chủ nghĩa xã hội (Trung Quốc), số 3/2002.
2. Xem Thường Hân Hân: Sự giống nhau và khác nhau trong so sánh “Con đường thứ ba” với chủ nghĩa xã hội dân chủ truyền thống, Tài liệu tham khảo nội bộ “Về con đường thứ ba”, Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004.
3, 4, 5. Khương Lâm: Từ Đại hội lần thứ XXII Quốc tế xã hội để xem xét sự điều chỉnh chiến lược trong thế kỷ mới, Tạp chí Thế giới đương đại với chủ nghĩa xã hội (Trung Quốc), số 3/2004.
6, 7. Yuan Ye: Tình trạng khó khăn hiện tại và triển vọng tương lai của các đảng cánh tả ở châu Âu, Tạp chí Khoa học xã hội (Trung Quốc), số 1/2018.
8, 9. Xem: Henning Meyer and Karl-Heinz Spiegel, What Next for European Social Democracy? The Good Society Debate and Beyond, in Renewal, Vol.18, No.1/2, 2010.
10. Nima Sanandaji, Nordic Countries Aren't Actually Socialist, ForeignPolicy, 27/10/2021.
11. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t. 4, tr. 478.
TS. TRỊNH QUỐC VIỆT TH