Nâng cao vai trò lãnh đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy

Trần Ngọc Anh

CT&PT - Ban Thường vụ cấp ủy lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội là xác định phương hướng, mục tiêu, cách thức thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội. Đặc biệt, ở cấp huyện, Ban Thường vụ đảng bộ huyện có vai trò đề ra chủ trương lãnh đạo cụ thể phù hợp tình hình địa phương, bảo đảm cho đường lối, chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống

1. Chức năng, nhiệm vụ của Ban Thường vụ cấp huyện

Theo quy định của Điều lệ Đảng, các hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng hiện nay, Ban Thường vụ Huyện ủy có các chức năng, nhiệm vụ cơ bản là quyết định những chủ trương, chính sách, biện pháp lớn nhằm thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và các nghị quyết của Huyện ủy, bao gồm:

- Quyết định triệu tập Hội nghị Huyện ủy, hội nghị cán bộ chủ chốt toàn huyện; chỉ đạo việc chuẩn bị các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, kết luận để trình Hội nghị Huyện ủy về những vấn đề thuộc thẩm quyền của Huyện ủy. Chủ động đề xuất những vấn đề lớn, quan trọng để Huyện ủy xem xét, quyết định.

- Những vấn đề quan trọng thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội: Thảo luận và quyết định những nhiệm vụ, chủ trương, biện pháp chủ yếu trên các lĩnh vực. Cho chủ trương và định hướng về quy hoạch tổng thể của các xã, thị trấn thuộc huyện; quy hoạch các khu, cụm, điểm đô thị hoặc khu, cụm, điểm công nghiệp thuộc các xã, thị trấn, ngành, lĩnh vực trên địa bàn huyện thuộc thẩm quyền hoặc được sự ủy quyền của cấp trên; việc chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính thôn, tổ dân phố trong huyện; Xem xét, cho ý kiến về một số chủ trương, chính sách lớn về kinh tế - xã hội, một số dự án đầu tư quan trọng, có tác động lớn đến ổn định kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại và ảnh hưởng đến quyền lợi, tư tưởng của nhiều đối tượng xã hội, trước khi UBND huyện quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định; Lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề lớn, phức tạp mới nảy sinh về kinh tế - xã hội; Chuẩn bị nội dung trình Huyện ủy thảo luận và ban hành nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị hàng năm; kết luận về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

- Cho ý kiến về chủ trương, nhiệm vụ trọng yếu bảo đảm quốc phòng - an ninh và đối ngoại; cho chủ trương xử lý các vấn đề đột xuất có liên quan đến an ninh trên địa bàn huyện, nhất là an ninh chính trị, tôn giáo, dân tộc; chỉ đạo các chương trình, kế hoạch và hoạt động đối ngoại lớn ở địa phương.

- Cụ thể hoá và lãnh đạo thực hiện chủ trương, chính sách về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương.

- Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân cụ thể hoá và tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các giai cấp và tầng lớp xã hội, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài.

- Quyết định việc thành lập mới, chia tách, sáp nhập, giải thể và tổ chức bộ máy các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc; quyết định bổ sung cấp ủy cấp dưới theo quy định của Điều lệ Đảng. Cho ý kiến về việc thành lập, giải thể các phòng, ban, cơ quan, đơn vị và tương đương trực thuộc huyện theo quy định của Đảng và Nhà nước.

- Bàn, quyết định và báo cáo với Huyện ủy trong kỳ họp gần nhất kết quả giải quyết những vấn đề thuộc trách nhiệm của Huyện ủy, nhưng do yêu cầu cấp bách không kịp đưa ra Hội nghị Huyện ủy.

- Định hướng trọng tâm hoạt động giám sát trong cả nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân huyện. Khi cần thiết, xem xét kết quả giám sát, các kiến nghị, đề xuất sau giám sát đối với việc thực hiện một số dự án, công trình trọng điểm, một số chủ trương lớn có ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.

- Thảo luận, quyết định những vấn đề khác do Thường trực Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, UBND huyện, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Huyện ủy đề nghị mà Ban Thường vụ Huyện ủy thấy cần thiết.

- Chỉ đạo các hoạt động tài chính đảng.

- Thay mặt Huyện ủy thực hiện chế độ báo cáo theo quy định với Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy và kiến nghị với Tỉnh ủy những vấn đề về chủ trương, chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của cấp trên.

2. Vai trò của sự lãnh đạo của Ban Thường vụ huyện ủy đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội

Vai trò của sự lãnh đạo của Ban Thường vụ huyện ủy đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn được thể hiện ở: nội dung lãnh đạo, phương thức lãnh đạo và quy trình lãnh đạo.

Một là, nội dung lãnh đạo

Phát triển kinh tế - xã hội là một lĩnh vực quan trọng trên địa bàn cấp huyện. Vì vậy, nhất thiết lĩnh vực này phải được đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất về mọi mặt của Đảng.

Nội dung lãnh đạo của Ban Thường vụ huyện ủy đối với lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cấp huyện được xác định như sau:

- Lãnh đạo việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương.

- Bàn bạc, thống nhất, đề ra những chủ trương, biện pháp nhằm xác định phương hướng, mục tiêu và các giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn theo từng giai đoạn.

- Lãnh đạo UBND huyện thể chế hoá, cụ thể hoá chủ trương của Ban Thường vụ thành chương trình, kế hoạch, chính sách hợp lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

- Lãnh đạo Hội đồng nhân dân huyện trong việc quyết định những vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có những vấn đề đặc biệt quan trọng như thu, chi ngân sách; quyết định đầu tư...

- Lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên toàn huyện về tất cả các lĩnh vực từ tổ chức bộ máy cán bộ, cách thức hoạt động nhằm phát huy cao nhất hiệu quả góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

- Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và toàn dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

- Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công tác phát triển kinh tế - xã hội.

- Thường xuyên sơ, tổng kết thực tiễn để đúc rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hai là, phương thức lãnh đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy đối với lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn

Phương thức lãnh đạo của Đảng là phương pháp, cách thức, lối làm việc mà cấp ủy, tổ chức Đảng tác động vào đối tượng lãnh đạo, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị nhằm mục tiêu làm cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng được thực hiện có hiệu quả cao nhất trong cuộc sống.

Phương thức lãnh đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy đối với lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn được thể hiện ở 7 nội dung, đó là:

Thứ nhất, Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo bằng quan điểm, đường lối, nghị quyết chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo chỉ đạo Hội đồng nhân dân cụ thể hóa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Ban Thường vụ cấp ủy thành kế hoạch, chương trình hoạt động của Hội đồng nhân dân, UBND để thực hiện trên địa bàn.

Thứ ba, Ban Thường vụ lãnh đạo bằng việc thông qua hoạt động của các tổ chức đảng, đảng viên trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội…

Thứ tư, lãnh đạo bằng công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Thứ năm, lãnh đạo bằng công tác tổ chức, cán bộ các cơ quan nhà nước và các đơn vị kinh tế.

Thứ sáu, kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị kinh tế - xã hội, các lĩnh vực đời sống của xã hội; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng của các tổ chức này tiến hành thanh tra, kiểm soát, kiểm tra hoạt động của các cơ quan và cán bộ, công chức của các tổ chức đó.

Thứ bảy, động viên các đoàn thể nhân dân và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các tổ chức đảng, cán bộ, công chức và tạo điều kiện thuận lợi để các đoàn thể và nhân dân thực hiện công việc này đạt chất lượng, hiệu quả.

Ba là, quy trình lãnh đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy đối với lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn

Bước 1: Chuẩn bị ra quyết định lãnh đạo

Đối với một cấp ủy, một tổ chức, việc ra quyết định đúng đắn là rất quan trọng. Ban Thường vụ Huyện ủy phải nghiên cứu kỹ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về lĩnh vực kinh tế - xã hội; các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, trong đó cần đặc biệt chú trọng chương trình phát triển kinh tế - xã hội do UBND tỉnh ban hành. Ban Thường vụ xem xét những nội dung, vấn đề cần có quyết định lãnh đạo; điều kiện chủ quan, khách quan liên quan đến quyết định lãnh đạo; chương trình công tác của Ban Thường vụ, tình hình thực tế của địa phương.

Đối với một quyết định của tập thể Ban Thường vụ, việc tận dụng được chất xám của tập thể Ban Thường vụ là bước đầu tiên bảo đảm cho quyết định có chất lượng. Tuy nhiên, để thu thập được nhiều ý kiến góp ý xây dựng, Ban Thường vụ cần huy động các ban tham mưu và các cơ quan, đơn vị có liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ việc ra quyết định.

Trước khi dự thảo được thông qua, cần xin ý kiến các ngành, nhất là các ngành thuộc UBND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

Bước 2: Ra quyết định

Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Ban Thường vụ quyết định theo thẩm quyền thiểu số phục tùng đa số. Các nội dung của quyết định lãnh đạo sẽ được Ban Thường vụ bàn bạc, trao đổi, thảo luận và quyết định vấn đề. Vì vậy, đây là giai đoạn rất cần phát huy trí tuệ tập thể, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, vận dụng khoa học, sáng tạo những quan điểm, đường lối chỉ đạo của Đảng và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra để ra quyết định lãnh đạo.

Bước 3: Quán triệt thực hiện quyết định lãnh đạo

Ban Thường vụ Huyện ủy chuẩn bị xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch tiến hành công việc, in ấn các loại tài liệu, xây dựng các quy định phục vụ việc quán triệt và triển khai thực hiện quyết định lãnh đạo; tập huấn báo cáo viên để triển khai xuống cơ sở.

Đối với một nghị quyết, chỉ thị, yêu cầu đầu tiên là cần sự thống nhất cao về nhận thức. Do đó, đây là bước quan trọng tạo thành nhận thức, niềm tin và hành động.

Bước 4: Tổ chức thực hiện quyết định

Đây là bước cụ thể hóa của UBND, các cơ quan Nhà nước về chủ trương và biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Do đó, yêu cầu các cấp ủy, địa phương, đơn vị phải cụ thể hoá quyết định thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các chương trình, kế hoạch, bước đi và cách thức tổ chức để chỉ đạo thực hiện. Ngoài ra, phải đề ra những nội dung cụ thể, sát hợp với từng địa phương, đơn vị.

Bước 5: Kiểm tra, giám sát

Việc kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên. Kiểm tra giám sát có trọng tâm, trọng điểm và cụ thể theo từng nội dung, từng đơn vị, từng thời điểm. Ban Thường vụ Huyện ủy phải lãnh đạo và đôn đốc, phân công, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát; bảo đảm cho công tác kiểm tra, giám sát phát huy được tác dụng.

Bước 6: Sơ kết, tổng kết và rút kinh nghiệm

Bất cứ một quyết định nào cũng cần phải được sơ, tổng kết để phân tích những khó khăn, thuận lợi, những vấn đề thực tiễn và lý luận đặt ra; phân tích các yếu tố tác động đến kết quả đạt được, cũng như những hạn chế, yếu kém, từ đó khẳng định những việc làm được, chưa làm được, chỉ ra nguyên nhân của ưu điểm và của khuyết điểm, rút ra những những bài học kinh nghiệm. Để rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy không thể không chú trọng khâu này.

Như vậy, Ban Thường vụ Huyện uỷ có vai trò hết sức quan trọng trong lãnh đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện hiện nay. Từ thực hiện hoạt động, Ban Thường vụ Huyện ủy mỗi địa phương đã đúc rút những kinh nghiệm để có những bài học có giá trị, có ý nghĩa thiết thực, cơ bản và lâu dài, phục vụ quá trình lãnh đạo của mình.

ThS. TRỊNH THỊ PHƯỢNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin