Tính đến năm 2024, Việt Nam có khoảng 800 tạp chí khoa học1. Điều này cho thấy, các tạp chí khoa học đã có sự phát triển nhanh chóng về số lượng và một số tạp chí bước đầu đã được công nhận trong “làng” khoa học thế giới: “Hơn 80 tạp chí khoa học Việt Nam được xếp hạng dựa trên chỉ số ảnh hưởng (Impact factor - IF) và chỉ số H-index theo thông lệ quốc tế”2. Khi đề cập đến tạp chí khoa học sẽ là thiếu sót khi không nhắc đến vai trò của cộng tác viên - những người thổi “nguồn sinh khí” quyết định chất lượng, vị trí của ấn phẩm tạp chí trong cộng đồng khoa học. Vì vậy, việc làm rõ một số vấn đề về đội ngũ cộng tác viên tạp chí khoa học như: khái niệm, phân loại, đặc điểm, vai trò sẽ góp phần phát huy vai trò của đội ngũ này trong tổ chức và hoạt động của tạp chí khoa học.
1. Một số khái niệm cơ bản
Tạp chí khoa học là cơ quan nghiên cứu về lý luận học thuật, khoa học với mục tiêu nghiên cứu là trao đổi nghiệp vụ khoa học trong từng lĩnh vực cụ thể hay “là những ấn phẩm định kỳ có nội dung chuyên sâu vào một hay một số vấn đề lĩnh vực của đời sống xã hội, khoa học kỹ thuật… Định kỳ xuất bản của tạp chí có thể là 1 tuần, nửa tháng, 1 tháng, 2 tháng. Cũng có tạp chí xuất bản 2, 3, 4, 5 hoặc 6 tháng/kỳ” .
Tạp chí khoa học là “cổng thông tin” chính về khoa học của một cơ sở giáo dục đại học, một ngành, một quốc gia và là một phần của “bộ tri thức” nhân loại. Sự phát triển của các tạp chí khoa học thể hiện chất lượng của khoa học và công nghệ của một quốc gia. Nếu như các báo, tạp chí tin tức có nhiệm vụ cung cấp thông tin thời sự, cập nhật liên tục, từng ngày, từng giờ, thì tạp chí khoa học là phương tiện thông tin học thuật, chuyên đăng tải các bài báo khoa học, giúp cung cấp kiến thức khoa học chuyên ngành, sáng tạo, là diễn đàn để các học giả, nhà khoa học trao đổi, phổ biến kiến thức khoa học mới. Tạp chí khoa học thường là cơ quan ngôn luận của viện nghiên cứu, trường đại học hoặc một số bộ, ngành.
Như vậy, có thể hiểu, tạp chí khoa học là những sản phẩm nghiên cứu truyền thông về học thuật, chuyên sâu về một hoặc một vài ngành/chuyên ngành, lĩnh vực khoa học; đăng tải, quảng bá các bài báo, các công trình nghiên cứu khoa học đã qua hệ thống phản biện, bình duyệt của hội đồng khoa học, nhằm bảo đảm các bài nghiên cứu, nội dung tạp chí đáp ứng quy chuẩn chất lượng và giá trị khoa học.
Cộng tác viên tạp chí khoa học: Hiện nay, có rất nhiều cách hiểu khác nhau về cộng tác viên. Theo nghĩa chung nhất, có thể hiểu, cộng tác viên “là những người tham gia viết bài thường xuyên cho báo, giúp báo cung cấp thêm cho bạn đọc nguồn thông tin rộng lớn, phong phú, chuyên sâu, thú vị từ nhiều nơi, nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ còn là những người đọc, người góp ý, phê bình để xây dựng, đổi mới tờ báo phục vụ công chúng ngày một tốt hơn” . Khi nhắc đến cộng tác viên, độc giả thường sẽ hiểu họ là những người làm việc và cộng tác liên tục với tòa soạn trong một khoảng thời gian nhất định, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, cung cấp thông tin, đăng tải những bài viết có chất lượng.
Cộng tác viên không chỉ có vai trò là tác giả, người trực tiếp sản xuất tác phẩm báo chí, mà còn là chuyên gia cố vấn, xây dựng khung nội dung ở các tạp chí khoa học. Họ là một trong những nguồn cung cấp, hỗ trợ thông tin đắc lực cho tạp chí. Cộng tác viên tạp chí khoa học là “tất cả nhà khoa học, nhà nghiên cứu... có bài viết gửi đăng trên tạp chí. Họ không thuộc biên chế và quản lý của tòa soạn” .
Từ đó, có thể hiểu, cộng tác viên tạp chí khoa học là những người không thuộc biên chế và quản lý của tòa soạn nhưng có đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp vào quá trình xuất bản các nghiên cứu, bài viết trong các tạp chí khoa học.
Cộng tác viên được hưởng một số quyền lợi như: Được cộng tác, tiếp nhận phản hồi của tòa soạn, hưởng nhuận bút hoặc thù lao cộng tác viên, đóng góp ý kiến phản biện cho tờ báo, tham gia các hội nghị cộng tác viên... Ngoài quyền lợi, cộng tác viên có trách nhiệm tuân thủ các quy định về đăng bài trên tạp chí và các quy định khác đối với cộng tác viên của tòa soạn. Đồng thời, họ là những độc giả trung thành, thân thiết của cơ quan báo chí.
2. Phân loại cộng tác viên tạp chí khoa học
Trên thực tế, có nhiều cách phân loại cộng tác viên tạp chí khoa học. Việc phân loại cộng tác viên tạp chí khoa học có thể được thực hiện theo nhiều tiêu chí như:
Một là, căn cứ vào lĩnh vực cộng tác: Cộng tác viên theo lĩnh vực, chuyên ngành (Cộng tác viên các ngành khoa học xã hội, lý luận chính trị, khoa học tự nhiên, báo chí truyền thông... hoặc cộng tác viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý thực tiễn).
Hai là, căn cứ vào cấp bậc hoặc vị trí chuyên môn: Học giả, nghiên cứu sinh, giáo sư, hoặc chuyên gia ở từng lĩnh vực cụ thể.
Ba là, căn cứ vào chất lượng bài viết thuộc lĩnh vực chuyên ngành: Cộng tác viên thuộc nhóm chuyên gia - những “nhà khoa học uy tín, thuộc đối tượng được tạp chí thường xuyên đặt bài (còn gọi là cộng tác viên “nòng cốt”)” và cộng tác viên thường - những tác giả đang trong quá trình tiếp cận phương pháp viết bài báo khoa học.
Bốn là, căn cứ vào phạm vi đóng góp: Tác giả chính của một bài báo hoặc là người đóng góp ý kiến, phản biện, hoặc hỗ trợ kỹ thuật.
Năm là, căn cứ vào mức độ cộng tác: Cộng tác viên thường xuyên và cộng tác viên không thường xuyên. Cộng tác viên thường xuyên là người có nhiều bài viết được đăng trên tạp chí. Cộng tác viên không thường xuyên có thể chỉ cộng tác một vài lần, thời điểm cộng tác không liên tục .
Sáu là, căn cứ vào vai trò của từng cá nhân trong quá trình xuất bản: Người viết, biên tập viên, thẩm định/hiệu đính...
Bảy là, căn cứ vào phạm vi công tác: Cộng tác viên từ các tổ chức nghiên cứu, đơn vị đào tạo... và cộng tác viên của mỗi tạp chí hay nói cách khác “cộng tác viên “trong” (thuộc cơ quan chủ quản tạp chí) và cộng tác viên “ngoài” (thuộc các cơ quan khác)” .
Việc phân loại này có thể giúp quản lý và tối ưu hóa quá trình biên tập và xuất bản của tạp chí; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu và chuyên gia tham gia một cách có hiệu quả.
3. Đặc điểm của cộng tác viên tạp chí khoa học
Một là, có trình độ học vấn cao và hoạt động theo lĩnh vực nhất định.
Tạp chí khoa học là diễn đàn ngôn luận của cơ quan chủ quản, các nhà khoa học, người làm công tác giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học, là nơi công bố các các công trình nghiên cứu khoa học đã qua hệ thống phản biện, bình duyệt của hội đồng khoa học, do đó, các cộng tác viên tạp chí khoa học thường là những người có trình độ học vấn cao và hoạt động chuyên sâu trong các lĩnh vực nhất định. Phần lớn cộng tác viên đều có học vị từ thạc sĩ trở lên, với một tỷ lệ đáng kể là những người có học hàm, học vị cao như tiến sĩ, phó giáo sư, và giáo sư. Đặc biệt, nhiều cộng tác viên không chỉ là những người có bằng cấp mà còn là các chuyên gia đầu ngành, nhà nghiên cứu có uy tín trong lĩnh vực của mình. Họ thường giữ những vị trí quan trọng tại các trường đại học, viện nghiên cứu, hoặc các tổ chức khoa học trong và ngoài nước.
Hai là, có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, có năng lực nghiên cứu khoa học, có tinh thần cầu thị.
Ngoài việc có trình độ học vấn cao, các cộng tác viên của tạp chí khoa học là người có niềm đam mê và năng lực nghiên cứu khoa học. Điều này đóng vai trò quan trọng bởi viết báo khoa học không chỉ yêu cầu kiến thức chuyên môn sâu rộng mà còn cần khả năng diễn đạt thông tin dưới dạng bài báo khoa học một cách rõ ràng, rành mạch, logic, để người đọc có thể nắm bắt được những ý tưởng chuyên sâu. Viết bài báo nghiên cứu khoa học là hoạt động đi tìm cái mới. Cái mới ở đây không chỉ thể hiện trên kết quả nghiên cứu mà còn ở phương pháp khoa học và khả năng ứng dụng phương pháp mới để giải quyết một vấn đề. Một bài báo nghiên cứu khoa học hay phải đảm bảo được những yêu cầu cơ bản: Chủ đề có tính mới, lựa chọn được phương pháp nghiên cứu, tiếp cận phù hợp, các phân tích, lập luận chặt chẽ, logic...
Bên cạnh đó, cộng tác viên của tạp chí khoa học thường là những người có tinh thần cầu thị. Điều này đặc biệt quan trọng vì để một bài viết được đăng tải trên tạp chí khoa học thì đều phải trải qua quá trình bình duyệt khắt khe bởi các chuyên gia. Quá trình này nhằm đảm bảo rằng nội dung bài viết đạt chuẩn về chất lượng, tính khoa học, và có đóng góp giá trị mới trong lĩnh vực nghiên cứu. Cộng tác viên phải sẵn sàng tiếp thu những phản hồi mang tính xây dựng, thường là rất chi tiết về yêu cầu sửa đổi, chỉnh lý để cải thiện bài viết. Việc tiếp thu các phản hồi này không chỉ giúp cộng tác viên nâng cao chất lượng bài viết mà còn trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng nghiên cứu và cách trình bày luận điểm một cách thuyết phục hơn; không ngừng hoàn thiện kỹ năng viết bài để có thể công bố những kết quả nghiên cứu khoa học của mình.
Ba là, làm việc tự do, theo nhu cầu cá nhân và không bị ràng buộc bởi hợp đồng hay quy định về thời gian.
Bởi cộng tác viên tạp chí khoa học không thuộc biên chế và quản lý của tòa soạn nên họ làm việc tự do, theo nhu cầu cá nhân; không bị ràng buộc bởi hợp đồng hay quy định về thời gian. Trong một số trường hợp, để thực hiện kế hoạch xuất bản của tạp chí khoa học, ban biên tập tạp chí khoa học sẽ có kế hoạch “đặt hàng” dài hạn, ngắn hạn để cộng tác viên viết tin, bài theo chủ đề đặt ra phù hợp. Tuy nhiên, việc “đặt hàng” này thường dựa trên sự tin tưởng giữa ban biên tập và cộng tác viên, chứ cũng không có sự ràng buộc pháp lý. Vì không có sự ràng buộc chính thức, do đó trong một số trường hợp khi các chuyên gia, nhà khoa học quá bận thì có thể xảy ra tình trạng chậm trễ trong việc gửi bài viết hoặc bình duyệt, ảnh hưởng đến kế hoạch xuất bản của tạp chí. Để khắc phục vấn đề này, tạp chí cần duy trì tương tác thường xuyên và khuyến khích cộng tác viên hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn.
Bốn là, cộng tác viên của tạp chí rất đa dạng.
Cộng tác viên là nguồn cung cấp bài viết chủ yếu của các tạp chí khoa học. Cộng tác viên của tạp chí là những người có mối quan hệ thân thiết với tạp chí, cộng tác, viết bài, góp ý kiến xây dựng và góp phần tuyên truyền, phát huy vai trò của tạp chí. Cộng tác viên của tạp chí có thể là cá nhân hoặc tập thể. Đó có thể là những người gợi ý, phát hiện đề tài; những tác giả, biên soạn, biên dịch; những cộng tác viên nhận xét, thẩm định bản thảo, hiệu đính, biên tập; những cộng tác viên thiết kế mỹ thuật; những cộng tác viên đọc phê bình, giới thiệu sách cho tạp chí… Trong đội ngũ đó, tác giả là cộng tác viên chủ yếu, là nguồn cộng tác viên chính, chủ lực, là lực lượng góp phần quan trọng quyết định chất lượng của tạp chí, là người trực tiếp làm ra bản thảo, tạo nguồn đầu vào quyết định cho sự phát triển của hoạt động xuất bản tạp chí.
4. Vai trò của cộng tác viên tạp chí khoa học
Đội ngũ cộng tác viên tạp chí khoa học quyết định sự thành công cũng như chất lượng của mỗi tạp chí. Đội ngũ cộng tác viên có vai trò xuyên suốt từ khâu đầu vào - tạo ra các bài viết cho tới khâu đầu ra - phát hành trong công chúng.
Một là, cung cấp chất liệu nội dung cho tạp chí.
Ở mỗi cơ quan báo chí, việc cung cấp thông tin đầu vào của đội ngũ cộng tác viên có vai trò rất quan trọng. Việc xây dựng mạng lưới cộng tác viên đặc thù là yếu tố cơ bản, là nguồn cung cấp chất liệu để xây dựng khung nội dung, chuyên đề... mang tính quyết định có được độc giả đón nhận hay không.
Nếu như đối với các nhật báo, bài viết chủ yếu do đội ngũ phóng viên của báo thực hiện thì đối với các tạp chí khoa học, bài viết của cộng tác viên thường chiếm 2/3 trở lên số lượng bài viết. Trên thực tế, bộ máy tòa soạn của mỗi tạp chí hoạt động để duy trì sự ổn định và thực hiện các công việc: “Tổ chức quản lý hoạt động tòa soạn, đặt bài, biên tập bài, thiết kế trình bày, làm công tác nhuận bút, phát hành...” . Vì vậy, nếu xây dựng được mạng lưới cộng tác viên mạnh, đông đảo, với nguồn bài đầu vào phong phú, đa dạng thì tạp chí sẽ càng có nhiều bài viết chất lượng cao được đưa vào sử dụng, với mục đích phục vụ nhu cầu của bạn đọc ngày càng tốt hơn.
Cộng tác viên góp phần cung cấp chất liệu nội dung cho tạp chí khoa học, bao gồm các nghiên cứu, bài viết, phản biện và ý kiến chuyên môn, giúp tăng cường kiến thức và hiểu biết trong cộng đồng khoa học. Mỗi bài viết được xã hội hóa trên ấn phẩm tạp chí khoa học thường chứa đựng lượng thông tin có giá trị với nội dung chính xác, trung thực và tin cậy; đồng thời, thể hiện tính hấp dẫn, lôi cuốn và tạo hiệu ứng xã hội cao nhất.
Hai là, xây dựng, khẳng định thương hiệu, uy tín của tạp chí.
Hiện nay, ở mỗi tòa soạn của tạp chí khoa học, trước khi ấn phẩm tạp chí được xuất bản, lãnh đạo tạp chí sẽ cùng với đội ngũ cán bộ và cộng tác viên lên phương án xây dựng khung nội dung định hướng của mỗi số. Việc định hướng này sẽ làm nâng cao chất lượng của bài viết cũng như cung cấp thông tin đúng/trúng vấn đề mà độc giả đang quan tâm... Trên thực tế, cộng tác viên là người có uy tín, học hàm, học vị... sẽ tạo “thương hiệu” riêng cho tạp chí, được độc giả đón nhận. Mặt khác, việc định hướng khung nội dung trong quá trình tư vấn cho tạp chí cũng thể hiện sự tôn trọng độc giả, cung cấp “món ăn” tinh thần mà độc giả cần chứ không chỉ là thông tin một chiều từ phía tác giả. Đội ngũ cộng tác viên không chỉ góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú trong việc xây dựng kế hoạch chủ đề, nội dung tin/bài mà còn tạo ra sự mới mẻ trong phương thức thể hiện tin/bài, trở thành “món ăn” tinh thần thiết yếu đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp trong xã hội.
Ba là, tham gia vào công tác chỉnh sửa và biên tập nội dung.
Chỉnh sửa và biên tập nội dung là việc hiệu chỉnh nội dung sao cho hoàn chỉnh cả về nội dung và hình thức trước khi bài viết được đăng tải trên ấn phẩm tạp chí để giới thiệu rộng rãi đến độc giả. Trên thực tế, ở mỗi tạp chí khoa học đều có mạng lưới cộng tác viên đặc thù, chuyên ngành hoặc liên ngành... Các cộng tác viên thường được mời tham gia vào quá trình phản biện và đánh giá bài báo, đảm bảo chất lượng và tính đúng đắn của nội dung trước khi được xuất bản. Với một số bài viết đầu vào có nội dung “nhạy cảm”, mang tính thời sự, chính trị cao đòi hỏi sự chính xác về nội dung là rất lớn, do đó, việc chỉnh sửa, hay biên tập lại nội dung là điều tất yếu. Tuy nhiên, để có thể chỉnh sửa và biên tập lại những bài viết đòi hỏi chuyên môn, học thuật cao thì yêu cầu về chất xám, trình độ của cộng tác viên cũng rất lớn... Bởi họ là những chuyên gia đầu ngành có kiến thức nhận dạng, đánh giá vấn đề, từ đó điều chỉnh, thẩm định những thông tin chưa đúng, chưa hợp lý. Cộng tác viên đề xuất ý tưởng, góp ý sửa đổi và cải tiến nội dung, cung cấp thông tin và nguồn tài liệu, giúp tăng cường chất lượng và tính đa dạng.
Bốn là, góp phần giảm chi phí, xây dựng và quảng bá tạp chí.
Việc xây dựng, tổ chức mạng lưới cộng tác viên giúp giảm chi phí tối ưu trong quá trình vận hành của mỗi tạp chí khoa học. Trên thực tế, cộng tác viên thường chỉ hưởng nhuận bút bài biết khi tác phẩm của họ được đăng tải trên ấn phẩm tạp chí khoa học, hoặc họ có thể hưởng nhuận bút thẩm định, hiệu đính khi tham gia thẩm định, hiệu đính bài viết đầu vào... chứ không nhận lương hay chi phí cố định hằng tháng. Cơ chế này cho thấy việc trả nhuận bút rất “cơ động”, đúng theo sản phẩm/công sức mà họ bỏ ra. Và tất nhiên so với việc trả lương cố định cho đội ngũ biên tập viên, nhân sự của tòa soạn thì mức chi phí này sẽ thấp hơn rất nhiều.
Mỗi cộng tác viên còn đóng vai trò là “nhà quảng bá” tiềm năng, với vị thế của mình, họ có mối quan hệ với nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành và sẵn sàng giới thiệu để trở thành cộng tác viên của tạp chí. Mặt khác, khi các cộng tác viên có bài viết được đăng tải, công trình nghiên cứu được xã hội hóa công khai thì họ sẽ giới thiệu với bạn bè, đồng nghiệp tìm đọc, qua đó, sẽ giới thiệu độc giả tiềm năng và cũng là cách để mở rộng mạng lưới cộng tác viên cho tạp chí. Do đó, quan tâm đến đội ngũ cộng tác viên, duy trì mối quan hệ bền vững, thiện cảm giữa tạp chí và cộng tác viên cũng là cách để giới thiệu và quảng bá tạp chí. Đồng thời, khi tham gia vào các hoạt động của tạp chí, cộng tác viên sẽ giúp xây dựng và mở rộng mạng lưới liên kết chuyên môn, tạo ra cơ hội hợp tác, trao đổi kiến thức giữa các nhà nghiên cứu và chuyên gia.
Tóm lại, trong bối cảnh hiện nay, cạnh tranh giữa các tạp chí khoa học là cuộc cạnh tranh giữ chân và lôi kéo các cộng tác viên giỏi. Những nhà nghiên cứu, học giả và chuyên gia có năng lực đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng và uy tín của tạp chí, từ đó thu hút độc giả và nâng cao vị thế của tạp chí trong cộng đồng khoa học. Vì vậy, các tạp chí khoa học cần có những giải pháp phù hợp để xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng cộng tác viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.
1. Xem: Hà Ánh, Việt Nam công bố trên 19.000 bài báo quốc tế/năm nhưng chỉ có 2 tạp chí Scopus, https://thanhnien.vn, ngày 15/7/2024.
2. Công bố bảng xếp hạng các tạp chí khoa học Việt Nam theo chỉ số ảnh hưởng IF, https://vietnamnet.vn, ngày 20/5/2021.
3. Dương Xuân Sơn, Các loại hình báo chí và truyền thông, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2014, tr. 79.
4. Lê Thị Nhã, Lao động Nhà báo - Lý thuyết và kỹ năng cơ bản, Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2010, tr. 58.
5. Trương Thị Kiên, Phát triển nguồn nhân lực cộng tác viên cho tạp chí khoa học lý luận, xã hội, http://lyluanchinhtri.vn, ngày 30/7/2015.
6. Dương Thị Thanh Xuân, Lê Thị Phương Thảo, Vai trò của cộng tác viên đối với các tạp chí khoa học, https://tapchicongthuong.vn, ngày 13/8/2023.
7. Trương Thị Kiên, Phát triển nguồn nhân lực cộng tác viên cho tạp chí khoa học lý luận, xã hội, http://lyluanchinhtri.vn, ngày 30/7/2015.
8. Trương Thị Kiên, Phát triển nguồn nhân lực cộng tác viên cho tạp chí khoa học lý luận, xã hội, http://lyluanchinhtri.vn, ngày 30/7/2015.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Dương Xuân Sơn, Các loại hình báo chí và truyền thông, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2014.
2. Lê Thị Nhã, Lao động Nhà báo - Lý thuyết và Kỹ năng cơ bản, Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2010.
3. Trương Thị Kiên, Phát triển nguồn nhân lực cộng tác viên cho tạp chí khoa học lý luận, xã hội, http://lyluanchinhtri.vn, ngày 30/7/2015.
4. Dương Thị Thanh Xuân, Lê Thị Phương Thảo, Vai trò của cộng tác viên đối với các tạp chí khoa học, https://tapchicongthuong.vn, ngày 13/8/2023.
ThS. Đỗ Thị Diệp
Học viện Báo chí và Tuyên truyền