Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam

Phan Văn Mạnh

Là một bộ phận của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân ở nước ta ngày càng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Thực hiện định hướng của Đảng, để kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế, cần phải tiếp tục đổi mới tư duy nhận thức và tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Đổi mới về tư duy lý luận và thể chế, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân từ Đại hội VI của Đảng đến nay

Tổng kết hơn 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” nhấn mạnh: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội”(1).

Đổi mới tư duy kinh tế tại Đại hội VI của Đảng xuất phát từ thực tế của đất nước, trên cơ sở vận dụng quan điểm của V.I. Lê-nin, “coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ(2), chính thức thừa nhận kinh tế tư nhân là một thành phần quan trọng trong đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, tạo cơ sở chính trị cho những đột phá tiếp theo của Đảng trong nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân.

Tổng kết phát triển và đóng góp của kinh tế tư nhân vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước qua hơn 15 năm đổi mới, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 18-3-2002, “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” với nhiều giải pháp quan trọng khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân và đầu tư tư nhân.

Đại hội X của Đảng chính thức khẳng định kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Quy định số 15-QĐ/TW, ngày 28-8-2006, “Về đảng viên làm kinh tế tư nhân”. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9-12-2011, “Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Đại hội XI của Đảng chủ trương hoàn thiện cơ chế, chính sách đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, áp dụng các hình thức thu hút đầu tư đa dạng, hấp dẫn để huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, thúc đẩy hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân, khuyến khích tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước. Tại Đại hội XII, Đảng ta khẳng định, thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất, từ đó đặt ra nhiệm vụ tiếp tục phát triển đồng bộ và vận hành thông suốt các loại thị trường, đồng thời đánh giá kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3-6-2017, “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, với các mục tiêu cụ thể và 5 nhóm giải pháp khuyến khích, hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, kinh tế hộ; phát triển các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể xã hội, nhất là người lao động”(3). Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh hợp tác công - tư nhằm huy động nguồn lực xã hội vào phát triển kết cấu hạ tầng và cung ứng dịch vụ công. “Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%”(4); tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33 - 35% GDP.

Từ năm 2010 đến năm 2022, sự phát triển về tư duy lý luận của Đảng đã tạo cơ sở cho xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Theo Điều 51, Hiến pháp năm 2013, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp (DN) và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.

Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân không ngừng được hoàn thiện thông qua việc ban hành hệ thống các luật(5), nhờ đó: 1- Hình thành khung pháp luật chung, thống nhất về thành lập, tổ chức và hoạt động của các hình thức tổ chức kinh doanh áp dụng đối với mọi tổ chức kinh doanh không phân biệt về hình thức sở hữu và ngày càng tiệm cận với quy định, quy tắc chung của quốc tế; 2- Quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của cá nhân và tổ chức được thể chế hóa nhằm bảo vệ cho nhà đầu tư; 3- Về cơ bản, kinh tế tư nhân được tự do cạnh tranh và đối xử bình đẳng theo pháp luật so với kinh tế nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Sự phân biệt, đối xử trong tiếp cận các nguồn lực và hỗ trợ của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân dần được dỡ bỏ; 4- Tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân phát triển thông qua hoàn thiện các chính sách thuế, công nghệ, thủ tục hành chính công.

Thực trạng phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam

Kinh tế tư nhân có bước phát triển mạnh mẽ. Tính trung bình trong giai đoạn 2010 - 2021, bình quân mỗi năm có trên 100 nghìn DN được thành lập. Đặc biệt, giai đoạn 2018 - 2022, mỗi năm có hơn 130 nghìn DN được thành lập mới. Tương ứng với đó, số vốn đăng ký hằng năm đạt trên 500 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2018 - 2022, mỗi năm số vốn đăng ký mới đạt trên 150 nghìn tỷ đồng(6).

Đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã hình thành và phát triển một số DN khu vực tư nhân có quy mô lớn(7), đang từng bước kinh doanh đa ngành và trở thành những DN lớn, quan trọng trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, một số DN khu vực tư nhân(8) là những DN đầu tư ra nước ngoài và có những thành công, tạo dựng được thương hiệu. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng mạnh mẽ, trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa ngày càng lan tỏa sâu rộng...

Trên thực tế, kinh tế tư nhân có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế:

Một là, giai đoạn 2010 - 2021, đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước (bao gồm kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể) luôn chiếm tỷ trọng trên 50% GDP cả nước (50,55% năm 2019; 50,56% năm 2020; 50,04% năm 2021(9), trong đó bao gồm cả khu vực kinh tế hợp tác) và là khu vực có tỷ trọng cao nhất trong 3 khu vực (nhà nước, tư nhân và FDI).

Hai là, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (thuộc khu vực công, thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh, không kể phần thuế thu nhập cá nhân) có tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước ngày càng tăng trong giai đoạn 2010 - 2021, từ 11,7% năm 2011 lên 18,48% năm 2021(10). Đặc biệt, kể từ năm 2017 đến nay, tỷ trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực kinh tế tư nhân đã vượt khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và khu vực DN FDI.

Ba là, kinh tế tư nhân từng bước tham gia liên kết, mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu thông qua liên kết dọc với khu vực FDI. Đến năm 2021, kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng rất lớn trong sản xuất một số sản phẩm: chiếm 91,27% sản lượng muối biển; 88,45% sản lượng đường kính; 48,69% phân NPK; 44,64% xi-măng; 39,21% sắt, thép dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác; 49,91% thép cán hình(11).

Bốn là, đầu tư của kinh tế tư nhân không ngừng tăng, tỷ trọng của kinh tế tư nhân trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội luôn vượt kinh tế nhà nước và kinh tế FDI. Trong giai đoạn 2010 - 2021, tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân đã tăng từ 44,6% năm 2010 lên mức 59,5% năm 2021(12). Nhờ đó, tuy đầu tư công được điều chỉnh giảm, nhưng tổng đầu tư kết cấu hạ tầng vẫn tăng. Đặc biệt, trong giai đoạn 2010 - 2022, một loạt công trình hạ tầng lớn do khu vực kinh tế tư nhân đảm nhận, đã được khởi công, hoàn thành và đưa vào vận hành(13).

Năm là, DN khu vực tư nhân có chỉ số quay vòng vốn tương đối ổn định, dao động trong khoảng 0,7 đến 0,78 lần trong giai đoạn 2010 - 2017, thấp hơn so với khu vực DN FDI (0,84 đến 1,08 lần), nhưng cao hơn nhiều so với khu vực DNNN (0,36 đến 0,59 lần).

Sáu là, kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thay thế nguồn vốn đầu tư công trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công được tiết giảm. Trong giai đoạn 2010  - 2021, tỷ lệ đầu tư công trong tổng đầu tư năm cao nhất là 36,1% (năm 2012), năm thấp nhất là 24,1% (năm 2019). Tuy nhiên, sự tăng cao của đầu tư tư nhân và tăng cường đầu tư nước ngoài đã góp phần ổn định kinh tế.

Bảy là, khu vực tư nhân góp phần rất quan trọng không chỉ về kinh tế, mà cả về xã hội  - đó là giải quyết lao động, việc làm. Giai đoạn 2010 - 2021, tuy tỷ trọng lao động từ 15 tuổi trở lên của khu vực tư nhân đã giảm dần từ 86,3% năm 2010 xuống còn 82,6% năm 2021, nhưng khu vực này vẫn giải quyết việc làm cho hơn 80% lao động của nền kinh tế. Tốc độ tăng số lao động trung bình trong khu vực kinh tế tư nhân giai đoạn 2011 - 2018 đạt trên 3,6%, riêng khu vực DN của tư nhân đạt gần 5,4%.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế tư nhân vẫn còn một số hạn chế sau:

Thứ nhất, phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều rào cản: 1- Nhận thức của hệ thống chính trị đối với kinh tế tư nhân mặc dù có sự thay đổi, song vẫn còn có sự kỳ thị, phân biệt đối xử, nhất là một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, thậm chí là người dân đối với khu vực kinh tế tư nhân. Thiếu sự thống nhất và vẫn còn nhận thức chưa đúng về vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; 2- Khung pháp luật, cơ chế, chính sách vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo và thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các chủ thể kinh tế, đặc biệt là chủ thể thuộc khu vực tư nhân. Chính sách cạnh tranh chưa hiệu quả, còn có sự không bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực giữa các thành phần kinh tế, sự khác biệt trong quá trình thực thi chính sách. Chính sách bảo vệ sản xuất trong nước, chống buôn lậu và gian lận thương mại chưa phù hợp và còn nhiều hạn chế; 3- Quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, đặc biệt là trong triển khai các quy định, chính sách với hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các DN khu vực tư nhân đổi mới sáng tạo, tạo ra sản phẩm cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cải cách hành chính chưa đạt mục tiêu 3 giảm (giảm thời gian, giảm chi phí, giảm giấy tờ). Thủ tục còn rườm rà, trùng lắp, chồng chéo ở nhiều khâu. Hoạt động hỗ trợ còn dàn trải, đôi khi không đúng mục đích, đối tượng, hiệu quả thấp. Chi phí “tuân thủ” và chi phí kinh doanh ở hầu hết các giai đoạn của Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có chi phí kinh doanh cao.

Thứ hai, phát triển kinh tế tư nhân vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức: 1- Số lượng cơ sở kinh tế của khu vực tư nhân tăng nhanh, đặc biệt là số lượng các DN thành lập mới, tuy nhiên tỷ trọng DN phải ngừng hoạt động kinh doanh, giải thể, phá sản vẫn rất cao. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các DN thuộc khu vực này chậm được cải thiện, phần lớn vẫn hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; 2- Các chủ thể kinh doanh của khu vực này phần lớn thuộc nhóm quy mô nhỏ và vừa, trong đó tỷ lệ thuộc nhóm siêu nhỏ khá cao. Nếu phân theo quy mô về số lao động, năm 2017 có tới 74% (tỷ lệ này năm 2010 là 63%). Chỉ có chưa tới 1% số DN khu vực tư nhân có quy mô từ 200 lao động trở lên, trong khi đó, tỷ lệ DN có quy mô dưới 10 lao động ở khu vực DN FDI khoảng 30% và khu vực DNNN chỉ khoảng 7,7 - 13,4%; 3- Khu vực DN tư nhân có tỷ lệ số DN thua lỗ cao, tương đương với tỷ lệ của khu vực DN FDI giai đoạn 2010 - 2017 (trừ 2 năm 2010 và 2012). Tỷ lệ số DN kinh doanh thua lỗ của khu vực tư nhân tăng trong giai đoạn 2013 - 2017 ở mức 48 - 49% trong 2 năm 2016 và 2017 và là khu vực có tỷ lệ cao nhất; 4- Năng suất lao động xã hội của khu vực kinh tế tư nhân thấp hơn mức bình quân của nền kinh tế(14).

Thứ ba, đóng góp của kinh tế tư nhân vào tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Tỷ trọng trong GDP cơ bản không thay đổi suốt giai đoạn 2010 - 2021. Quy mô bình quân các đơn vị kinh tế tư nhân trong nước còn nhỏ với thành phần chủ yếu là kinh tế cá thể đóng góp tới 30% GDP, các DN khu vực tư nhân chỉ đóng góp khoảng 9% GDP; khả năng tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu của phần lớn các DN của tư nhân còn hạn chế. Các DN khu vực tư nhân trong nước tham gia rất ít vào chuỗi giá trị toàn cầu, chỉ khoảng 21% số DN. Kinh tế trong nước (bao gồm cả tư nhân trong nước và các DNNN) chỉ đóng góp 30% xuất khẩu, so với 70% của khu vực FDI.

Thứ tư, thu nhập bình quân lao động khu vực DN tư nhân mặc dù có xu hướng tăng liên tục qua các năm, song vẫn ở mức thấp nhất trong 3 khu vực, từ 3,4 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng trong giai đoạn 2010 - 2021, bằng khoảng 49 - 82,15% so với lao động trong khu vực DNNN và 73  - 90,1% so với lao động trong DN thuộc khu vực FDI(15).

Thứ năm, năng lực của kinh tế tư nhân vẫn còn những hạn chế: 1- Các chủ thể của kinh tế tư nhân thiếu năng lực cho đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ, quy trình sản xuất mới. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chi phí cho nghiên cứu và phát triển của các DN Việt Nam chưa có nhiều cải thiện. Nếu năm 2008, điểm số của chỉ số này là 3,6/10 (xếp hạng 42/134), tăng lên mức 3,8/10 năm 2010 (xếp hạng 27/133) thì đến năm 2017 điểm số chỉ ở mức 3,5/10 (xếp hạng 49/138); 2- Năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả của khu vực tư nhân, thậm chí là các DN - những chủ thể có năng lực nhất của kinh tế tư nhân - còn rất hạn chế. Tốc độ tăng năng suất lao động của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp, chỉ bằng 34% năng suất lao động của khu vực DNNN và khoảng 69% năng suất lao động của DN FDI. Năng lực khoa học - công nghệ còn hạn chế, đầu tư của DN cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với các nước, như Ấn Độ (5%), Hàn Quốc (10%)... Các DN Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, chỉ có khoảng 21% DN nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài(16).

Sáu là, đầu tư tư nhân vẫn còn nhiều bất cập, có những biểu hiện của hiện tượng đầu tư nước ngoài và đầu tư công lấn át đầu tư tư nhân trong nước. Trong nhiều ngành, như điện tử, ô-tô, xe máy,... sự tham gia rộng khắp của các DN FDI không là nhân tố trợ giúp và xúc tác sự phát triển của các DN khu vực tư nhân trong nước, mà ngược lại, các DN FDI cạnh tranh và lấn át các DN khu vực tư nhân trong nước. Bên cạnh đó, do thời gian phát triển DN khu vực tư nhân trong nước so với DN FDI và DNNN có bề dày lịch sử, kinh nghiệm và hoạt động ngắn hơn nên còn bị ảnh hưởng bởi các tác động ngoại cảnh (khủng hoảng, suy thoái) cũng như các hiệu ứng thái quá của kinh tế thị trường (đầu cơ, chạy theo lợi nhuận, lợi ích nhóm,...).

Một số bài học về phát triển kinh tế tư nhân trong bối cảnh mới

Bối cảnh trong nước, quốc tế đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với phát triển khu vực kinh tế tư nhân:

Một là, thế giới đang đứng trước tình trạng suy thoái, lạm phát và tỷ giá tăng hầu hết các đồng tiền so với USD. Lạm phát của một số nền kinh tế lớn đang có xu hướng gia tăng, gây tác động tiêu cực đến các vấn đề kinh tế thế giới. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy giảm. Thế giới đang đối mặt với một cuộc suy thoái mới.

Hai là, thế giới đang hội nhập và chia tách đan xen: một mặt, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, kết nối khu vực được đẩy mạnh; mặt khác, xu thế chia tách cũng đang xuất hiện, điển hình nhất là việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), xung đột Nga - U-crai-na. Nga bị cấm vận và thế giới bị chia tách, các nước châu Âu gặp khó khăn về năng lượng và nhiều hệ lụy khác.

Ba là, dòng vốn đang dịch chuyển khỏi một số quốc gia truyền thống và vận hành đến một số quốc gia mới nổi. Các quốc gia điều chỉnh mục tiêu chiến lược để ứng phó với các rủi ro địa - chính trị. Điều này, một mặt, tác động đến phát triển kinh tế của các quốc gia vốn dịch chuyển đi; mặt khác, tạo ra một cuộc cạnh tranh thu hút luồng vốn. Hệ quả là, các quốc gia đều phải điều chỉnh phát triển kinh tế.

Bốn là, thế giới đang trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều cơ hội và thách thức. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra nhiều cơ hội, như không gian kinh tế mới, công nghệ mới, sản phẩm mới; thế giới sẽ được mở rộng hơn đi liền với liên kết mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tạo ra các thách thức, như nguy cơ tiềm tàng về dịch chuyển vốn, về cạnh tranh giữa thế giới thực và thế giới ảo. Đặc biệt, cùng với việc điều chỉnh mục tiêu và chiến lược kinh doanh, một loạt doanh nghiệp công nghệ đang sa thải hàng nghìn lao động.

Năm là, xuất hiện các nguy cơ an ninh phi truyền thống và biến đổi khí hậu mạnh mẽ. Các mối nguy cơ an ninh phi truyền thống, như đại dịch COVID-19 chưa có tiền lệ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng do việc tiến hành giãn cách. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn so với dự báo cũng đem lại những tác động không nhỏ về nước biển dâng, ngập mặn, hạn hán, lũ lụt, sóng thần... đối với các quốc gia.

Thực tế phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian qua có thể rút ra một số bài học:

Một là, đổi mới nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân... Thống nhất nhận thức, tư tưởng về vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế cần hướng đến vị trí động lực quan trọng hàng đầu đối với nền kinh tế quốc dân. Cần nhận thức thống nhất trong hệ thống chính trị - xã hội về vai trò động lực của kinh tế tư nhân, từ đó, tạo mọi điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, phát huy thế mạnh và tiềm năng của kinh tế tư nhân.

Hai là, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân; triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế tư nhân đã đặt ra. Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát triển đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, có tư tưởng chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Ba là, cần cải cách thủ tục hành chính đạt mục tiêu 3 giảm (giảm thời gian, giảm chi phí, giảm giấy tờ). Hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân bằng cách triển khai quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp nhằm giảm chi phí đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh; có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để kinh tế tư nhân tích cực tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bảo đảm các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân phù hợp với cơ chế thị trường; không vi phạm các cam kết quốc tế, không vi phạm các nguyên tắc thị trường; thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Bổ sung, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các quy định, chính sách liên quan đến hỗ trợ kinh tế tư nhân, đặc biệt là các quy định về hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Bốn là, phát huy vai trò của DN khu vực tư nhân, tôn vinh những DN khu vực tư nhân với mô hình đổi mới, sáng tạo, sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Chủ trương phát triển kinh tế tư nhân gắn liền với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đã tạo dư địa, không gian và cơ hội kinh doanh cho khu vực kinh tế tư nhân đầu tư nâng cao năng lực. Kinh tế Việt Nam được thế giới biết đến cùng với một số tập đoàn tư nhân.

Năm là, đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân tại địa phương. Các đơn vị kinh tế tư nhân phải thực sự nỗ lực vận động, cập nhật và nắm vững các quy định hiện hành của Nhà nước để tuân thủ và hoạt động đúng pháp luật trong quá trình sản xuất, kinh doanh; chủ động tìm kiếm đối tác, liên kết để nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nâng cao trách nhiệm của các sở, ngành trong việc tổ chức thực hiện và cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân; tăng cường kỷ luật đảng, kỷ cương của Nhà nước trong triển khai thực hiện đường lối, pháp luật, chính sách đối với kinh tế tư nhân. Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong khu vực kinh tế tư nhân, nhất là các DN. Cần chủ động và kịp thời tôn vinh, khen thưởng các DN, đơn vị kinh tế tư nhân tiêu biểu, hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao, chấp hành tốt quy định của pháp luật và có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội...

Sáu là, đối với đầu tư nói chung và đầu tư tư nhân nói riêng, cần quán triệt chủ trương nguồn lực bên ngoài là quan trọng, nguồn lực trong nước là quyết định. Thực sự coi nguồn lực từ khu vực tư nhân là một động lực cho phát triển; đồng thời, cần xác định rõ công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là nền tảng quan trọng để khuyến khích sự phát triển, đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân. Việc thu hút FDI cần gắn liền với việc thu hút các DN sản xuất, phân phối đầu đàn để thu hút, hấp thụ khu vực tư nhân trong nước. Phát huy vai trò định hướng của đầu tư nhà nước để thu hút nguồn vốn đầu tư của xã hội, trong đó có tư nhân trong nước. Coi nguồn đầu tư nhà nước là nguồn vốn “mồi” để thu hút các nguồn lực xã hội, đầu tư của khu vực tư nhân vào nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế, đặc biệt là hệ thống giao thông.

Bên cạnh đó, cần lưu ý một số vấn đề sau đối với phát triển kinh tế tư nhân:

Thứ nhất, quán triệt triệt để tinh thần kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong chủ trương, đường lối, thể chế, cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện của Đảng, Nhà nước ở các cấp, các ngành, các địa phương.

Thứ hai, tạo môi trường thuận lợi để khu vực kinh tế tư nhân nói chung và các DN khu vực tư nhân nói riêng phát triển đồng thời với việc rà soát, xóa bỏ các rào cản đối hoạt động của DN khu vực tư nhân theo hướng giảm thiểu việc DN ngừng hoạt động, phá sản.

Thứ ba, khuyến khích DN khu vực tư nhân phát triển hướng đến tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, nhất là lực lượng lao động mới tham gia hướng đến tăng trưởng bao trùm.

Thứ tư, tạo lập các nguồn vốn hỗ trợ cho các DN mới thành lập và tạo lập môi trường để doanh nhân khởi nghiệp. Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh DN và năng lực cạnh tranh ngành hàng.

Thứ năm, tạo môi trường thể chế, khoa học - công nghệ, tài chính, tín dụng, tiếp cận đất đai, tăng cường môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các thành phần kinh tế cạnh tranh làm nền tảng cho nâng cao hiệu quả nền kinh tế.

Thứ sáu, chú trọng đối với đầu tư và đầu tư tư nhân. Thu hút nguồn lực từ các DN, người dân trong nước trong phát triển kết cấu hạ tầng theo định hướng kinh tế nhà nước là chủ đạo và tránh bẫy nợ công và nợ nước ngoài. Chủ động có cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực ứng dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trọng tâm là chuyển đổi số thành công nền kinh tế trong xã hội công nghệ số./.

Tạp chí Cộng sản

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin