Một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới

CT&PT - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thấm nhuần quan điểm đó, trong quá trình lãnh đạo xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ và xác định đây là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng và chế độ; là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng.

1. Yêu cầu của tình hình mới đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ

Cán bộ và công tác cán bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”. Đây là công tác đối với con người nên rất hệ trọng và nhạy cảm. Xây dựng Đảng là xây dựng tổ chức và xây dựng con người nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và đường lối chính trị trong mỗi giai đoạn cách mạng. Trong khi đó, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đã và đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới hết sức to lớn. Đó là những yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ XHCN và Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh... Vì thế, đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Từ những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn cũng như xuất phát từ nhưng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, Trung ương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, ban hành Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo xây dựng, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới nhiều quy định, quy chế về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực... Nhờ đó, công tác cán bộ được đổi mới mạnh mẽ, ngày càng đi vào nền nếp, chất lượng đội ngũ cán bộ từng bước được nâng cao, cơ bản bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.

Tuy nhiên, công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ đang bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Công tác cán bộ đổi mới chưa tương xứng với đổi mới kinh tế, chưa gắn chặt với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều; nhiều cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo và cấp ủy viên là nữ, trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp. Thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu chưa lan tỏa sâu rộng... Bên cạnh đó, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị lợi dụng những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ để bôi nhọ, tác động xấu đến đội ngũ cán bộ, hạ thấp uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước… gây hoang mang, chia rẽ nội bộ, làm ly tán lòng dân với Đảng và Nhà nước. Thực tế này đặt ra cho Đảng ta những yêu cầu mới và công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ càng trở nên cấp thiết.

Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác, hội nhập và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo; các mối đe dọa truyền thống, phi truyền thống và biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức và xu hướng quốc tế hoá nguồn nhân lực vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với nước ta. Ở trong nước, công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, sức mạnh tổng hợp và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, tạo tiền đề để đất nước phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp; tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn những nhân tố dễ gây mất ổn định. Sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng tinh vi, nguy hiểm, phức tạp hơn trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập; sự bùng nổ của hệ thống thông tin truyền thông toàn cầu, chiến tranh mạng... Thời gian tới cũng là giai đoạn chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau. Tình hình đó tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nhất là cán bộ cấp chiến lược. 

2. Định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới

Để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới, cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ một số giải pháp trọng tâm sau đây:

Một là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các khâu của công tác cán bộ, trước hết là đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Đảng chỉ rõ: “Việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp,... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi...Chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu, tư vấn cấp chiến lược. Công tác quy hoạch ở một số nơi còn khép kín, chưa bảo đảm sự liên thông, gắn kết”. Mặt khác, cũng do các cơ quan tham mưu của cấp ủy không chủ động đề xuất xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ. Công tác quy hoạch chưa được bàn bạc thống nhất, công khai và tập trung dân chủ trong các cấp ủy Đảng, chưa được coi là khâu trọng yếu trong công tác cán bộ.
Hai là, đổi mới công tác tạo nguồn cán bộ theo hướng lựa chọn những người ở độ tuổi trong nguồn có trình độ, tốt nghiệp loại giỏi ở các học viện, trường đại học có phẩm chất, đạo đức trong sáng. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tạo cơ sở  quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các ban, ngành của Đảng chỉ rõ đây là vấn đề mới, rất cấp bách cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ có trình độ cao, có phẩm chất và năng lực, có kinh nghiệm trong công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới; đảm bảo đến năm 2021 đội ngũ cán bộ có số lượng, cơ cấu hợp lý, chuyên nghiệp, hiện đại. Tuyệt đại bộ phận cán bộ các cấp có phẩm chất tốt, đủ năng lực thực thi nhiệm vụ, tận tuỵ phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Ba là,  thực hiện tốt chế độ quản lý cán bộ, nhất là quản lý chất lượng chính trị trong tình hình hiện nay để bảo vệ vững chắc chính trị nội bộ. Kết hợp biểu dương, khen thưởng... đối với cán bộ có thành tích xuất sắc với việc kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ thoái hóa biến chất, vi phạm Điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước. Phải đào tạo, rèn luyện, thử thách mới có được cán bộ tốt. Cần coi trọng công tác giáo dục chính trị - tư tưởng; thường xuyên làm tốt khâu quản lý, giám sát cán bộ, nhất là đối với quản lý, cán bộ chủ trì các cấp trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Sự sa ngã của một số cán bộ thời gian qua đã để lại nhiều bài học về công tác quản lý cán bộ. Cần nghiêm khắc nhìn nhận những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác cán bộ ở từng cấp, từng cơ quan, đơn vị cơ sở để rút ra những bài học kinh nghiệm cho thời gian tới.
Bốn là, đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn. Tiếp tục thực hiện việc bố trí một số chức danh lãnh đạo, quản lý ở cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Thực hiện việc phân công cán bộ trong quy hoạch các chức danh cấp chiến lược đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở các địa bàn, lĩnh vực quan trọng, vùng có nhiều khó khăn để đào tạo, thử thách, tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý. Việc luân chuyển cán bộ phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, thường xuyên, liên tục, có luân chuyển dọc, luân chuyển ngang ở các cơ quan, đơn vị, địa phương; không điều động, luân chuyển cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm, không có triển vọng phát triển.


ThS. Hồ Tố Anh

Viện Khoa học Tổ chức, cán bộ

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin