Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội ở Việt Nam

CT&PT - Tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội là hai vấn đề có quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Tăng trưởng kinh tế là điều kiện cần để phát triển xã hội tốt, ngược lại, nhờ có phát triển xã hội mà có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Bài viết phân tích mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội nhằm bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, vì mục tiêu phát triển con người toàn diện.

Tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội là hai vấn đề có quan hệ qua lại rất khăng khít với nhau. Nói đến tăng trưởng kinh tế là nói đến sự gia tăng về lượng của nền kinh tế. Để một nền kinh tế có thể lớn hơn, giàu hơn trong một thời gian nhất định thì nền kinh tế đó phải có tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế chính là làm cho kinh tế lớn hơn lên theo năm tháng. Tăng trưởng kinh tế là làm cho đời sống vật chất của con người ngày càng được cải thiện. Phát triển xã hội là làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn, tiến bộ và công bằng xã hội ngày càng được thực hiện tốt hơn. Phát triển xã hội làm cho cuộc sống của con người ngày một tốt hơn về mặt tinh thần và vật chất. Phát triển xã hội xem xét dưới góc độ thành quả cuối cùng của sự tiến bộ xã hội gồm 4 nội dung chủ yếu: nâng cao mức sống dân cư; phát triển con người; xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội; công bằng xã hội trong phân phối thu nhập. Tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội có mối quan hệ qua lại, tác động và bổ trợ cho nhau.

Tăng trưởng kinh tế là điều kiện cần để có thể cải thiện đời sống của con người về mặt vật chất. Tuy nhiên, nếu chỉ có tăng trưởng kinh tế mà không có phát triển xã hội thì đời sống của con người cũng không thể phát triển đầy đủ được. Phát triển xã hội là điều kiện đủ để làm cho cuộc sống của con người thực sự được cải thiện và tốt đẹp hơn, thể hiện về mặt tinh thần của con người. Nếu chỉ có tăng trưởng kinh tế mà không có phát triển xã hội thì cuộc sống của con người về cơ bản cũng không thể có thay đổi và tốt lên được. Khi vật chất tăng lên nhưng xã hội lạc hậu, bất công, tiến bộ và công bằng không có thì thành quả tăng lên của vật chất, của kinh tế cũng tự tiêu tan. Bên cạnh đó, không tăng trưởng kinh tế tức là không có nguồn lực để thực hiện phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nên cũng không thể làm cho xã hội phát triển được. Như vậy, tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội là hai phạm trù có quan hệ qua lại bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội là hai điều kiện cần và đủ cho một xã hội. Nếu thiếu một trong hai điều kiện thì điều kiện còn lại cũng khó trở thành hiện thực. 

Tăng trưởng kinh tế là sự tăng lên về lượng của nền kinh tế trong một thời gian nhất định. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, muốn nền kinh tế lớn mạnh hơn thì trước tiên phải tăng lên về nguồn lực, tức là phải có tăng trưởng kinh tế. Bất kỳ quốc gia nào muốn trở thành giàu có thì điều đầu tiên phải có tăng trưởng kinh tế cao liên tục, đây là vấn đề then chốt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhìn bề ngoài là sự tăng lên của chỉ số GDP, nhưng bên trong là sự lớn lên về chất, về nguồn lực, sức mạnh của các quốc gia đó. Một khi nền kinh tế lớn lên thì đất nước mới có nguồn lực để tiến hành các hoạt động khác tiếp theo. Tăng trưởng kinh tế là điều kiện cần vô cùng quan trọng, là cái gốc của mọi vấn đề và là nền tảng để giải quyết các vấn đề khác trong xã hội. Những vấn đề như tạo việc làm, nâng cao mức sống của người dân, tăng cường phúc lợi xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội chỉ có thể thực hiện được nếu có nguồn lực vật chất bảo đảm. 

Đối với mọi quốc gia, tăng trưởng kinh tế đóng vai trò rất quan trọng. Đối với các nước nghèo, các nước đang phát triển thì tăng trưởng kinh tế lại càng trở nên vô cùng quan trọng. Tăng trưởng kinh tế chính là sự tăng lên của Y trong công thức dưới đây, trong đó Y là thu nhập quốc dân; C là tiêu dùng của người dân; I là đầu tư; G là chi tiêu của chính phủ; X là giá trị xuất khẩu; M là giá trị nhập khẩu. 

Y = C + I + G + (X-M)                

Như vậy, khi Y tăng lên có thể là sự tăng lên của C, I, G và X và một khi C tăng lên chính là có thể nâng cao mức sống của người dân, xóa đói giảm nghèo, tăng phúc lợi xã hội, làm tốt tiến bộ và công bằng xã hội... Công thức này nói lên mối quan hệ chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với tạo việc làm, nâng cao mức sống người dân và phúc lợi xã hội...

Nhờ sự tăng trưởng liên tục trong nhiều năm, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm rõ rệt, từ 58% vào năm 1993 giảm xuống chỉ còn 3,5% vào năm 2020. Tăng trưởng kinh tế gắn bó chặt chẽ và quan hệ tỷ lệ thuận với chỉ số phát triển con người (HDI); chỉ số người nghèo (HPI), chỉ số phát triển giới (GDI) có liên hệ chặt chẽ với chỉ tiêu GDP và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Yếu tố để tạo nên các chỉ số HDI, HPI và GDI đều có GDP, GDP bình quân trên người và tốc độ tăng trưởng kinh tế.  

Tăng trưởng kinh tế cao là điều kiện cho phép các nước nghèo có thể trở nên giàu có hơn, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển. Trung Quốc là một điển hình rõ nét. Từ khi cải cách mở cửa đến nay, nền kinh tế Trung Quốc liên tục có tốc độ tăng trưởng cao (có nhiều năm tốc độ tăng trưởng trên 9 - 10%) nên đã đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới. Đến cuối năm 2021, Trung Quốc đã có tổng tài sản 120 nghìn tỷ USD, giàu nhất thế giới (Mỹ là 90 nghìn tỷ USD). Các quốc gia đang phát triển với nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu sẽ khó lòng cải thiện được tình trạng kém phát triển của mình và giải quyết được các vấn đề xã hội nếu không có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm. 

Chúng ta không chạy theo tăng trưởng kinh tế để đưa đến bất công, bất bình đẳng xã hội và hủy hoại môi trường. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn là vấn đề quan trọng hàng đầu và là hạt nhân của phát triển bền vững. Phát triển bền vững bao gồm bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội, bền vững về môi trường, trong đó tăng trưởng kinh tế là điều kiện cần thiết đầu tiên để thực hiện hai vấn đề tiếp theo. Nhờ có tăng trưởng kinh tế nên khối lượng của cải vật chất của dân cư tăng lên, thỏa mãn nhu cầu một cách đầy đủ hơn. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế đến mức độ nào đó sẽ làm cho nền sản xuất vượt qua ngưỡng tiêu dùng tối thiểu, chuyển sang sản xuất những loại hàng hóa cao cấp hơn, nâng cao mức độ hưởng thụ của người dân. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đòi hỏi phải đẩy nhanh số hóa nền kinh tế, phát triển kinh tế trên nền tảng công nghệ cao, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo 

Tăng trưởng kinh tế tạo cơ sở vật chất cho tiến bộ, văn minh. Với tốc độ tăng trưởng cao, quy mô GNP lớn, một quốc gia có thể dành phần đáng kể của cải vật chất để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển văn hóa nghệ thuật. Quy mô GNP lớn còn cho phép nhà nước cung cấp các phúc lợi xã hội nhằm bảo đảm cho người dân có điều kiện hưởng thụ các quyền cơ bản của con người, qua đó tạo điều kiện bình đẳng và tự do hơn cho con người. Nếu không có tăng trưởng kinh tế thì không thể có nguồn lực dành cho quỹ phúc lợi và an sinh xã hội. 

Sức mạnh và vị thế quốc gia chỉ có thể được tăng lên khi có tăng trưởng kinh tế cao liên tục. Tăng trưởng kinh tế không chỉ tăng tích lũy cho đầu tư để mở rộng sản xuất, phát triển khoa học, công nghệ, mà còn tạo điều kiện tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, mở rộng sự tham gia của quốc gia vào các tổ chức quốc tế...

Ngày nay, các quốc gia đã nhận thức đầy đủ tầm quan trọng đặc biệt của tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các nước đều hiểu rõ khi lựa chọn tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, cụ thể là: tăng trưởng không tạo ra việc làm mới; tăng trưởng chỉ đem lại lợi ích cho một bộ phận nhỏ người giàu, điều kiện sống của phần đông người nghèo không được cải thiện; tăng trưởng không gắn với sự cải thiện về dân chủ; tăng trưởng nhưng đạo đức xã hội bị suy thoái; tăng trưởng nhưng hủy hoại môi trường sống của con người. Chính vì thế, hiện nay các quốc gia ít bàn đến tăng trưởng một cách đơn thuần về mặt kinh tế, mà quan tâm gắn tăng trưởng với mục tiêu phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Đây là một khái niệm phát triển bền vững được các quốc gia hiện nay sử dụng. Phát triển bền vững hàm ý nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, duy trì trong thời gian dài, gắn với đó là quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và bảo đảm tiến bộ xã hội, tự do cho mỗi người. Vấn đề phát triển xã hội được các quốc gia quan tâm và tiến hành thực hiện song song với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Thực tế cho thấy, có nhiều nước trong một số giai đoạn phát triển của mình chỉ quan tâm đến tăng trưởng kinh tế, không quan tâm đúng mức đến phát triển xã hội nên nền kinh tế của các quốc gia đó có mức tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế có sự dịch chuyển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng nhiều vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh, như tình trạng đói nghèo tuyệt đối của một bộ phận không nhỏ dân cư không được cải thiện, dẫn đến phân hóa giàu nghèo cao, tội phạm và tệ nạn xã hội phát sinh khắp mọi nơi, mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt hơn. 

Trong trường hợp như vậy, mức GDP bình quân đầu người đã che giấu mức chênh lệch thu nhập và đời sống thực tế giữa các bộ phận dân cư. Thực tế cho thấy, một số quốc gia có GDP bình quân đầu người cao, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng bên cạnh một số ít người đặc biệt giàu có, thì còn lại là phần đông dân cư sống trong cảnh đói nghèo cùng cực đã dẫn đến sự bất bình đẳng, bất công quá mức. Điều này là nguy cơ đưa đến bất ổn xã hội - chính trị, nguy cơ sụp đổ chế độ chính trị và ảnh hưởng vô cùng không tốt tới môi trường kinh doanh, cản trở sự phát triển kinh tế. Mùa xuân Ả Rập là một thí dụ điển hình đối với các nền kinh tế tăng trưởng kinh tế nhưng phát triển xã hội, bảo vệ môi trường có nhiều hạn chế.

Phát triển xã hội là một vấn đề đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia. Thực tế cho thấy, xã hội ổn định, đồng thuận và phát triển là những đặc điểm nổi trội thể hiện tính bền vững của xã hội phát triển và có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế bền vững. Trong bất kỳ trình độ phát triển nào của kinh tế cũng luôn có những vấn đề xã hội nảy sinh cần giải quyết. Nhiều vấn đề xã hội nếu không được giải quyết kịp thời cùng với tăng trưởng kinh tế thì rất dễ trở thành tác nhân gây cản trở mạnh mẽ đối với tăng trưởng kinh tế. Thực tiễn ở nhiều quốc gia có thể thấy, nếu xã hội chứa đựng nhiều mâu thuẫn, tiến bộ và công bằng xã hội không được giải quyết tốt thì khả năng ổn định để đạt tăng trưởng kinh tế cao là rất thấp. Hơn nữa, nếu vấn đề xã hội xảy ra biến động thì thành tựu tăng trưởng kinh tế cao cũng sẽ bị xóa sạch. 

Muốn tăng trưởng kinh tế cao, bền vững đòi hỏi phải quan tâm phát triển xã hội. C. Mác đã khẳng định: “Bản thân xã hội sản xuất ra con người với tính cách là con người như thế nào thì nó cũng sản xuất ra xã hội như thế”1. Trong tính hiện thực của nó, con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, cho nên phát triển xã hội chính là phát triển con người, đem đến cho con người ấm no, tự do, hạnh phúc. Theo Hồ Chí Minh: đem lại hạnh phúc cho con người là một trong những giá trị quan trọng nhất của sự phát triển xã hội ở Việt Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội chính là làm cho nhân dân được ấm no, tự do, hạnh phúc. Phát triển xã hội chính là quan tâm để: không ngừng nâng cao mức sống dân cư; phát triển con người; xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội; công bằng trong phân phối thu nhập. Đây là 4 yếu tố tạo nên phát triển xã hội bền vững. Con người được phát triển, được sống trong một xã hội tiến bộ và công bằng, văn minh, con người có khả năng sáng tạo cao và tạo nên tăng trưởng kinh tế cao. Xã hội an bình, văn minh, hiện đại, tiến bộ và công bằng xã hội được bảo đảm, môi trường xanh, sạch, đẹp sẽ là nguồn lực và động lực lớn để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Ngược lại, con người sống trong nghèo đói, bần hàn, xã hội kém phát triển sẽ khó có khả năng sáng tạo và càng khó có điều kiện để tạo ra tăng trưởng kinh tế. Hoặc nếu có tăng trưởng kinh tế thì các mâu thuẫn xã hội cũng sẽ làm triệt tiêu thành quả của tăng trưởng kinh tế. Việc không ngừng nâng cao và cải thiện chất lượng cuộc sống và môi trường sống cho con người là vô cùng quan trọng trong phát triển xã hội. Tức là bên cạnh nâng cao đời sống vật chất cần phải không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của con người. Chỉ có thực hiện được hai mặt của một vấn đề thì mới có thể thành công trên con đường phát triển. Do vậy, phát triển xã hội là một nhu cầu tất yếu khách quan, là điều kiện đủ để bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế cao và cho xã hội ngày càng trở nên văn minh, hiện đại, con người được sống trong ấm no, tự do, hạnh phúc. Để đẩy mạnh sự phát triển xã hội trong giai đoạn hiện nay cần đẩy mạnh phát triển xã hội số, quản lý xã hội trên nền tảng công nghệ số.

Trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Điều đó có nghĩa là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”2.

Như vậy, có thể thấy tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội là hai mặt của một vấn đề, đều rất cần quan tâm phát triển. Nền kinh tế chỉ có thể phát triển khi và chỉ khi đạt được thành công cả ở tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.


1. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 42, tr. 169.

2.  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-64630.

NGUYỄN THẢO LINH TH

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin