Khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh soi sáng công cuộc đổi mới hiện nay

Nguyễn Thu Hằng

CT&PT - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất, Người đã hiến dâng trọn đời mình để tranh đấu giành lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam. Mỗi chúng ta cần hiểu rõ hơn cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, cao đẹp, những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công cuộc giải phóng, chấn hưng và phát triển dân tộc Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước nhà đang bị chìm đắm trong vòng nô lệ, chứng kiến cuộc sống đầy cơ cực của người dân dưới ách thống trị bạo tàn của chế độ thực dân phong kiến, Hồ Chí Minh đã sớm nung nấu khát vọng giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Nhằm hiện thực hóa khát vọng lớn lao này, Người đã kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương, gia đình và thâu thái tinh hoa văn hóa nhân loại, nhất là thế giới quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin để xây dựng, hình thành nên hệ thống các quan điểm về cách mạng Việt Nam, với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, làm nền tảng dẫn đường cho phong trào yêu nước, cách mạng của dân tộc Việt Nam. Với những nỗ lực không mệt mỏi, vượt qua bao thách thức, hiểm nguy, Người đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam giành lại nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và đi lên chủ nghĩa xã hội.

1. Khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước

Chứng kiến nhiều cuộc đấu tranh quật cường, bất khuất, nhưng cuối cùng đều không giành được thắng lợi của những người Việt Nam yêu nước những năm đầu thế kỷ XX, năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, với lòng yêu nước nồng nàn và khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng đồng bào đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước.
Trong hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, thấy rõ và cảm thông sâu sắc với những đau khổ của nhân dân lao động ở nhiều quốc gia, dân tộc khác nhau, qua khảo sát nhiều cuộc cách mạng trên thế giới, nghiên cứu nhiều trào lưu tư tưởng, học thuyết, Người đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và tìm thấy ở đây con đường cứu nước, giải phóng dân tộc đúng đắn - con đường cách mạng vô sản. Từ đó, Người kiên trì, kiên định tuyên truyền, tổ chức, đưa đường lối cách mạng mới vào thực tiễn Việt Nam, trước hết là ra sức chuẩn bị điều kiện mọi mặt cho sự ra đời của chính đảng vô sản, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng.

Mùa Xuân năm 1930, Người triệu tập Hội nghị thành lập Đảng tại Hương Cảng (Trung Quốc). Hội nghị đã thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Người soạn thảo. Cương lĩnh xác định rõ con đường giải phóng và phát triển của dân tộc Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”1, giương cao ngọn cờ dân tộc để đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân thực hiện khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc. Đây là đường lối hết sức đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam và định hướng cho thành công của sự nghiệp cách mạng.

Với đường lối cách mạng đó, tháng 8/1945, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân tộc vùng lên tiến hành Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Đây chính là thành quả kết tinh từ ý chí tự lực, tự cường, khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chính quyền cách mạng ra đời, nhân dân Việt Nam đứng trước cơ hội được hưởng nền độc lập, tự do, hạnh phúc. Nhưng chỉ sau ba tuần, nền độc lập của nước nhà, tự do, hạnh phúc của nhân dân bị đe dọa bởi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Đứng trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và nhân dân Việt Nam đã nêu cao quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”2, tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính (1945 - 1954), vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, để bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững quyền tự do và độc lập của dân tộc.

Hiệp định Giơnevơ được ký kết (tháng 7 năm 1954), miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhưng đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, hòng biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Đứng trước hoàn cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nêu cao ý chí và quyết tâm giành lại độc lập, thống nhất Tổ quốc và truyền cho dân tộc khát vọng, tinh thần đấu tranh “Kiên quyết bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai được xâm phạm đến quyền thiêng liêng ấy của nhân dân ta”3. Người khẳng định chân lý bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và niềm tin sắt đá: “Miền Nam Việt Nam nhất định sẽ được giải phóng! Tổ quốc Việt Nam nhất định sẽ được hòa bình, thống nhất! Đồng bào ta ở hai miền Nam Bắc nhất định sẽ được sum họp một nhà!”4.

Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Người để lại Di chúc cho toàn Đảng, toàn dân với niềm tin mãnh liệt vào tương lai tất thắng của cuộc kháng chiến: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”5.

Khát vọng độc lập, ý chí và quyết tâm giành và giữ vững độc lập dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được lan tỏa trong toàn dân tộc, trở thành ý chí, động lực của dân tộc Việt Nam để vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, làm nên những thắng lợi vĩ đại trong đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà. Đây chính là cơ sở, nền tảng, điều kiện tiên quyết để xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

2. Khát vọng tự do, hạnh phúc cho mọi người dân

Trong khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc phải gắn với tự do, hạnh phúc cho mọi người dân. Theo Người, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để đi tới thực hiện quyền tự do, hạnh phúc của nhân dân; và tự do, hạnh phúc của nhân dân chính là tiêu chí, thước đo giá trị của độc lập dân tộc, tác động trở lại việc củng cố, bảo vệ độc lập dân tộc. Chính vì vậy, ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo kiến tạo chính thể dân chủ cộng hòa, xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, để mưu cầu tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Người nêu rõ: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”6.

Khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc không chỉ được thể hiện trong ham muốn tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”7, mà còn từng bước được thể hiện trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mới - Nhà nước của dân, do dân, vì dân: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến dần từ chế độ dân chủ nhân dân lên chủ nghĩa xã hội bằng cách phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội, biến nền kinh tế lạc hậu thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến. Chính sách kinh tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là không ngừng phát triển sản xuất để nâng cao mãi đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân”8.

Từ khát vọng đem lại độc lập, tự do và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người dân, chứ không phải chỉ dành riêng cho một nhóm người nào trong xã hội, sau khi nước nhà giành lại nền độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phải đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bởi theo quan điểm của Người, “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh”9; “Là mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do”10... Xây dựng chủ nghĩa xã hội “là một sự nghiệp vĩ đại nhất trong lịch sử loài người”11, là “cuộc chiến đấu khổng lồ”12, cho nên Đảng phải huy động sức mạnh của toàn dân, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải luôn quan tâm và có kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Để thực hiện khát vọng cao đẹp đó, theo Người, mỗi cán bộ, đảng viên và toàn dân phải có quyết tâm, đồng tâm và tín tâm. Trong đó, trước hết, Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị các cấp cần phát huy tốt vai trò lãnh đạo hoạch định, chỉ đạo và tổ chức thực thi đường lối, chính sách; phải thực hiện nghiêm túc và đầy đủ phương châm: việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng phải hết sức tránh. Đồng thời, phải huy động sức mạnh toàn dân trong sự nghiệp xây dựng đất nước với phương châm đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân13. Đảng phải dựa vào lực lượng toàn dân để tổ chức, động viên, phát huy được sức mạnh vĩ đại của toàn dân. Sự gặp gỡ giữa ý Đảng, lòng dân là cội nguồn của sức mạnh đoàn kết, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Khát vọng tự do, hạnh phúc của dân tộc được Hồ Chí Minh kết tinh trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”14.

Khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập, tự do, hạnh phúc đã trở thành nguồn động lực, sức mạnh vô cùng to lớn thúc đẩy toàn Đảng và toàn dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Thực hiện Di chúc của Người, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết, đồng lòng làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thống nhất đất nước; nhân dân trên mọi miền Tổ quốc cùng xây dựng đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng đất nước phú cường.

3. Khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay

Năm 1986, tại Đại hội VI của Đảng, từ thực tiễn cấp bách và nguyện vọng của nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, khẳng định quyết tâm thực hiện thắng lợi khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Ý chí, khát vọng Hồ Chí Minh về độc lập, tự do, hạnh phúc được Đảng vận dụng và phát triển sáng tạo qua các kỳ đại hội Đảng và được hiện thực hóa trong thực tiễn đất nước thời kỳ đổi mới, từ năm 1986 đến nay.

Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (được Đại hội VII của Đảng thông qua và Đại hội XI của Đảng bổ sung, phát triển), Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện và nâng cao, tình hình chính trị và xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, quan hệ đối ngoại được mở rộng và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”15, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định tại Đại hội XIII của Đảng. Đây chính là niềm tự hào, là động lực quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vững bước đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh tình hình thế giới có những biến đổi nhanh chóng, rất phức tạp và khó lường.

Kế thừa và phát triển thành tựu của 35 năm đổi mới, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định và nhấn mạnh “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đại hội nêu lên nhiệm vụ: “Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”16. Đồng thời, đề ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 đưa nước ta trở thành một nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 trở thành một nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành một nước phát triển, thu nhập cao, “hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045”17.

Trọn cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực phấn đấu, hy sinh vì những mục tiêu, giá trị cao cả của dân tộc và nhân loại, trong đó đặc biệt là khát vọng độc lập - tự do - hạnh phúc. Khát vọng cao đẹp của Người, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người tiếp tục soi đường, chỉ lối để “đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta”18.

Kế thừa, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh và thành tựu của 35 năm đổi mới, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” tiếp tục là định hướng quan trọng soi rọi con đường đi lên của dân tộc trong bối cảnh mới.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta ra sức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đẩy mạnh cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo tấm gương vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong điều kiện mới, chúng ta cần tiếp tục chú trọng chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”; Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; cán bộ là công bộc của dân, như mong muốn của Người. Đó cũng là củng cố sức mạnh, vai trò lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính trị trong huy động mọi nguồn lực cho cuộc chiến đấu mới - khi cả dân tộc Việt Nam và thế giới đang nỗ lực chiến đấu chống lại đại dịch Covid-19. Hơn lúc nào hết, tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, tự do, hạnh phúc, khát vọng của Người về một nước Việt Nam phồn vinh, hùng cường, “sánh vai các cường quốc năm châu” cần tiếp tục được vận dụng và phát triển sáng tạo. Trong thực hiện nhiệm vụ “chống dịch như chống giặc”, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, cần thực hiện nhất quán quan điểm Hồ Chí Minh lấy “dân là gốc”, coi trọng nhân dân, phát huy quyền làm chủ, vai trò chủ thể và sức mạnh, trí tuệ của nhân dân để chiến thắng dịch bệnh. Nỗ lực tuyên truyền, thuyết phục, vận động quần chúng, tạo sự đồng lòng của toàn dân trong thực hiện các biện pháp quyết liệt, hiệu quả để ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19; bảo vệ sức khỏe của nhân dân; chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chúng ta tin tưởng rằng, trong thời gian không xa, với quyết tâm, đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đại dịch sẽ bị đẩy lùi, Việt Nam sẽ vượt qua những ngày gian khó và chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Tiếp tục hiện thực hóa khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh mới, sau đại dịch, cần đẩy mạnh hơn nữa phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hóa, tinh thần sáng tạo, sức mạnh con người Việt Nam; kiên định, kiên trì và quyết tâm thực hiện thành công đường lối đổi mới, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.


1, 8, 11, 13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 1; t. 12, tr. 372; t .6, tr. 286; t. 5, tr. 81.

2, 6, 7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 534, 175, 187.

3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 532, 684.

5, 12, 14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 618, 617, 614.

9, 10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 390, 593.

15, 16, 17, 18. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 25, 46, 9, 205.

Theo Tạp chí Lịch sử Đảng điện tử

Thu Hằng tổng hợp

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin