Học tập phương pháp gắn lý luận với thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giảng dạy lý luận chính trị ở Việt Nam hiện nay

Nguyễn Thu Hằng

CT& PT - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”(1), “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin”(2). Do đó, việc học tập, vận dụng phương pháp gắn lý luận với thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giảng dạy lý luận chính trị ở Việt Nam là yêu cầu cấp thiết đối với đội ngũ giảng viên lý luận chính trị nhằm góp phần phát triển khoa học chính trị trong bối cảnh mới hiện nay.

1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nguyên tắc căn bản thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy mẫu mực, tấm gương sáng cho mọi cán bộ, giảng viên noi theo. Đặc biệt là cán bộ, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị. Bác rất am tường về thực tiễn, vững vàng về lý luận và không ngừng tự nghiên cứu để làm rõ hơn những vấn đề lý luận mà cách mạng Việt Nam đòi hỏi phải giải quyết. Điều nổi bật ở Bác là không dùng cách truyền đạt thụ động của nền giáo dục phong kiến tồn tại nhiều năm trong lịch sử dân tộc, mà tiếp cận một cách dạy học mới, đó là cách dạy học nêu vấn đề, cách học xử lý tình huống, cách làm việc theo nhóm…, gắn lý luận với thực tiễn.

Những câu hỏi mở của Người làm cho học viên phải tư duy, từ đó mà hiểu và nhớ rất lâu. Ngoài giờ lên lớp, Người còn đến dự những buổi thảo luận, diễn đàn của học viên, qua đó nắm bắt được những vấn đề mà học viên chưa hiểu hoặc hiểu chưa thấu đáo để có kế hoạch khắc phục.

Trong bài diễn văn khai mạc lớp lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc ngày 07/9/1957, Người quán triệt tư tưởng đối với cán bộ đang học tập lý luận chính trị: “Các đồng chí phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong cách mạng của chúng ta”3. Như vậy, người giảng viên lý luận chính trị đòi hỏi phải có nền tảng lý luận và vốn kiến thức thực tiễn phong phú để kiểm nghiệm lý luận và nâng nhận thức lý luận lên một tầm cao mới. Có như vậy, giảng viên mới có thể thực hiện mục tiêu giáo dục lý luận cho học viên: “Mục đích học để vận dụng chứ không phải học vì lý luận”4. Người nhắc nhở: “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào công việc thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách”5. Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng nhiều cách diễn đạt khác nhau như: “Lý luận đi đôi với thực tiễn”, “Lý luận kết hợp với thực hành”, “Lý luận phải liên hệ với thực tế”5 để làm rõ mối quan hệ biện chứng trong nhận thức luận mácxít: thực tiễn cần đến lý luận soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo, định hướng để không mắc phải bệnh kinh nghiệm. Còn lý luận, phải dựa trên cơ sở thực tiễn, phản ánh thực tiễn và phải luôn liên hệ với thực tiễn, nếu không sẽ mắc phải bệnh giáo điều. Theo Người, việc gắn lý luận với thực tiễn không chỉ xuất phát từ mục tiêu giáo dục, huấn luyện cán bộ, đảng viên, mà còn góp phần củng cố, nâng cao đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, quan điểm, qua đó giúp cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn còn là cơ sở để khắc phục bệnh giáo điều và đề phòng chủ nghĩa xét lại.

2. Vận dụng những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác giáo dục lý luận chính trị trong tình hình mới

Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đề ra nhiệm vụ đổi mới căn bản công tác giáo dục lý luận chính trị. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại; đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược đi vào nền nếp, nhất quán từ Trung ương đến cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, chú trọng chất lượng, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương”6 .

Trong thời gian qua, công tác giáo dục lý luận chính trị được đẩy mạnh, góp phần trang bị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân kiến thức, nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, nhất là những tri thức lý luận cơ bản cho cán bộ, đảng viên. Qua đó giúp cán bộ, đảng viên nâng cao trình độ lý luận chính trị, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, củng cố lập trường, quan điểm, thống nhất ý chí và hành động trong thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới về nội dung và phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng bài giảng của người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị. Là những người trang bị lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, truyền tải những nội dung quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; định hướng sự vận dụng những kiến thức đó vào hoạt động thực tiễn của bản thân người học, vì vậy giảng viên phải nắm vững kiến thức, có tư liệu thông tin phong phú, cách trình bày sinh động, rõ ràng, từ đó tạo sự hứng thú cho người học.

Để nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy theo tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị cần thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, thường xuyên tự trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức và công nghệ mới trong quá trình giảng dạy

Theo đó, giảng viên phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu, thấu hiểu sâu sắc lĩnh vực chuyên môn mà mình đảm nhiệm, luôn tìm tòi sáng tạo, áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào quá trình giảng dạy để nâng cao chất lượng bài giảng, tạo sức hấp dẫn đối với người học. Bên cạnh đó, giảng viên cần phải trở thành tấm gương sáng tâm huyết với nghề. Nhận thức về vai trò và trách nhiệm, xác định thái độ và trách nhiệm đúng đắn là nghĩa vụ của mỗi giảng viên.

Thứ hai, thường xuyên tham gia nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển khoa học chính trị

Nghiên cứu khoa học là một yêu cầu không thể thiếu đối với cán bộ, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị. Công tác nghiên cứu khoa học giúp giảng viên có thể tìm kiếm, phát hiện các vấn đề mới, đồng thời giúp học viên gắn việc học tập với thực hành, phát triển tư duy logic và rèn luyện phương pháp luận sáng tạo. Nghiên cứu khoa học chính là phương thức hiệu quả nhất để cán bộ, giảng viên có thể nâng cao chất lượng chuyên môn của mình.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu khoa học sẽ giúp cán bộ, giảng viên có thêm các kiến thức lý luận và thực tiễn nhằm làm phong phú bài giảng, qua đó thu hút học viên quan tâm đến nội hàm khoa học của các vấn đề mà giảng viên đưa ra, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Thứ ba, thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy

Diễn giảng là một hình thức tổ chức dạy học có bề dày lịch sử lâu đời và cho đến nay, phương pháp giảng dạy này vẫn được duy trì và áp dụng thông qua phương pháp thuyết trình. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới hiện nay, với xu hướng phát huy tối đa hoạt động của người học, giảng viên cần hạn chế áp dụng phương pháp thuyết trình thông báo - tái hiện, thay vào đó là tăng cường áp dụng phương pháp thuyết trình giải quyết vấn đề. Đây là phương pháp mang lại hiệu quả cao trong giảng dạy các môn học thiên về tư duy ngôn ngữ, lý luận. Ở phương pháp giảng dạy này, giảng viên khéo léo đưa học viên vào các tình huống cụ thể rồi cho học viên tự tìm hướng đi và giải quyết vấn đề đặt ra. Trên cơ sở phương pháp, cách thức giải quyết vấn đề mà giảng viên trình bày, học viên có thể rèn luyện phương pháp tư duy, phát hiện vấn đề, đề xuất các giả thuyết, thảo luận… để kiểm tra các giả thiết nêu ra, từ đó có thể đưa ra các kết luận hoặc khái quát trong nhận thức.

Không chỉ đạt được những hiệu quả nhất định trong việc phát triển tư duy của học viên, việc thực hiện lồng ghép giữa phương pháp thuyết trình giải quyết vấn đề với triển khai vấn đáp, thảo luận phù hợp sẽ giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập.

Thứ tư, gắn khoa học lý luận chính trị với hệ tư tưởng chính trị, cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Khoa học lý luận chính trị gắn liền với hệ tư tưởng chính trị, cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vì vậy, trong hoạt động khoa học lý luận (cả trong nghiên cứu, giảng dạy và tuyên truyền) thường nảy sinh và “đụng chạm” đến những vấn đề “nhạy cảm”. Để phát triển khoa học chính trị, Nhà nước cần xây dựng khung pháp lý trong hoạt động lý luận chính trị. Trước hết, cần xây dựng Quy chế dân chủ trong hoạt động lý luận chính trị để các nhà khoa học và giảng viên lý luận chính trị có thể “tự do” phát huy tính sáng tạo khoa học trong “khung pháp lý” đó, mà không sợ bị “quy chụp” về lập trường tư tưởng…

Bên cạnh đó, các nhà trường cần tạo điều kiện tối đa (cơ chế chính sách, điều kiện vật chất và tinh thần) để các nhà khoa học, giảng viên yên tâm sáng tạo và cống hiến. Theo đó, môi trường giáo dục lành mạnh, công khai, minh bạch là điều kiện tốt nhất để phát huy tính tích cực của chính trị.

Thứ năm, giảng viên có kinh nghiệm trong giảng dạy lý luận chính trị cần quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên trẻ

Đây là việc hết sức cần thiết nhằm tạo ra đội ngũ kế cận trong tương lai. Xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên trẻ cần bảo đảm có sự kế thừa giữa thế hệ đi trước và thế hệ tiếp sau. Mạnh dạn giao việc cho đội ngũ giảng viên trẻ để họ có môi trường thực tiễn học tập, tiếp cận được các công việc của một cán bộ khoa học, đó là vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu và rèn luyện về mọi mặt. Đối với các giảng viên trẻ, cần có kế hoạch tự rèn luyện, phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực chuyên môn của bản thân, đồng thời nghiên cứu thực tế, học hỏi kinh nghiệm của các giảng viên đi trước.

Tóm lại, trong công tác lý luận nói chung và công tác đào tạo lý luận chính trị nói riêng, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ở vị trí trung tâm, giữ vai trò quyết định. Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, một mặt, Đảng và Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp; lãnh đạo các trường đào tạo cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động giảng dạy, bồi dưỡng lý luận chính trị và đội ngũ giảng viên. Mặt khác, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị cần tích cực chủ động trong giảng dạy và nghiên cứu, nhằm thực hiện phương châm gắn lý luận với thực tiễn, đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.


1, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5 tr. 273-274, 234.

2, 3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 496, 497, 498.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 182-183.

ThS. TRỊNH THỊ PHƯỢNG

Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin