Phong cách làm việc là một nội dung, bộ phận quan trọng hợp thành hệ thống chỉnh thể phong cách của con người, nó thể hiện ở phương pháp, cách thức, biện pháp, tác phong, lề lối làm việc để vận dụng các kiến thức, tri thức khoa học vào thực tiễn đem lại hiệu quả.
Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là phong cách làm việc mẫu mực của một lãnh tụ, của một nhà khoa học chân chính. Người làm việc tận tâm, tận lực, làm việc với lòng nhiệt tình cách mạng vì nước, vì dân với cách làm việc rất khoa học, cụ thể và thiết thực. Ở đây, có một sự thống nhất hài hòa trong con người Hồ Chí Minh với tư cách của nhà cách mạng và nhà khoa học. Phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh đối lập hoàn toàn với lề lối, cách thức làm việc mang nặng cảm tính chủ quan, kém chất lượng, hiệu quả công việc; làm việc một cách tự do, tùy tiện, thiếu điều tra nghiên cứu, thiếu kế hoạch; thiếu ngăn nắp, không coi trọng thời gian, lãng phí sức người sức của; làm việc thiếu cụ thể thiết thực; thiếu tầm nhìn xa trông rộng. Nội dung cơ bản trong phong cách làm việc khoa học của chủ tịch Hồ Chí Minh gồm: 1- Làm việc phải tôn trọng quy luật khách quan; 2- Luôn nêu cao tính đảng, đoàn kết, kỷ luật và ý thức dân chủ; 3- Quý trọng thời gian; 4- Làm việc có mục đích và kế hoạch rõ ràng; 5- Rút kinh nghiệm sau khi làm việc; 6- Làm việc phải sáng tạo, tư duy khoa học; 7- Làm việc hiệu quả.
Với tư cách là một thanh niên, giảng viên trẻ của Học viện Chính trị khu vực II, tôi nhận thấy được giá trị và ý nghĩa to lớn cho bản thân về những nội dung trong phong cách làm việc khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Học tập phong cách làm việc khoa học chủ tịch Hồ Chí Minh, bản thân tôi nhận thấy cần:
Một là, học tập phong cách làm việc khoa học của chủ tịch Hồ Chí Minh bản thân phải thể hiện bản lĩnh vững vàng, sự trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng. Trên cơ sở ấy tiến đến bước phân loại; thể hiện thái độ kiên quyết loại bỏ những quan điểm sai trái, tập trung vào nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, thành tựu khoa học tự nhiên và giá trị nhân đạo, nhân văn ở các lĩnh vực làm giàu tri thức. Tiếp đến là liên tục thực hiện các bước chuyển hóa trong phát triển tư duy độc lập, sáng tạo. Mỗi kết quả của quá trình làm giàu tri thức phải gắn với một bước tiến về trình độ tư duy bằng các phương pháp chuyển hóa và tạo thành một chuỗi lôgic trong phát triển. Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có tính hệ thống, cơ bản, có chiều sâu và không ngừng chiếu dọi làm sáng tỏ những vấn đề thực tiễn của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực tiễn đổi mới giáo dục và đào tạo…
Hai là, có sự đổi mới, sáng tạo trong nghiên cứu và giảng dạy cả về nội dung lẫn phương pháp. Xác định câu trả lời cho các câu hỏi: nói, viết cái gì? cho ai? để làm gì và như thế nào? Sau khi xác định đúng đối tượng, phải đặt rõ chủ đề để từ đó xác định mục đích và cách thể hiện. Chủ đề, đối tượng, mục đích quyết định cách thể hiện, cách thể hiện làm cho nội dung nói và viết đúng chủ đề, đúng đối tượng và đạt mục đích của việc nói và viết. Nếu không xác định rõ đối tượng, chủ đề, mục đích và tìm được cách thể hiện phù hợp, thì bài giảng không có tác dụng và trở thành vô nghĩa. Sự sáng tạo giúp bản thân phát huy được năng lực tiềm ẩn của mình cũng như có sự chủ động hơn trong công việc, tránh sự máy móc, rập khuôn. Sự sáng tạo còn khiến cho bản thân không lạc hậu, trì trệ mà luôn vươn lên tiếp nhận cái mới, bổ sung và làm phong phú hơn cái cũ.
Đối tượng học chủ yếu là học viên, đồng nghiệp. Do đó viết và nói để như thế nào để họ hiểu, vận dụng tốt, biến lý luận thành việc làm trong thực tế công tác của mình. Nội dung cần chuyển tải là Chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những tri thức khoa học, những kỹ năng thực hiện nghiệp vụ công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, đơn vị… trong quá trình giảng dạy, cần làm chủ các phương tiện, thiết bị, cần áp dụng những phương pháp giảng dạy tích cực để bài giảng trở nên hấp dẫn, thiết thực.
Khi soạn giáo án cần phải rèn luyện cách diễn đạt sao cho rõ ràng chính xác, lập luận cũng phải hết sức chặt chẽ lôgic thể hiện được đầy đủ, cụ thể nội dung, lý luận gắn liền với thực tế, hết mỗi phần phải có tiểu kết chuyển phần, dùng từ ngữ diễn đạt khoa học phổ thông trong sáng, dễ hiểu… Cần có sự đầu tư chuyên sâu với sự chính xác tối đa về kiến thức và đảm bảo thường xuyên cập nhật văn bản mới, kiến thức thực tiễn mới. Việc giải quyết các công việc, nhất là đối với công tác phối hợp và giải quyết các vấn đề phát sinh cần nắm rõ tình hình, phân tích, đánh giá để lựa chọn phương án giải quyết tối ưu. Soạn giáo án càng viết rõ ràng, sáng tạo, chi tiết cụ thể nhưng không rườm rà thì khi lên lớp giảng bài càng tự tin và chuyển tải tốt, chất lượng cao.
Ba là, sắp xếp thời gian hợp lý, xây dựng cho mình kế hoạch hoạt động rõ ràng, có chương trình, kế hoạch, từ lớn đến nhỏ, từ dài hạn, trung hạn đến ngắn hạn, từ tháng, tuần đến ngày, giờ, giờ nào việc nấy. Trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc cũng cần phải cụ thể, thiết thực, rõ ràng, đúng mực, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế. Không vội vàng chạy theo thành tích, phong trào mà đặt mục tiêu quá cao hoặc quá xa rời với thực tế. Khi đã có phương hướng và mục đích rõ ràng thì chắc chắn quỹ thời gian dành cho công việc sẽ được bảo đảm, tránh lãng phí công sức, tự giác và vui vẻ thực hiện.
Bản thân lập kế hoạch cụ thể, bố trí thời gian và phương pháp làm việc khoa học, việc gấp thì phải làm trước; tránh tình trạng công việc bề bộn, gặp việc nào làm việc ấy dẫn đến quên việc và không hoàn thành công việc được giao. Đối với các công việc chuyên môn của Khoa và các nhiệm vụ đoàn thể giao, cần có sự bố trí, sắp xếp khoa học về trình tự ưu tiên, thời gian tiến hành, tránh để chồng chéo, bị động. Đồng thời, cần chủ động sắp xếp để tạo nên sự cân bằng giữa công việc nhà trường và gia đình.
Bốn là, thường xuyên đề cao ý thức trách nhiệm, giữ gìn tình đoàn kết thống nhất trong tập thể, trong môi trường sư phạm, biết lắng nghe, sẵn sàng học hỏi và cầu tiến bộ. Dù ở góc độ nào, bản thân cần thực hiện tốt chế độ tự phê bình và phê bình, lắng nghe các ý kiến đóng góp, các trao đổi kinh nghiệm từ đồng chí, đồng nghiệp, từ đó phát huy những ưu điểm, khắc phục hạn chế, không ngừng trau dồi kiến thức và kinh nghiệm giảng dạy. Nêu cao tính nguyên tắc, tính kỷ luật và tính kế hoạch trong hoạt động sư phạm.
Năm là, là một đoàn viên thanh niên, một giảng viên trẻ, bản thân nhận thấy, cần phát huy tính xung kích, sáng tạo trong học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn cán bộ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế thế giới. Thường xuyên nghiên cứu cập nhật thông tin lý luận và thực tiễn bổ sung kịp thời vào bài giảng, đổi mới và tiến tới làm chủ các phương pháp dạy - học theo hướng tích cực hóa hoạt động người học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học. Phải luôn giữ ngọn lửa thắp sáng, ước mơ, khát vọng được đứng trên bục giảng, được cống hiến trí tuệ, sức lực của mình cho công tác giảng dạy, cho các nhiệm vụ chuyên môn của Học viện, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của nước ta phát triển mạnh mẽ hơn.
Tóm lại, phong cách làm việc khoa học của chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều nội dung nhưng tất cả đều gắn bó chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau và xuất phát từ yêu cầu về tài và đức. Những ai có ý thức tu dưỡng, rèn luyện cho mình phong cách làm việc khoa học thì dần dần cái tài sẽ lớn lên, cái đức sẽ dầy thêm. Và đây cũng là chính là những chỉ dẫn để thanh niên, giảng viên có đức có tài tiếp tục phấn đấu, vươn lên, toàn tâm, toàn ý phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của đất nước.
ThS. Trịnh Thị Phượng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh