Hồ Chí Minh - Thiên tài tập hợp, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức

CT&PT - Nhận thức vai trò quan trọng của trí thức đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, ngay từ sớm, Hồ Chí Minh đã tập hợp, từng bước dẫn dắt đội ngũ trí thức đi theo con đường cách mạng thông qua sự cảm hóa và nghệ thuật vận động hết sức mềm dẻo, linh hoạt. Người đã tạo dựng và phát huy đội ngũ trí thức có đủ trình độ và năng lực, làm tròn sứ mệnh mà Đảng và nhân dân giao phó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây, đặc biệt là lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò và công tác vận động trí thức, trước thực tiễn đất nước gặp muôn vàn khó khăn, với trí tuệ thiên tài và phẩm cách sáng ngời của Hồ Chí Minh, hơn ai hết, Người hiểu rõ vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức đối với vận mệnh của dân tộc. Trong đó, Người đặc biệt quan tâm đến công tác vận động trí thức, từ đó trọng dụng trí thức vào những công việc quan trọng nhằm phát huy tối đa tài năng, trí tuệ của đội ngũ này trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Thiên tài tập hợp, phát huy vai trò trí thức của Hồ Chí Minh thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, Hồ Chí Minh sớm nhận thấy rõ vai trò quan trọng của trí thức đối với đất nước

Theo Hồ Chí Minh, “trí thức là vốn quý của dân tộc”, “một phần tương lai của dân tộc”, một thành tố quan trọng trong liên minh công - nông - trí.

Từ hậu quả của chính sách thống trị tàn bạo và nham hiểm của thực dân Pháp đối với nhân dân ta, nhằm “đẩy người An Nam vào vòng ngu tối”1, nên Hồ Chí Minh rất coi trọng trí thức. Người khẳng định: “cách mạng rất cần trí thức2, “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”3. Do đó, trí thức và công tác vận động, tập hợp trí thức đã trở thành vấn đề đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam. Điều đó đã được Hồ Chí Minh khẳng định trong tư tưởng, quan điểm và thực tiễn hoạt động cách mạng.

Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, rèn luyện trong thực tiễn Đảng Cộng sản Pháp và Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh đã tìm cách trở về Quảng Châu, Trung Quốc để mở các lớp huấn luyện, đào tạo những thanh niên làm nòng cốt chuẩn bị thành lập Đảng và tuyên truyền, giác ngộ cho quần chúng đấu tranh cách mạng sau này. Trong quá trình cách mạng, nhất là thời kỳ đầu mới thành lập Đảng, các thế hệ trí thức cũ và lớp trí thức mới đã khẳng định được vai trò, trọng trách của mình đối với cách mạng. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước bước vào thời kỳ kiến thiết, cái thiếu lớn nhất là trí thức, nhân tài, để đáp ứng mục tiêu kiến quốc, Hồ Chí Minh liên tục đưa ra hai “chiếu cầu hiền, tài”, đó là “Nhân tài và kiến quốc” và “Tìm người tài đức”. Bởi theo Người: “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều”4. Người khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”5.

Không chỉ khẳng định trí thức vốn liếng quý báu của dân tộc, Hồ Chí Minh còn khẳng định trí thức là “một phần tương lai của dân tộc”6. Theo Người, trí thức có vai trò quan trọng trong nghiên cứu, phát hiện, khám phá và sáng tạo ra cái mới để thúc đẩy xã hội phát triển tiến bộ.

Từ yêu cầu của thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy mối quan hệ biện chứng và sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết công - nông - trí - sức mạnh nội sinh, một trong những động lực quan trọng góp phần quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Người sớm nhận thấy tinh thần đoàn kết cao quý đó qua một hình tượng vô cùng sinh động: “Năm cánh ngôi sao là đại biểu cho sự đoàn kết năm lớp nhân dân Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh…”7.

Việc xác định từ sớm vai trò của trí thức trong cách mạng đã giúp Người vận động, tập hợp, lôi cuốn tầng lớp trí thức về phía cách mạng từ những ngày đầu tiên, tạo nên sức mạnh to lớn góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Thứ hai, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc phát hiện, tập hợp và đào tạo, bồi dưỡng trí thức

Việc phát hiện, tập hợp và đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, trí thức cho đất nước luôn là được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm bởi thông qua việc giáo dục, bồi dưỡng mới có thể giúp trí thức thoát khỏi những xiềng xích cũ, trở thành người trí thức mới, tiến bộ, tài năng của họ mới phát huy, tỏa sáng làm lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân, phục vụ tốt cho nhiệm vụ mới, tình hình mới, xã hội mới. Người chỉ rõ: “Đảng và Chính phủ vừa phải giúp cho thế hệ trí thức ngày nay càng ngày càng tiến bộ, vừa phải ra sức đào tạo thêm trí thức mới”8.

Ngay sau khi tìm được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, việc đầu tiên Người làm là chuẩn bị lực lượng cách mạng. Người quan tâm phát hiện những thanh niên trí thức Việt Nam có tinh thần yêu nước đang sinh sống và làm việc trong nước, tập hợp họ lại và đưa đi đào tạo, bồi dưỡng thành lực lượng cách mạng tiên phong. Từ năm 1925 đến năm 1927, Người đã mở hàng chục lớp huấn luyện, đào tạo với hàng trăm cán bộ trí thức ở khắp mọi miền đất nước. Đồng thời, với tầm nhìn chiến lược, Người đã tuyển chọn những thanh niên trí thức tiêu biểu gửi sang Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) để đào tạo cán bộ cách mạng. Số học sinh tốt nghiệp ra trường đã trở thành những nhà lãnh đạo chủ chốt của cách mạng Việt Nam như: đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Phạm Văn Đồng và nhiều nhà lãnh đạo chủ chốt khác như Nguyễn Lương Bằng, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn…

Ngay khi nước nhà mới giành được độc lập, để tìm người tài đức gánh vác việc nước, tháng 11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Nhân tài và kiến quốc; tháng 11/1946 Người ra Thông lệnh Tìm người tài đức đăng trên Báo Cứu quốc số 411. Người viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân”9. Người yêu cầu “các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”10. Nhằm tập hợp, kêu gọi người tài giúp nước, Người nhấn mạnh: “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”11.

Theo Hồ Chí Minh, “Trí thức công nông hóa, trí thức phục vụ nhân dân bây giờ cũng cần, kháng chiến kiến quốc cũng cần, tiến lên xã hội chủ nghĩa càng cần, tiến lên cộng sản chủ nghĩa lại càng cần”12. Trong buổi nói chuyện tại Trường Đại học nhân dân Việt Nam ngày 21/7/1956, Nguời chỉ rõ: “Để xây dựng nước nhà, chúng ta cần càng ngày càng nhiều trí thức tốt. Đảng và Chính phủ vừa phải giúp cho thế hệ trí thức ngày nay càng ngày càng tiến bộ, vừa phải ra sức đào tạo thêm trí thức mới”13.

Trong quá trình đào tạo trí thức, bên cạnh việc không ngừng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và khoa học, Người còn luôn coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức, tác phong cách mạng cho đội ngũ trí thức. Người mong muốn làm thế nào để “người trí thức chúng ta trở thành những người trí thức của giai cấp công nhân, hết lòng hết sức phục vụ công nông, góp phần xứng đáng và vẻ vang vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”14. Trên thực tế, Hồ Chí Minh đã đào tạo, phát hiện và cảm hóa nhiều nhân tài, đưa họ vào hàng ngũ cách mạng, đóng góp vào sự nghiệp giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong số đó, có nhiều nhân sĩ trí thức đáng kính như: Huỳnh Thúc Kháng, Lê Văn Hiến, Đặng Thai Mai; những nhà khoa học tài ba như: GS. Trần Đại Nghĩa, GS. Trần Hữu Tước, GS. Tôn Thất Tùng, GS. Đặng Văn Ngữ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát; những nhà lãnh đạo chính trị, quân sự nổi tiếng như: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...

Việc tập hợp, giáo dục, bồi dưỡng trí thức của Hồ Chí Minh giúp trí thức có tâm trong sáng, đức cao đẹp, trí thức vững vàng, để họ “Giàu sang không thể quyến rũ. Nghèo khó không thể chuyển lay. Uy vũ không thể khuất phục”, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, dân tộc lên hàng đầu, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Ngày nay, trước yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam, trước những nhiệm vụ nặng nề của công cuộc đổi mới xây dựng đất nước, Đảng ta nhấn mạnh phải chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế số, dựa trên nền tảng tri thức. Đại hội XIII của Đảng chủ trương: “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo”15, trong đó con người hay tài nguyên trí tuệ là nền tảng cốt lõi. Để thực hiện thắng lợi chủ trương trên, đất nước cần có nhiều trí thức tài năng, những nhà kinh tế, nhà quản lý xã hội giỏi, nhà khoa học đầu đàn, chuyên gia về vấn đề chiến lược... Do đó, cần chú trọng hơn nữa trong việc phát hiện sớm, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài theo tinh thần của Hồ Chí Minh.

Thứ ba, Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo và sắp xếp, bố trí đội ngũ trí thức đúng người, đúng việc

Với Hồ Chí Minh, quan tâm chăm lo và bố trí trí thức đúng người, đúng việc không chỉ nhằm tranh thủ tập hợp “người tài trong thiên hạ”, giúp sức cho đất nước lúc bấy giờ, mà trong tầm nhìn của Người là để các thế hệ sau nối tiếp truyền thống phát huy hơn nữa tài trí cống hiến cho đất nước.

Người thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện để trí thức, nhất là những nhân tài tập trung sức lực, trí tuệ vào công tác nghiên cứu, phát minh, hạn chế bị chi phối bởi những ảnh hưởng của điều kiện làm việc. Trong những trường hợp khó khăn, không thể đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của trí thức, Người gặp gỡ trí thức, dân chủ bàn bạc và đề nghị trí thức cùng Chính phủ tháo gỡ khó khăn. Người trực tiếp gặp, trao đổi thẳng thắn khi trí thức có những khúc mắc về quan điểm của Đảng. Bên cạnh đó, Người cũng luôn quan tâm tới cuộc sống gia đình của anh em trí thức, sẵn sàng chia sẻ với họ những khó khăn trong cuộc sống đời thường. Chính sự quan tâm, trọng dụng đó của Người là động lực mạnh mẽ để các nhân tài xả thân vì nghĩa lớn, đồng thời các con cháu của họ cũng cống hiến hết mình cho đất nước.

Với tầm nhìn sâu sắc, Hồ Chí Minh luôn nhìn nhận, đánh giá, sử dụng trí thức đúng và trúng, điều đó đã phát huy và tỏa sáng tài năng của trí thức Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Theo Hồ Chí Minh: “việc dùng nhân tài ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe, miễn là không phản bội lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cất làm việc nhỏ, ai có năng lực vì việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”16. Phải thực sự tin tưởng họ, “Thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ”17. Lòng tin đó là “liều thuốc” để trí thức phát huy tối đa tài trí của mình cống hiến vì sự nghiệp lớn của đất nước. Đồng thời, Người nhấn mạnh, trí thức là người lao động chuyên môn cao, vì vậy trong bố trí công tác cần chú ý đến chuyên ngành đào tạo, “phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc”18. Người nhắc nhở, cần phải biết phát huy những mặt tích cực, đồng thời khắc phục những điểm hạn chế của trí thức. Ảo tưởng cầu toàn hay “vo tròn” cán bộ là phản khoa học, phi hiện thực, do không có cái gì toàn diện. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ những ưu điểm của họ. Dùng người đúng việc sẽ được phát huy tài năng, làm lợi cho cách mạng.

Qua tư tưởng trên, có thể thấy phép dùng người của Hồ Chí Minh vừa là sự kết hợp của lương tri, tình cảm, nghệ thuật, vừa lý trí, khoa học. Đáp lại chiếu cầu hiền và tinh thần của Hồ Chí Minh thông qua các bài nói, bài viết và sự chân thành của Người, nhiều trí thức, nhân tài đã tìm đến với Người, cùng với những trí thức do Hồ Chí Minh dày công tìm kiếm, thuyết phục như cụ Huỳnh Thúc Kháng (Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Quyền Chủ tịch nước), Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, nhà trí thức Phạm Văn Bạch, Trần Đại Nghĩa… được tập hợp lại dưới ngọn cờ đại nghĩa của Người. Họ đã phát huy tốt vai trò trong các trọng trách được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó, đóng góp công sức vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc và cách mạng sau này.

Với cách đánh giá con người chính xác, thấu tính đạt lý giữa đức và tài cũng như cách sử dụng người trí thức không dựa vào nguồn gốc hay thành phần xuất thân, không phân biệt đảng phái, quan điểm chính trị, mà dựa vào cống hiến và lòng nhiệt thành cách mạng, lấy hiệu quả công việc, khả năng đóng góp với đất nước làm tiêu chì đánh giá, trọng dụng trí thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp xây dựng được đội ngũ trí thức tài đức, tâm huyết, cống hiến hết mình cho đất nước, trở thành những nhà khoa học đầu ngành trên mọi lĩnh vực.

Nhận thức rõ vai trò của trí thức đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn quán triệt sâu sắc những quan điểm của Người về trí thức nói chung, tập hợp, phát huy trí thức nói riêng. Những quan điểm đó có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là cơ sở, nền tảng, kim chỉ nam để Đảng ta đề ra chiến lược đúng đắn trong việc vận động, xây dựng và phát triển trí thức hiện nay, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đại hội XIII chỉ rõ: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”19. Vì vậy, công tác vận động, xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thực hiện chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, nhân tài của Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, xây dựng đất nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc.


1, 13, 14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 423; t, 10, tr. 378; t. 11, tr. 243.

2, 12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 53, 59

3, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 5, tr. 184.

4, 7, 17, 18. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 275, 200, 316, 314.

6, 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 556, 114.

9, 10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 504.

8, 13Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 378.

15, 19. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 115, 167.

16. Ban Dân vận Trung ương: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác dân vận trong thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 244.

 

ThS. PHẠM VĂN HIẾU

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin