Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của các đảng bộ xã tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa hiện nay

CT&PT - Chất lượng đội ngũ đảng viên của các đảng bộ xã có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, tăng cường mối liên hệ máu thịt giữa Đảng và quần chúng nhân dân. Do đó, nghiên cứu những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của các đảng bộ xã tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa là việc làm rất cấp thiết hiện nay.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”1. Qua đó cho thấy, chất lượng đội ngũ đảng viên là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. 

Chất lượng đội ngũ đảng viên của đảng bộ xã là tổng hòa giá trị của các yếu tố hợp thành đội ngũ đảng viên và công tác đảng viên của cấp ủy, tổ chức đảng, được thể hiện rõ ở số lượng, cơ cấu và việc đáp ứng tiêu chuẩn đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng; sự trong sạch, vững mạnh, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các đảng bộ xã. Để đánh giá chất lượng đội ngũ đảng viên của các đảng bộ xã, trước hết cần căn cứ vào yêu cầu về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, căn cứ vào chất lượng, kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên theo Điều lệ Đảng quy định và chức trách, nhiệm vụ được giao. Cụ thể, để đánh giá chất lượng đội ngũ đảng viên của đảng bộ xã cần dựa trên các tiêu chí: số lượng và cơ cấu đội ngũ đảng viên; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; trình độ, năng lực công tác; uy tín, sự gương mẫu của đội ngũ đảng viên. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ đảng viên của các đảng bộ xã chịu sự quy định bởi các yếu tố như: số lượng đội ngũ đảng viên; cơ cấu đội ngũ đảng viên; phẩm chất, năng lực, trình độ, phương pháp, tác phong công tác của từng đảng viên; phẩm chất, năng lực của cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các xã; chất lượng thực hiện các nguyên tắc, chế độ quy định xây dựng đội ngũ đảng viên của các cấp ủy, tổ chức đảng; sự lãnh đạo, chỉ đạo của thường vụ tỉnh ủy, huyện ủy và các cơ quan chức năng cấp trên.

Các đảng bộ xã tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa là một bộ phận trong hệ thống tổ chức của Đảng bộ tỉnh nói riêng và Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung. Do vậy, về cơ cấu, tổ chức cũng như nguyên tắc hoạt động, lãnh đạo của các đảng bộ xã tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa phải theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các quyết định, nghị quyết của tỉnh ủy, huyện ủy. Các đảng bộ xã tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa là tổ chức cơ sở đảng, được thành lập ở cấp xã, trực thuộc cấp ủy huyện Triệu Sơn, bao gồm các chi bộ trực thuộc, là một bộ phận quan trọng hợp thành hệ thống tổ chức của Đảng bộ huyện Triệu Sơn, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Điều lệ Đảng, các quy định của Ban Bí thư và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, huyện. 

Thực tiễn xây dựng và hoạt động lãnh đạo của các đảng bộ xã tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của chất lượng đội ngũ đảng viên. Các đảng bộ xã tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của huyện Triệu Sơn vững mạnh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, động viên nhân dân làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước. Đồng thời, quán triệt thực hiện nghiêm túc nghị quyết của huyện ủy, tỉnh ủy và các nghị quyết của Trung ương về xây dựng đội ngũ đảng viên và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của các đảng bộ xã, giữ vững ổn định chính trị, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng đội ngũ đảng viên của các đảng bộ xã tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: số lượng đội ngũ đảng viên của một số đảng bộ xã còn hạn chế, cơ cấu chưa phù hợp; một số đảng viên chưa có bản lĩnh chính trị vững vàng, còn có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; trình độ, năng lực công tác của một bộ phận không nhỏ đảng viên có mặt còn hạn chế, chưa phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên… Để nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của các đảng bộ xã tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa hiện nay, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, cụ thể hóa tiêu chuẩn đảng viên, phân công, giao nhiệm vụ tăng cường công tác quản lý đội ngũ đảng viên của các đảng bộ xã tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Theo đó, cần xác định cụ thể tiêu chuẩn chung của đảng viên trong Điều lệ Đảng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, nhiệm vụ cụ thể của từng địa phương, đơn vị và từng đối tượng đảng viên của các đảng bộ xã. Đồng thời, phân công, giao nhiệm vụ cho đội ngũ đảng viên ở các đảng bộ xã. Thông qua công tác phân công, giao nhiệm vụ, chi ủy, chi bộ căn cứ làm cơ sở thực tiễn để đánh giá chính xác, cụ thể về phẩm chất và năng lực của từng đảng viên, qua đó xác định đúng, trúng những chủ trương, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Bên cạnh đó, các đảng bộ xã cần làm tốt công tác quản lý đội ngũ đảng viên bởi đây là nội dung quan trọng góp phần nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật của đảng viên, giúp kịp thời phát hiện những đảng viên có phẩm chất, năng lực, sở trường để phân công, bố trí công việc đúng lúc đúng chỗ, đúng trình độ, đúng sở trường; đồng thời giúp cấp ủy kịp thời phát hiện những sai lầm, khuyết điểm của đảng viên, qua đó giúp đảng viên nhanh chóng sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Trên cơ sở quản lý tốt đội ngũ đảng viên, tổ chức đảng có thể kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, từ đó có căn cứ để xác định chủ trương, biện pháp xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.

Hai là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng về sự cần thiết nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của các đảng bộ xã tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, hướng dẫn của cơ quan chức năng về công tác xây dựng đảng, xây dựng đội ngũ đảng viên trong thời kỳ mới. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ đảng viên và tính cấp thiết nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên đối với công tác xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh, địa phương vững mạnh toàn diện. Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng đối với nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của các đảng bộ xã hiện nay.

Ba là, đổi mới, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng phẩm chất năng lực và phong cách lãnh đạo khoa học cho đội ngũ đảng viên của đảng bộ xã

Chất lượng đội ngũ đảng viên chỉ được nâng cao khi từng người và cả đội ngũ đảng viên đều có trình độ giác ngộ chính trị cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng, Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và nhân dân; không dao động, mơ hồ, giảm sút niềm tin trước những tình huống chính trị phức tạp, các thử thách hiểm nghèo; có dũng khí đấu tranh không khoan nhượng chống các quan điểm sai trái, thù địch; luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong suy nghĩ và hành động. Đổi mới, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ đảng viên của đảng bộ xã nhằm giúp đảng viên củng cố lập trường chính trị, tình cảm, niềm tin, thái độ đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của đảng bộ, địa phương; từ đó, tạo nên sự thống nhất về ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn dân. Trong điều kiện hiện nay, các thế lực thù địch tăng cường phá hoại về tư tưởng, chính trị trong cán bộ, đảng viên với những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, thâm độc. Do vậy, cần rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực và phong cách lãnh đạo khoa học cho đội ngũ đảng viên. Nội dung rèn luyện, bồi dưỡng cho đội ngũ đảng viên phải toàn diện cả về phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực; kết hợp nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức về kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, hiểu biết về chính sách, luật pháp của Nhà nước với nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực công tác cho đội ngũ đảng viên.

Bốn là, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các đảng bộ xã, chi bộ, chú trọng công tác tự phê bình và phê bình trong đội ngũ đảng viên

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Muốn chi bộ phát triển tốt, thì cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng chi bộ. Để nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, các đảng bộ xã, chi bộ trước hết cần tiếp tục quán triệt sâu sắc đến đội ngũ đảng viên và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư (khóa X) về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII). Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng chuẩn bị, điều hành sinh hoạt, cập nhật những kiến thức lý luận mới, kiến thức về nghiệp vụ cho đội ngũ cấp ủy của các Đảng bộ xã, chi bộ một cách thường xuyên, toàn diện, cụ thể… Đồng thời, cần tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ đảng viên thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm trong sinh hoạt, bảo vệ và khuyến khích đảng viên trung thực, dũng cảm, dám nói thẳng, nói thật trong tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình đòi hỏi phải toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, cần tập trung vào những vấn đề cụ thể, sát thực đối với đời sống hằng ngày cũng như trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đội ngũ đảng viên. Tiến hành xây dựng kế hoạch tự phê bình và phê bình một cách cụ thể, tỉ mỉ, kết hợp với công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm các đảng viên và tổ chức đảng vi phạm kỷ luật của Đảng.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật, đánh giá, phân loại, sàng lọc đội ngũ đảng viên của các đảng bộ xã 

Kiểm tra, giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng và là nội dung của công tác xây dựng Đảng, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Tiến hành tốt công tác kiểm tra, giám sát ở tổ chức cơ sở đảng là một biện pháp quan trọng nhằm ngăn ngừa và khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; kịp thời phát hiện những khuyết điểm để khắc phục, bảo đảm cho tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ xã. Bên cạnh đó, thi hành kỷ luật trong Đảng là một mặt công tác đặc biệt quan trọng của Đảng; là công việc cần thiết nhằm giữ vững kỷ cương, bảo đảm sự thống nhất ý chí, hành động, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên... Việc đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên của các đảng bộ xã cần được tiến hành thường xuyên theo định kỳ, vào dịp kiểm điểm, tổng kết công tác cuối năm hoặc gắn với các đợt sinh hoạt chính trị, theo sự chỉ đạo của cấp trên. Ngoài ra, các đảng bộ xã cũng cần thực hiện tốt công tác sàng lọc đảng viên, qua đó kịp thời khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác phát triển Đảng, đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có động cơ không đúng đắn, qua đó góp phần bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh và sức chiến đấu của các đảng bộ xã.

Sáu là, nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng, công tác đánh giá, xếp loại đảng viên hằng năm của các đảng bộ xã

Công tác kết nạp đảng viên là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần phát triển, nâng cao chất lượng, sức chiến đấu tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo đảm sự kế thừa, phát triển của Đảng. Do đó, công tác xét duyệt, kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng phải được thực hiện đúng tiêu chuẩn, đúng nguyên tắc của Điều lệ Đảng, các quy định thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hướng dẫn của Ban tổ chức Trung ương… Các chi ủy, chi bộ cần xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện các tiêu chuẩn, động cơ, mục đích của người xin vào Đảng; tổ chức thẩm tra, xác minh lý lịch, lấy ý kiến của quần chúng đối người xin vào Đảng. Công tác đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên hằng năm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Thông qua công tác đánh giá, xếp loại đảng viên nhằm giúp cấp ủy, tổ chức đảng và từng cá nhân tự soi, tự sửa; từ đó đề ra những giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý và thực hiện nhiệm vụ; làm căn cứ, cơ sở để thực hiện các nội dung công tác cán bộ, đảng viên. Do vậy, cần đánh giá chặt chẽ, toàn diện, khách quan, công khai, bám sát các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, đúng quy trình, nguyên tắc, quy định; gắn công tác đánh giá, xếp loại chất lượng từng đảng viên với tổ chức cơ sở đảng và với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng ta nói chung và của các đảng bộ xã tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa nói riêng nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay. Thực hiện đồng bộ các các giải pháp nêu trên giúp phát huy tối đa những yếu tố thuận lợi, đồng thời vượt qua những khó khăn, thách thức, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của các đảng bộ xã ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cả về số lượng, cơ cấu, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác và uy tín, sự gương mẫu.


1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. 15, tr. 113.

BÙI THỊ TRÀ GIANG

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin