1. Bối cảnh mới và yêu cầu nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ biên tập viên
Trong thời gian gần đây, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông đã làm thay đổi mạnh mẽ cách thức sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm xuất bản. Những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và xuất bản số (Digital Publishing) đã tạo ra các yêu cầu mới đối với đội ngũ biên tập viên. Để thích ứng với môi trường mới, biên tập viên cần phải cập nhật kiến thức về các công nghệ này và cách thức áp dụng những công nghệ phù hợp trong quy trình biên tập.
Trước hết, có thể thấy vấn đề nâng cao kiến thức, kỹ năng biên tập nội dung số là một yêu cầu cấp bách đối với đội ngũ biên tập viên xuất bản hiện nay. Trước đây, biên tập viên chủ yếu tập trung làm sách in truyền thống, nhưng hiện nay, họ cần phải làm quen với các định dạng nội dung số như ebook, audiobook, và các nền tảng trực tuyến. Điều này đòi hỏi các biên tập viên xuất bản phải hiểu cả về định dạng tệp, tiêu chuẩn kỹ thuật và các nền tảng xuất bản số, nhằm bảo đảm rằng nội dung không chỉ chính xác về mặt ngữ pháp, ngôn ngữ, mà còn phải phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật số. Bên cạnh việc am hiểu về công nghệ như vậy, các biên tập viên cũng cần phải có kỹ năng sử dụng thành thạo các công cụ số trong công việc hàng ngày để đáp ứng được những đòi hỏi mới của công việc. Các phần mềm quản lý dự án, phần mềm biên tập trực tuyến và công cụ phân tích dữ liệu đang trở thành công cụ không thể thiếu trong quá trình biên tập hiện đại, không chỉ giúp tăng hiệu quả công việc, mà còn giúp biên tập viên làm việc nhóm tốt hơn, quản lý tiến độ và chất lượng sản phẩm một cách chuyên nghiệp hơn.
Thứ hai, nội dung xuất bản ngày nay đã trở nên đa dạng và phức tạp hơn, đòi hỏi biên tập viên phải có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực khác nhau. Không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra ngữ pháp và cú pháp, biên tập viên còn cần phải có khả năng đánh giá nội dung về mặt học thuật, văn hóa, xã hội và pháp lý của xuất bản phẩm. Do vậy, các biên tập viên cần phải liên tục học hỏi, cập nhật kiến thức mới và tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu để có thể thực hiện tốt công tác biên tập, nhất là đối với những ấn phẩm mang tính chuyên sâu hoặc tính liên ngành phức tạp. Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự gia tăng của thông tin trên internet, biên tập viên còn phải đối mặt với việc xử lý các nội dung nhạy cảm liên quan đến những lĩnh vực như chính trị, tôn giáo, giới tính, văn hóa... Vì thế, họ cần phải liên tục học hỏi để có đủ những kiến thức về luật pháp, đạo đức nghề nghiệp và khả năng đưa ra quyết định đúng đắn trong các tình huống phức tạp.
Thứ ba, trong bối cảnh hiện nay, thị hiếu của độc giả đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của nhiều yếu tố, bao gồm sự phát triển của truyền thông xã hội, sự phổ biến của thiết bị di động và sự gia tăng của nội dung trực tuyến. Do vậy, các biên tập viên cần phải liên tục theo dõi, nghiên cứu các xu hướng mới đểbảo đảm rằng nội dung mà họ biên tập luôn phù hợp và hấp dẫn đối với độc giả. Họ cần phải có khả năng phân tích thị trường xuất bản, nắm bắt các xu hướng mới và nhu cầu của độc giả để có thể lựa chọn và biên tập các tác phẩm với đề tài phù hợp, đồng thời góp phần giúp nhà xuất bản định hướng chiến lược phát triển đúng đắn. Với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng xuất bản trực tuyến, độc giả ngày càng đa dạng về sở thích và nhu cầu, đội ngũ biên tập viên cũng cần trau dồi năng lực nắm bắt thị hiếu của độc giả, để có thể đa dạng hóa nội dung và thích ứng với các xu hướng mới một cách linh hoạt.
Thứ tư, bên cạnh các kiến thức chuyên môn và kỹ thuật, biên tập viên cũng cần phải nâng cao các kỹ năng mềm và trau dồi năng lực lãnh đạo để thích nghi với môi trường làm việc ngày càng phức tạp và cạnh tranh. Những kỹ năng này không chỉ giúp các biên tập viên làm việc hiệu quả, mà còn là yếu tố quan trọng giúp họ thăng tiến trong sự nghiệp. Biên tập viên là cầu nối giữa tác giả, nhà xuất bản và độc giả, nên họ cần trau dồi kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm để hiểu rõ yêu cầu của các bên liên quan, cũng như cần có khả năng giao tiếp tốt để có thể giải quyết được những xung đột có thể phát sinh nhằm bảo đảm rằng sản phẩm cuối cùng sẽ đáp ứng được kỳ vọng của tất cả các bên. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, biên tập viên phải đóng vai trò là người “cầm lái” dự án xuất bản, từ việc lập kế hoạch, phân công công việc đến kiểm soát chất lượng và tiến độ, nên việc trang bị kỹ năng lãnh đạo và quản lý dự án cho biên tập viên là vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi họ phải làm việc trong môi trường có nhiều thay đổi và áp lực cao, đòi hỏi sản phẩm xuất bản được thực hiện đúng thời hạn và đạt chất lượng cao.
2. Một số giải pháp nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ biên tập viên trong điều kiện hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay, để đáp ứng yêu cầu nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ biên tập viên xuất bản ở Việt Nam, có thể xem xét thực hiện các giải pháp sau đây:
Về nội dung
Một là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về biên tập nội dung số
Cần tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ thuật xử lý nội dung số dành cho đội ngũ biên tập viên xuất bản, trong đó tập trung vào các kỹ năng cần thiết để biên tập viên có thể thực hiện thành thạo các thao tác kỹ thuật xử lý sách điện tử (ebook), sách nói (audiobook) và các nền tảng xuất bản trực tuyến. Các biên tập viên cần được huấn luyện để có hiểu biết đầy đủ về định dạng tệp, tiêu chuẩn kỹ thuật, cũng như những phương pháp tối ưu hóa nội dung cho các nền tảng số. Họ cũng cần được học cách sử dụng phần mềm biên tập trực tuyến, quản lý dự án, và các công cụ phân tích dữ liệu nhằm nắm vững các công cụ cần thiết để nâng cao hiệu suất và khả năng làm việc.
Hai là, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên ngành, liên ngành và kỹ năng xử lý các nội dung nhạy cảm
Bên cạnh việc tự học nâng cao trình độ chuyên môn sâu của cá nhân, các biên tập viên cũng cần được đào tạo, bồi dưỡng thêm những kiến thức liên ngành và đa ngành để có đủ năng lực xử lý những nội dung xuất bản ngày càng đa dạng và mở rộng. Trên cơ sở nhu cầu thực tế về chuyên môn trong các lĩnh vực xuất bản khác nhau, các nhà xuất bản và doanh nghiệp có thể liên kết với các cơ sở đào tạo tổ chức những khóa học bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và các kỹ năng liên quan đến chuyên môn biên tập cho đội ngũ biên tập viên, nhất là về những lĩnh vực học thuật chuyên ngành sâu và cách tiếp cận mới, về những vấn đề cần quan tâm trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, pháp lý để biên tập viên có thể đánh giá nội dung từ nhiều góc độ khác nhau. Nội dung các khóa đào tạo, bồi dưỡng này cũng cần lưu ý thỏa đáng đến các khía cạnh luật pháp và đạo đức nghề nghiệp, trang bị cho các biên tập viên kỹ năng xử lý những nội dung nhạy cảm liên quan đến chủ đề chính trị, tôn giáo, giới tính, bản sắc văn hóa... nhằm giúp các biên tập viên đưa ra quyết định đúng đắn trong những tình huống phức tạp và thực hiện kỹ năng nghiệp vụ trong khuôn khổ các quy định pháp luật trong nước và quốc tế.
Ba là, bồi dưỡng về kỹ năng nghiên cứu và nắm bắt xu hướng độc giả
Một cách truyền thống, việc bồi dưỡng về kỹ năng nghiên cứu, theo dõi và phân tích thị trường xuất bản thường được coi là công việc của đội ngũ cán bộ phát hành trong ngành xuất bản hiện nay. Tuy nhiên, điều này đã không còn hoàn toàn phù hợp, đặc biệt là trong bối cảnh diễn ra sự thay đổi nhanh chóng của ngành xuất bản hiện đại. Vai trò của đội ngũ biên tập viên đã mở rộng rất nhiều, và trong nhiều trường hợp, họ đã đóng vai trò trụ cột trong toàn bộ quy trình xuất bản. Do vậy, rất cần phải tổ chức các khóa học và hội thảo, trao đổi về nghiên cứu thị trường, phân tích xu hướng và nhu cầu độc giả dành cho đội ngũ biên tập viên. Thông qua đó, các biên tập viên có thể dễ dàng hơn trong việc lựa chọn và biên tập các tác phẩm phù hợp với thị hiếu và định hướng chiến lược của nhà xuất bản. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, việc đào tạo, bồi dưỡng về chiến lược nội dung số, tạo cơ hội cho biên tập viên tham gia các khóa học về phát triển nội dung số cũng sẽ giúp họ nắm bắt các xu hướng mới và thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị hiếu độc giả.
Bốn là, bồi dưỡng phát triển kỹ năng mềm và năng lực lãnh đạo
Các nhà xuất bản, các doanh nghiệp sử dụng biên tập viên xuất bản cũng cần quan tâm bồi dưỡng cho đội ngũ biên tập viên các kỹ năng mềm và bồi dưỡng năng lực lãnh đạo, quản lý. Thông qua việc tổ chức các cuộc tập huấn về giao tiếp, quản lý xung đột và làm việc nhóm hiệu quả, các biên tập viên cần được củng cố năng lực nắm bắt yêu cầu của các bên liên quan để bảo đảm sản phẩm cuối cùng đáp ứng kỳ vọng. Những nội dung về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng lập kế hoạch và quản lý dự án cũng cần được bồi đắp để giúp các biên tập viên có thể dẫn dắt các dự án xuất bản một cách trọn vẹn từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng, bảo đảm tiến độ và chất lượng sản phẩm. Việc bồi dưỡng phát triển kỹ năng mềm và năng lực lãnh đạo như vậy có thể được triển khai qua các khóa bồi dưỡng ngắn hạn, nhưng đồng thời cũng có thể được thực hiện một cách hiệu quả ngay trong công việc, thông qua hoạt động kèm cặp, dìu dắt giữa các cá nhân và các thế hệ biên tập viên của mỗi đơn vị.
Về hình thức
Có thể áp dụng nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ biên tập viên xuất bản trong điều kiện hiện nay của ngành xuất bản nước ta. Tùy từng bối cảnh cụ thể mà các nhà xuất bản, các doanh nghiệp xuất bản và các cơ sở đào tạo có thể lựa chọn những hình thức triển khai phù hợp sau đây:
- Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu. Các khóa học này nên được thiết kế linh hoạt, phù hợp với nhu cầu cụ thể của các nhóm biên tập viên và có thể bao gồm cả các khóa học trực tuyến và trực tiếp. Trong xu thế phát triển hiện đại của ngành xuất bản, cần tăng cường hình thức học trực tuyến với nội dung phong phú và chất lượng cao, giúp biên tập viên có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, với việc sử dụng các nền tảng học tập trực tuyến uy tín, kết hợp với những tài liệu đa phương tiện (video, podcast, bài giảng tương tác...) để nâng cao chất lượng học tập.
- Tạo điều kiện cho biên tập viên tham gia các hội thảo, hội nghị và diễn đàn tọa đàm chuyên ngành, nhằm giúp họ cập nhật các xu hướng mới nhất trong ngành xuất bản, tăng cường cơ hội trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia và mở rộng mạng lưới quan hệ, chia sẻ và cùng nhau giải quyết các vấn đề gặp phải trong công việc với các đồng nghiệp trong ngành. Khuyến khích sử dụng các nền tảng mạng xã hội chuyên nghiệp để xây dựng mạng lưới chuyên môn, kết nối đội ngũ biên tập viên trong và ngoài nước.
- Tạo dựng và duy trì văn hóa học tập liên tục trong tổ chức, khuyến khích các biên tập viên xuất bản luôn tự học hỏi, nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ thông qua các chương trình đào tạo nội bộ, các buổi chia sẻ kinh nghiệm hoặc chia sẻ tài liệu tham khảo về những chủ đề mới đáng chú ý. Có thể phân chia ra các khóa học chuyên sâu theo từng mảng của công việc biên tập, như biên tập nội dung, biên tập hình ảnh, biên tập kỹ thuật số, cập nhật về xu hướng và công nghệ mới trong xuất bản để duy trì động lực học tập không ngừng của các biên tập viên.
- Hợp tác với các tổ chức và cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo và chương trình trao đổi, nghiên cứu về xuất bản nhằm giúp biên tập viên tiếp cận với những kiến thức và công nghệ tiên tiến nhất, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh trong môi trường quốc tế. Tạo điều kiện để cá nhân các biên tập viên có thể dễ dàng tham gia các sự kiện quốc tế hoặc phối hợp làm việc với các tổ chức xuất bản quốc tế để mở rộng tầm nhìn và nâng cao kỹ năng xuất bản nói chung, biên tập xuất bản nói riêng.
- Khuyến khích sự sáng tạo, tạo điều kiện để biên tập viên thử nghiệm các ý tưởng mới trong công việc, đồng thời xây dựng những hệ thống đánh giá và công nhận năng lực chuyên môn của biên tập viên, khuyến khích họ không ngừng học hỏi và phát triển bản thân. Hỗ trợ biên tập viên thực hiện các nghiên cứu về ngành xuất bản, vinh danh bằng các giải thưởng và danh hiệu nhằm tôn vinh những biên tập viên xuất sắc, có đóng góp vào việc phát triển các phương pháp và quy trình mới của ngành.
Tóm lại, yêu cầu nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ biên tập viên xuất bản ở Việt Nam hiện nay là cấp thiết và mang tính chiến lược trong bối cảnh ngành xuất bản đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ công nghệ và thị trường. Để đáp ứng được yêu cầu này, cần có các giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức đào tạo, khuyến khích học tập liên tục đến việc hợp tác quốc tế. Những giải pháp này không chỉ giúp nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên, mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của ngành xuất bản Việt Nam trong thời gian tới.
ThS. NGUYỄN THU HẰNG
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật