Định hướng và mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh thực hiện cơ chế đặc thù

CT&PT - Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế là yêu cầu khách quan và cấp bách khi thế giới và Việt Nam bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế là nội dung “hạt nhân’’ hàng đầu của tái cấu trúc kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng như kinh tế Việt Nam.

4-010124-hcm-1730046838.jpg

 

1. Định hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng
1.1. Định hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng về kinh tế
Chuyển dần mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng sang chiều sâu, dựa trên sự đóng góp của tiến bộ khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tố năng suất tổng hợp và thể chế quản lý tiên tiến. Duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, đảm bảo sự bền vững, hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố. Đặc biệt trong tình hình hội nhập kinh tế hiện nay trên thế giới xu hướng phát triển kinh tế chia sẻ theo đó các nền kinh tế tham gia chuỗi sản phẩm toàn cầu mà mỗi nơi chỉ đảm nhận một khâu, một công đoạn trong quá trình sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và nền kinh tế tuần hoàn. Đó là kinh tế không chất thải, tận dụng và tái chế các loại chất thải thành nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành khác, sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và tuần hoàn, sản phẩm của ngành này là nguyên liệu của ngành khác...
Tăng trưởng phải góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đầu tư công. Thúc đẩy xuất khẩu những sản phẩm có lợi thế so sánh và kiểm soát nhập khẩu, chuyển từ gia công xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp sang xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học và công nghệ cao.
Tăng trưởng góp phần giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội theo hướng đồng bộ, tạo điều kiện hỗ trợ cho nhóm người có thu nhập thấp, nhóm người yếu thế trong xã hội, rút ngắn khoảng cách phân hoá giàu nghèo trong xã hội. Đảm bảo người dân có cuộc sống vật chất và tinh thần tốt, đảm bảo một xã hội phát triển công bằng, văn minh, hiện đại. Để nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới, cần phải:
Thứ nhất, thực hiện tái cấu trúc kinh tế Thành phố, thúc đẩy hình thành cơ cấu kinh tế phù hợp, có hàm lượng giá trị gia tăng cao, có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong nền kinh tế chia sẻ ở khu vực và thế giới; ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ vào sản xuất kinh doanh để chuyển dần sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít chất thải; tập trung xây dựng nhanh các cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên vật liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất quy mô lớn với công nghệ cao.
Thứ hai, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế, khai thác và sử dụng các nguồn lực có được từ vận dụng cơ chế chính sách đặc thù của Thành phố để đổi mới công nghệ, thiết bị, đầu tư các ngành công nghệ cao; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước; khuyến khích đầu tư của các thành phần trong xã hội. Phát huy thế mạnh của doanh nghiệp, đổi mới, cổ phần hóa, sắp xếp, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước; cải thiện môi trường, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.
Thứ ba, khai thác các nguồn lực từ cơ chế, chính sách đặc thù của Thành phố về vốn, tài chính, khoa học - công nghệ, chất xám, tri thức, tài năng... để đầu tư, đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất - kinh doanh để cải tiến sản phẩm, hạ giá thành và nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; đào tạo, dạy nghề nâng cao trình độ phát triển nguồn nhân lực, sử dụng nguồn nhân lực từ cơ chế đặc thù về nâng thu nhập để thu hút nhân tài, chất xám trên địa bàn Thành phố làm điều kiện để tăng năng suất lao động đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
1.2. Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế để nâng cao chất lượng tăng trưởng
Thứ nhất, phát triển các ngành dịch vụ: phát triển vững chắc 9 ngành dịch vụ có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao trên địa bàn Thành phố: tài chính - ngân hàng, du lịch, bảo hiểm, tư vấn, y tế, giáo dục chất lượng cao, vận tải, cảng - kho bãi - logistics, kinh doanh bất động sản.... Tổ chức thực hiện các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học - công nghệ theo hướng hoàn thiện và thương mại hóa công nghệ, sản phẩm mẫu đã nghiên cứu được. 
Thứ hai, phát triển ngành công nghiệp, tập trung phát triển nâng cao chất lượng 4 ngành mũi nhọn của Thành phố: (i) cơ khí chế tạo sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI); (ii) hóa chất - tập trung là hóa dược, hóa nhựa - các loại sản phẩm nhựa phân hủy nhanh không gây ô nhiễm môi trường; (iii) điện tử - tin học - viễn thông - công nghệ thông tin; (iv) chế biến tinh lương thực - thực phẩm xây dựng chuỗi cung ứng và thương hiệu sản phẩm chất lượng cao. Sử dụng nguồn lực từ cơ chế đặc thù khi khai thác quỹ đất của thành phố, từ tiền thu được khi cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước để hỗ trợ đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ sản xuất nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm các ngành cơ khí chế tạo và công nghệ hỗ trợ, thay thế dần các linh kiện, phụ tùng nhập khẩu nhất là linh kiện điện tử. 
Thứ ba, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng: (i) nâng cao chất lượng tăng trưởng và giá trị gia tăng cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, sạch, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, đạt tiêu chuẩn VietGap - Global Gap; (ii) tập trung các sản phẩm chủ lực như rau sạch, củ quả, trái cây sạch, hữu cơ, hoa cây kiểng, bò sữa, cá cảnh; (iii) xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn từ sản xuất đến phân phối lưu thông đến tiêu dùng cuối cùng, bền vững và có giá trị gia tăng cao gắn với môi trường sinh thái.
1.3. Định hướng phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội
Thứ nhất, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, ưu tiên đầu tư những công trình cấp bách đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng của thành phố. Đẩy mạnh triển khai các công trình, chương trình thực hiện quy hoạch giao thông Thành phố, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông, hình thành mạng lưới giao thông đường bộ, kết nối toàn vùng Thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó cấp bách là đầu tư các công trình đường xuyên tâm và hướng tâm, các công trình cầu đường quy mô lớn ở các cửa ngõ Thành phố nối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, theo đó Quốc lộ 13 nối với Bình Dương - Bình Phước, Quốc lộ 1 và xa lộ Hà Nội phía Đông Bắc nối với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quốc lộ 22 và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh, Quốc lộ 1 và Quốc lộ 50 về miền Tây và Đồng bằng Sông Cửu Long, các đường vành đai 2,3,4 chung quanh nối Thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

5-010124-hcm-1730046914.jpg

Khởi công đường Vành đai 3.

Thứ hai, dự kiến nguồn vốn cần cho đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 170.000 tỷ đồng. Tổng 2 giai đoạn khoảng 300.000 tỷ đồng thì lúc đó Thành phố về cơ bản mới hình thành tương đối hệ thống giao thông đồng bộ. Nếu dựa vào nguồn vốn ngân sách phân bổ theo Luật Ngân sách thì tối đa cho cả 2 giai đoạn chỉ có được khoảng 100.000 tỷ đồng. Thành phố còn thiếu khoảng 200.000 tỷ đồng và nguồn vốn này chỉ có được khi vận dụng, khai thác được cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội cho phép như nguồn lực thu từ chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất đô thị (thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất), xã hội hóa đầu tư thu hút các nguồn vốn đầu tư vay trong nước và nước ngoài, trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình, nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố quản lý… vốn chỉ tính riêng việc chuyển đổi 26000 ha đất nông nghiệp sang đất đô thị, mức thu tiền sử dụng đất 10 triệu đồng/ha thì Thành phố huy động được 260.000 tỷ đồng cho đầu tư kết cấu hạ tầng hiện đại. Thành phố được chủ động, HĐND Thành phố quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng từ 10 ha đất nông nghiệp, đất lúa trở lên, Thành phố điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị để chuyển mục đích sử dụng đất.
1.4. Định hướng giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm an sinh xã hội
Thứ nhất, nâng cao chất lượng tăng trưởng phải đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Thứ hai, tỷ lệ tăng dân số cơ học hằng năm vẫn ở mức cao, bình quân 5 năm tăng 1 triệu người. Để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Thành phố cần có những biện pháp thiết thực nhằm giảm tình trạng nhập cư thông qua việc chuyển hướng đầu tư các ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động giản đơn như gia công, lắp ráp, dệt may, da giày,... về các tỉnh lân cận để thu hút lao động tìm kiếm cơ hội việc làm ngay tại các tỉnh thành đó. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố hướng về các ngành nghề thâm dụng khoa học, kỹ thuật, có trình độ công nghệ cao có chất xám và tri thức cao sẽ chọn lọc người nhập cư hơn.
1.5. Định hướng về nâng cao chất lượng môi trường
Thứ nhất, triển khai thực hiện chương trình giảm ô nhiễm môi trường, kiểm soát, ngăn chặn và giảm ô nhiễm không khí, nước mặt, nước ngầm, tiếng ồn, chất thải nguy hại, chất thải rắn thông thường; khắc phục những nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng; tăng cường cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, công viên, nhất là khu vực trung tâm; xây dựng thành phố xanh, sạch, có môi trường sống tốt; phục hồi các hệ sinh thái, đa dạng sinh học; bảo vệ, phát triển khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. 
Thứ hai, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới trong bảo vệ môi trường. Chuyển giao công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải; ứng dụng công nghệ mới, tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, tái sử dụng chất thải trong sản xuất, kinh doanh; phát triển sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm sau quá trình tái chế. Đầu tư các trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm; mở rộng mạng lưới quan trắc các thành phần môi trường trên địa bàn thành phố, đáp ứng yêu cầu theo dõi, đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường, đề xuất các giải pháp kiểm soát chất lượng môi trường.
Thứ ba, tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chú trọng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Triển khai Quy chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thứ tư, giải quyết cơ bản tình trạng ngập do mưa và triều cường tại khu vực trung tâm (dân số khoảng 3,3 triệu người), hạn chế phát sinh các điểm ngập mới; giải quyết cơ bản tình trạng ngập do mưa tại 5 vùng còn lại và toàn thành phố vào năm 2025, tiến đến giải quyết triệt để tình trạng ngập nước do mưa; giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do lũ và triều, mực nước biển dâng trên địa bàn Thành phố.
Thứ năm, tập trung thực hiện các giải pháp công trình để phục vụ giải quyết ngập. Tăng cường liên kết, hợp tác khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước.
1.6. Định hướng về vận dụng cơ chế đặc thù mà Quốc hội chấp thuận cho thành phố làm thí điểm trong mối quan hệ với việc nâng cao chất lượng thể chế kinh tế; thu hút, tạo nguồn lực đầu tư
Thứ nhất, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định, an toàn, lấy người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ để thành phố trở thành điểm đến đầu tư lý tưởng và đáng sống. Tập trung chỉ đạo, cải tiến cơ chế, điều hành đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các dự án, công trình trong 7 chương trình đột phá của thành phố; đồng thời tập trung huy động vốn theo cơ chế đặc thù của thành phố được Quốc hội cho làm thí điểm triển khai các dự án trọng điểm mang tính chiến lược lâu dài.
Thứ hai, nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch; triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã kết nối hạ tầng kỹ thuật đồng bộ vùng, liên vùng, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái toàn vùng như ô nhiễm sông Đồng Nai, sông Sài Gòn…, giải quyết tình trạng tác hại của biến đổi khí hậu như ngập do triều cường, do mưa…
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo bước đột phá đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế, xã hội, đầu tư trên địa bàn thành phố. Vận dụng cơ chế đặc thù và nâng cao thu nhập, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài, chuyên giỏi để Thành phố thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút chất xám, tri thức cho hệ thống chính trị, các ngành then chốt, các ngành sử dụng công nghệ cao, y tế, giáo dục, dịch vụ, công nghiệp chất lượng cao.
2. Mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng đến 2030
2.1. Mục tiêu tổng quát nâng cao chất lượng tăng trưởng đến 2030
Nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố phải gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao phúc lợi xã hội, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, phát triển nhanh và bền vững hơn, giữ vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế của cả nước.
2.2. Mục tiêu cụ thể nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế
Để thực hiện những định hướng trên đòi hỏi phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, phát huy tính năng động, sáng tạo, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, cơ chế, chính sách đặc thù của Thành phố. Trong thời gian tới Thành phố cần thực hiện các mục tiêu cụ thể như sau:
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố tăng bình quân hàng năm từ 8% - 8,5% (tính theo GRDP thì tăng hơn 1,5 lần mức tăng trưởng GDP bình quân cả nước).
Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của Thành phố theo định hướng dịch vụ - công nghiệp - nông, lâm nghiệp, thủy sản, trong đó tỷ trọng của dịch vụ trong GRDP của Thành phố đến năm 2025 khoảng 65 - 70%; dịch vụ và công nghiệp chiếm tỷ trọng tuyệt đối, tỷ trọng nông nghiệp còn khoảng dưới 1% trong GRDP.
Thứ ba, tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP của Thành phố bình quân hàng năm tăng từ 35% trở lên. 
Thứ tư, Thành phố Hồ Chí Minh phải phấn đạt nhóm top 5 địa phương đứng đầu về nâng cao năng lực quản lý bộ máy chính quyền các cấp, top 5 về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), top 5 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và top 5 về chỉ số cải cách hành chính (PAR-index).  


ThS. NGUYỄN DOÃN HOA

Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí vui lòng để lại thông tin