1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của thanh niên
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí, vai trò và tiềm năng to lớn của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, tin tưởng và nhìn nhận thanh niên với quan điểm phát triển. Ngay từ khi đất nước còn chìm trong đêm đen nô lệ, Người đã nhấn mạnh tư tưởng “thức tỉnh thanh niên để đi đến thức tỉnh dân tộc”. Trong những năm đất nước ta mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà… nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”2, tương lai của đất nước và tiền đồ vẻ vang của dân tộc nằm trong tay thanh niên. Vì vậy, Người yêu cầu thanh niên phải “tham gia ý kiến vào công việc của Chính phủ; chiến đấu giữ lấy nền độc lập và tự luyện ngay từ bây giờ để sau này lên thay những thủ lĩnh mà gánh vác việc trọng đại của nước nhà”3.
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, chúng ta tự hào với những Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Triệu Thị Trinh, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Trần Quốc Toản, Trần Nhật Duật, Lê Lợi, Nguyễn Huệ... - những con người tài cao, chí lớn, yêu nước nồng nàn và sẵn sàng vùng lên đấu tranh bảo vệ giang sơn, bờ cõi, chủ quyền và nền độc lập dân tộc khi mới ở độ tuổi thanh niên. Trong tác phẩm Lịch sử nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát truyền thống oai hùng đó như sau: “Thiếu niên ta rất vẻ vang/Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời”4.
Với phương pháp luận mácxít và vốn hiểu biết phong phú được tích lũy qua hoạt động thực tiễn sôi nổi, Người hiểu rõ tiềm năng to lớn của thanh niên trong cuộc đấu tranh cách mạng cũng như sự phát triển của xã hội. Theo Người, thanh niên là lực lượng đông đảo trong xã hội, có ưu điểm nổi trội là trẻ, khỏe, hăng hái, nhiệt tình, nhanh nhạy tiếp thu cái mới, ham hiểu biết, giàu lý tưởng và ước mơ... Do đó, nếu định hướng, động viên đúng đắn, thanh niên sẽ là lực lượng cách mạng đắc lực, luôn nêu cao tinh thần xung phong, tình nguyện, xung kích, đi đầu để hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó, sẵn sàng phát huy tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo và nhiệt huyết cống hiến vì sự nghiệp chung.
Đặc biệt, Người luôn nhấn mạnh vai trò của thanh niên trên cả hai bình diện xã hội và mối quan hệ kết nối giữa quá khứ với tương lai: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”5. Người khẳng định thanh niên có sứ mệnh lịch sử vẻ vang đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, đó là thanh niên trong giai cấp công nhân - giai cấp đại biểu cho phương thức sản xuất tiến bộ nhất trong lịch sử, là những người xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản trên thế giới.
Trong quá trình lãnh đạo dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Người luôn dõi theo mỗi bước trưởng thành và sự nỗ lực, cống hiến của tuổi trẻ Việt Nam; đồng thời, kịp thời động viên những thành tích mà thanh niên đã đạt được trên mọi lĩnh vực: chiến đấu, học tập, rèn luyện, lao động, sản xuất… Từ đó, Người đưa ra dự báo hết sức đúng đắn, và sau này đã trở thành hiện thực: “Với một thế hệ thanh niên hăng hái và kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”6.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ II (tháng 12/1961), Người đưa ra quan điểm cụ thể và hoàn chỉnh về vai trò “động lực và xung kích” của lực lượng thanh niên trong cách mạng, đồng thời khẳng định tình cảm yêu mến của Người đối với thế hệ tương lai của đất nước, bởi thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa cũng như sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa cũng như sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; trong mọi công việc, thanh niên thi đua thực hiện khẩu hiệu: “Đâu cần, thanh niên có; việc gì khó, thanh niên làm”7…
Qua đó, Người khẳng định tuổi trẻ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã phát huy tốt vai trò của mình, đóng góp công lao to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Vì vậy, Người “rất tự hào, sung sướng và thấy như mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang”8.
2. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng thanh niên
Trong thư Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến (năm 1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”9. Theo người, thanh niên là thời kỳ đẹp nhất, sống độngnhất, với ước mơ, hoài bão lớn, giàu nghị lực, lòng vị tha, luôn khát khao cống hiến vì tương lai của đất nước, tiền đồ của dân tộc. Vì vậy, Người luôn coi trọng giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cho thanh niên, coi đây là việc làm hệ trọng để thanh niên tham gia tích cực, có hiệu quả vào sự nghiệp cách mạng.
Bên cạnh khẳng định vai trò, sức mạnh của thanh niên, Người cũng thẳng thắn chỉ ra những nhược điểm, thiếu sót của thanh niên: thiếu từng trải, thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống, một số chưa chịu khó học tập, mắc bệnh hình thức, bệnh cá nhân, tự cao, tự đại… Từ đó, Người yêu cầu mọi thanh niên phải chủ động, tự giác chống tâm lý tư lợi, chống thói quen xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay, chống bệnh lười biếng, xa xỉ, kiêu ngạo, giả dối, hình thức, khoe khoang… Theo Người, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu sẽ giúp thanh niên tự hoàn thiện nhân cách của mình. Vì vậy, thanh niên phải không ngừng học tập, tu dưỡng và rèn luyện để trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội, trở thành những người cách mạng chân chính, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đó là những con người “vừa có đức, vừa có tài”, “vừa hồng, vừa chuyên”, trong đó “đạo đức là cái gốc của người cách mạng”. Người yêu cầu thanh niên phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và ra sức trau dồi đạo đức cách mạng. Trong giáo dục và học tập phải đặc biệt chú trọng các mặt đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất. Trong đó, đạo đức mà Người mong mỏi ở thanh niên là trung, dũng, cần, kiệm, khiêm tốn - những phẩm chất cao đẹp mà mỗi người đều có thể tự phấn đấu.
Người yêu cầu thanh niên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ về mọi mặt để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình: “Ngày nay, ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ, thì phải học tập”10; “Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng””11, tích cực tu dưỡng, rèn luyện để ngày càng tiến bộ, đóng góp hiệu quả vào công cuộc khôi phục và xây dựng lại nước nhà, bởi “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”12.
3. Quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng, phát huy vai trò của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
Thấm nhuần tư tưởng của Người, từ khi Đảng ta ra đời đến nay, trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn đề cao vai trò của thanh niên Việt Nam trong thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và toàn dân tộc. Nghị quyết số 04-NQ/HNTW, ngày 14/01/1993 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về công tác thanh niên trong thời kỳ mới khẳng định: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không…, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”13.
Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25/7/2008 Hội nghị Trung ương 7 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa xác định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”14.
Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ngày 15/12/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng và đánh giá rất cao vai trò, vị trí của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội”15.
Quyết định số 1331/QĐ-TTg, ngày 24/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 nêu rõ mục tiêu tổng quát: “Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc; có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khỏe và lối sống lành mạnh; có văn hóa, kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ. Phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế. Phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện và nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”16.
Sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội đối với thế hệ trẻ là cơ sở, nguồn lực, điều kiện quan trọng để thanh niên Việt Nam tiếp tục phát triển, phát huy hơn nữa.
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới và phát triển đất nước do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trong đó đã xây dựng được một thế hệ thanh niên thời kỳ mới vừa có đạo đức, nhân cách, vừa có tri thức, sức khỏe, tư duy năng động và hành động sáng tạo; tiếp nối truyền thống hào hùng của dân tộc, của Ðảng, nêu cao lòng yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, tình nguyện vì cộng đồng; sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội; có ý chí vươn lên trong học tập, lao động, công tác, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng; mong muốn được cống hiến cho đất nước, có việc làm, thu nhập ổn định, có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, môi trường sống an toàn, lành mạnh.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”, thanh niên Việt Nam đã phát huy truyền thống, kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đại bộ phận thanh niên sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ cái đúng, lẽ phải, sự công bằng, lên án cái xấu, cái ác; thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động xung kích, tình nguyện như hoạt độnghướng về biển, đảo, biên giới để chia sẻ với đồng bào khó khăn, tham gia xây dựng nông thôn mới, tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc...; đi đầu trong các phong trào thi đua sôi nổi, như: thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước, thanh niên tình nguyện..., góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một bộ phận thanh niên chưa nhận thức rõ ràng trách nhiệm của mình trước Tổ quốc và nhân dân, bỏ quên quá khứ, không trân trọng hiện tại và không phấn đấu cho tương lai. Lý tưởng của một bộ phận thanh niên bị tha hóa, chạy theo lối sống thực dụng, xa rời các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, tình trạng phạm tội ngày càng phổ biến và có chiều hướng gia tăng bởi tác động của mặt trái kinh tế thị trường, những thách thức của hội nhập quốc tế, đặc biệt là âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng, để phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng thanh niên
Đây là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng thanh niên trong tình hình mới. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”17. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên nắm bắt, định hướng và kiểm tra việc thực hiện công tác thanh niên; phân công đảng viên có năng lực phụ trách công tác đoàn và phong trào thanh niên. Thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên; mỗi cán bộ, đảng viên phải là tấm gương sáng, “nói đi đôi với làm” để giáo dục thanh niên học tập và noi theo.
Hai là, đẩy mạnh xây dựng, củng cố tổ chức đoàn vững mạnh, làm cơ sở để thực hiện tốt chức năng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thanh niên
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh “phải là cánh tay đắc lực của Đảng trong việc tổ chức và giáo dục thế hệ thanh niên và nhi đồng thành những chiến sĩ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”18. Để tập hợp, thu hút được đông đảo thanh niên, trước hết, Đoàn phải chủ động xây dựng chương trình hành động, kế hoạch công tác, ký kết chương trình liên tịch phối hợp hoạt động với các tổ chức đoàn thể - hội nhằm cụ thể hóa nghị quyết của các cấp ủy đảng, địa phương, đơn vị và của đoàn các cấp. Chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng về cơ chế, nội dung trong công tác đoàn và phong trào thanh niên, trong chỉ đạo các hoạt động phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể, hội để thực hiện tốt công tác thanh niên; đặc biệt, phải chủ động nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng, nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của từng đoàn viên thanh niên nhằm khuyến khích thanh niên tự giác tham gia các hoạt động đoàn.
Ba là, thanh niên phải tự giác rèn luyện, không ngừng học tập, có chí tiến thủ, xung phong gương mẫu trong công việc
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Ưu điểm của thanh niên ta là hăng hái, giàu tinh thần xung phong. Khuyết điểm là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh “anh hùng”19. Theo Người, để xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước, thanh niên phải tự giác rèn luyện. “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”20, vì vậy, thanh niên “phải ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa, trước hết phải rèn luyện và thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa, gột rửa cá nhân chủ nghĩa”21. Rèn luyện trên mọi phương diện: đạo đức cách mạng, ý chí và lòng dũng cảm, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ...
Bốn là, các cấp ủy đảng, tổ chức đoàn cần phát huy vai trò của thanh niên trong tự học tập, tự tu dưỡng đạo đức, lối sống, hình thành cho thanh niên nhu cầu, động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắn, làm cho mỗi người có ý thức làm chủ, ham học hỏi, cầu tiến bộ, vươn lên tự khẳng định mình
Cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để thanh niên phấn đấu, rèn luyện; đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả, định hướng phấn đấu cho thanh niên. Bên cạnh đó, cần quan tâm đáp ứng những nhu cầu chính đáng của thanh niên về vật chất, tinh thần; giao nhiệm vụ phù hợp với sở trường, năng khiếu; tìm hiểu, nắm bắt đặc điểm tâm, sinh lý để tạo điều kiện tốt cho thanh niên rèn luyện đạo đức, lối sống.
Năm là, kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho thanh niên
Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng cùng chăm lo, giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho thanh niên, hình thành phẩm chất cao đẹp của con người mới xã hội chủ nghĩa. Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng thanh niên là những quan điểm có tính cách mạng, khoa học và thấm đượm triết lý nhân văn sâu sắc. Đó là cơ sở tư tưởng và lý luận để Đảng ta đưa ra chiến lược giáo dục, bồi dưỡng thanh niên Việt Nam trong thế kỷ XXI nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng thanh niên là những quan điểm có tính cách mạng, khoa học và thấm đượm triết lý nhân văn sâu sắc. Đó là cơ sở tư tưởng và lý luận để Đảng ta đưa ra chiến lược giáo dục, bồi dưỡng thanh niên Việt Nam trong thế kỷ XXI nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
1, 2, 11, 19. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 15, tr. 612, t. 5, tr. 216, t. 14, tr. 619, t. 7, tr. 66.
3, 9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 32, 194.
4. Hồ Chí Minh: Lịch sử nước ta, Nxb. Chính trị quóc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 9.
5, 7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 298, 299.
6, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 79.
10, 12, 22. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 178, 265, 266.
13. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-vii/nghi-quyet-so-04-nqhntw cua-hoi-nghi-lan-thu-tu-bchtw-dang-khoa-vii-ve-cong-tac-thanh nien-trong-thoi-ky-moi-ngay-14011993-1125.
14. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi nghi-bch-trung-uong/khoa-x/nghi-quyet-so-25-nqtw-ngay-2572008 hoi-nghi-lan-thu-bay-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-x-ve tang-cuong-su-lanh-dao-612.
15. Nguyễn Phú Trọng: Biến thách thức thành cơ hội, quyết tâm tạo đột phá đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr. 677.
16. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Quyet dinh-1331-QD-TTg-2021-Chien-luoc-phat-trien-thanh-nien-Viet Nam-482350.aspx.
17. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 168.
18, 20, 21. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 420, 222, 19.
NGUYỄN THU HẰNG (Tổng hợp)
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật