Đảng dựa vào dân, “lấy dân làm gốc” theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng

CT&PT - Dựa vào dân, gần dân, hiểu dân, học dân; vì dân, phấn đấu vì ích quốc, lợi dân - đó là những quan điểm trong tư tưởng “lấy dân làm gốc” và cũng là đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đi đúng “đường lối nhân dân”, phát huy bài học “lấy dân làm gốc” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi trọn vẹn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ năm 1986 đến nay, Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đạt được những thành tựu to lớn, mang tầm vóc lịch sử. Bài học Đảng dựa vào dân, “lấy dân làm gốc” theo tư tưởng Hồ Chí Minh luôn có giá trị to lớn, vững bền trong sự nghiệp đổi mới, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

1. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Nhân dân quyết định sự phát triển của lịch sử. Đó là quan điểm duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Lịch sử cho thấy, chừng nào biết dựa vào dân, quốc gia - dân tộc, đất nước sẽ vượt qua mọi gian nan, thử thách, lập nên những chiến công phi thường. Chừng nào không biết dựa vào dân, không quan tâm đến đời sống nhân dân, chừng ấy đất nước rơi vào tối tăm, loạn lạc, suy vi, thậm chí dẫn tới sụp đổ.

Dân tộc Việt Nam có tư tưởng truyền thống đặc sắc và tiến bộ về vai trò và sức mạnh của dân, coi dân là gốc của nước. Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, cũng có nhiều đấng minh quân, anh hùng hào kiệt nặng lòng ái quốc ưu dân, đã biết phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhìn thấy vai trò to lớn, số một, gốc rễ của nhân dân: “Dân vi bản, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Dân là gốc, đất nước thứ hai, vua xem nhẹ). Những ý tưởng chính trị của giới cầm quyền, cho dù có to lớn và cao đẹp đến mấy cũng sẽ là bất khả thi nếu quan liêu, xa dân, không dựa vào dân. Nhà Trần thế kỷ XIII ba lần đại thắng quân Nguyên-Mông hung hãn, yếu tố cơ bản của thắng lợi đó - như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã chỉ ra: “Vua tôi đồng tâm, anh em hoà thuận, cả nước góp sức”. Đó chính là sức mạnh của toàn dân được huy động. Trần Quốc Tuấn còn nêu tư tưởng đặc sắc khi khuyến tấu vua Trần “khoan thư sức dân để làm kế bền gốc, sâu rễ, đó là thượng sách giữ nước”. Nguyễn Trãi - một nhà văn hóa lớn, anh hùng của dân tộc ta thế kỷ XV đã nêu ra tư tưởng sâu sắc về vai trò và sức mạnh của nhân dân: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Ông cũng nói về sức mạnh của dân, ví các triều đại phong kiến cũng như con thuyền, thuyền nổi được là nhờ nước. Nước có tác dụng chở thuyền, đẩy thuyền tiến về phía trước, nhưng cũng có sức mạnh lật thuyền - “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.

Lực lượng của quần chúng nhân dân là vô địch. Lịch sử thế giới cũng như lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng, khi quần chúng đã giác ngộ, được tổ chức lại và kiên quyết vùng dậy thì không có khó khăn nào là không thể vượt qua, không có việc gì là không thể làm nổi. Quần chúng nhân dân có sức mạnh và sự sáng tạo phi thường trong cách mạng. V.I. Lênin đã nói: “Cách mạng là ngày hội của những người bị áp bức và bóc lột. Không lúc nào quần chúng nhân dân có thể tỏ ra là người tích cực sáng tạo ra những trật tự xã hội mới như trong thời kỳ cách mạng. Trong những thời kỳ như thế... thì nhân dân có thể làm được những kỳ công”1.

Hồ Chí Minh phát triển quan điểm về nhân dân lên một tầm cao trong bối cảnh, điều kiện mới của đất nước và thời đại. Thấm nhuần lý luận Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã vận dụng đúng đắn và vô cùng linh hoạt, sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân. Phát triển quan điểm về nhân dân lên một tầm cao trong bối cảnh, điều kiện mới của đất nước và thời đại, Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”2. Nhân dân và dân tộc với sức mạnh đại đoàn kết đã tạo nên cơ sở xã hội sâu xa, bền vững của Đảng. Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân và dân tộc. Từ thực tiễn lịch sử trong nước và cách mạng thế giới, Hồ Chí Minh đã nhìn nhận rõ sức mạnh tiềm tàng, to lớn của quần chúng nhân dân: “Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”3. Đối với Đảng cầm quyền, lãnh đạo, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đều phải dựa vào dân, “Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng”4. Đảng và hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc tinh thần: “Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân... Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”5.

Cơ sở xã hội của chế độ là lòng dân, cần phải luôn được củng cố, bồi đắp, từ xa, từ sớm, nếu không sẽ dẫn đến mất dân, mà mất dân cũng đồng nghĩa với mất đi nguồn sống quan trọng nhất của chế độ. Trong xây dựng chế độ mới, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiều lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều ở nơi dân. Chính phủ từ Trung ương đến xã đều do dân cử ra... “Nói tóm lại tất cả quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Người quán triệt quan điểm mang tính nguyên tắc trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn hằng ngày của Đảng, đó là: “Sự lãnh đạo, trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”6. Gắn bó với nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân và hướng đích vì dân, theo Hồ Chí Minh, phải được thể hiện trong nội dung và phương cách lãnh đạo của Đảng, trong hoạt động, công tác hằng ngày của cán bộ đảng viên. Đảng tin ở dân, dân tin ở Đảng thì bất kể tình hình như thế nào, quyền lãnh đạo của Đảng vẫn được bảo đảm trên thực tế. Dân tìm thấy ở Đảng vai trò người dẫn đường trong đấu tranh cách mạng; Đảng tìm thấy ở dân chỗ dựa vững chắc, lực lượng to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến và kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng lấy dân làm gốc, Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ, làm chủ, ý Đảng và lòng dân là thống nhất. Ngoài quyền lợi của giai cấp, của dân tộc, Đảng không có quyền lợi gì cho riêng mình. Đảng không ở trên dân mà cũng không ở ngoài dân. Vì thế, Đảng phải luôn luôn “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”7.

Đảng cầm quyền không làm được điều đó tức là Đảng sẽ xa rời quần chúng nhân dân và sẽ là một nguy cơ lớn, trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Bởi vậy, trong bản Di chúc lịch sử, Hồ Chí Minh khi căn dặn về tổ chức, động viên lực lượng toàn dân vào cuộc chiến đấu khổng lồ để xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, thì yêu cầu “Việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”8. Đảng viên, cán bộ vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân; đã là đầy tớ của nhân dân, thì phải phục vụ cho “ra trò”, mà “Muốn phụng sự nhân dân phải gần dân, học dân, nghe theo dân, lãnh đạo là dìu dắt người ta, xa quần chúng thì không lãnh đạo được. Nhưng gần quần chúng không phải là đến nằm ở nhà người ăn, chè chén. Gần gũi học hỏi nghe ngóng, lãnh đạo mấy điều đó phải đi với nhau, không rời nhau được”9.

Đồng thời, trong lãnh đạo, cần phải “đi đúng đường lối quần chúng”, “làm theo cách quần chúng”. Điều này được Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “Việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm”10. Muốn vậy, phải tạo điều kiện cho nhân dân “dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”11. Đồng thời, lại phải tỉnh táo, cảnh giác phòng ngừa căn bệnh quan liêu, xa dân, mất dân chủ dưới mọi hình thức. Không thể phát huy dân chủ nếu còn có những lệch lạc “Làm việc theo cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh. Ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo”12. Hồ Chí Minh lưu ý: “Đảng ta và Chính phủ ta làm việc là làm cho dân chúng. Việc gì, cũng vì lợi ích của dân mà làm. Làm theo cách quan liêu đó, thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại”13.

Để dựa chắc vào dân, lấy dân làm gốc, Đảng phải giành được sự tin yêu của quần chúng, Đảng và người cán bộ, đảng viên phải thể hiện được tình yêu thương, quý trọng nhân dân bằng tinh thần, thái độ, hành động tích cực, cao thượng nhất là dấn thân vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng con người một cách triệt để, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, để nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh như “một người lính vâng mệnh quốc dân ra mặt trận” với một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Trong những lời để lại cho Đảng, cho nhân dân trước lúc đi xa, Người còn căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”14. Đó cũng chính là kế sâu rễ, bền gốc của quốc sách xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước.

2. Với quan niệm “đổi mới, xây dựng, kháng chiến, kiến quốc” là “của dân”,  là “công việc của dân”, “mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, Hồ Chí Minh đã cho thấy vai trò, sức mạnh, động lực và nguồn gốc thắng lợi của cách mạng đều bắt nguồn từ nhân dân, khi nhân dân được Đảng giác ngộ, vận động, tổ chức, dẫn đường. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân, lấy dân làm gốc đã thể hiện sinh động và sâu sắc, phát huy giá trị to lớn trong đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước.

Giữa tháng Tám năm 1945, khi thời thời cơ đã đến, Hồ Chí Minh kêu gọi: “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Mặt trận Việt Minh, thành quả của sự sáng tạo của Hồ Chí Minh trên nền tảng “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, lấy mục tiêu độc lập dân tộc là tối thượng, đã trở thành tâm điểm tập hợp mọi lực lượng dân tộc Việt Nam. Phong trào Việt Minh đã phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, rộng rãi chưa từng thấy trong lịch sử cách mạng Việt Nam, góp phần quan trọng đưa tới thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã để lại những bài học vô cùng quý giá, nhưng lớn nhất, sâu sắc nhất đó là bài học huy động lực lượng toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng. Sức mạnh dời non lấp bể đó của nhân dân, tiếp tục được Hồ Chí Minh và Đảng ta phát huy cao độ và đã thể hiện bằng thắng lợi trong hai cuộc cuộc kháng chiến chống xâm lược và bảo vệ biên giới của Tổ quốc.

Tiếp tục đi đúng “đường lối nhân dân”, phát huy bài học “lấy dân làm gốc”, giương cao ngọn cờ Hồ Chí Minh, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành đường lối đổi mới toàn diện đất nước từ 1986 đến nay, đạt được những thành tựu to lớn, mang tầm vóc lịch sử. Sự nghiệp đổi mới chính là sự nghiệp cách mạng của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đổi mới bắt nguồn từ nhân dân, do dân sáng tạo và tổ chức thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã có nhiều chủ trương, chính sách phát huy vai trò của nhân dân, đem trí dân, tài dân, sức dân làm lợi cho dân. Nhờ đó, đất nước, xã hội và con người đều đổi mới với những thành tựu to lớn.

Tổng kết chặng đường 80 năm hoạt động của Ðảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã rút ra năm bài học kinh nghiệm lớn. Trong đó, bài học thứ hai nêu rõ: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Ðảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Ðảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Ðảng”. Đến năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chỉ rõ: “Gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân, luôn luôn lấy việc phục vụ nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu”15. Những bài học và truyền thống quý giá này được rút ra từ thực tiễn cách mạng phong phú đã qua, tuyệt nhiên không chỉ để chiêm nghiệm mà điều quan trọng hơn hết là để soi đường cho hành động cách mạng hiện nay và sắp tới. Bài học này phải được thực hành đúng và tốt trong tiến trình đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Hướng tới Đại hội XIII của Đảng, một lần nữa cần nhìn nhận rõ hơn vai trò và sức mạnh vĩ đại của nhân dân - người sáng tạo lịch sử.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của sự nghiệp đổi mới, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thì cần phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013. Thực hiện tốt, có hiệu quả trong thực tế các hình thức dân chủ (trực tiếp, đại diện, dân chủ cơ sở) theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo nền tảng chính trị, pháp lý để nhân dân thực hiện quyền làm chủ; hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo phải tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân.

Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược đổi mới, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng hệ thống chính trị. Đồng thời, xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân.

Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển và sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam; bồi dưỡng sức dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài... tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Trong công tác xây dựng Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội theo hướng sáng tạo, thiết thực, tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước đối với công tác dân vận, trọng tâm là nâng cao chất lượng, phát huy vai trò, sự tham gia của nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về lấy dân làm gốc trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, suy cho cùng để hướng đến phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân thông qua việc thực hiện tốt chủ trương, chính sách trên tất cả các mặt.

Lòng dân là “quốc bảo” xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Phát huy quốc bảo lòng dân là bài học gốc rễ, nước phải lấy dân làm gốc, theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”16 và “Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”17. Điều đó vẫn luôn mang tính thời sự, giá trị to lớn, sức sống vững bền cho hôm nay và mai sau.


1.  V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 11, tr. 131.

2, 8, 9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 453; t. 15, tr. 290; t. 6, tr. 370.

3, 4, 5, 6, 7, 10, 12, 13, 16. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 335, 337, 55, 330, 326, 334, 333, 333, 502.

11, 14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 293, 622.

15. Diễn văn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020), Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh, số 1/2020, tr. 3-7.

17. Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 80.

Theo Tạp chí Lịch sử Đảng điện tử

Thu Hằng tổng hợp

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin