“Cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ” trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy vai trò quan trọng của phụ nữ trong lịch sử và thực tiễn cách mạng. Người cho rằng: 1) Phụ nữ là một trong những nhân tố quyết định sự trường tồn và phát triển của dân tộc: “Mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”1; “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”2; 2) Phụ nữ là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng: “Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia”3, “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”4, “Không có phụ nữ, riêng nam giới không thể làm nổi công cuộc cách mạng”5.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng cảm sâu sắc với nỗi đau khổ mà người phụ nữ phải gánh chịu dưới chế độ thực dân, phong kiến: “Dưới chế độ thực dân và phong kiến, nhân dân ta bị áp bức, bóc lột, thì phụ nữ ta bị áp bức, bóc lột càng nặng nề hơn”6 và đặt ra yêu cầu bức thiết phải giải phóng một nửa thế giới khỏi xiềng xích nô lệ. Người khẳng định sự nghiệp giải phóng phụ nữ không phải là công việc cách mạng của riêng phụ nữ, mà nó gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”7. Trong giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, đã bao hàm cả giải phóng phụ nữ; giải phóng phụ nữ là một trong những mục tiêu của sự nghiệp cách mạng: “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”8. Song, chính bản thân phụ nữ cũng phải hăng hái tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người để giải phóng phụ nữ.
Sự nghiệp giải phóng phụ nữ có phạm vi rất rộng lớn, từ trong gia đình tới xã hội, cả về kinh tế và chính trị. Người phụ nữ được giải phóng ngay trong gia đình thực chất là thực hiện tốt hơn chức năng làm mẹ, làm chị, làm vợ trong mối quan hệ bình đẳng với nam giới ngay trong chính gia đình mình. Người phụ nữ được giải phóng trong xã hội thể hiện trước hết ở chính vai trò của phụ nữ trong gia đình với tư cách gia đình là hạt nhân của xã hội. Vai trò xã hội của nữ giới là thực hiện tốt thiên chức làm mẹ; tích cực xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Giải phóng phụ nữ từ trong gia đình phải đi liền với giải phóng phụ nữ về mặt xã hội và nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội. Hồ Chí Minh căn dặn phụ nữ phải tham gia vào công việc xã hội, tham gia làm chủ đất nước và đó là quyền lợi, đồng thời là trách nhiệm to lớn mà họ phải hăng hái nhận lấy: “Tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn làm trọn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”9. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm vai trò của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội không hạn chế, triệt tiêu nhau, mà thống nhất, bổ sung cho nhau.
Người rất quan tâm đến vấn đề nam nữ bình quyền, coi đó là một nội dung cơ bản trong việc giải phóng phụ nữ từ trong gia đình tới xã hội. Theo Người, nam nữ bình quyền “là một cuộc cách mạng khá to và khó. Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội… Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công”10. Trong bản Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Người chỉ đạo biên soạn, ghi rõ: Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện; Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. Có thể khẳng định, Người là nhà tư tưởng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đặt vị thế, vai trò của nữ giới ngang bằng với nam giới: “Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau”11.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng phụ nữ về chính trị trước hết thể hiện ở việc phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trong việc ứng cử và bầu cử vào các cơ quan dân cử, hệ thống chính trị theo Hiến pháp và pháp luật, có quyền tham gia các hoạt động chính trị, tham gia các tổ chức chính trị, trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý một cách bình đẳng với nam giới. Việc giải phóng phụ nữ về chính trị phải bắt đầu từ việc trang bị cho phụ nữ nền tảng lý luận để họ tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, trong đó có giải phóng phụ nữ. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn quan tâm tuyên truyền, giác ngộ phụ nữ, đưa phụ nữ tham gia tích cực vào công việc cách mạng, chú ý nêu gương phụ nữ và những phong trào của phụ nữ. Trong Thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế phụ nữ, Người khẳng định: “Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng12. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Đảng, Chính phủ và các cấp, các ngành phải “đặc biệt phải chú ý cất nhắc cán bộ phụ nữ vào các cơ quan lãnh đạo, nhất là các ngành hoạt động thích hợp với phụ nữ”13.
Giải phóng phụ nữ về kinh tế là giải phóng sức lao động của phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ có thể tham gia bình đẳng với nam giới trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề khác nhau như công nghiệp, thương nghiệp, văn hóa, giáo dục, y tế... Giải phóng phụ nữ về kinh tế không chỉ tạo thêm cho người phụ nữ những cơ hội phát triển tài năng, trí tuệ mà còn đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế quốc dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người nhắc nhở lãnh đạo các đơn vị thực hiện nam nữ bình quyền trong lao động, sản xuất; phải lưu ý phân công công việc cho phù hợp với sức lao động của phụ nữ, phải chăm lo điều kiện sống của phụ nữ và con cái để phụ nữ yên tâm sản xuất: “Sức người có nhiều loại: có thanh niên, có phụ nữ, có người trẻ, có người già. Phải phân công cho hợp lý, người khỏe thì làm việc nặng, người yếu thì làm việc nhẹ. Phải đặc biệt chú ý đến sức lao động phụ nữ. Phụ nữ là đội quân lao động rất đông. Phải giữ gìn sức khỏe cho phụ nữ để chị em tham gia sản xuất được tốt”14.
Có thể khẳng định, vấn đề giải phóng phụ nữ là một bộ phận thống nhất, xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện rõ tư tưởng nhân văn cao cả và đạo đức trong sáng của Người. Cho đến những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, trong bản Di chúc, Người vẫn đau đáu một nỗi niềm: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”15.
2. Những lời chỉ dạy, sự quan tâm của Người dành cho phụ nữ từ khi sinh thời đến lúc cuối đời đều thể hiện tình cảm cao quý và đánh giá cao vai trò của người phụ nữ. Đặc biệt, những lời căn dặn cuối cùng của Người về “quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ” vừa là tình cảm, vừa là huấn thị thiêng liêng mà Người dành cho công tác phụ nữ và phụ nữ Việt Nam.
Cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ bao gồm 2 thành tố:
Thứ nhất, Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo
Thực hiện lời căn dặn của Người, trong những năm qua, vấn đề về quyền bình đẳng của phụ nữ đã được Đảng, Nhà nước ta đề cập khá toàn diện qua các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết.
Ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặt mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; có việc làm, được cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần; tham gia ngày càng nhiều hơn công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực; đóng góp ngày càng lớn hơn cho xã hội và gia đình. Phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất của khu vực”16.
Đồng thời, Nghị quyết đề ra 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó nhóm nhiệm vụ giải pháp thứ tư là xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ có trình độ cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể: Các cấp ủy đảng có trách nhiệm lãnh đạo xây dựng quy hoạch cán bộ nữ trong quy hoạch tổng thể về cán bộ của Ðảng ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Ðối với cán bộ nữ, đồng thời với việc xây dựng quy hoạch, phải chăm lo đào tạo, bồi dưỡng để chủ động về nhân sự; đề bạt, bổ nhiệm cần bảo đảm tiêu chuẩn của từng chức danh, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy được thế mạnh, ưu điểm của cán bộ nữ. Thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm. Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo cán bộ nữ theo từng lĩnh vực , gắn với quy hoạch. Cần bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia các khóa đào tạo tại các trường lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước từ 30% trở lên. Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện tốt các chính sách nhằm phát triển cán bộ nữ trong nghiên cứu khoa học, trong lãnh đạo, quản lý. Công tác tạo nguồn cán bộ nữ cần được đặt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của quốc gia. Chăm lo bồi dưỡng, phát triển tài năng là nữ. Bồi dưỡng phát triển đảng viên nữ. Chú trọng việc bố trí, phân công công tác để đảng viên nữ có điều kiện phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành…
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, công tác phụ nữ đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm triển khai và đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới có chuyển biến tích cực. Hệ thống luật pháp, chính sách đối với phụ nữ và bình đẳng giới từng bước được hoàn thiện, có nhiều tiến bộ. Phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có sự đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện có hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ.
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, để tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/01/2018 về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, tiếp tục khẳng định chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng ta đối với công tác phụ nữ thời kỳ mới.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ... Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới”17.
Trên cơ sở kế thừa Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, ngày 03/3/2021, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030. Nghị quyết đã đặt ra những mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, y tế, giáo dục, đào tạo, thông tin, truyền thông. Trong đó, lĩnh vực chính trị đặt ra chỉ tiêu: Đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động: Tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030. Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030. Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 203018.
Có thể khẳng định, Đảng và Nhà nước ta đã quán triệt và nỗ lực thực hiện thật tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc thiêng liêng: Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo, góp phần vào thành công của cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.
Thứ hai, bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã và đang hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, góp phần quan trọng xây dựng gia đình - hạt nhân của xã hội được no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, văn minh, phồn vinh và hạnh phúc. Phụ nữ Việt Nam đã tham gia vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều người được giao đảm nhiệm các vị trí quan trọng của Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp từ Trung ương đến địa phương. Ngày càng nhiều phụ nữ trở thành nhà chính trị, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn, nghệ sĩ... Vị thế, vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang.
Cùng với việc Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo, bản thân phụ nữ phải thực sự cố gắng vươn lên thì mới thực sự có được quyền bình đẳng thật sự. Sau 55 năm, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho công tác phụ nữ và phụ nữ Việt Nam vẫn vẹn nguyên giá trị khoa học và nhân văn cao đẹp, là những chỉ dẫn quý báu mang ý nghĩa soi đường, là động lực tinh thần vô giá dẫn dắt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, trong đó có lực lượng phụ nữ gặt hái thêm nhiều thành tựu mới trên con đường xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, văn minh, phồn vinh và hạnh phúc.
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 15, tr. 172.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 340.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 313.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 315.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 75.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 310.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 300.
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 705.
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 59.
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 342.
11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 259.
12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 339.
13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 21.
14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 259.
15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 617.
16. Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
17. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 169.
18. Xem Nghị quyết số 28/NQ-CP, ngày 03/3/2021 ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.
ThS. TRẦN DUY HƯNG
Đại học Công nghiệp Hà Nội