Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”1. Tư tưởng của Người được cụ thể hóa trong Cương lĩnh và các nghị quyết của Đảng, đồng thời được thể chế hóa trong Hiến pháp của Nhà nước (từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013) với việc hiến định quyền lực nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, phụng sự lợi ích của nhân dân. Bên cạnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”2. Theo đó, ngoài xác định các định hướng, chủ trương đúng đắn, cần xác định các yếu tố tác động đến việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền
Ở phương Tây, tư tưởng về nhà nước pháp quyền đã manh nha xuất hiện từ thời cổ đại, thể hiện trong quan điểm của các nhà tư tưởng tiêu biểu như: Xôcrat (469 - 399 TCN), Arixtot (384 - 322 TCN)…, và được các nhà tư tưởng chính trị tư sản như: John Locke (1632 - 1704), Montesquieu (1698 - 1755), J.J. Rútxô (1712 - 1778), I. Kant (1724 - 1804)… phát triển. Ngoài ra, có nhiều nhà luật học, nhà tư tưởng vĩ đại khác cũng góp phần phát triển tư tưởng về nhà nước pháp quyền: Thomas Jefferson (1743 - 1826, tác giả của Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776), Thomas Paine (1737 - 1809), John Adams (1735 - 1826)... Mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa đưa ra khái niệm nhà nước pháp quyền, song tư tưởng về nhà nước pháp quyền đã được Người thể hiện từ sớm trong các bài viết, bài nói chuyện.
Ngày 18/6/1919, thay mặt Hội những người An Nam yêu nước, Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) ký tên và gửi đến Hội nghị Vécxây (Pháp) bản Yêu sách của nhân dân An Nam, gồm 8 điểm, trong đó có 4 điểm liên quan đến vấn đề pháp quyền. Bản Yêu sách được Người chuyển thành “Việt Nam yêu cầu ca”, trong đó điểm thứ bảy nhấn mạnh: “Bảy xin hiến pháp ban hành/Trăm đều phải có thần linh pháp quyền”, yêu cầu Chính phủ Pháp phải thay thế chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật. Đây là tư tưởng đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phản ánh nội dung cốt lõi của nhà nước dân chủ mới, đó là nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra một trong 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là phải có một hiến pháp dân chủ, bởi theo Người: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu”3. Hơn nữa, trong nhà nước pháp quyền, các đạo luật và hiến pháp phải giữ vị trí thượng tôn trong các thang bậc giá trị của xã hội, bởi các đạo luật đó trực tiếp thể hiện ý chí, lợi ích của nhân dân, vừa quản lý xã hội, vừa điều chỉnh các quan hệ xã hội. Đó là điểm khác biệt lớn nhất của nhà nước kiểu mới so với các hình thức nhà nước trước đó. Vì vậy, ngày 20/9/1945, Chủ tịch lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Sắc lệnh thành lập Ban Dự thảo Hiến pháp gồm 7 thành viên, do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I (tháng 10/1946) đã thảo luận và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam - Hiến pháp năm 1946.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954, miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhiều quy định trong Hiến pháp năm 1946 không còn phù hợp, lúc bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương sửa đổi và ban hành hiến pháp mới - Hiến pháp năm 1959, bởi việc thay đổi Hiến pháp trong điều kiện kinh tế - xã hội có sự thay đổi là hoàn toàn cần thiết để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Ngoài Hiến pháp năm 1946 và năm 1959, từ năm 1945 đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ đạo soạn thảo, ký quyết định công bố 16 đạo luật và 1.300 văn bản dưới luật, trong đó có 243 Sắc lệnh quy định về tổ chức nhà nước, hình thành nên một thể chế bộ máy nhà nước có nhiều nhân tố cơ bản của một nhà nước pháp quyền4.
Trong nhà nước pháp quyền - nhà nước kiểu mới, nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước; toàn bộ quyền lực nhà nước đều bắt nguồn từ nhân dân. Người nói: “Trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của chúng ta, tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân”5. Đây là điểm khác biệt về chất giữa nhà nước dân chủ nhân dân với các nhà nước của giai cấp bóc lột từng tồn tại trong lịch sử. Điều 32 Hiến pháp năm 1946 nêu rõ: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”; “Chế độ bầu cử là phổ thông đầu phiếu”6; “nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình bầu ra”7; “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia”. Thực chất đây là hình thức trưng cầu ý dân, một hình thức dân chủ trực tiếp ở nước ta. Nhân dân bầu ra Quốc hội và chính quyền các cấp, có quyền kiểm soát Nhà nước, giám sát và bãi miễn đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp. Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, do đó, nhân dân có quyền kiểm soát quyền lực nhà nước.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà nước pháp quyền là nhà nước vì nhân dân phục vụ, một nhà nước liêm khiết, kiến tạo phát triển. Mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa sử dụng thuật ngữ “kiến tạo”, nhưng qua các bài viết, bài nói chuyện, cho thấy Người luôn quan tâm đến việc xây dựng một nhà nước kiến tạo phát triển, nhằm thực hiện mục tiêu đem lại cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”8; “Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”9, vì vậy, các chính sách đều phải hướng đến lợi ích của nhân dân, Chính phủ phải vì nhân dân mà phục vụ. Người nhấn mạnh: “chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”10.
Theo Người, để đạt được mục tiêu trên, cần phải xây dựng một nhà nước liêm khiết, kiến tạo phát triển. Ngay tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I (tháng 11/1946), Người đã đề cập vấn đề “Chính phủ liêm khiết”: “Tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”11. Sự liêm khiết phụ thuộc vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ đức, đủ tài, liêm khiết, chính trực.
Như vậy, có thể khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền với 4 nội dung cơ bản: (1) Là nhà nước hợp pháp và hợp hiến; (ii) Là nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật; (3) Là nhà nước mà trong đó quyền lực thuộc về nhân dân; (4) Là nhà nước liêm khiết, kiến tạo phát triển và vì nhân dân phục vụ.
2. Các yếu tố tác động đến việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay
Nhóm yếu tố khách quan
Thứ nhất, quá trình hội nhập và toàn cầu hóa
Từ những thập niên cuối của thế kỷ XIX và đến đầu thế kỷ XX, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ. Về thực chất, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, sự ảnh hưởng, tác động và phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, quốc gia, dân tộc trên thế giới. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế có tác động hai mặt đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế, văn hóa, quản lý xã hội, đem lại cả thời cơ và thách thức, nhất là đối với các nước đang và chậm phát triển, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong bối cảnh hội nhập và phát triển cần tính đến những đặc thù và tác động của xu thế này.
Xu thế hội nhập và toàn cầu hóa giúp Việt Nam nhận thức sâu sắc hơn về tính tất yếu khách quan của việc hoàn thiện nhà nước pháp quyền, đồng thời đem lại nhiều cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm phù hợp với điều kiện, đặc điểm của đất nước cũng như tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, lực lượng tiến bộ, dân chủ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Thông qua quá trình toàn cầu hóa và hội nhập, Việt Nam có thể học hỏi những yếu tố tiến bộ, những giá trị phù hợp của mô hình nhà nước pháp quyền của các quốc gia trên thế giới; học tập kinh nghiệm trong tổ chức, kỹ thuật vận hành bộ máy nhà nước; hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình để đáp ứng tốt hơn những biến đổi của xã hội và phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời, lan tỏa những giá trị văn hóa, tinh hoa của dân tộc ra thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục khẳng định và chỉ rõ những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, từ đó thấy được tính đặc thù so với nhà nước pháp quyền tư bản chủ nghĩa.
Thứ hai, cách mạng khoa học và công nghệ
Cách mạng khoa học và công nghệ đã tác động đến tư duy, tầm nhìn, phương thức, chính sách, giải pháp trong quản lý xã hội; đòi hỏi hệ thống pháp luật có những điều chỉnh nhất định. Cách mạng khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ từ những năm 50 của thế kỷ XX và có tác động sâu sắc đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động lớn đến việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, nhất là trong việc xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử. Những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ được áp dụng vào việc soạn thảo và sửa đổi các văn bản pháp luật. Đặc biệt, người dân có nhiều cơ hội tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, giám sát và phản biện đối với các cơ quan công quyền, đồng thời có cơ hội tham gia đóng góp ý kiến với Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền để thể hiện mong muốn, tâm tư, nguyện vọng của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố tích cực, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít thách thức, nhất là sự chống phá công cuộc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của các thế lực thù địch cả ở trong nước và ngoài nước. Đặc biệt, thành tựu của cách mạng khoa học và công nghệ đã làm cho các hình thức và thủ đoạn chống phá trở nên tinh vi hơn, thâm độc hơn, đòi hỏi chúng ta phải đề cao cảnh giác, đấu tranh quyết liệt và toàn diện hơn.
Thứ ba, sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Việc chuyển từ nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường là một tất yếu của lịch sử, có tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội ở nước ta. Giữa hoàn thiện nhà nước pháp quyền với phát triển kinh tế thị trường có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong đó, sự phát triển kinh tế thị trường tác động đến việc hình thành thói quen, suy nghĩ về tính hiệu quả, tính thiết thực của công việc, tạo ra lực lượng lao động cũng như đội ngũ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; đồng thời, đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để điều chỉnh các quan hệ kinh tế.
Tuy nhiên, kinh tế thị trường cũng có những mặt trái, tác động tiêu cực đến nhân cách con người trong xã hội, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, thậm chí có mặt trở nên nghiêm trọng, như: tệ quan liêu, tham nhũng, sự suy thoái về đạo đức, lối sống, đặc biệt là chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng, do sùng bái vật chất mà lãng quên các giá trị tinh thần. Vì lợi ích, lợi nhuận, không ít người bất chấp dư luận xã hội, chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Đây chính là trở ngại lớn cho việc xây dựng hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ liêm chính.
Nhóm yếu tố chủ quan
Thứ nhất, tư tưởng phong kiến, Nho giáo
Lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam từ thời Ngô, Đinh, Tiền Lê đến thời Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê và triều Nguyễn đều gắn với quá trình dựng nước, giữ nước và xây dựng mô hình chính quyền quân chủ chuyên chế. Trong quá trình đó, ít nhiều đều có sự hiện diện của pháp luật. Chẳng hạn, lần đầu tiên trong lịch sử, một bộ luật thành văn - bộ Hình thư đã được ban hành dưới thời vua Lý Thái Tông (năm 1042). Mặc dù sớm thất truyền, song đó là thành tựu to lớn trong lịch sử pháp luật Đại Việt, là minh chứng của việc nhà nước phong kiến Việt Nam đã có một nền pháp luật thống nhất trong cả nước nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Hay dưới triều Nguyễn, ngoài những điểm tương đồng với các triều đại trước, pháp luật có những biểu hiện riêng, tiến bộ như: phải kết hợp đức trị và pháp trị trong quá trình quản lý nhà nước, có sự chú trọng nhất định đối với các phong tục, tập quán của làng, xã Việt Nam; pháp luật quy định và bảo vệ quyền lợi của nhân dân; là phương tiện quan trọng trong chế ước, hạn chế và kiểm soát quyền lực nhà nước.
Các chuẩn mực điều chỉnh hành vi của con người không chỉ được quy định trong pháp luật, mà còn xuất hiện trong rất nhiều quy ước, thông lệ, tập tục, tập quán, đạo đức, giáo lý.... Do đó, có thể nói, vai trò của luật pháp trong nhiều trường hợp không phải là chủ yếu. Ngoài các luật lệ do làng, xã đặt ra và được ghi chép trong hương ước, con người còn bị ràng buộc bởi những phong tục, tập quán, lề thói nặng nề. Hành vi, cử chỉ của con người thường gắn bó chặt chẽ với những giá trị trong thang giá trị đạo đức xã hội hơn là với luật lệ. Trên thực tế, không ít trường hợp, người dân tôn trọng đạo đức hơn tôn trọng pháp luật, hay nói cách khác là tinh thần thượng tôn pháp luật của người dân chưa cao, “phép vua thua lệ làng”, “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”… Ngày nay, tư tưởng này vẫn còn ảnh hưởng và trở thành một trong những lực cản đối với quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở nước ta trong bối cảnh mới.
Nho giáo bắt đầu du nhập vào nước ta từ những năm đầu công nguyên cùng với quá trình đô hộ của các thế lực phong kiến phương Bắc và có những ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trở thành công cụ phục vụ đắc lực cho công cuộc trị nước và quản lý xã hội của các triều đại phong kiến Việt Nam. Nho giáo đề cập nhiều đến vấn đề “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Trong tư tưởng trị quốc của Nho giáo, bên cạnh những yếu tố hợp lý, vẫn có những hạn chế nhất định, do đó có ảnh hưởng hai mặt đối với quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Yếu tố tích cực trong tư tưởng “trị quốc” của Nho giáo biểu hiện ở tư tưởng đề cao vai trò của nhân dân: “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”12, chăm lo đời sống của nhân dân, coi trọng lòng dân, ý dân, khẳng định “được lòng dân là được nước, mất lòng dân là mất nước”13; chú trọng việc đào tạo đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, trong đó, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải “chính danh”, nghĩa là làm đúng vị trí, chức trách của mình, phải là “người đày tớ thật trung thành của nhân dân”14. Yếu tố tiêu cực trong tư tưởng trị quốc của Nho giáo biểu hiện ở sự thiếu dân chủ, gia trưởng dẫn đến độc đoán, chuyên quyền, là căn nguyên hình thành nên đội ngũ cán bộ quan liêu, nhũng nhiễu, hạch sách nhân dân; tâm lý thiếu tôn trọng pháp luật, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Khổng Tử từng nói: “Cầm quyền lãnh đạo quốc gia cần phải dựa vào đạo đức thì dân chúng đều quy thuận. Tự mình giống như sao Bắc Đẩu vậy, ở cố định một nơi, còn các vì sao khác đều chầu quay quanh nó”15. Chính những tư tưởng đó đã có ảnh hưởng sâu sắc, dẫn đến tình trạng buông lỏng kỷ luật, kỷ cương, vi phạm pháp luật…
Ngày nay, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, cần phải biết “gạn đục khơi trong”, kế thừa có chọn lọc và phát triển những giá trị phù hợp, tiến bộ trong tư tưởng phong kiến và Nho giáo.
Thứ hai, hệ thống pháp luật
Một trong những đặc trưng của nhà nước pháp quyền là quản lý xã hội bằng pháp luật, do đó, việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân nhất thiết phải tính đến sự tác động của hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật càng công khai, minh bạch, nhà nước càng thể hiện được tính dân chủ, qua đó hạn chế các hành vi tham nhũng, tiêu cực của các cá nhân, tổ chức trong hoạt động của các cơ quan công quyền. Nhiều nghiên cứu nhận định, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta mới ở giai đoạn đầu, vì vậy, phải tiếp tục và thường xuyên hoàn thiện pháp luật để đáp ứng sự phát triển của đời sống xã hội. Hiện nay, nhiều vấn đề bức xúc của đời sống xã hội vẫn chủ yếu điều chỉnh bằng văn bản dưới luật, thậm chí chưa có văn bản dưới luật điều chỉnh. Hệ thống pháp luật nước ta chưa thực sự đồng bộ, thiếu thống nhất, tính khả thi thấp, chậm đi vào cuộc sống. Đặc biệt, hệ thống pháp luật hiện hành chưa theo kịp và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; có nơi, có lúc có tình trạng thiếu dân chủ, kỷ cương lỏng lẻo, coi thường pháp luật, thậm chí một bộ phận những người có trách nhiệm giữ gìn pháp luật lại vi phạm pháp luật16.
Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy, việc tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa liêm chính, kiến tạo phát triển là xu hướng tất yếu, khách quan, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đó, thuật ngữ “hệ thống pháp luật” cần tiếp cận từ góc độ hiện đại, bao gồm bốn bộ phận: (i) Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; (ii) Các thiết chế bảo đảm cho việc thực thi pháp luật; (iii) Tổ chức thi hành pháp luật; (iv) Nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực làm công tác pháp luật và nghề luật17. Từ đó, có thể nói, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là yêu cầu cấp thiết, góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Thứ ba, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức
Năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ công chức là một trong các yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và uy tín sẽ giúp việc tổ chức thực thi chính sách, pháp luật, quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và ngược lại. Ở Việt Nam, bên cạnh nhiều cán bộ, công chức gương mẫu, trách nhiệm, “dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung”, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển hệ thống chính trị cũng như việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chưa tiên phong, gương mẫu, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp. Tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn hình thức. Thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng”18.
Báo cáo tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngày 09/12/2021 đã nêu rõ: từ năm 2016 - 2020, có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bị xử lý kỷ luật. Trong đó, 8.281 đảng viên bị kỷ luật do suy thoái về tư tưởng chính trị, nhiều nhất là “không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả”. Bên cạnh đó, còn có 477 đảng viên “nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói không đi đôi với làm, hứa nhiều, làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội
nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”. Ngoài ra, còn có 2.216 đảng viên “gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả, mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động”; 1.623 đảng viên tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi…19.
Thực trạng trên có ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở nước ta. Một nhà nước không thể dân chủ, liêm khiết nếu đội ngũ cán bộ, công chức suy thoái, sa vào chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng.
Có thể khẳng định, việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình đổi mới hệ thống chính trị. Quá trình này chịu sự tác động của các nhân tố khách quan và chủ quan. Theo đó, cần có những chính sách, biện pháp để tranh thủ những mặt tích cực, đồng thời khắc phục những mặt tiêu cực trên tinh thần chọn lọc, kế thừa, đổi mới, sáng tạo, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của đất nước và xu thế của thời đại, từ đó góp phần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
1, 5, 10, 14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 6, tr. 232; t. 8, tr. 262; t. 9, tr. 518; t. 14, tr. 622.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 174.
3, 8, 9, 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 7, 187, 64, 478.
4. http://www.xaydungdang.org.vn/uploads/thuhuyen/3-chuyende nhanuocphapquyen.pdf.
6, 7. Hiến pháp Việt Nam (năm 1946, 1959, 1980, 1982 và Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 11.
12, 13, 15. Dương Hồng Tứ Thư, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 791, 32, 121-122.
16. Đỗ Đức Minh, Trịnh Thị Dung: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Những tác động từ truyền thống và hiện tại”, Tạp chí Luật học, t. 32, số 3, 2016.
17. Xem Đinh Sỹ Dũng: “Quan niệm về một hệ thống pháp luật hoàn thiện”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 18/2010, tr. 12.
18. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 223.
19. Xem https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/lai-la-chuyen-neuguong-628416.html.
TS. CÙ HUY KHANG
Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh
ThS. LÊ THỊ XUÂN
Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh