Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Thời điểm này, hệ thống giáo dục đại học rất cần sự bứt phá

Lưu Thị Thảo

CT&PT - “Điều chúng ta cần ở hệ thống giáo dục đại học trong thời điểm này, ở thập kỷ này và bối cảnh này là một sự bứt phá”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Hội thảo Giáo dục 2023 với chủ đề "Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Tham dự Hội thảo có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, GS.TS Vũ Hải Quân; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS Lê Quân.

Cùng dự có các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục.

Phát biểu tại Hội thảo Giáo dục 2023 về chủ đề “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, ngày 5/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, giáo dục đại học Việt Nam đang trong trạng thái phát triển rất giàu sức sống, với một số lượng sinh viên tương đối ổn định (trên 500.000 sinh viên), số lượng giảng viên cũng có phần tăng lên về số lượng và cải thiện về vấn đề học hàm, học vị. Về thứ hạng trên các bảng xếp hạng thế giới cũng đang tăng, một số trường lọt top 1.000 theo các bảng xếp hạng uy tín.

Tuy nhiên, Bộ trưởng nhìn nhận, tốc độ phát triển này có thể nói còn chậm, không có bứt phá trong sự phát triển của giáo dục đại học.

“Chúng ta đang kỳ vọng đất nước phải có một sự phát triển bứt phá, một nền kinh tế phát triển với tốc độ cao để đưa quốc gia thóat ra khỏi mức thu nhập trung bình và kỳ vọng một vài chục năm sau đất nước thu nhập khá. Nếu như trong khung cảnh đất nước đã rất phát triển, trong một khung cảnh chúng ta đã cảm thấy hài lòng với những gì nền kinh tế và xã hội đã có, thì tốc độ phát triển của hệ thống giáo dục đại học như trên có thể tạm khiến chúng ta “yên lòng”.

Tuy nhiên, điều chúng ta cần ở hệ thống giáo dục đại học trong thời điểm này, ở thập kỷ này và bối cảnh này là một sự bứt phá”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Theo Bộ trưởng, chúng ta cần bàn luận nhiều hơn về vấn đề làm thế nào để các trường đại học phát triển bứt phá. Chỉ có phát triển mới đem lại chất lượng. Nếu trường đại học chỉ loay hoay ứng phó với sự tồn tại, câu chuyện chất lượng sẽ vô cùng khó.

Đối với riêng hệ thống các trường đại học công, muốn có sự cải thiện mang tính bứt phá thì vừa phải huy động về phía xã hội, doanh nghiệp một cách mạnh mẽ, nhưng cũng phải có sự đầu tư mang tính bứt phá, tính đột biến, bao gồm cả nguồn lực đầu tư và cách thức đầu tư.

Bộ trưởng nhìn nhận, vấn đề về thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học còn một số điểm vướng.

Nói về tự chủ đại học, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, tự chủ là một thuộc tính của đại học, nó cần có và đương nhiên phải có. Đối với một số trường đại học phát triển trên thế giới, tự chủ đại học là câu chuyện đương nhiên có. Tuy nhiên, vấn đề tự chủ đại học tại Việt Nam là việc chuyển đổi hệ thống các trường đại học từ thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa bao cấp sang đại học của thời thị trường. Do đó, đây là một trong những câu chuyện đổi mới giáo dục, câu chuyện chuyển đổi.

“Những quy phạm pháp luật mở đường cho tự chủ của giáo dục đại học của chúng ta chưa có được một sự đồng bộ và sự chia sẻ của hệ thống giáo dục, của hệ thống pháp luật khác. Với một cơ sở giáo dục đại học mà chúng ta áp dụng các quy định như các cơ sở sự nghiệp công lập khác thì rất khó để tự chủ”, Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học trong các trường đại học cũng là viên chức. Trong chế tài của Luật viên chức, sự tự chủ của các viên chức cũng sẽ có những điều rất khó; mà tầng lớp trí thức, những nhà khoa học lại cần sự tự chủ rất cao để sáng tạo, để thể hiện hết trách nhiệm của mình.

“Để đảm bảo các luật khác được thực hiện, tự khắc sẽ tạo ra những sự xung đột với việc tạo điều kiện cho tự chủ đại học”, Bộ trưởng nhấn mạnh,

Do đó, trong vấn đề thể chế và chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Bộ trưởng cho rằng phải tạo một hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ để thực hiện được tự chủ đại học đầy đủ, có chiều sâu.

“Có lẽ cần thiết tính đến việc làm một luật trong đó sửa nhiều luật, giúp tránh những chồng chéo này. Và nếu có thể, chúng ta đề xuất lấy tâm điểm là tự chủ đại học, rà soát xem những cái gì là chồng chéo, cản trở, mâu thuẫn thì sửa đổi một lần để các luật khác, quy định khác có thể mở đường cho câu chuyện tự chủ đại học.

Theo tôi, lúc này đây là một điều cực khó, nhưng tại diễn đàn do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, bàn tới điều này có lẽ là một điều quan trọng, cần thiết. Khi có được điều này, tôi nghĩ rằng mọi vấn đề khác sẽ được tháo gỡ”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, đồng thời nêu kiến nghị với Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cần có đột phá về mặt thể chế, mở đường cho tự chủ đại học.

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước thảo luận, trao đổi đánh giá việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với giáo dục đại học nói chung; góp phần đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo liên quan đến lĩnh vực giáo dục đại học.

Trên cơ sở kết quả thực hiện và bài học kinh nghiệm thực tiễn, Hội thảo hướng tới đề xuất các ý tưởng, giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực đầu tư nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, tạo điều kiện cho giáo dục đại học phát triển, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao phục vụ cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Theo Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân

Lưu Thảo Tổng hợp

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin