Bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trước sự thay đổi, tiếp biến văn hóa

CT&PT - Giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số là bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ giá trị chung của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, việc giao lưu, tiếp biến các giá trị văn hóa từ bên ngoài là một tất yếu khách quan; quá trình đó vừa tạo ra cơ hội, đồng thời là thách thức đối với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa các dân tộc thiểu số. Bài viết phân tích thực trạng, từ đó đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số trước sự thay đổi, tiếp biến văn hóa trong thời gian tới.

Một trong những nội dung cơ bản của chính sách dân tộc về văn hóa là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Trước tác động nhiều mặt của sự thay đổi, tiếp biến văn hóa trong thời kỳ hội nhập, phát triển đất nước hiện nay, công tác này càng trở nên cấp bách. Sự tác động đó diễn ra theo cả hai chiều hướng: tích cực, khi sự thay đổi, tiếp biến văn hóa là điều kiện, cơ hội, tiền đề cho sự phát triển; tiêu cực, khi sự thay đổi, tiếp biến văn hóa là rào cản, khó khăn, thách thức đối với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Do đó, đòi hỏi chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số hiện nay phải phát huy được những yếu tố tích cực, khắc phục được những yếu tố tiêu cực; biến thách thức thành cơ hội, biến khó khăn thành thuận lợi, để giá trị văn hóa các dân tộc thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc1.

1. Những yếu tố tác động

Một là, tác động bởi sự phát triển của khoa học và công nghệ. Bản sắc văn hóa là phần cốt lõi, tinh túy nhất của mỗi dân tộc, được hình thành và định hình trong quá trình lịch sử lâu dài; đồng thời là kết quả của quá trình thích ứng với môi trường tự nhiên, xã hội. Những bước tiến của khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, đã và đang tác động tạo ra xung đột giữa yêu cầu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với nhu cầu hội nhập, thay đổi theo xu hướng của thời đại.

Quá trình đổi mới, hội nhập và tiếp biến văn hóa trên nhiều khía cạnh đã tạo ra những động lực mới để văn hóa phát triển đa dạng, phong phú; xuất hiện những thiết chế văn hóa mới. Các sản phẩm văn hóa không chỉ góp phần quan trọng tạo không khí cởi mở, nâng cao dân trí, tính năng động, sáng tạo, tự chủ mà còn phát huy tính tích cực xã hội của con người, hình thành các nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam.

Thị trường sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có sự gia tăng đáng kể về số lượng, chất lượng được cải thiện. Nhiều tác phẩm có giá trị ra đời, phản ánh mọi lĩnh vực đời sống, góp phần đổi mới tư duy, nâng cao năng lực khám phá cuộc sống. Hệ thống thông tin đại chúng có bước phát triển mạnh về loại hình và chất lượng, ngày càng hiện đại, trực tiếp truyền tải thông tin, truyền bá văn hóa đến với công chúng một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Hai là, tác động bởi hội nhập quốc tế. Quá trình toàn cầu hóa làm thay đổi quan niệm, ý thức của người dân, từ tập quán tiêu dùng đến lối sống, từ suy nghĩ đến hành động, từ phạm vi cá nhân đến cộng đồng. Sự đan xen, giao thoa với các giá trị văn hóa mới cùng sự mai một các giá trị văn hóa truyền thống diễn ra từng ngày trong nếp nghĩ, lối sống, cách ứng xử. Cùng với đó, xu thế hội nhập mạnh mẽ trong điều kiện phát triển của mạng lưới thông tin, công nghệ số sẽ tác động rất lớn và nhiều mặt đến không gian và đời sống văn hóa vùng dân tộc, miền núi; đặt ra thách thức lớn cho việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Ba là, tác động bởi quá trình di cư. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình sắp xếp, tổ chức lại hoạt động sản xuất và cơ cấu lại nền kinh tế, thì quá trình chuyển dịch dân cư ngày càng trở nên phổ biến, hình thành các cộng đồng dân cư hỗn hợp nhiều dân tộc, từ đó làm nảy sinh nhiều mối quan hệ giữa các dân tộc với nhau, dẫn đến sự giao thoa, tiếp biến văn hóa. Thông thường, dân tộc nào có sự phát triển kinh tế và dân số đông hơn sẽ chiếm ưu thế và có ảnh hưởng đến các cộng đồng còn lại, tạo nên sự đa dạng, đa sắc màu trong không gian văn hóa cộng đồng các dân tộc.

Bên cạnh đó, những thay đổi trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng cũng có tác động rõ rệt đến các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số nước ta. Trong đó, điển hình là sự thâm nhập và phát triển của đạo Tin lành trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đã ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống, thậm chí làm biến đổi tính chất của văn hóa tộc người. Không những thế, các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo nhằm gây ra những xáo trộn phức tạp, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có đời sống văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ đó cho thấy, chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung, văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng luôn phải đặt trong việc nhận diện và giải quyết tốt mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại; giữa gìn giữ, bảo tồn với biến đổi và tiếp biến; giữa cơ hội, thuận lợi và thách thức, khó khăn. Cần nhận diện đầy đủ, kịp thời các mối quan hệ đó, đưa ra những chủ trương, giải pháp hữu hiệu nhằm thực hiện tốt chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Nếu nhận diện không đầy đủ, không kịp thời thì công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số sẽ đứng trước nhiều nguy cơ, khó khăn, thách thức. Thực tế đòi hỏi cần nhìn nhận một cách biện chứng trong mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

2. Thực trạng bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trước sự thay đổi, tiếp biến văn hóa ở nước ta hiện nay

Đảng ta khẳng định: văn hóa là một trụ cột của phát triển bền vững. Văn hóa không chỉ có chức năng nhận thức, giáo dục, đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người mà còn là nguồn lực nội sinh, nhân tố động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước. Thực tiễn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong sự thay đổi, tiếp biến văn hóa hiện nay có thể khái quát trên một số vấn đề sau:

Thứ nhất, Nhà nước và các địa phương đã có chính sách xây dựng, quy hoạch các làng, bản, xóm mới theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng đời sống văn hóa mới, nhằm gìn giữ môi trường văn hóa và các thiết chế văn hóa cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các làng, bản được xây dựng theo mô hình nông thôn mới với sự quản lý hệ thống chính trị ở cơ sở. Đời sống của người dân ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi có điều kiện bắt nhịp với sự phát triển chung của đất nước; tạo cơ sở để việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tốt hơn.

Tuy nhiên, việc quy hoạch, xây dựng mới địa bàn dân cư đã làm thay đổi, phá vỡ không gian truyền thống, làm thay đổi, đứt gãy không gian văn hóa cộng đồng dân tộc với lịch sử hình thành, phát triển lâu đời. Sự thay đổi đó đã phá vỡ các mối quan hệ làng bản, tính cố kết cộng đồng, dòng họ và làm cho các phong tục, tập quán của đồng bào dần dần bị thay đổi, dẫn đến sự biến mất hay biến dạng. Giá trị văn hóa truyền thống vì thế cũng dần mai một.

Thứ hai, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, đời sống văn hóa vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều khởi sắc, vượt qua không gian vùng miền để mở cửa hội nhập, qua đó, tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số lan tỏa những giá trị tốt đẹp vượt ra ngoài biên giới lãnh thổ quốc gia, góp phần khẳng định sức sống, bản sắc, giá trị của văn hóa dân tộc. 

Tuy nhiên, trước tác động của đời sống kinh tế - xã hội hiện đại, sự xâm thực văn hóa, xâm nhập và biến đổi tôn giáo - tín ngưỡng diễn ra ngày càng mạnh mẽ, bản sắc văn hóa của một số dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một, bị đồng hóa. Cách tổ chức quản lý làng, bản truyền thống gắn với các cộng đồng không gian văn hóa bị phá vỡ, không gian văn hóa bị tác động, xáo trộn. Một số luật tục bị xóa bỏ hoặc không được công nhận. Sức bảo vệ trước dòng chảy văn hóa của một số cộng đồng dân tộc thiểu số trở nên suy yếu sức sống; văn hóa truyền thống lâu đời đứng trước thách thức bị mai một, thất truyền. Sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai ảnh hưởng đến phong tục, tập quán, dẫn đến việc văn hóa truyền thống đối diện với nguy cơ bị xâm lấn. Một số lễ hội, nghi lễ tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng, pha trộn, lai tạp với văn hóa của các dân tộc sống đan xen.

Thứ ba, trước sự thay đổi, tiếp biến văn hóa, nhìn chung, các dân tộc thiểu số vẫn lưu giữ được bản sắc trong sinh hoạt văn hóa. Những câu chuyện dân gian, những làn điệu dân ca, dân vũ vẫn tồn tại trong tâm thức của đồng bào, nhiều phong tục tập quán vẫn được duy trì. Đời sống văn hóa tinh thần, nhu cầu và khả năng tiếp cận thông tin của người dân ngày càng được cải thiện tốt hơn. Sinh hoạt văn hóa được mở rộng theo hướng hội nhập.

Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân làm cho một bộ phận người dân, chủ yếu là người trẻ có tâm lý sùng bái giá trị văn hóa ngoài cộng đồng, thờ ơ với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Một số giá trị văn hóa cộng đồng như các điệu dân ca, dân vũ, các loại hình nhạc cụ… được biểu diễn trong không gian mới, giao thoa với giá trị văn hóa các dân tộc khác, do đó, có những thay đổi về âm thức và tiết tấu. Ở nhiều vùng dân tộc, sự tác động mạnh mẽ của đời sống hiện đại đang bào mòn một số di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Một số phong tục tập quán mang nét đẹp văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số đang bị biến tướng một cách phản cảm, không phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống, như tục “bắt vợ”, “kéo vợ” của đồng bào Mông… Nhiều dân tộc chỉ còn lại thế hệ người già, cao tuổi biết tiếng dân tộc mình, một số lễ hội truyền thống, những tục lệ đẹp nhiều khi chỉ còn trong trí nhớ của một số nghệ nhân, già làng, trưởng bản.

Thứ tư, quá trình đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi (chủ yếu là những kiến thức khoa học - kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống, cũng như các thông tin từ các phương tiện truyền thông) đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của đồng bào, làm thay đổi tập quán, tâm lý trong đời sống sinh hoạt. Đây là sự thay đổi tích cực đối với văn hóa sản xuất của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã biết phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn - rừng, vườn - nhà hoặc mở rộng sản xuất thêm những ngành nghề mới, như: nuôi bò sữa, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu… rất hiệu quả. Nhờ đó, đời sống ngày càng được cải thiện, sinh kế được bảo đảm.

Tuy nhiên, cũng chính sự biến đổi đó đã làm cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng lệ thuộc, thụ động hơn. Họ chờ đợi vốn từ Nhà nước để sản xuất, mua quần áo may sẵn thay cho cách ăn mặc truyền thống, họ dần quen lối sống của người miền xuôi, xem nhẹ tri thức bản địa. Đặc biệt, tiếng nói và chữ viết - một trong những yếu tố biểu trưng nguồn cội của văn hóa tộc người cũng mai một nghiêm trọng. Giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đứng trước nguy cơ bị mất dần.

Thực trạng đó cho thấy, chính sách về văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi đặt ra. Trong thực hiện chính sách, một số lĩnh vực hoạt động chưa được quy định cụ thể, còn nặng về chủ trương, ví dụ như chính sách đối với đội ngũ cán bộ văn hóa thông tin cơ sở ở vùng đặc biệt khó khăn; chính sách bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số trong hoạt động văn hóa thông tin; chính sách đối với nghệ nhân có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc… Các chính sách về lĩnh vực văn hóa vùng dân tộc thiểu số nhìn chung chưa có tính hệ thống, một số thiếu tính khả thi, hoặc chỉ được thực hiện ở một số địa phương trong một thời gian nhất định, do vậy, hiệu quả chưa cao. Hoạt động đầu tư, mức độ đầu tư, cơ chế đầu tư cho văn hóa các dân tộc thiểu số còn thiên về giải quyết tình huống hoặc mang tính thí điểm, nên chưa có sức lan tỏa và tính bền vững; tỷ lệ đầu tư cho công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số còn khiêm tốn.

3. Giải pháp bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trước sự thay đổi, tiếp biến văn hóa hiện nay

Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về thực hiện chính sách dân tộc đối với vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong tình hình mới. Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và nhân dân các chính sách dân tộc nói chung, chính sách dân tộc về văn hóa nói riêng. Làm cho đồng bào các dân tộc nhận thức rõ bối cảnh, thời cơ, thách thức trước tác động của sự thay đổi, tiếp biến văn hóa, trên cơ sở đó quyết tâm gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình với tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo.

Hai là, tiếp tục bổ sung, sửa đổi, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, cần đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, chính sách, các chế độ và chương trình, dự án nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ, vốn đầu tư cho các địa phương, chống thất thoát lãng phí. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với di tích lịch sử - văn hóa ở từng vùng, từng địa phương. Tăng cường tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc cho đồng bào dân tộc thiểu số, như: khuyến khích xây dựng thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng, tủ sách xã, bản; tăng cường luân chuyển sách báo và phát triển hệ thống các điểm phục vụ lưu động tại cơ sở; chú trọng các xuất bản phẩm bằng tiếng dân tộc. Tạo điều kiện để nhân dân tham gia và phát huy vai trò làm chủ trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa mới, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ba là, tăng cường  tổ chức các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa, ưu tiên các xã, bản sát biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Có hình thức khen thưởng, động viên, hỗ trợ cho nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng tham gia với vai trò đầu tàu trong các câu lạc bộ truyền dạy văn hóa - nghệ thuật dân tộc hoặc sáng tạo các giá trị văn hóa nghệ thuật mới phục vụ đồng bào các dân tộc trên địa bàn để “xây dựng môi trường văn hóa một cách toàn diện ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp để văn hóa thực sự là động lực, đột phá phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế”2.

Bốn là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần có chương trình hành động cụ thể về xây dựng đời sống văn hóa mới; đồng thời, có sự phân công cụ thể cho các cấp, các ngành và cá nhân phụ trách theo địa bàn và dân tộc, qua đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện.

Năm là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số, trong đó, đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa.

Cán bộ, công chức ở cơ sở là người dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, là hạt nhân tiêu biểu trong việc phát huy sức mạnh đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trực tiếp góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Trong đó, việc thực hiện bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số là giải pháp thiết thực và bền vững nhằm phát triển hài hòa kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.


1, 2. Đảng Cộng sản VIệt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 116, 262.

ThS. TRẦN ĐỨC HIẾU

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin