1. Vai trò của báo chí trong đời sống chính trị Việt Nam hiện nay
Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn xác định vấn đề tư tưởng, lý luận và kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ hiện đại, các thế lực phản động, thù địch không ngừng điều chỉnh cách thức, âm mưu và thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.
Trước yêu cầu ngày càng cao của tình hình mới, để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết chỉ rõ mục tiêu: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố, tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đồng thuận xã hội và niềm tin của Nhân dân với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; đồng thời xác định một số nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trong đó có nhiệm vụ nâng cao vai trò của báo chí, truyền thông. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, cần nhận định đúng đắn, đầy đủ vai trò của báo chí:
Thứ nhất, định hướng thông tin, nắm bắt dư luận, tác động sâu sắc vào tình cảm, tiềm thức của con người. Nhận thấy rõ tầm quan trọng của báo chí đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, thông qua những bài viết, bài báo, dưới ngòi bút đanh thép, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn tố cáo, vạch trần tội ác dã man của chế độ thực dân, đế quốc; thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của dân tộc; truyền bá lý tưởng cộng sản và góp phần thức tỉnh nhân dân thế giới đứng lên đấu tranh giành độc lập.
Có thể nói, các sản phẩm của báo chí không chỉ mang đến cho cộng đồng, xã hội những thông tin đáng tin cậy, thỏa mãn nhu cầu và phản ánh nguyện vọng của độc giả, mà báo chí còn có sứ mệnh biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, lấy cái đẹp làm thước đo, đẩy lùi “cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, tích cực đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái và biểu hiện tiêu cực trong xã hội.
Thứ hai, tuyên truyền quan điểm, chỉ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bởi, “văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”1. “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”2; không có báo chí thì không thể tiến hành cuộc tuyên truyền, cổ động một cách có hệ thống, có nguyên tắc và toàn diện3. Trên cơ sở đường lối của Đảng, báo chí thực hiện sứ mệnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, giúp nhân dân hiểu rõ, thấm nhuần quan điểm, đường lối, nền tảng tư tưởng của Đảng. Đối với vấn đề này, C. Mác nhận định: “Cả một lớp nhà văn tiểu thuyết hiện đại xuất sắc của nước Anh trong các tác phẩm chói lọi và hùng hồn đã vạch ra cho toàn thế giới nhiều chân lý chính trị và xã hội, hơn là tất cả các chính khách chuyên nghiệp, các nhà chính luận và các nhà đạo đức học chuyên nghiệp gộp lại”4. Từ đó cho thấy, sức mạnh ngôn từ, truyền thông đã đưa tri thức, chân lý đến với xã hội một cách nhẹ nhàng, dễ thẩm thấu, song có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhanh chóng và hiệu quả.
Thứ ba, báo chí là vũ khí sắc bén trong bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao nhận thức chính trị. Báo chí và cách mạng Việt Nam có mối quan hệ biện chứng, gắn bó chặt chẽ với nhau. Mỗi bước trưởng thành của Đảng, Nhà nước lại nâng nền báo chí lên một vị thế, tầm cao mới; ngược lại, mỗi bước phát triển của báo chí là tấm gương phản chiếu sự trưởng thành của Đảng, chế độ, là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội, củng cố niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư… Một tờ báo có ảnh hưởng trong dân chúng rất mạnh, có thể giúp Chính phủ rất nhiều”5. Báo chí không chỉ là vũ khí tư tưởng, lý luận của Đảng, mà còn là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, diễn đàn của nhân dân; thông tin chủ động, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, chính xác những vấn đề lớn của đất nước; thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Vì vậy, “cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”6.
Thứ tư, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Báo chí và văn hóa có mối quan hệ chặt chẽ, báo chí là một phần của văn hóa, còn văn hóa là môi trường để báo chí hoạt động. Báo chí vừa làm nhiệm vụ truyền tải thông tin, vừa truyền tải “luồng sáng” văn hóa. Mỗi tác phẩm báo chí là “hơi thở” của văn hóa, mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Bên cạnh đó, báo chí còn góp phần làm giàu, làm đẹp vốn văn hóa, tô điểm bản sắc và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Thứ năm, định hình và “khuếch tán” chuẩn mực văn hóa xã hội, góp phần bảo vệ bản sắc dân tộc trong quá trình giao thoa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Thông qua báo chí, truyền thông và các phương tiện thông tin đại chúng, người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, các phương diện của đời sống xã hội ở trong và ngoài nước. Từ đó, người dân có tầm nhìn rộng hơn, tiếp thu những tiến bộ của các nền văn hóa trên thế giới, đẩy lùi sự xâm nhập của luồng văn hóa độc hại, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đồng thời, báo chí tạo môi trường học hỏi, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền và giữa các quốc gia, dân tộc. Mặt khác, với sự đổi mới và tiến bộ trong quá trình hội nhập, báo chí nước nhà có thể quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, giúp các nước trên thế giới hiểu rõ hơn về đất nước, con người Việt Nam, từ đó nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
2. Báo chí - công cụ sắc bén trên mặt trận tư tưởng của Đảng
Trong bối cảnh hội nhập, cùng với nhu cầu thông tin mở rộng, lĩnh vực báo chí cũng bùng nổ nhanh chóng, ngày càng phong phú, đa dạng từ thể loại đến nội dung, hình thức. Trình độ chuyên môn, kỹ thuật của đội ngũ phóng viên, nhà báo, biên tập viên... từng bước được nâng cao, góp phần đắc lực vào công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập lý luận chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng... Hiện nay, cả nước có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí (327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học - nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người; 19.356 người đã được cấp thẻ nhà báo7.
Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của internet đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin của độc giả. Từ đó, đưa đến sự ra đời của nhiều trang báo điện tử, trở thành lực lượng nòng cốt, chủ lực trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc xuất bản tạp chí, báo Đảng điện tử trở thành vũ khí sắc bén trong tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch đã góp phần nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, báo chí Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao”8. Một số bài viết có nội dung, chất lượng hạn chế, thiếu tính chính trị, khoa học, tính thực tiễn, tính , thuyết phục và định hướng người đọc chưa hiệu quả; chưa có nhiều đầu sách hay, toàn diện, chuyên sâu về các vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra, đặc biệt là trên phương diện phòng, chống “diễn biến hòa bình”, đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch... Nguy hại hơn, các trang mạng xã hội trong nước và nước ngoài, các đài phát thanh, truyền hình: BBC, Á Châu tự do, VOA, Vietlive TV… và nhiều cá nhân, tổ chức phát tán lên không gian mạng những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống Đảng, Nhà nước, làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ9.
3. Nâng cao vai trò của báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở Việt Nam hiện nay
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí nước ta hiện nay là chủ động tiến công, kiên quyết và thường xuyên “đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị”, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, góp phần tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đồng thời xác định mục tiêu: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”10. Theo đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt trong cán bộ, đảng viên Kết luận số 23-KL/TW, ngày 22/11/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đội ngũ phóng viên, báo chí về nhiệm vụ, tầm quan trọng, tính tất yếu phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, lan tỏa, làm rõ vai trò, ý nghĩa của báo chí trong tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; sự nghiệp đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Hai là, đẩy mạnh vai trò tuyên truyền, giáo dục của báo chí, bám sát định hướng, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác tư tưởng để “ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”11. Quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm chỉnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đưa công tác phòng, chống “diễn biến hòa bình”, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đạt hiệu quả cao. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”12.
Ba là, đa dạng hóa các bài báo, tạp chí, tăng cường sử dụng các bài viết có chất lượng cao, dễ đọc, dễ hiểu, ngắn gọn, súc tích để dễ dàng, nhanh chóng tuyên truyền, lan tỏa trong xã hội. Ngoài ra, nội dung các bài viết, bài báo phải là công cụ sắc bén nhằm nâng cao tính thực tiễn, tính chiến đấu, tính phê phán..., đáp ứng tốt hơn nhu cầu chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân, phản bác có hiệu quả đối với những quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch. Đẩy mạnh hơn nữa việc phát hành sách, báo, tạp chí... có nội dung tuyên truyền, đấu tranh phản bác kịp thời, nhanh chóng, từ đó huy động được đông đảo lực lượng tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bằng sự tương tác đa chiều với độc giả. “Ý kiến bạn đọc là những ý kiến đấu tranh. Cái mới đấu tranh với cái cũ, cái tốt đấu tranh với cái không tốt. Đấu tranh thì phải đấu tranh đến kết quả thắng lợi”13.
Bốn là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ biên tập, phóng viên, nhà báo..., bảo đảm luôn tự tin, kiên định, vững vàng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; “chiến sĩ ở các mặt trận thì dùng súng chống địch, các bạn thì dùng bút chống địch”14. “Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”15.
Năm là, nâng cao chất lượng và số lượng công trình nghiên cứu khoa học, tăng cường nhiều bài viết sắc sảo, có sức thuyết phục, góp phần làm sáng rõ tính đúng đăn trong chủ trương, đường lối của Đảng. Chú trọng đào tạo, huy động nhiều chuyên gia có trình độ chuyên môn cao để cung cấp luận cứ, luận điểm trong phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch..
Sáu là, đẩy mạnh hoạt động quản lý, kiểm soát, đặc biệt là trên không gian mạng; nắm bắt, dự báo đúng, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, xã hội và định hướng dư luận xã hội. Phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp dịch vụ, sử dụng các giải pháp về công nghệ để ngăn chặn triệt để các tin tức xấu độc, tiêu cực trên mạng xã hội. “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”16. Đồng thời, siết chặt, kỷ luật, kỷ cương trong nội bộ Ðảng, Nhà nước, đặc biệt là kỷ luật phát ngôn, nghiêm cấm mọi hành vi để lộ bí mật của Ðảng, Nhà nước hoặc lan truyền, tán phát những thông tin sai lệch, xuyên tạc, vu khống, kích động.
1, 13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 246, 433
2, 3. Đào Duy Quát, Đỗ Quang Hưng, Vũ Duy Thông: Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2010), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr. 46
4. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 10, tr. 710-711.
5, 6, 11, 14, 15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 465; t. 14, tr 54; t. 2, tr. 289; t. 5, tr. 210; t. 12, tr. 166.
7. Số liệu về các cơ quan báo chí Việt Nam năm 2022, Tạp chí Xây dựng Đảng, ngày 26/12/2022, https://www.xaydungdang.org.vn/van-hoa-xa-hoi/so-lieu-ve-cac-co-quan-bao-chi-viet-nam-nam-2022-18260.
8, 12. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 91, 181.
9. Nhận diện bản chất thù địch, phản động của BBC, RFA, RFI, VOA, Trang thông tin điện tử Tỉnh đoàn Lâm Đồng, ngày 06/6/2022, https://lamdong.gov.vn/sites/tinhdoan/tai-lieu-chinh-tri-tu-tuong-dao-duc-loi-song/SitePages/NHAN-DIEN-BAN-CHAT-THU-DICH-PHAN-DONG-CUA-BBC-RFA-RFI-VOA.aspx.
10, 16. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 146.
ThS. NGUYỄN HẠNH QUYỂN
ThS. NGUYỄN ĐỨC ANH
Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh