“5 tác phẩm bảo vật quốc gia” - Cuốn sách quý chứa đựng nhiều giá trị tinh hoa trong tư tưởng Hồ Chí Minh

CT&PT - Trong khối di sản tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc Việt Nam, có 5 di sản đã được công nhận là bảo vật quốc gia, đó là: Cuốn sách Đường cách mệnh, tác phẩm Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù), bản thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, bản thảo Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước được lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được lưu trữ tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg, ngày 01/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

CT&PT - Trong khối di sản tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc Việt Nam, có 5 di sản đã được công nhận là bảo vật quốc gia, đó là: Cuốn sách Đường cách mệnh, tác phẩm Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù), bản thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiếnLời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước được lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được lưu trữ tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg, ngày 01/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhằm giới thiệu và lan tỏa giá trị những tác phẩm bảo vật quốc gia trong di sản Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc và nhân loại đến đông đảo bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách 5 bảo vật quốc gia (Đường cách mệnh; Nhật ký trong tù; Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến; Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước; Di chúc).

Cuốn sách gồm 284 trang, tập hợp, giới thiệu toàn văn 5 tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận là bảo vật quốc gia, tuyển chọn từ bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập, gồm 15 tập, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản năm 2021.

1. Tác phẩm Đường cách mệnh

Đường cách mệnh là cuốn sách tập hợp những bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, do Người và Tổng bộ tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925 - 1927. Cuốn sách do Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản năm 1927 làm tài liệu học tập và tuyên truyền.

Nội dung cuốn sách thể hiện rõ quan điểm tư tưởng của Người trong thời kỳ chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức tiến tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là một trong những văn kiện lý luận đầu tiên của Đảng ta, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối của cách mạng Việt Nam.

2. Tác phẩm Nhật ký trong tù

Nhật ký trong tù là tác phẩm được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thời gian Người ở Trung Quốc từ năm 1942 đến năm 1943. Tháng 8/1942, Người từ Cao Bằng sang Trung Quốc với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam Độc lập đồng minh và Phân bộ Quốc tế chống xâm lược của Việt Nam để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Sau khi đến Túc Vinh (một thị trấn thuộc huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam. Trong hơn một năm bị bắt giữ, Người lần lượt bị giam trong khoảng 30 nhà tù của 13 huyện ở tỉnh Quảng Tây. Trong thời gian này, Người đã viết tác phẩm Nhật ký trong tù bằng chữ Hán.

Tập Nhật ký gồm 134 bài, được ghi vào một cuốn sổ tay, bìa màu xanh, trang đầu có vẽ hình hai cánh tay bị xích kèm theo bốn câu thơ: “Thân thể ở trong lao/Tinh thần ở ngoài lao/Muốn nên sự nghiệp lớn/Tinh thần càng phải cao”. Nhật ký trong tù lên án chế độ nhà tù hà khắc của chính quyền Tưởng Giới Thạch, đồng thời thể hiện tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, tinh thần lạc quan cách mạng và tình cảm nhân đạo cộng sản chủ nghĩa cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một tác phẩm văn học lớn của một chiến sĩ cộng sản vĩ đại.

3. Tác phẩm Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được viết trong hoàn cảnh sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân ta cần hòa bình để xây dựng nước nhà và củng cố lực lượng về mọi mặt, cho nên đã nhân nhượng với thực dân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946. Nhưng thực dân Pháp vẫn cố tình cướp nước ta lần nữa. Trước những hoạt động xâm lược trắng trợn của thực dân Pháp, đêm 19/12/1946, cuộc kháng chiến từ cục bộ đã lan ra khắp cả nước. Ngày 20/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Trong văn kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, nêu lên ý chí sắt đá, quyết kháng chiến đến cùng của dân tộc ta. Đồng thời, Người nêu lên những nét cơ bản về đường lối của cuộc kháng chiến lâu dài, toàn dân, toàn diện và khẳng định cuộc kháng chiến nhất định thắng lợi.

4. Tác phẩm Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước

Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam truyền đi sáng 17/7/1966 khẳng định quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc của toàn thể nhân dân Việt Nam trước hành động leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

5. Tác phẩm Di chúc

Các bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết từ ngày 10/5/1965 đến ngày 19/5/1969 là tác phẩm cuối cùng Người để lại cho dân tộc và nhân loại, chứa dựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tài liệu tuyệt đối bí mật đầu tiên gồm 3 trang, do tự tay Người đánh máy, ở cuối đề ngày 15/5/1965. Năm 1968, Người viết bổ sung thêm một số đoạn gồm sáu trang viết tay. Ngày 10/5/1969, Người viết lại toàn bộ phần mở đầu, gồm một trang viết tay (những năm 1966, 1967 không có bản viết riêng). Bản Di chúc công bố tại Lễ truy điệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 09/9/1969 chủ yếu dựa vào bản Người viết năm 1965 (trong đó, đoạn mở đầu là bản viết năm 1969, đoạn về việc riêng là phần đầu bản viết năm 1968). Bản Di chúc Người viết năm 1965 là bản duy nhất hoàn chỉnh, dưới có chữ ký của Người, bên cạnh có chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Các bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VI) công bố năm 1989, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Người.

Việc xuất bản cuốn sách 5 tác phẩm bảo vật quốc gia có ý nghĩa thiết thực, góp phần tôn vinh, lan tỏa sâu rộng giá trị, ý nghĩa và sức sống trường tồn của hệ giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay. Năm tác phẩm trong nội dung cuốn sách là những tác phẩm quý, chứa đựng những giá trị tinh hoa nhất trong toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh, phản ánh đầy đủ nhất, cốt lõi nhất nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh với ý nghĩa là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của n­ước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.

ThS. NGUYỄN THỊ HỒNG QUÝ

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin