Ngày 26/11/2015, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII ban hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016. Sau 5 năm triển khai, căn cứ tình hình thực tiễn trong tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra hình sự, ngày 12/11/2021, Quốc hội khóa XIV ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2021.
Việc tổ chức thi hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tổ chức và hoạt động của các cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp tục đi vào ổn định, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hệ thống cơ quan điều tra tiếp tục được tổ chức theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu, từ đó phát hiện, điều tra, xử lý có hiệu quả với từng loại tội phạm theo thẩm quyền của cơ quan điều tra. Trong tổng số các vụ án hình sự xảy ra trên toàn quốc, số vụ án hình sự do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện giải quyết chiếm tỷ lệ lớn, tạo điều kiện để cơ quan điều tra cấp trên tập trung điều tra những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; đồng thời, thực hiện tốt hơn việc tổng kết, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ và pháp luật đối với cơ quan điều tra cấp dươi. Qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về điều tra hình sự.
Thực tế cho thấy, việc tổ chức Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư phap ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cho đến khi kết thúc điều tra; giúp kiểm sát viên nắm bắt nội dung, diễn biến, các tình tiết có liên quan đến vụ án để thực hiện quyền công tố tại phiên tòa, góp phần nâng cao trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thi hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập nhất định, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn công tác. Cụ thể:
Thứ nhất, hạn chế trong tổ chức của cơ quan cảnh sát điều tra các cấp.
Trong xu thế chung về tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị định số 01/2018/NĐ-CP, ngày 06/8/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Công an, cơ cấu tổ chức cơ quan điều tra hình sự trong Công an nhân dân có sự thay đổi đáng kể, đặc biệt là cơ cấu, tổ chức của Cơ quan Cảnh sát điều tra. Từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an không bố trí cấp tổng cục và sáp nhập một số đầu mối để bảo đảm tập trung, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều tra hình sự, cụ thể là: (1) Giải thể Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh: Giải thể Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu; (3) Điều chỉnh tên gọi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vu thành Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.
Ngày 10/7/2023, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Đề án số 19/ĐA-BCA về tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của Công an đơn vị, địa phương tinh, gọn, mạnh, theo đó, đối với Công an cấp tỉnh, sáp nhập Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường vào Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, điều chỉnh tên gọi thành Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường.
Có thể thấy, quy định về tổ chức của cơ quan cảnh sát điều tra các cấp trong Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự không còn phù hợp với tổ chức bộ máy của Bộ Công an hiện nay.
Thứ hai, quy định về các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra còn một số hạn chế, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.
Điều 9 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định: “Các cơ quan của Bộ đội biên phòng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Cục trinh sát biên phòng; Cục phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy va tội phạm; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh; Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng; Đồn biên phòng... Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Cục Quản lý xuất nhập cảnh; các cục nghiệp vụ an ninh ở Bộ Công an; Phòng Quản lý xuất nhập cảnh; các phòng nghiệp vụ an ninh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp tỉnh) và Đội An ninh ơ Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp huyện); Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phòng Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trại giam”.
Tuy nhiên, tại khoản a, điểm 1, Điều 3 Nghị định số 106/2021/NĐ-CP, ngày 06/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Biên phòng Việt Nam lại quy định: “Cơ quan Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng gồm: Bộ Tham mưu; Cục Chính trị; Cục Trinh sát; Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm; Cục Cửa khẩu; Cục Hậu cần; Cục Kỹ thuật”. Như vậy, việc sử dụng thuật ngữ “Cục trinh sát biên phòng” trong Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự hiện hành chưa thống nhất với Luật Biên phòng Việt Nam và văn bản hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh đó, Bộ Công an đã giải thể, sáp nhập một số đầu mối là các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như: (1) Giải thể Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an cấp tỉnh; (2) Giải thể Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thứ ba, quy định về Hội đồng thi tuyển Điều tra viên vẫn còn tồn tại bất cập.
Khoản 1, Điều 55 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự về Hội đồng thi tuyển Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp quy định: “a) Hội đồng thi tuyển Điều tra viên cao cấp trong Công an nhân dân và Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên sơ cấp ở các Cơ quan điều tra Bộ Công an gồm có Chủ tịch là Thứ trưởng Bộ Công an do Bộ trưởng Bộ Công an chỉ định; các ủy viên là đại diện lãnh đạo Tổng cục Chính trị Công an nhân dân, đại diện lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra, Cục Tổ chức Cán bộ và Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an; b) Hội đồng thi tuyển Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên sơ cấp ở Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện gồm có Chủ tịch là Giám đốc Công an cấp tỉnh; các ủy viên là đại diện lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra, Phòng Tổ chức Cán bộ và Phòng Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp hoặc Phòng Tham mưu Công an cấp tỉnh”.
Hiện nay, Bộ Công an không còn tổ chức cấp tổng cục, tại Công an cấp tỉnh tiến hành sáp nhập Phòng Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp vào Phòng Tham mưu. Quy định về thành phần Hội đồng thi tuyển Điều tra viên các Cơ quan điều tra Bộ Công an và Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh, cấp huyện không còn phù hợp, gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.
Thứ tư, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên, Cán bộ điều tra và quy định về trách nhiệm vụ Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có sự thay đổi, cần được điều chỉnh phù hợp.
Ngày 10/4/2024 Bộ Công an ban hành Hướng dẫn số 10/HD-BCA-V03 về thực hiện bố trí Điều tra viên, Cán bộ điều tra ở Công an cấp xã, theo đó, Bộ Công an chủ trương bổ nhiệm chức danh Điều tra viên đối với Trưởng Công an cấp xã và Phó Trưởng Công an cấp xã phụ trách phòng, chống tội phạm, bổ nhiệm chức danh Cán bộ điều tra đối với cán bộ Công an cấp xã.
Điều tra viên, Cán bộ điều tra bố trí ở Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cấp xã, Điều tra viên, Cán bộ điều tra trong phạm vi địa bàn cấp xã được bố trí.
Như vậy, cần thiết phải sửa đổi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên tại Điều 53 và trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an tại Điều 44 của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Thứ năm, hạn chế trong quy định về nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự.
Khoản 4, Điều 5 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự hiện hành quy định về nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự: “Chỉ cơ quan, người có thẩm quyền quy định trong Luật này mới được tiến hành hoạt động điều tra hình sự”.
Quy định trên mâu thuẫn với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Tại khoản 8, Điều 14 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định, Viện Kiểm sát nhân dân có quyền “Trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn các lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát nhân dân đã yêu cầu nhưng không được khắc phục”.
Khoản 3, Điều 16 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định, Viện Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ “Trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố hoặc khi Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung mà xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra”. Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm sát viên có quyền tiến hành một số hoạt động điều tra khi thực hiện quyền công tố trong một số trường hợp nhất định.
Nhằm hoàn thiện quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn trong giai đoạn hiện nay, hướng tới xây dựng pháp luật về tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra hình sự ngày càng hoàn chỉnh, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của cơ quan điều tra và điều tra viên, cán bộ điều tra, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh.
Theo đó, cần sửa đổi quy định tại Điều 18 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, cụ thể là: (1) Bỏ điểm đ, khoản 1, Điều 18 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu thuộc tổ chức bộ máy của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. (2) Sửa đổi tên gọi Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ tại điểm c, khoản 2, Điều 18 thành Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường. (3) Bỏ điểm đ, khoản 2, Điều 18 quy định Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh.
Hai là, hoàn thiện quy định về các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong việc sử dụng thuật ngữ giữa Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành, cần sửa đổi cụm từ “Cục trinh sát biên phòng” thành “Cục trinh sát” trong Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Đồng thời, để kịp thời hoàn thiện, sửa đổi quy định về các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự hiện hành phù hợp với tổ chức bộ máy của Bộ Công an, cần sửa đổi quy định tại khoản 6, Điều 19 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, cụ thể: Bỏ “Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao”, “Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường”, “Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao” và “Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” tại khoản 6, Điều 9 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Ba là, hoàn thiện quy định về Hội đồng thi tuyển Điều tra viên.
Nhằm góp phần hoàn thiện quy định về Hội đồng thi tuyển Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp, bảo đảm quy định về thành phần Hội đồng thi tuyển Điều tra viên ở Cơ quan điều tra Bộ Công an và Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh, cấp huyện được thực hiện đầy đủ trong thực tiễn, tại điểm a, khoản 1, Điều 55 cần bỏ thành phần “đại diện lãnh đạo Tổng cục Chính trị Công an nhân dân”; tại điểm b, khoản 1 Điều 55 cần bỏ “Phòng Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp”.
Bốn là, hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên, Cán bộ điều tra và quy định về trách nhiệm vụ Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an.
Việc sửa đổi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên, Cán bộ điều tra tại Điều 53 và trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an tại Điều 44 của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự nhằm bảo đảm tính phù hợp với chủ trương bố trí Điều tra viên ở Công an cấp xã, cụ thể: (1) Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên tại Điều 53: “Điều tra viên, Cán bộ điều tra ở Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cấp xã theo quy định của Bộ Công an”. (2) Bổ sung trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn tại Điều 44: “Điều tra viên, Cán bộ điều tra Công an cấp xã tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh và các hoạt động điều tra vụ án hình sự trong phạm vi địa bàn cấp xã được bố trí theo sự phân công của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra”.
Năm là, hoàn thiện quy định về nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự.
Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm sát viên có quyền tiến hành một số hoạt động điều tra khi thực hiện quyền công tố trong một số trường hợp theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Nhằm kịp thời hoàn thiện, sửa đổi quy định về nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự, bảo đảm phù hợp, hài hòa và thống nhất với Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, cần bỏ quy định “Chỉ cơ quan, người có thẩm quyền quy định trong Luật này mới được tiến hành hoạt động điều tra hình sự” tại khoản 4, Điều 5 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự hiện hành.
Có thể thấy, việc hoàn thiện quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự hiện hành phù hợp với tổ chức bộ máy của Bộ Công an, Công an cấp tỉnh và quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Biên phòng Việt Nam là yêu cầu cấp thiết, góp phần tạo nên sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng, hiệu quả áp dụng pháp luật trong giai đoạn hiện nay.
ThS. PHẠM THỊ THÁI HÒA
Học viện Cảnh sát nhân dân
TRƯƠNG THIỆN TÂM
Công an tỉnh Quảng Bình