CT&PT - Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những tên tuổi lớn nhất được tôn vinh trong triều “ngụy Mạc”, là một tên tuổi lớn của lịch sử dân tộc. Trải qua nhiều thăng trầm, nhiều biến cố lịch sử, nhưng những nhận định về Nguyễn Bỉnh Khiêm thì hầu như không thăng giáng. Hậu thế vẫn tôn vinh ông là “nhà thơ lớn”, “nhà văn hóa”, “nhà tư tưởng”, “nhà chính trị”… bởi những gì mà ông đã để lại cho cuộc đời. Để hiểu tư tưởng của ông, trước hết phải hiểu cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Nguyền Bỉnh Khiêm sinh ra trong thời kỳ cực thịnh của triều Hậu Lê nhưng lại trưởng thành ở thời kỳ rối ren nhất của lịch sử nước nhà. Ông sống gần trọn thế kỷ XVI cho nên ông có đủ thời gian để chứng kiến buổi đầu suy vi và cát cứ của chế độ phong kiến, có điều kiện để hiểu sâu sắc về xã hội mà ông từng có lúc ra làm quan. Với kiến thức uyên bác vào bậc nhất đương thời, có quan hệ gắn bó với vận mệnh nhân dân, cho nên Nguyễn Bỉnh Khiêm mang nhiều trăn trở. Ông đã đề đạt những kiến nghị của mình về đường lối trị nước, về đạo làm người. Bằng việc sáng tác hàng nghìn bài thơ, trong đó đại đa số là thơ triết lý, thơ đạo lý, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tỏ được cái chí, quan niệm nhân sinh và đặc biệt là tư tưởng của mình về chính trị - xã hội.
Ngày nay, khi đất nước đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đời sống vật chất và tinh thần của con người ngày càng được nâng cao. Xã hội ngày càng phát triển văn minh, khoa học. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực ấy là sự du nhập của lối sống phương Tây và trào lưu Âu hóa đang dần phổ biến, kéo theo những quan niệm có phần xa rời với văn hóa, đạo đức dân tộc. Bởi vậy, những nét đẹp truyền thống, những tư tưởng, quan niệm cao cả, quý báu trước đây mà đặc biệt là tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm càng phải được nghiên cứu, giữ gìn và có cách nhìn nhận đúng đắn.
Mặt khác, đất nước ta đang trong xu thế hội nhập và phát triển, đang trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; với chủ trương xây dựng một nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân…thì những tư tưởng trung quân ái quốc, thân dân, nhân nghĩa… của Nguyễn Bỉnh Khiêm càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi đây là những yếu tố cốt lõi, quan trọng trong việc xác lập nên tư tưởng cần thiết để xây dựng một đất nước vững mạnh và một xã hội nhân đạo, góp phần vào việc hình thành nên con người hành động trong thời đại mới: có đạo đức, có lý tưởng, có tinh thần yêu nước, thương dân. Chính vì thế, nghiên cứu con người, sự nghiệp, tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.
1. Con người Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585), còn có tên là Nguyễn Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân cư sĩ, được học trò tôn xưng là “Tuyết Giang phu tử”, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, trấn Hải Dương (nay là xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Ông sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, thân phụ là nhà Nho Nguyễn Văn Định, học trường Quốc Tử Giám nhưng không ra làm quan mà về quê dạy học, lấy hiệu là Cù Xuyên tiên sinh. Thân mẫu là bà Nhữ Thị Thục con gái tiến sĩ, quan Thượng thư bộ Hộ Nhữ Văn Lan ở làng An Tử Hạ, huyện Tân Minh, phủ Hạ Hằng cùng xứ (nay thuộc xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng). Bà là một nữ lưu nổi tiếng cuối thời Lê, vốn giỏi văn thơ và am hiểu lý số, kén chồng đến tuổi ngót 30 mới kết duyên với nhà giáo Nguyễn Văn Định cũng có tiếng hay chữ.
Nguyễn Văn Đạt lúc mới sinh có tướng mạo khôi ngô, mới tròn tuổi đã nói sõi, sớm đã bộc lộ năng khiếu và sự thông minh. Khi lên năm, một sáng, cha bỗng ra bờ biển, Văn Đạt thốt lên: “Ồ, mặt trời mọc đằng Đông”. Mới học vỡ lòng mà đã ứng đáp được nhiều câu đối khó của cha. Thấy con thông tuệ, cha mẹ ông hết sực chăm lo, dạy dỗ, rèn cặp. Trong bài tựa tập Bạch Vân quốc ngữ thi tập của mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nêu rõ công lao dạy dỗ của gia đình. Khi lớn lên, Nguyễn Văn Đạt có theo học Đình nguyên Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, người làng Hội Trào, huyện Hoằng Hóa, xứ Thanh.
Thời trai trẻ của ông, triều Lê đã suy đồi, vua quan hư đốn, ham ăn chơi xa xỉ, tranh giành quyền lực, đẩy dân vào cảnh lầm than, khổ cực. Nhiều nơi dân nổi dậy chống đối lại triều đình. Tình hình xã hội như thế, nên ông ở ẩn tại quê nhà, nghiên cứu kinh sách và dạy học. Học trò biết đến tiếng ông nên theo học rất đông. Thấy ông học thức sâu rộng, đạo đức cao cả, bạn bè, quan lại, sĩ phu quanh vùng đều khuyên ông nên ra thi để giúp đời, làm rạng danh cha mẹ nhưng ông đều cảm ơn và từ chối. Mãi đến năm Giáp Ngọ (1534) dưới triều Thái Tông, Mạc Đăng Doanh, một vị vua hiền tài, đất nước yên bình, nhân dân ấm no, Nguyễn Văn Đạt mới quyết định ra giúp nước, giúp dân. Ông đổi tên là Nguyễn Bỉnh Khiêm và dự kỳ thi Hương. Khoa này ông đỗ đầu. Mùa xuân năm Ất Mùi (1535), ông tham dự thi Hội, thi Đình, cả hai khoa đều đỗ đầu, đoạt học vị cao nhất là Trạng Nguyên.
Sau khi thi đỗ, vua Mạc bổ nhiệm chức Đông các hiệu thư rồi trải thẳng đến chức Đông các đại học sĩ, tức chức đứng đầu cơ quan có nhiệm vụ giúp vua phê duyệt các văn bản quan trọng nhất của triều đình, đồng thời giữ chức Tả thị lang bộ Lại. Nhưng sau khi hai ông vua giỏi nhất triều Mạc là Mạc Đăng Doanh, Mạc Đăng Dung qua đời vào các năm Canh Tý (1540), Tân Sửu (1541) thì nhân việc vua nhỏ nối ngôi, bọn quyền thần lũng đoạn, chia bè chia phái tranh giành quyền lợi, trong đó có cả thông gia và con rể ông. Nguyễn Bỉnh Khiêm hết sức can ngăn nhưng không được. Tháng tám năm Nhâm Dần (1542), ông kiên quyết từ bỏ quan chức, sau khi tờ sớ hạch tội đòi chém 18 viên quan to cậy thế làm càn, tham lam, sa đọa không được vua chấp nhận.
Về quê, ông dựng quán Trung Tân, xây bia để truyền bá tư tưởng nhân nghĩa mong văn hồi thế đạo nhân tâm; mở trường dạy học, sĩ tử khắp nơi theo học rất đông, nhiều người trở thành văn quan, võ tướng tài danh. Ông còn lập Thi xã Bạch Vân để tập hợp thi gia sáng tác xướng họa mà đời sau có nhà nghiên cứu coi là một trường phái thi ca Đại Việt do Nguyễn Bỉnh Khiêm là nguyên soái và cũng là cây bút chủ lực. Vì thế, am Bạch Vân nơi ông ở lúc về trí sĩ, Thi xã Bạch Vân do ông khởi xướng luôn luôn gắn với tên tuổi ông, tác phẩm của ông và cả phẩm chất của bậc đại hiền, đại trí này. Dù ông đã từ quan về quê nhưng các vua nhà Mạc đều coi là bậc thầy, hết sức kính trọng và biệt đãi. Khi có việc dân, việc nước quan trọng vua đều sai sứ về am Bạch Vân hoặc rước mời ông về kinh đô để hỏi mưu kế. Ông ung dung trù liệu nhiều kế sách hay có hiệu quả. Xong việc ông lại đòi về am, nhà vua không thể nào lưu giữ được. Thơ văn ông cũng như phả ký đều nhắc tới việc Nguyễn Bỉnh Khiêm tham gia đánh dẹp anh em họ Vũ nổi loạn ở Tuyên Quang định phối hợp với quân Lê Trịnh đẩy quân triều Mạc vào thế phải đối phó ở hai phía. Chính ông đã bày thực hư kế khiến quân Lê Trịnh đang uy hiếp mạnh Thăng Long phải vội vàng rút cả về Thanh Hóa để giữ nơi căn bản. Chính vì thế mà quan Thượng thư bộ Lại, Trạng Nguyên Giáp Hải trong một bài thơ đã ca ngợi Nguyễn Bỉnh Khiêm là “cột chống trời của nhà Mạc”, là “người có công lớn nhất của bốn đời vua”. Do đó, vua Mạc Mậu Hợp đã phong ông chức tước cao nhất là Thái phó Trình quốc công. Đến năm 1585, ông mắc bệnh, vua Mạc cử sứ giả và quan ngự y về thăm, hết lòng chạy chữa. Biết mình tuổi cao, sức yếu khó lòng qua khỏi, ông đã bày kế sách bảo toàn họ Mạc, đồng thời tránh cho dân cuộc nội chiến. Khi ông qua đời, nhà vua cử ông chú là Ứng vương Mạc Đôn Nhượng chức phụ chính đại thần, về Trung Am để úy tế; ban 3000 quan tiền để dựng đền thờ, tự tay nhà vua viết biển đề hàng chữ Mạc triều Trạng Nguyên Tể tướng từ (đến thờ quan Tể tướng, Trạng Nguyên triều Mạc). Vua còn cấp 100 mẫu ruộng để hàng năm thu hoa lợi dùng vào việc tế tự. Học trò và sĩ phu đương thời tông xưng ông là “Tuyết Giang phu tử”, một vinh dự đặc biệt cao quý chỉ một số ít nhà Nho có đức nghiệp đạt được mà thôi.
Nguyễn Bỉnh Khiêm coi rẻ công danh phú quý, trọn đời trung thành với đạo học yêu nước, thương dân, vì chính dân là gốc của nước. Ông bảo vệ trật tự xã hội phong kiến nhưng phải là quan lại hiền tài, vua chúa thành minh. Do đó, vua ngu tối, quan tham là những đối tượng mà ông căm ghét, khinh bỉ. Ông vốn tài cao đức lớn nhưng lại sinh phải thời đại nhiễu nhương, nhân dân khổ cực vì loạn lạc, vì bọn bất nhân nên muốn nhàn mà không được yên. Lòng ưu thời mẫn thế luôn lộ ra trong thi ca, trong cách hành xử của ông.
Người đời cảm thông hoàn cảnh, chia sẻ tấm lòng của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tiến sĩ Vũ Khâm Lân đã kết luận tập Phả ký viết về Trạng thật đích đáng: “Ôi, trong thiên hạ, các bậc quân vương, các vị hiền giả hỏi có thiếu chi nhưng chỉ lúc sống là được phú quý vinh hoa, còn sau khi mất rồi thì những thứ đó cũng mai một với thời gian, hỏi còn ai nhắc đến nữa”.
Sứ giả triều Thanh bàn đến nhân vật nước ta cũng có câu: “Ở nước An Nam chỉ có một ông Trịnh Tuyền am hiểu sâu sắc khoa Lý học (An Nam Lý học hữu Trình Tuyền); rồi ghi thành sách lưu truyền ở Trung Quốc. Như thế, đủ biết Tiên sinh là nhân vật kiệt xuất nước ta thời trước”.
Trong 95 năm cuộc đời, Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ thực sự làm quan có 8 năm. Có thể nói, gần hết cuộc đời ông đã sống tại quê hương. Đây là điều kiện tốt để Nguyễn Bỉnh Khiêm có dịp gần gũi và tiếp xúc nhiều với cuộc sống của nhân dân. Nhờ sống gần gũi nhân dân, vốn hiểu biết của ông càng thêm phong phú, sâu sắc. Sống trong xã hội loạn lạc, vì gần gũi với dân mà ông cảm thấy nỗi đau khổ của dân cũng là nỗi đau khổ của mình, ông thấu hiểu và đồng cảm với tình cảnh của dân, yêu dân, thương dân và mong muốn vì dân.
Suốt hành trình cuộc sống của mình, khi dùi mài kinh sử, lúc ở ẩn, khi ra làm quan, lúc mở trường dạy học, Nguyễn Bỉnh Khiêm tiếp xúc nhiều với những con người, những cảnh đời khác nhau - đặc biệt là những cảnh đời nơi thôn dã. Thật ít người có được một cuộc đời từng trải như ông. Chính cuộc từng trải - sống lâu và sống nhiều đã tạo nên ở Nguyễn Bỉnh Khiêm một vốn hiểu biết vô cùng rộng lớn và sâu sắc. Ông không chỉ có vốn kiến thức đồ sộ - kết quả của việc tham bác sách vở, mà ông còn có vốn sống phong phú do từng trải việc đời, việc người. Ông hiểu rõ được bối cảnh ông sống với những đặc điểm, tình hình của nó; bởi vậy ông luôn trăn trở trong suy nghĩ, tư tưởng và tình cảm của mình về xã hội ấy.
Nguyễn Bỉnh Khiêm sống trong thời chế độ phong kiến bước đầu có những biểu hiện khủng hoảng. Trên đường thực hiện lý tưởng, ông không có may mắn như Nguyễn Trãi xưa kia được đem hết nhiệt huyết và tài năng tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng nhân cách. Tuy nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm lại rất giống Nguyễn Trãi về tâm hồn, nhân cách. Nguyễn Trãi là viên ngọc “mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen”, giữa những biểu hiện xấu xa của triều đình Lê Sơ sau ngày khởi nghĩa; còn Nguyễn Bỉnh Khiêm là “vàng mười” trong cảnh đời đen bạc của xã hội phong kiến Việt Nam thế kỷ XVI.
2. Sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm là “cây đại thụ” trong nền văn hóa Việt Nam và đã từ lâu được coi là “tỏa bóng” suốt thế kỷ XVI. Câu nói hình tượng ấy đủ chứng tỏ ảnh hưởng to lớn của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với lịch sử tư tưởng, văn học nước nhà. Song dường như Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trường hợp khác biệt với nhiều “cây cao bóng cả khác”. Ông không có công giúp nước phò nguy như vị khai quốc công thần Nguyễn Trãi, không phải người đứng đầu vương triều mà những chủ trương về học thuật, tôn giáo có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh tinh thần của cả quốc gia dân tộc như Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông… Ông cũng không chỉ dành tâm hồn chuyên cho thơ như Nguyễn Du và cũng khác các học giả như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú. Nguyễn Bỉnh Khiêm quả thực xứng đáng có một vị trí quan trọng trong lịch sử văn hóa nước nhà, nhưng chốt lại công lao và vai trò của ông thể hiện chính ở lĩnh vực nào? Khi Nguyễn Bỉnh Khiêm qua đời, học trò tôn xưng ông là “phu tử”, dường như từ đó ông được lịch sử, xã hội xác nhận vai trò người thầy mẫu mực của nền Khổng học Việt Nam thời trung đại. Trong suốt mười thế kỷ Nho học Việt Nam mới chỉ có ba người được tôn xưng danh hiệu ấy: trước ông là Chu Văn An, thời Trần; sau là ông Nguyễn Thiếp, thời cuối Lê - đầu Nguyễn. Năm 1943, học giả Hoàng Xuân Hãn đã từng viết: “Ngày nay có phong trào tôn sùng Khổng giáo, sau mấy mươi năm bị lấp, đã có cơ hội phục hưng. Một nhà đạo đức như La Sơn phu tử rất đáng được cả nước thờ chung vậy. Trong các Khổng miếu mà nay vẫn còn, ta thờ bảy mươi hai ông hiền mà ta quên cả tên, cả sự nghiệp, sao ta không thay bằng các tiên nho ta như Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Bỉnh Khiêm và La Sơn phu tử”.
Đúng như vậy, nói đến sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm trước hết phải xét đến sự nghiệp của một bậc thầy về văn hóa, tư tưởng mà không phải mỗi thời đại đều dễ dàng tạo nên được. Đó là một công việc khó khăn. Trong hơn 400 năm qua, kể từ bài văn tế của Đinh Thì Trung, hay sớm hơn, bài thơ họa của Giáp Hải, nhiều học giả, văn nhân Việt Nam đã tìm hiểu, bình giá Nguyễn Bỉnh Khiêm, dường như cũng để đáp lại một phần niềm khắc khoải của ông lúc sinh thời:
“Có ai biết được lòng tri kỷ,
Vòi vọi non cao nguyệt một vừng”.
(Thơ Nôm, bài 6)
Ra làm quan dưới triều Mạc với lý tưởng xây dựng một xã hội thanh bình, thịnh trị, Nguyễn Bỉnh Khiêm dù đã dốc hết tâm lực nhưng ông dần nhận ra hiện thực triều đình không như lý tưởng của mình. Trong cảnh quan trường, ông đau xót nhận thấy cảnh bình trị ngày càng sa xuống nhuốc nhơ, con người ta tự mình không biết liêm sỉ và ông coi việc làm quan là “cái nghề đốn mạt”. Tuy nhiên, ông vẫn đầy tự hào, tin tưởng ở sứ mệnh của nhà Nho. Ông khuyến khích thể hiện bản lĩnh của người trí thức Nho học trong chính sự, khi hành đạo thì nhẹ nhàng nhưng sức mạnh cải hóa thì lớn vô cùng, có trách nhiệm khuyên vua làm những việc tốt cho dân. Với lý tưởng của mình, ông đã không ngừng nỗ lực để cống hiến được nhiều nhất cho triều đình nhà Mạc. Làm quan chính thức và liên tục được tám năm, chứng kiến cảnh tham lam lộng quyền của quan lại trong triều, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ hạch tội bọn quan lại đó nhưng không được vua nghe nên ông xin cáo quan về làng dựng Bạch Vân am dạy học.
Nguyễn Bỉnh Khiêm có một sự nghiệp thơ văn rất lớn. Chỉ tính riêng thơ chữ Hán ông đã có hàng nghìn bài, trong đó có nhiều bài nói lên quan niệm về thiên lý và đạo lý, nhưng đã bị mất mát đi nhiều. Số còn sót lại được tập hợp trong cuốn Bạch Vân am thi tập, ngoài ra còn có Bi ký quán Trung Tân, Thạch khánh ký và một số bài văn tế.
Về chữ Nôm có Bạch Vân quốc ngữ thi tập (còn gọi là Trình quốc công Bạch Vân quốc ngữ thi tập) với khoảng 170 bài thơ. Thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm làm theo thể Đường luật và Đường xen lục ngôn. Thơ không có đề mục cho từng bài và cho từng môn loại. Ngày nay, thơ chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm không còn đủ số bài nhưng nếu tổng cộng cả hai tập Hán và Nôm thì Nguyễn Bỉnh Khiêm còn lại chừng 800 bài, trong đó có bài có đến 300 câu.
Ngoài thơ Nôm, trong dân gian còn lưu hành nhiều câu sấm Trạng. Các tập sấm ký Nôm thường mang tên Trạng Trình và phần lớn viết theo thể lục bát như Trình quốc công sấm ký, Trình tiên sinh quốc ngữ. Sấm Trạng Trình là một hiện tượng văn học cần phải được tìm hiểu và xác minh thêm.
Theo Phả ký, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có bài phú bằng quốc âm. Bài phú này hiện nay chưa tìm thấy.
Như vậy, trong năm thế kỷ đầu của nền văn học viết Việt Nam, có thể nói Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có số lượng tác phẩm lớn nhất. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là số lượng, Nguyễn Bỉnh Khiêm quả đã có một phong cách thơ riêng không lẫn. Ai cũng biết một nguyên tắc thẩm mỹ quan trọng của thơ trung đại là ngôn chí, nguyên tắc mà các nhà nghiên cứu hiện đại thường xem là làm hạn chế tính thẩm mỹ của thơ và ngay các nhà thơ cổ cũng không phải đều nhất nhất tuân theo. Thế nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tuân theo một cách “triệt để” và với một cảm hứng sáng tạo rất mạnh mẽ. Với ông, để vịnh, tự sự, tự thuật cũng đều để “ngôn chí” và phong cách riêng của ông được xác định chính từ những vần thơ “ngôn chí” ấy.
Cũng từ việc sáng tác hàng nghìn bài thơ, trong đó đại đa số là thơ triết lý, thơ đạo lý, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tỏ được cái chí của mình, quan niệm nhân sinh và nhận thức của mình về những điều như là quy luật vận động của vũ trụ, của lịch sử và của con người. Một thế giới quan phát triển đã được hình thành trong ông. Tư tưởng của ông không những có vị trí nổi bật ở đương thời, mà còn có ảnh hưởng quan trọng trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo.
ThS. Phạm Thị Hương
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật