Báo chí, xuất bản trong “đường đua” chuyển đổi số

Nguyễn Thu Hằng

CT&PT - Sáng 30/11/2023, tại tỉnh Thái Bình, Báo Nhân Dân, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Tỉnh ủy Thái Bình phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn”.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình; PGS, TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS, TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; TS. Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

2-1701332544.jpg

Đoàn Chủ tịch chủ trì Hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn”.

Chuyển đổi số báo chí là quá trình ứng dụng công nghệ số vào tất cả các hoạt động của báo chí từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ nội dung.

Trong khi đó, chuyển đổi số xuất bản cũng mang công nghệ số vào tất cả các khâu, từ xuất bản, in cho đến phát hành xuất bản phẩm. Đối với báo chí, xuất bản hiện nay, chuyển đổi số mang tính “sống còn”, không chỉ giúp quy trình vận hành được tối ưu hóa và thông minh hơn mà còn tăng cường khả năng tiếp cận độc giả, hướng đến nâng cao trải nghiệm của người dân và công chúng.

1-1701333509.jpg
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

PGS, TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết: Thời gian qua các cơ quan báo chí, xuất bản đã có sự thay đổi tư duy, dành thời gian, nguồn lực để chuẩn bị nghiêm túc, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực, chủ động nắm bắt, ứng dụng các công nghệ số vào hoạt động của mình và đã gặt hái nhiều kết quả tích cực. Báo chí trong nước đã và đang từng bước phát triển để phù hợp với xu thế của công nghệ, thông tin và truyền thông, đồng thời kết hợp chặt chẽ nhiều loại hình, phương tiện và tăng độ bao phủ cả trong nước và quốc tế. Các nhà xuất bản, công ty sách cũng thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, xây dựng các kênh phát hành trực tuyến theo công nghệ đa nền tảng, đa giao diện.

vtl-1701334056.jpg
Đồng chí Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu Đề dẫn Hội thảo.

Tuy nhiên, chuyển đổi số báo chí, xuất bản ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều cơ quan báo chí, xuất bản chưa đủ vững về tài chính để mua sắm trang thiết bị, thuê đội ngũ kỹ thuật viên và đào tạo nhân lực thích ứng, cũng như đảm bảo nguồn lực tài chính để vận hành…

3-1701333599.jpg
Toàn cảnh Hội thảo.

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Quá trình chuyển đổi số cũng đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức, những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn hoạt động của báo chí, xuất bản. Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí, xuất bản, các cơ sở đào tạo ngành thường xuyên đổi mới tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, về cách thức chuyển đổi số; chủ động trong công tác tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và ban hành kế hoạch chuyển đổi số ở đơn vị mình.

phan-xuan-thuy-1701334190.jpg
Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu ý kiến tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các ý kiến tham luận đều khẳng định: Chuyển đổi số báo chí, xuất bản nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí, xuất bản theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; góp phần quan trọng vào công tác tư tưởng của Đảng, làm tốt sứ mệnh thông tin, tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, sự nghiệp đổi mới của đất nước.

pmt-1701334298.jpg
Đồng chí Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản phát biểu ý kiến tham luận tại Hội thảo.
tham-quan-1701334401.jpg
Các đại biểu tham quan triển lãm sách bên lề Hội thảo.

Nhằm đẩy mạnh, tăng cường chuyển đổi số báo chí, xuất bản, các đại biểu đề xuất một số giải pháp: Nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý thông tin, truyền thông, lãnh đạo, nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cán bộ làm công tác xuất bản của các cơ quan báo chí, xuất bản từ Trung ương đến địa phương về vai trò, tầm quan trọng và sự cấp thiết phải đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số báo chí, xuất bản đồng bộ với chương trình chuyển đổi số quốc gia. Rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản, chuyển đổi số báo chí, xuất bản và các văn bản pháp luật có liên quan. Phát triển các sản phẩm báo chí số, xuất bản số chất lượng cao cả về nội dung và hình thức, nâng cao hiệu quả trải nghiệm của người dân; xây dựng nền tảng công nghệ vững chắc và đảm bảo nguồn tài chính cho chuyển đổi số báo chí, xuất bản; chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số báo chí, xuất bản…

Thu Hằng tổng hợp

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin