Một là, bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, quyền làm chủ của Nhân dân
Một trong những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước ta là nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, quyền làm chủ của Nhân dân. Nguyên tắc này chỉ bảo đảm khi xây dựng chính quyền địa phương nói chung và chính quyền đô thị nói riêng trên nền dân chủ thực sự rộng rãi, tính công khai, minh bạch được thực hiện tốt.
Việc tổ chức bộ máy chính quyền đô thị phải nghiên cứu và tổ chức phù hợp, nhưng phải theo hướng trao quyền cho người đứng đầu Chính quyền đô thị và tăng cường sự giám sát của người dân. Muốn làm được việc đó, Thủ trưởng chính quyền đô thị phải do Nhân dân bầu hoặc do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra; họ phải chịu trách nhiệm và chịu sự giám sát của nhân dân địa phương.
Đáp ứng yêu cầu của nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, xây dựng chính quyền đô thị phải bảo đảm mối quan hệ giữa một bên là chính quyền với một bên người dân thật gần gũi, gắn bó. Chính quyền đô thị phải biết lắng nghe, tiếp thu thực sự những đóng góp ý kiến của người dân; chính quyền đô thị phải đặt lợi ích của người dân, lắng nghe dân trong việc ban hành chính sách từ khâu lập chính sách, lập quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị đến khâu quản lý điều hành, đến việc quản lý những vấn đề của đô thị như vệ sinh môi trường, an ninh trật tự... Chính quyền đô thị biết khai thác và phát huy tối đa sự tham gia của người dân vào công việc của chính quyền đô thị. Thực hiện tốt yêu cầu này sẽ tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đô thị của chính quyền đô thị.
Hai là, phải phù hợp với nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa
Đại hội XII đã xác định rõ: Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường1. Nói kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa khác với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa ở chỗ đích đến cuối cùng phải xây dựng và bảo vệ được Nhà nước Xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đang tích cực xây dựng và bảo vệ thành công Nhà nước Xã hội chủ nghĩa thông qua sử dụng kinh tế thị trường. Do đó, “Xây dựng chính quyền đô thị theo mục tiêu phục vụ nhu cầu của người dân là một nội dung rút ra từ nhận thức về nền kinh tế thị trường của các nước dân chủ tư sản hiện nay. Kinh tế thị trường hướng tới “cầu”, khác với kinh tế kế hoạch hướng tới “cung”. Khai thác nhu cầu của dân và tạo điều kiện để nhu cầu đó chuyển thành cầu của thị trường không chỉ là việc của công ty, mà cũng là việc của chính quyền theo chức năng “tạo điều kiện” của mình”2. Như vậy, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần phải có sự kết hợp nhịp nhàng giữa chính quyền đô thị với người dân và doanh nghiệp. Chính quyền đô thị phải là một chính quyền “Open, public”, mọi chủ thể đều được tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý đô thị theo tinh thần của Điều 28, Hiến pháp năm 2013. Ở Chính quyền đô thị, cần kêu gọi nhiều hơn nữa các nhà đầu tư, khu vực tư nhân vào san sẻ bớt công việc với chính quyền đô thị trong việc cung ứng dịch vụ công, xóa bỏ độc quyền của nhà nước. Muốn đáp ứng tốt yêu cầu này, bộ máy chính quyền đô thị phải phù hợp với cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường, nâng cao tính tự chủ, tính tự chịu trách nhiệm và phân cấp rõ ràng cho từng cấp trong chính quyền đô thị.
Ba là, bảo đảm tính hiệu lực và hiệu quả trong tổ chức và hoạt động, bảo đảm tính linh hoạt cho bộ máy
Chính quyền đô thị được thành lập để xử lý và quản lý những vấn đề rất đặc thù ở môi trường đô thị, chẳng hạn như: dân số, giao thông, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, an toàn trật tự xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng.... Hoạt động của chính quyền đô sẽ hiệu quả khi tổ chức bộ máy gọn nhẹ, thực quyền, tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Chính quyền đô thị cần phải được tổ chức phù hợp với từng nơi chứ không nhất thiết cào bằng ở tất cả những nơi có đô thị.
Xây dựng chính quyền đô thị đồng nghĩa với việc giảm bộ máy, cắt giảm các đơn vị hành chính, nhất là các đơn vị hành chính trung gian để người dân được phục vụ tốt hơn. Bộ máy chính quyền đô thị phải có đủ đội ngũ cán bộ, công chức chất lượng, đủ năng lực để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị như môi trường, giao thông, việc làm, giáo dục, y tế... Nguồn lực tài chính phải dồi dào và tính đến cơ chế chủ động về nguồn thu, chủ động trong xây dựng kế hoạch thu chi ngân sách ở địa phương.
Bốn là, áp dụng mô hình quản trị tốt vào trong hoạt động quản lý
Mô hình quản trị tốt là mô hình có nhiều ưu điểm và tiến bộ nhất trong các mô hình hành chính của nhiều quốc gia trên thế giới. Mô hình quản trị tốt gồm có 08 nội dung cơ bản, nhưng không nhất thiết phải áp dụng đầy đủ tất cả các nội dung của quản trị tốt khi xây dựng chính quyền đô thị. Xây dựng chính quyền đô thị không trái đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, chính quyền đô thị là nơi trực tiếp phục vụ nhu cầu của người dân, chủ yếu thông qua cung ứng các dịch vụ công. Áp dụng mô hình quản trị tốt vào xây dựng chính quyền đô thị là phù hợp và thuận lợi ở Việt Nam. Các tiêu chí của quản trị tốt đã được quy định chính thức trong Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Vì thế, nội dung, tiêu chí của quản trị tốt đặt ra đòi hỏi quá trình xây dựng chính quyền đô thị phải đáp ứng về:
- Trách nhiệm và trách nhiệm giải trình: Chính quyền đô thị do người dân thiết lập nên để thực hiện quyền lực của dân. Vì vậy chính quyền phải có trách nhiệm đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu trong mọi quyết sách của mình. “Trách nhiệm giải trình là một yêu cầu cốt yếu của quản trị tốt3”. Chính quyền phải có trách nhiệm giải trình những yêu cầu của người dân để bảo đảm quyền làm chủ của dân. Người dân được quyền yêu cầu nhà nước giải trình tất cả những thắc mắc của mình trừ những gì thuộc danh mục bí mật nhà nước.
- Minh bạch: yêu cầu về minh bạch trong tổ chức bộ máy chính quyền đô thị đó là yêu cầu bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền được biết của người dân. Minh bạch có nghĩa là những gì chính quyền đô thị thực hiện phải rõ, phải tỏ. Chính quyền phải rõ ràng, người dân không phải nghi ngờ từ khâu ban hành đến thực thi chính sách; từ khâu tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá đến bổ nhiệm công chức địa phương. Các chính sách phải công khai để người dân tham gia đóng góp ý kiến, công khai các loại thủ tục hành chính, thủ tục liên quan đến cung cấp dịch vụ công. Chính quyền đô thị của dân phải rõ ràng trong các khoản thu chi tài chính, đến vận hành bộ máy và bảo đảm thông tin cho người dân.
- Nhà nước pháp quyền: là yêu cầu cơ bản của quản trị tốt. Yêu cầu này đòi hỏi mọi quy định và hoạt động của chính quyền đô thị phải phù hợp với của Hiến Pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; thượng tôn hiến pháp và pháp luật. Xây dựng chính quyền đô thị dựa trên nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước phải thuộc về Nhân dân; bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
- Kiểm soát tham nhũng: Tài sản của chính quyền đang sử dụng và quản lý là do dân đóng góp và tạo ra, vì thế chính quyền phải liêm chính, cán bộ công chức phục vụ trong bộ máy phải tự kiểm soát mình để hạn chế tình trạng tham nhũng. Chính quyền đô thị hoạt động trong môi trường đô thị sôi động, kinh tế phát triển nên nguy cơ tham nhũng có thể tăng. Do đó, minh bạch trong kiểm soát tài sản và thu nhập của đội ngũ cán bộ công chức; công khai thu nhập, tài sản của đội ngũ cán bộ, công chức để người dân kiểm soát nhằm chống tham nhũng là điều cần thiết.
- Sự đồng thuận: Hiểu một cách cơ bản nhất, đồng thuận là ủng hộ, đồng tình với ý kiến, việc làm nào đó. Đó là kết quả của sự hợp tác, thiện chí và tự nguyện đồng ý của các chủ thể trong xã hội. Xây dựng chính quyền đô thị gắn với xây dựng chính sách và việc làm của bộ máy chính quyền trên sự ủng hộ và đồng thuận của nhân dân, hài hòa lợi ích của nhân dân với lợi ích của nhà nước.
- Công bằng và toàn diện: Chính quyền đô thị có trách nhiệm bảo đảm cho người dân có cơ hội ngang nhau trong tiếp cận quyền và hưởng thụ một cách công bằng từ sự phục vụ của chính quyền đô thị.
- Hiệu lực và hiệu quả: Đây là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của bộ máy chính quyền đô thị. Hiệu lực được xem là khả năng chính quyền đô thị thực hiện các nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định. Hiệu quả là kết quả mà chính quyền đô thị đạt được thông qua việc quản lý trên nguyên tắc hợp lý, tiết kiệm các nguồn lực, bảo đảm tỉ lệ giữa chi phí và lợi ích thu lại.
1. Văn Kiện Đại hội Đảng lần thứ 12, tr103.
2. http://toancanhbaochi.net/van-hoa-giai-tri/xay-dung-chinh-quyen-do-thi-phuc-vu-dan-qua-viec-tao-dieu-kien-cho-dn.html (truy cập ngày 21/2/2020)
3. http://tcnn.vn/news/detail/36119/Mot_so_van_de_ly_luan_ve_quan_tri_totall.html (truy cập ngày 18/2/2020)
ThS. Lý Thu Thuỷ
Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội