Xuân Diệu - Một nhà thơ lớn, một học giả lớn

Xuân Diệu bước vào thi ca Việt Nam như một cơn gió đầu mùa tươi trẻ, tràn đầy sức sống của một con người mới, một thế hệ mới. Ông bước đi trong dòng chảy thơ ca Việt Nam những năm 1932-1945 với một “cái tôi”nổi bật. “Cái tôi” đó đã làm nên một hồn thơ vô cùng mới mẻ, độc đáo, đúng như nhà văn Hoài Thanh từng nhận định: “Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ”.

Xuân Diệu bước vào thi ca Việt Nam như một cơn gió đầu mùa tươi trẻ, tràn đầy sức sống của một con người mới, một thế hệ mới. Ông bước đi trong dòng chảy thơ ca Việt Nam những năm 1932-1945 với một “cái tôi”nổi bật. “Cái tôi” đó đã làm nên một hồn thơ vô cùng mới mẻ, độc đáo, đúng như nhà văn Hoài Thanh từng nhận định: “Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ”.
Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu (còn có bút danh khác là Trảo Nha), sinh ngày 02/11/1916, quê cha ở Can Lộc, Hà Tĩnh nhưng sinh ra và lớn lên ở quê mẹ Tuy Phước, Bình Định. Tuổi thiếu niên ông học ở Bình Định, sau đó ra Huế, tốt nghiệp tú tài trường Khải Định. Năm 1937, Xuân Diệu ra Hà Nội học trường Luật và bắt đầu viết báo, là thành viên của nhóm Tự lực Văn Đoàn (1938-1940). Trong kháng chiến chống Pháp, Xuân Diệu hoạt động văn nghệ cách mạng ở chiến khu Việt Bắc. Ông còn là một nhà hoạt động xã hội có uy tín, là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I, là một trong những người sáng lập Đoàn Báo chí Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam); một trong những người tham gia hoạt động sớm nhất trong Hội Văn hóa cứu quốc; tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam; được bầu là Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Cộng hòa dân chủ Đức (1983). 
Nhắc đến Xuân Diệu là nhắc tới gia tài thi ca khổng lồ, phong cách độc đáo và sự ảnh hưởng của thơ ông tới công chúng. Xuân Diệu để lại khoảng 450 bài thơ, trong đó có một số lượng lớn tác phẩm chưa được công bố, nhưng hầu hết các tác phẩm của ông đều có “chỗ đứng”, trong đó mảng thơ tình là đặc sắc hơn cả. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định rằng, nét đặc trưng trong thơ tình Xuân Diệu là sự “khát khao giao cảm với đời”. Sự “khát khao” đó thể hiện khát vọng được sống, được yêu, được giãi bày của nhà thơ: “Ta ôm bó, cánh tay ta làm rắn/Làm dây đa quấn quýt cả mình xuân/Không muốn đi mãi mãi ở vườn trần/Chân hóa rễ để hút màu dưới đất” (Thanh niên). Vội vàng là một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách “vội vàng”, gấp gáp như chạy đua với thời gian để sống, hưởng thụ niềm vui của cuộc đời, là tiếng nói của con tim đang say mê trong tình yêu với những cung bậc cảm xúc khác nhau: “Ta muốn ôm/Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn/Ta muốn riết mây đưa và gió lượn/Ta muốn say cánh bướm với tình yêu/Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều/Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”. Nỗi mong muốn, khát khao của Xuân Diệu được đẩy lên đỉnh điểm khi trời đất chuyển giao từng ngày và tuổi trẻ cạn vơi dần. Điệp từ “ta” đã làm bật lên nỗi khát khao cháy bỏng, muốn sống, muốn yêu, muốn đi ngược với tự nhiên và tạo hóa để giữ lấy cho riêng mình mùa xuân của tuổi trẻ. Hệ thống các động từ mạnh xuất hiện một cách liên tục, dồn dập: “ôm - riết - say - thâu - hôn - cắn” thể hiện tâm trạng vồ vập, náo nức, say mê trước vẻ đẹp của cuộc sống. Hình ảnh “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi” thực sự là một sáng tạo mới lạ, thể hiện một tâm thế mãnh liệt muốn được “đoạt” lấy tất cả vẻ thanh tơ của cuộc sống. Đằng sau sự mới mẻ, tân kỳ trong ngôn từ, hình ảnh đó, là ý niệm sâu sắc đối với người đọc: Cuộc đời, mùa xuân và tuổi trẻ là những điều trân quý nhất của con người. Do đó, chúng ta cần biết trân trọng, giữ gìn, nâng niu những giây phút thiêng liêng đó. 
Thơ Xuân Diệu có rất nhiều tiếng gọi mời, giục giã: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ/Em ơi em, tình non đã già rồi” (Giục giã); rất nhiều tiếng nói: “Em phải nói, phải nói và phải nói.../Phải nói yêu trăm bận đến ngàn lần” (Phải nói). Hình ảnh thiên nhiên trong thơ của Xuân Diệu luôn tìm đến nhau, “quấn quýt” bên nhau: “Một tối bầu trời đắm sắc mây/Cây tìm nghiêng xuống cánh hoa gầy/Cây nghiêng xuống cỏ, trong khi cỏ/Nghiêng xuống làn rêu một tối đầy” (Với bàn tay ấy)... Tất cả như được bật toát ra sự nồng nàn tươi trẻ, say mê. Nồng nàn, say mê nên nhà thơ sợ thời gian trôi đi mau: “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua”. 
Thơ Xuân Diệu là cả một thế giới các cung bậc, trạng thái khác nhau trong tình yêu. Nhà thơ “giục giã” mọi người “vội vàng” yêu để chống lại thời gian. Chính vì thế, nét đặc trưng trong thơ tình Xuân Diệu là sự cảm nhận, đo đếm thời gian. Nhà thơ luôn có cảm giác cô đơn, lạnh lẽo. Trong các tập thơ đầu (Thơ thơ và Gửi hương cho gió) có rất nhiều các tính từ “lạnh lẽo”, “lạnh lùng”, “lạnh”. Bài thơ Nguyệt cầm là một kiệt tác: “Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời/Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi/Long lanh tiếng sỏi vang vang hận/Trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ người”. Xuân Diệu cảm nhận cái lạnh của mùa thu bằng đa giác quan: thính giác (đàn, tiếng sỏi vang vang); thị giác (nguyệt, long lanh); xúc giác (thu lạnh). Và cũng rất hiện đại, mới mẻ khi tương giao nhiều cảm giác trong một sự vật: Long lanh tiếng sỏi vang vang hận, trong tiếng sỏi có long lanh (thị giác) và vang vang (thính giác), không có những hòn sỏi mà người đọc hình dung chúng như đang va đập vào nhau! Đằng sau những câu chữ về sự tương giao đó là khát khao mãnh liệt được sống tròn đầy, trọn vẹn, hết mình vào cuộc đời, vào thiên nhiên. 
Trước Cách mạng Tháng Tám, thơ Xuân Diệu là sự giao hòa trong tình yêu nam nữ. Tập Thơ thơ (1938) và Gửi hương cho gió (1945) là hai tác phẩm chính của Xuân Diệu trong giai đoạn này. Nội dung của thơ Xuân Diệu trong thời kỳ này là niềm say mê ngoại giới, sự khát khao giao cảm trực tiếp, cháy bỏng, mãnh liệt với cuộc đời (Vội vàng, Giục giã); nỗi cô đơn rợn ngợp của cái tôi nhỏ bé giữa dòng thời gian vô biên, giữa không gian vô tận (Lời kỹ nữ); nỗi ám ảnh về thời gian khiến nhà thơ nảy sinh triết lý về nhân sinh: lẽ sống vội vàng; nỗi khát khao đến cháy bỏng được đắm mình trọn vẹn giữa cuộc đời đầy hương sắc và nỗi đau đớn, xót xa trước khát vọng bị lãng quên trước cuộc đời (Dại khờ, Nước đổ lá khoai).
Sau Cách mạng Tháng Tám, thơ Xuân Diệu đã vươn tới một chân trời nghệ thuật mới, giao hòa với bể đời bao la: “Anh là kẻ đắm mình trong nhân loại/Làm bánh xe con vui cỗ máy đời” (Vào trong sa mạc). Vẫn là sự đam mê, cháy bỏng nhưng nay có thêm “cái say” của tình yêu Tổ quốc, muốn hòa nhập, cống hiến trọn vẹn cho đất nước, cho nhân dân: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi/Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/Của triệu người yêu dấu gian lao” (Những đêm hành quân). Xuân Diệu chào mừng cách mạng bằng các tác phẩm Ngọn quốc kỳ (1945), Hội nghị non sông (1946) với tấm lòng tràn đầy hân hoan trước lẽ sống lớn, niềm vui lớn của cách mạng. Cùng với sự đổi mới của đất nước, Xuân Diệu có nhiều biến chuyển trong tâm hồn và thơ. Đất nước đã đem đến cho ông những nguồn mạch mới trong cảm hứng sáng tác. Nhà thơ hăng say viết về Đảng, về Bác Hồ, về Tổ quốc, về quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và công cuộc thống nhất nước nhà, tiêu biểu là các tác phẩm: Thơ dâng Bác Hồ (1953), Gánh, Đấu tranh (1959), Riêng chung (1960), Thăm Pác Bó (1964), Hai đợt sóng (1967), Hồn tôi đôi cánh (1976)… Không chỉ là một nhà thơ lớn, Xuân Diệu còn là một nhà phê bình văn học nổi tiếng. Đọc các thể loại văn xuôi, tùy bút, ký, ghi chép của ông, ta càng thấy rõ “văn xuôi của một nhà thơ” vì chúng đậm chất thơ, thể hiện trên mọi yếu tố, phương diện khác nhau nhưng đặc biệt hơn cả đó là cách sử dụng ngôn từ tinh tế, chắt lọc, điêu luyện, giàu sức tạo hình, biểu cảm. Bài viết “Sự uyên bác với việc làm thơ” có đóng góp lớn trong việc kế thừa và sáng tác thơ ca. Sinh thời, Xuân Diệu luôn được chọn làm giám khảo của nhiều cuộc thi thơ có quy mô lớn, phụ trách chuyên mục thơ của nhiều tờ báo văn nghệ. Ông luôn đọc kỹ thơ của bất kỳ tác giả nào, dù là thơ do thiếu nhi sáng tác như Trần Đăng Khoa, Cẩm Thơ... và có những phát hiện rất riêng, dù cẩn thận, khắt khe trong từng câu từ nhận xét, nhưng lại rất đỗi chân thực và có căn cứ.
Xuân Diệu là một học giả lớn với cuộc đời hoạt động nghệ thuật phong phú, ông là nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà phê bình, dịch giả... Ở phương diện nào, ông cũng thể hiện vốn kiến thức văn chương uyên bác, sâu sắc, có nhiều đóng góp học thuật quan trọng. Về văn xuôi, có thể kể đến Phấn thông vàng (1939), Trường ca (1945), được Xuân Diệu viết theo bút pháp lãng mạn nhưng đôi khi ngòi bút lại hướng sang chủ nghĩa hiện thực. Về nghiên cứu là tác phẩm Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (2 tập, 1981, 1982). Về phê bình văn học là các tác phẩm Phê bình giới thiệu thơ (1960), Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy (1978)... Ngoài ra, ông còn là dịch giả, chuyên dịch và giới thiệu về các nhà thơ lớn trên thế giới như: Lui Aragông, Pôn Eluya, Maicốpxki, Nadim Hítmet, Pablô Nêruđa...
Xuân Diệu được ví như cây đại thụ có bộ rễ cắm sâu vào ba mảnh đất: một là, truyền thống văn hóa dân tộc; hai là, văn học phương Đông, cụ thể là thơ Đường; ba là, văn hóa phương Tây, đặc biệt là thơ Pháp. Cây đại thụ đó vươn cao cành lá quang hợp ánh sáng nhân văn và tư tưởng mới mẻ, tiên tiến để kết thành những “chùm thơ” ngọt ngào tình yêu. Ta dễ dàng tìm thấy trong thơ Xuân Diệu sự hợp lưu, sự ảnh hưởng và kết tinh của ba nguồn mạch văn hóa trên. 
Bộ sách Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (2 tập) là thành quả lao động miệt mài của một học giả cần mẫn và tài năng. Đây là một công trình nghiên cứu về các nhà thơ lớn: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Nguyễn Đình Chiểu. Tìm hiểu về tác giả nào, Xuân Diệu cũng tỉ mỉ, kỹ càng nắm bắt từng chi tiết, hình ảnh rồi khái quát, chỉ ra cái “thần” chung nhất của phong cách. Ông có tài phát hiện ra các con chữ mang tính “nhãn tự”, các chi tiết mang tính “chìa khóa” để giải mã tác phẩm, tác giả. Là một nhà thơ tài năng, ông có lối thẩm thơ tinh tế, đặc sắc, nhiều phát hiện thú vị thông qua sự liên tưởng độc đáo. Nhờ có vốn kiến văn sâu rộng, ông có khả năng “định vị” các nhà thơ Việt Nam trong thế so sánh tương quan với các nhà thơ trên thế giới. Đọc những phê bình văn học của Xuân Diệu, độc giả Việt Nam thêm tự hào về văn hóa Việt, về những đỉnh cao văn chương đáng được ca ngợi, tôn vinh, đóng góp xứng đáng cho văn hóa thế giới. 
Có thể nói, cả cuộc đời cầm bút, Xuân Diệu luôn buồn vui với số phận thăng trầm của đất nước bằng nỗ lực không biết mệt mỏi cho đến tận cuối đời. Ông đã đóng góp lớn lao vào sự phát triển của nền văn học nước nhà. Sự đóng góp của Xuân Diệu diễn ra đều đặn và trọn vẹn trong các thể loại và các giai đoạn lịch sử của dân tộc. Với những cống hiến to lớn cho nền văn học nước nhà, Xuân Diệu được Đảng và Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I, năm 1996). Tên của nhà thơ cũng được đặt cho một tuyến phố ở Hà Nội và trường học ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định như một sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định đối với sự cống hiến của ông. 

PGS.TS. Nguyễn Thanh Tú
 

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí vui lòng để lại thông tin