Xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của Đảng ta

Lưu Thị Thảo

CT&PT - Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của Đảng ta. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ban hành nhiều chính sách chăm lo đồng bào các dân tộc; trong đó, có các chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số

Sáng 12/12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có buổi gặp mặt với gần 70 người có uy tín tiêu biểu, xuất sắc đại diện cho gần 500 người có uy tín được lựa chọn từ các tỉnh, thành phố trên cả nước về dự Chương trình biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2023.

Cùng dự buổi gặp mặt có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn.

Báo cáo với Chủ tịch nước về tình hình, kết quả thực hiện chính sách cho Người có uy tín thời gian qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên nguồn lực đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu só và miền núi; ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách dân tộc, đặc biệt tại Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới"; Quốc hội đã có Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 phê duyệt "Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030" và Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030", đã chỉ đạo và xác định cần tiếp tục “Phát huy vai trò tích cực của Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số” và “Kịp thời biểu dương, tôn vinh, động viên người tiêu biểu có uy tín, doanh nhân, nhà khoa học trong cộng đồng các dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, qua 3 năm triển khai "Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030" và "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030", đến nay có 4 nhóm mục tiêu cơ bản hòan thành. Một là, nhóm mục tiêu về giảm nghèo. Công tác xóa đói, giảm nghèo được Đảng, Nhà nước, Quốc hội chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, được cả xã hội quan tâm đồng lòng ủng hộ, đạt được kết quả nổi bật. Bình quân hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 2 - 3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%; các huyện nghèo giảm 4 - 5%. Hai là, nhóm mục tiêu về công tác giáo dục. Ba là, nhóm mục tiêu lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số với đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bốn là, nhóm mục tiêu bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Nhấn mạnh những thành tích nêu trên có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định đồng bào dân tộc thiểu số tuyệt đối tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhau; chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chung sức, chung lòng xây dựng thôn bản, buôn làng, phum sóc đoàn kết, bình yên, phát triển về mọi mặt.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu cũng báo cáo và chia sẻ với Chủ tịch nước về những việc làm thiết thực của bản thân và gia đình mình tại cộng đồng như: Tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân tại địa phương áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, giúp phát triển kinh tế gia đình; tuyên truyền vận động người dân tích cực vươn lên xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, vận động cho con em đến trường; tuyên truyền giữ gìn an ninh trật tự khu dân cư, phòng, chống, tố giác tội phạm; bảo vệ môi trường và xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp; vận động nhân dân xây dựng cộng đồng đoàn kết, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Bày tỏ vinh dự và vui mừng đến thăm Phủ Chủ tịch và gặp mặt Chủ tịch nước, các đại biểu người có uy tín đều mong muốn nỗ lực tiếp tục đóng góp để đưa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển mạnh mẽ. Vui mừng trước thành tựu phát triển và vị thế quốc tế của đất nước ngày càng cao, các đại biểu mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ bà con dân tộc thiểu vươn lên trong cuộc sống; các cơ quan chức năng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để người dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động an sinh xã hội; quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con dân tộc thiểu số và từng bước nâng cao chế độ, chính sách cho đội ngũ người có uy tín…

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng biểu dương và ghi nhận những việc làm và thành tích mà các điển hình tiên tiến - người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã làm được thời gian qua. Đồng thời Chủ tịch nước nhấn mạnh, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của Đảng ta. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ban hành nhiều chính sách chăm lo đồng bào các dân tộc; trong đó, có các chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số....

Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, đất nước ta phấn đấu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Quá trình thực hiện mục tiêu ấy, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong đó có cộng đồng các dân tộc thiểu số ở mọi miền đất nước. Trong bối cảnh tình hình khu vực, thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường cũng những khó khăn nội tại của đất nước cũng chi phối nhiều đến việc thực thi các chính sách lại càng đòi hỏi chúng ta phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn.

Nhắc lại những đóng góp to lớn của đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và toàn dân ta, cả trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, trong giai đoạn mới, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn luôn nỗ lực không ngừng, gương mẫu đi đầu thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; vận động nhân dân tìm hiểu và tuân thủ pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; nỗ lực vươn lên làm giàu, xóa đói giảm nghèo và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng đời sống văn hóa tại cộng đồng, góp phần quan trọng duy trì, bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc.

Chủ tịch nước mong muốn các già làng, trưởng bản, người có uy tín thực hiện tốt Nghị quyết số 43 ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Dịp này, Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả hơn nữa các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huy động sự tham gia cũng như phát huy vai trò giám sát của người dân, khuyến khích sự nỗ lực vươn lên của mỗi gia đình, cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số.

Chủ tịch nước mong muốn các già làng, trưởng bản tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn, bảo tồn, lưu truyền, phát huy giá trị bản sắc văn hóa độc đáo, góp phần tạo sức hấp dẫn chung của sự đa dạng văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu tiếp tục tích cực phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân chăm lo, quan tâm tạo điều kiện cho con em đến trường; nâng cao trình độ và là động lực để phát triển quê hương, đất nước; đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để tuân thủ pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống và loại trừ các thói hư, tật xấu cũng như các luận điệu, âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh Hội nghị Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2023 là sự kiện có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, là biểu tượng sinh động của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của vùng dân tộc và miền núi; tạo sức lan toả sâu rộng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế. Theo đó, Chủ tịch nước đánh giá cao Ủy ban Dân tộc tổ chức các hoạt động tôn vinh điển hình tiên tiến là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc; mong muốn Ủy ban tiếp tục có các biện pháp tuyên truyền, lan tỏa để mỗi năm lại có thêm nhiều người có uy tín trong xã hội.

Theo Tạp chí Tuyên giáo

Lưu Thảo Tổng hợp

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin