Văn hóa chính trị ở Việt Nam hiện nay - Thực trạng và giải pháp

CT&PT - Văn hóa chính trị có vai trò rất to lớn đối với mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Văn hóa chính trị giữ vị trí rất quan trọng trong việc tổ chức xã hội, định hướng điều chỉnh các hành vi và quan hệ xã hội. Đồng thời, cổ vũ, động viên, thúc đẩy hoạt động của cá nhân, giai cấp trong chính trị, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động chính trị của mỗi quốc gia, dân tộc.Văn hóa chính trị ở nước ta có một quá trình hình thành và phát triển lâu dài, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hiện nay, văn hóa chính trị Việt Nam đang được kế thừa và phát huy dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Điều đó cho phép bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, thống nhất giữa tính cách mạng và tính khoa học, truyền thống với hiện đại, dân tộc và quốc tế.

CT&PT - Văn hóa chính trị có vai trò rất to lớn đối với mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Văn hóa chính trị giữ vị trí rất quan trọng trong việc tổ chức xã hội, định hướng điều chỉnh các hành vi và quan hệ xã hội. Đồng thời, cổ vũ, động viên, thúc đẩy hoạt động của cá nhân, giai cấp trong chính trị, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động chính trị của mỗi quốc gia, dân tộc.Văn hóa chính trị ở nước ta có một quá trình hình thành và phát triển lâu dài, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hiện nay, văn hóa chính trị Việt Nam đang được kế thừa và phát huy dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Điều đó cho phép bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, thống nhất giữa tính cách mạng và tính khoa học, truyền thống với hiện đại, dân tộc và quốc tế.

1. Thực trạng văn hóa chính trị ở Việt Nam thời kỳ đổi mới

Sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh dựa trên sức mạnh của văn hóa truyền thống, tiếp thu văn minh nhân loại thời đại mới. Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã kết tinh tinh hoa văn hóa thế giới, là nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam hành động của cách mạng Việt Nam. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với nền văn hóa truyền thống của dân tộc và truyền thống cách mạng của Đảng ta từ những năm 30 đến nay, đó là những giá trị tiêu biểu cho sức mạnh văn hóa chính trị Việt Nam thời hiện đại.

Trong nhiều năm qua, văn hóa chính trị ở nước ta đã xác lập được những giá trị căn bản làm nền tảng, là tiền đề văn hóa và là động lực mạnh mẽ của công cuộc đổi mới. Trong thực tiễn, những ưu điểm trong việc giáo dục nâng cao văn hoá chính trị cho cán bộ đảng viên và nhân dân được thể hiện qua một số kết quả cụ thể trong phạm vi cả nước, cũng như ở từng địa phương, Đảng đã đánh giá là dân chủ được phát huy, lòng tin của nhân dân đối với chế độ và tiền đồ của đất nước, đối với Đảng và Nhà nước được khẳng định. Trình độ dân trí và mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân được nâng cao. Những thành tựu văn hóa chính trị được biểu hiện ở chỗ, Đảng ta đã đạt được một bước tiến quan trọng trong phát triển tư duy lý luận, quyền lực chính trị của nhân dân được khẳng định. Chúng ta đã có một đội ngũ cán bộ có trình độ văn hóa chính trị ngày một cao.

Mặc dù vậy, văn hóa chính trị nước ta đang đứng trước những vấn đề bức xúc phải giải quyết. Đó là những hạn chế, yếu kém trong công tác giáo dục đào tạo, việc nâng cao mặt bằng dân trí, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi còn nhiều chênh lệch so với đô thị, những hoạt động văn hoá không lành mạnh và các tệ nạn xã hội vẫn phát triển, kỷ cương kỷ luật, trật tự xã hội ở nhiều nơi còn lỏng lẻo, thực thi luật pháp chưa nghiêm minh, quan liêu, tham nhũng còn nặng nề. Có thể nói rõ hơn những hạn chế, yếu kém đó:

Một là, hạn chế về tri thức chính trị: nhiều vấn đề thực tiễn bức xúc chưa được lý giải về lý luận và chưa kịp thời đúc rút kinh nghiệm. Hệ thống chính sách pháp luật còn chồng chéo, chưa hoàn chỉnh, hoạt động pháp chế còn nhiều hạn chế (tùy tiện trong hành pháp, sai sót trong tư pháp...), thể chế chính trị chưa hoàn thiện, định chế của hệ thống chính trị chưa cụ thể, thiết chế tổ chức còn cồng kềnh, kém hiệu lực...

Hai là, nguy cơ xói mòn các giá trị truyền thống: Một số giá trị có nguy cơ mai một dần, các giá trị mới được xác lập chưa thật sự vững chắc, chưa mang tính xã hội phổ biến. Mặt trái của tính tự trị và tính cộng đồng làng xã dẫn đến hàng loạt các căn bệnh tâm lý - xã hội vẫn còn tồn tại và ảnh hưởng đến quá trình phát triển đất nước hiện nay như: còn làm ăn theo kiểu sản xuất nhỏ, bệnh gia đình chủ nghĩa, bệnh xuề xòa đại khái, bệnh “phép vua thua lệ làng”, tác phong làm việc chậm chạp... Một số cán bộ làm việc theo kiểu quan cách mạng”, không ít tệ nạn và hành vi phản văn hóa nảy sinh trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Ba là, hiện tượng “thờ ơ chính trị”, đó là thái độ, tâm lý bỏ mặc việc xây dựng đảng cho Đảng, cho cấp trên, cho người khác, chỉ lo để bản thân.

2. Phương hướng và giải pháp nâng cao văn hóa chính trị ở nước ta trong thời gian tới

Phương hướng

- Xây dựng và phát triển văn hoá chính trị phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của nền kinh tế. Việc xây dựng và phát triển văn hoá chính trị trong thời kỳ đổi mới hiện nay cần chú ý tới đặc điểm của nền kinh tế để có những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo nên sự phát triển hài hòa và thực chất của các chuẩn mực, hành vi chính trị. Chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế, chính trị có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến sự phát triển kinh tế. Tính định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế phải được thể hiện nhất quán và xuyên suốt thông qua các thể chế và cơ chế chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước. Nước ta hiện nay vẫn là một nước nông nghiệp, nền kinh tế vẫn chưa khắc phục hết tình trạng sản xuất nhỏ, thuần nông dựa trên lao động phổ thông và thủ công là chính. Để phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần hoạt động theo cơ chế thị trường, tiến tới xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp, cần phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển cân đối giữa các vùng để phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, vươn ra thị trường khu vực và quốc tế có hiệu quả hơn. Xây dựng và phát triển văn hóa chính trị phải hướng tới giải quyết tốt mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, đổi mới tư duy kinh tế, tạo ra quan hệ sản xuất mới vừa phù hợp, vừa kích thích sự phát triển của lực lượng sản xuất. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước phải được xác lập, đồng thời tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác phát triển và cạnh tranh lành mạnh trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Tính chất xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế cần phải quán triệt trong đường lối, chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước.

- Nâng cao văn hóa chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo phải gắn liền với đổi mới hệ thống chính trị, qua đó chú trọng tới sự tác động qua lại của văn hóa chính trị cá nhân và văn hoá chính trị của tổ chức, của hệ thống chính trị. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, mọi biểu hiện thiếu hụt về giá trị văn hóa chính trị của tổ chức, của hệ thống chính trị đều làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền lực chính trị thuộc về nhân dân, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những yếu kém về chất lượng chính trị của cán bộ lãnh đạo.

- Nâng cao văn hóa chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo phải gắn liền với việc không ngừng nâng cao trình độ dân trí, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Văn hóa chính trị là một bộ phận đặc biệt quan trọng và tinh tế của văn hóa dân tộc.Văn hoá vốn là nền tảng chung cho mọi hoạt động của con người, trong đó có hoạt động chính trị.

Giải pháp nâng cao văn hóa chính trị ở nước ta trong thời gian tới

Trước mắt, phải nâng cao văn hoá chính trị công dân

Nâng cao văn hoá chính trị công dân sẽ tạo ra động lực to lớn, khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo của quần chúng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, phải chấn hưng nền giáo dục nước nhà, nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập

Ba là, đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, tạo ra động lực mới trong toàn xã hội về nhu cầu học tập nâng cao kiến thức toàn diện cho người học cả về trình độ học vấn, văn hoá, chính trị, khoa học và công nghệ... hình thành xã hội học tập và ý thức học tập suốt đời, gắn học với hành, lý luận với thực tiễn.

Phải tiếp tục phát huy bản sắc văn hoá, bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc và truyền thống cách mạng, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện đại.

Bốn là, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc và truyền thống cách mạng cho công dân, chính là làm cho mọi công dân không phân biệt chính kiến, nguồn gốc lịch sử, luôn luôn đề cao tinh thần yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, độc lập dân tộc, đoàn kết dân tộc.

Năm là, phải tăng cường giáo dục, nâng cao hiểu biết cho nhân dân về mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về quyền và nghĩa vụ công dân.

Sáu là, đổi mới quá trình xã hội hóa chính trị

Nghiên cứu các cách thức để truyền bá các giá trị của văn hóa chính trị truyền thống cho thế hệ trẻ, cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tiếp tục nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin để chắt lọc những giá trị còn có ý nghĩa và những giá trị đã bị vượt bỏ, không còn có ý nghĩa trong thời đại ngày nay, để từ đó tạo cơ sở cho việc định hướng và bồi đắp các giá trị chính trị phù hợp.

Bên cạnh đó, để làm cho văn hóa chính trị thấm sâu vào đời sống của người dân, trước hết phải chú trọng xây dựng văn hóa chính trị từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước và các tổ chức đoàn thể, mà nội dung quan trọng là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Bảy là, chú trọng xây dựng lòng tin và vốn xã hội.

Để xây dựng một môi trường chính trị lành mạnh, cần phải hoàn thiện các thể chế của nhà nước pháp quyền, trong đó nhấn mạnh tinh thần thượng tôn pháp luật. Cần áp dụng nguyên tắc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động của bộ máy nhà nước; kiểm soát tình trạng tham nhũng, lạm quyền; Đây là tiền đề của việc xây dựng lòng tin trong xã hội.

Xây dựng cơ chế nuôi dưỡng lòng tin giữa con người với con người; đồng thời chữa căn bệnh suy thoái đạo đức, tâm trạng hoài nghi trong xã hội; cần tôn trọng và đề cao lương tâm và tinh thần tự quản, tự quyết định của mỗi cá nhân;

Ngoài ra, cần tôn trọng và thực hành các giá trị dân chủ, tạo điều kiện cho từng người dân phát huy tối đa năng lực sáng tạo của bản thân.

ThS. Phạm Mai Phương

Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin