1. Vai trò của dịch vụ logistics đối với nền kinh tế
Ngành logistics có vị trí ngày càng quan trọng trong các nền kinh tế hiện đại và có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế của các quốc gia và toàn cầu. Phần giá trị gia tăng do ngành logistics tạo ra ngày càng lớn và tác động của nó thể hiện rõ dưới những khía cạnh sau:
Logistics là công cụ liên kết các hoạt động kinh tế trong một quốc gia và toàn cầu.
Thông qua việc cung cấp nguyên liệu, sản xuất, lưu thông phân phối, mở rộng thị trường hàng hóa trong nền kinh tế hiện đại, sự tăng trưởng về sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đã làm cho phạm vi thị trường giao thương quốc tế ngày càng mở rộng và làm tăng nhanh nhu cầu lưu thông hàng hóa và dịch vụ logistics. Công nghệ sản xuất và lưu thông hàng hóa đã chuyển biến phức tạp và hiện đại hơn, các nhà máy liên hợp thay thế cho những nhà máy đơn. Các phương thức vận chuyển tiên tiến thay thế cho phương thức cũ. Nhu cầu về một hệ thống logistics hiện đại sẽ giúp các quốc gia làm chủ được toàn bộ năng lực xuất nhập khẩu của mình qua việc liên kết các hoạt động cung cấp, sản xuất, lưu thông, phân phối kịp thời chính xác. Nhờ đó mà đáp ứng được những cơ hội kinh doanh trong phạm vi toàn cầu.
Đối với nhiều quốc gia, logistics là một ngành quan trọng đóng góp vào GDP. Tận dụng lợi thế sẵn có, Singapore đã đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển và trung tâm logistics kết nối, lưu chuyển hàng hóa giữa châu Á và toàn cầu. Trong những năm gần đây, nhận thức được vai trò liên kết của logistics, Trung Quốc đã tiến hành cải cách ngành logistics: số lượng các công ty logistics 3PL tăng lên rất nhanh. Trung Quốc cũng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cho ngành logistics: đường bộ, đường sông, đường sắt, đường biển, hàng không và hệ thống kho bãi, các trung tâm logistics lớn tầm cỡ thế giới tại Bắc Kinh và Thượng Hải. Thiên Tân cũng coi logistics như một ngành mũi nhọn của tỉnh và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển.
Logistics phát triển góp phần mở rộng thị trường trong thương mại quốc tế, nâng cao mức hưởng thụ của người tiêu dùng, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Sản xuất có mục đích là phục vụ tiêu dùng, cho nên trong sản xuất kinh doanh, vấn đề thị trường luôn là vấn đề quan trọng và luôn được các nhà sản xuất và kinh doanh quan tâm. Các nhà sản xuất kinh doanh muốn chiếm lĩnh và mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình phải cần sự hỗ trợ của dịch vụ logistics. Dịch vụ logistics có tác dụng như chiếc cầu nối trong việc chuyển dịch hàng hóa trên các tuyến đường mới đến các thị trường mới đúng yêu cầu về thời gian và địa điểm đặt ra.
Dịch vụ logistics phát triển có tác dụng rất lớn trong việc khai thác và mở rộng thị trường kinh doanh cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong việc nâng cao mức hưởng thụ của người tiêu dùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Tối ưu hóa chu trình lưu chuyển của sản xuất và kinh doanh và tiết kiệm và giảm chi phí trong lưu thông và phân phối.
Logistics hỗ trợ sự di chuyển và dòng chảy của nhiều hoạt động quản lý một cách hiệu quả, tạo thuận lợi trong việc mua bán các loại hàng hóa và dịch vụ. Nếu hàng hóa không đến đúng thời điểm, không đến đúng các vị trí và với các điều kiện mà khách hàng cần thì sẽ làm mọi hoạt động kinh tế trong chuỗi cung ứng bị vô hiệu.
Với tư cách là các tổ chức kinh doanh cung cấp các dịch vụ logistics chuyên nghiệp, các doanh nghiệp logistics tiết kiệm tối đa về thời gian và tiền bạc cho các quá trình lưu thông phân phối trong nền kinh tế.
Trong kinh tế vĩ mô, việc tổ chức hợp lý hệ thống logistics góp phần tạo sự dòng chu chuyển hàng hóa thuận lợi từ đó các tổ chức kinh doanh dịch vụ logistics dễ dàng hơn trong việc phục vụ cho các khách hàng của mình.
Dịch vụ logistics góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo nhiều kết quả nghiên cứu về logistics ở các hãng sản xuất, trong cơ cấu giá bán sản phẩm, chi phí sản xuất thường chiếm 48%, chi phí marketing chiếm 27%, chi phí logistics 21% còn phần lợi nhuận là 4%. Điều này cho thấy chi phí cho logistics là rất lớn. Do đó, với việc hình thành và phát triển dịch vụ logistics sẽ giúp các doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế quốc dân giảm được chi phí trong chuỗi logistics, làm cho quá trình sản xuất kinh doanh tinh giản hơn và đạt hiệu quả hơn góp phần nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp trên thị trường.
Ngoài ra, cùng với việc phát triển logistics điện tử (electronic logistics) sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong dịch vụ vận tải và logistics, chi phí cho giấy tờ, chứng từ trong lưu thông hàng hóa càng được giảm tới mức tối đa, chất lượng dịch vụ logistics ngày càng được nâng cao sẽ thu hẹp hơn nữa cản trở về mặt không gian và thời gian trong dòng lưu chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa. Các quốc gia sẽ xích lại gần nhau hơn trong hoạt động sản xuất và lưu thông.
2. Vai trò của dịch vụ logistics đối với các doanh nghiệp
Một là, logistics là công cụ liên kết các hoạt động trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC-Global Value Chain) như cung cấp, sản xuất, lưu thông phân phối, mở rộng thị trường cho các hoạt động kinh tế.
Khi thị trường toàn cầu phát triển với các tiến bộ công nghệ, đặc biệt là việc mở cửa thị trường ở các nước đang và chậm phát triển, logistics được các nhà quản lý coi như là công cụ, một phương tiện liên kết các lĩnh vực khác nhau của chiến lược doanh nghiệp. Logistics tạo ra sự hữu dụng về thời gian và địa điểm cho các hoạt động của doanh nghiệp.
Thế giới ngày nay được nhìn nhận như các nền kinh tế liên kết, trong đó các doanh nghiệp mở rộng biên giới quốc gia và khái niệm quốc gia về thương mại chỉ đứng hàng thứ 2 so với hoạt động của các doanh nghiệp, ví dụ như thị trường tam giác bao gồm 3 khu vực địa lý: Nhật, Mỹ - Canada và EU. Trong thị trường tam giác này, các công ty trở nên quan trọng hơn quốc gia vì quyền lực kinh tế của họ đã vượt quá biên giới quốc gia, quốc tịch của công ty đã trở nên mờ nhạt. Ví dụ như hoạt động của Toyota hiện nay, mặc dù phần lớn cổ đông của Toyota là người Nhật và thị trường quan trọng nhất của Toyota là Mỹ nhưng phần lớn xe Toyota bán tại Mỹ được sản xuất tại nhà máy của Mỹ thuộc sở hữu của Toyota. Như vậy, quốc tịch của Toyota đã bị mờ đi nhưng đối với thị trường Mỹ thì rõ ràng Toyota là nhà sản xuất một số loại xe ô tô và xe tải có chất lượng cao.
Hai là, logistics có vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa chu trình lưu chuyển của sản xuất kinh doanh từ khâu đầu vào nguyên vật liệu, phụ kiện… tới sản phẩm cuối cùng đến tay khách hàng sử dụng.
Từ thập niên 70 của thế kỷ XX, liên tiếp các cuộc khủng hoảng năng lượng buộc các doanh nghiệp phải quan tâm tới chi phí, đặc biệt là chi phí vận chuyển. Trong nhiều giai đoạn, lãi suất ngân hàng cũng cao khiến các doanh nghiệp có nhận thức sâu sắc hơn về vốn, vì vốn bị đọng lại do việc duy trì quá nhiều hàng tồn kho. Chính trong giai đoạn này, cách thức tối ưu hóa quá trình sản xuất, lưu kho, vận chuyển hàng hóa được đặt lên hàng đầu. Và với sự trợ giúp của công nghệ thông tin, logistics chính là một công cụ đắc lực để thực hiện điều này.
Ba là, logistics hỗ trợ nhà quản lý ra quyết định chính xác trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhà quản lý phải giải quyết nhiều bài toán hóc búa về nguồn nguyên liệu cung ứng, số lượng và thời điểm hiệu quả để bổ sung nguồn nguyên liệu, phương tiện và hành trình vận tải, địa điểm, khi bãi chứa thành phẩm, bán thành phẩm… Để giải quyết những vấn đề này một cách có hiệu quả không thể thiếu vai trò của logistics vì logistics cho phép nhà quản lý kiểm soát và ra quyết định chính xác về các vấn đề nêu trên để giảm tối đa chi phí phát sinh đảm bảo hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bốn là, logistics đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo yếu tố đúng thời gian - địa điểm (just in time).
Quá trình toàn cầu hóa kinh tế đã làm cho hàng hóa và sự vận động của chúng phong phú và phức tạp hơn, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ, đặt ra yêu cầu mới đối với dịch vụ vận tải giao nhận. Hoạt động logistics đảm bảo yêu cầu giao hàng đúng lúc, kịp thời, mặt khác phải đảm bảo mục tiêu khống chế lượng hàng tồn kho ở mức tối thiểu. Sự phát triển mạnh mẽ của tin học cho phép kết hợp chặt chẽ quá trình cung ứng, sản xuất, lưu kho hàng hóa, tiêu thụ với vận tải giao nhận, làm cho cả quá trình này trở nên hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn, nhưng đồng thời cũng phức tạp hơn.
Năm là, dịch vụ logistics góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí trong quá trình sản xuất, tăng cường sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Theo thống kê của một số tổ chức nghiên cứu về logistics cũng như Viện nghiên cứu logistics của Mỹ cho biết, chi phí cho hoạt động logistics chiếm tới khoảng 10 - 13% GDP ở các nước phát triển, con số này ở các nước đang phát triển thì cao hơn khoảng 15 - 20%. Cũng theo nghiên cứu này, hoạt động logistics trên thị trường Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ bình quân là 33%/1 năm và ở Brazil là 20%/1 năm. Điều này cho thấy chi phí cho logistics là rất lớn. Vì vậy, với việc hình thành và phát triển dịch vụ logistics sẽ giúp các doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế quốc dân giảm được chi phí trong chuỗi logistics, làm cho quá trình sản xuất kinh doanh tinh giản hơn và đạt hiệu quả hơn.
Sáu là, dịch vụ logistics góp phần gia tăng giá trị kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải giao nhận.
Dịch vụ logistics là loại hình dịch vụ có quy mô mở rộng và phức tạp hơn nhiều so với hoạt động vận tải giao nhận thuần túy. Trước kia, người kinh doanh dịch vụ vận tải giao nhận chỉ cung cấp cho khách hàng những dịch vụ đơn giản, thuần túy và đơn lẻ. Ngày nay, do sự phát triển của sản xuất, lưu thông, các chi tiết của một sản phẩm có thể do nhiều quốc gia cung ứng và ngược lại một loại sản phẩm của doanh nghiệp có thể tiêu thụ tại nhiều quốc gia, nhiều thị trường khác nhau, vì vậy dịch vụ mà khách hàng yêu cầu từ người kinh doanh vận tải giao nhận phải đa dạng và phong phú. Người vận tải giao nhận ngày nay trở thành người cung cấp dịch vụ logistics (logistics service provider). Rõ ràng, dịch vụ logistics đã góp phần làm gia tăng giá trị kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải giao nhận.
Theo kinh nghiệm ở những nước phát triển cho thấy, thông qua việc sử dụng dịch vụ logistics trọn gói, các doanh nghiệp sản xuất có thể rút ngắn thời gian từ lúc nhận đơn hàng cho đến lúc giao sản phẩm cho khách hàng từ 5 - 6 tháng xuống còn 2 tháng. Kinh doanh dịch vụ này có tỷ suất lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần sản xuất và gấp từ 1- 2 lần các dịch vụ ngoại thương khác.
PGS, TS. TRẦN MINH TÂM
Viện Kinh tế Việt Nam