CT&PT - Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những tên tuổi lớn nhất được tôn vinh trong triều “ngụy Mạc”, là một tên tuổi lớn của lịch sử dân tộc. Trải qua nhiều thăng trầm, nhiều biến cố lịch sử, nhưng những nhận định về Nguyễn Bỉnh Khiêm thì hầu như không thăng giáng. Hậu thế vẫn tôn vinh ông là “nhà thơ lớn”, “nhà văn hóa”, “nhà tư tưởng”, “nhà chính trị”… bởi những gì mà ông đã để lại cho cuộc đời. Trong hệ thống tư tưởng của mình, tư tưởng nhân nghĩa của ông có ý nghĩa sâu sắc, đặc biệt là trong bối cảnh mới hiện nay.
Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra trong thời kỳ cực thịnh của triều Hậu Lê nhưng lại trưởng thành ở thời kỳ rối ren nhất của lịch sử nước nhà. Ông sống gần trọn thế kỷ XVI cho nên ông có đủ thời gian để chứng kiến buổi đầu suy vi và cát cứ của chế độ phong kiến, có điều kiện để hiểu sâu sắc về xã hội mà ông từng có lúc ra làm quan. Với kiến thức uyên bác vào bậc nhất đương thời, có quan hệ gắn bó với vận mệnh nhân dân, cho nên Nguyễn Bỉnh Khiêm mang nhiều trăn trở. Ông đã đề đạt những kiến nghị của mình về đường lối trị nước, về đạo làm người. Bằng việc sáng tác hàng nghìn bài thơ, trong đó đại đa số là thơ triết lý, thơ đạo lý, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tỏ được cái chí, quan niệm nhân sinh và đặc biệt là tư tưởng của mình về nhân nghĩa, trọng dân.
Quan niệm về nhân nghĩa của Nho giáo là một quan niệm có tính chất chung chung. “Nhân” là yêu người (“ái nhân”), nghĩa là điều nên làm. Nho giáo chủ trương dùng nhân nghĩa để trị dân. Chủ trương đó gọi là nhân trị. Trong quan niệm về nhân trị, “tu thân” là khởi điểm. Theo đó, nếu con người không sửa chữa mình thành nhân, thì càng làm việc (chính) càng vô ích, không có kết quả gì. Các nhà sáng lập Nho giáo đã thấy được mối quan hệ giữa đạo đức của người cầm quyền với chính trị. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nhận ra mối quan hệ đó: “Nhà dột ở đầu nhà dột nóc. Khi nhà dột nóc thế chon von”. Và ông đưa quan niệm của mình về đạo đức của người bề trên: “Quan trọng nhất là bậc đế vương phải nêu cao nhân nghĩa”. Trong chiến tranh, nhân nghĩa được ông đề cập ở khía cạnh “đánh dẹp quân bạo tàn, nhân ái bầy ra ở ngoài sự khống chế”. Tư tưởng này cũng là tư tưởng của nhà nho lớn thế kỷ XV - Nguyễn Trãi - khi ông ra lệnh cho nghĩa quân Lam Sơn “Thần vũ bất sát”.
Nhân nghĩa là truyền thống đạo đức cao đẹp của dân tộc ta, được hun đúc qua các thế hệ từ ngàn xưa cho đến nay và ngày càng được duy trì và phát triển. Ngay từ khi mới khai thiên lập địa, các cư dân của dân tộc Việt đã luôn phải đương đầu với nhưng hiểm họa thiên nhiên, khắc phục những trở ngại của thiên nhiên (mưa nguồn, nước lũ, phong ba, hạn hán…) đòi hỏi những thành viên của cộng đồng phải liên kết với nhau để tiến hành các công trình thủy lợi tưới tiêu, đảm bảo cho sự phát triển của một nền kinh tế mà nông nghiệp lúa nước là chủ đạo. Chính do nhu cầu của việc trị thủy, làm thủy lợi và đoàn kết chống quân xâm lược mà người Việt Nam sớm đã có tinh thần cố kết cộng đồng, đoàn kết, tương trợ, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.
Sống trong một xã hội loạn lạc, luôn gần gũi với nhân dân, Nguyễn Bỉnh Khiêm cảm thấy nỗi đau khổ của dân cũng là nỗi đau khổ của mình. Suốt đời ông ôm ấp một một nguyện vọng là trên đất nước thân yêu của mình xuất hiện một xã hội thái bình, thịnh trị. Xã hội đó dưới ngòi bút của ông, với những hình ảnh trong thơ văn đã hiện lên những đường nét và màu sắc tươi tắn:
“Giang sơn tám bức là tranh vẽ
Hoa có tư mùa gấm thêu”.
(Thơ Nôm, bài 3)
Đó là một xã hội hòa bình, không có chiến tranh, nhân dân được sống yên ổn, no đủ; đó là một xã hội mà kết cấu bên trên là vua sáng, tôi hiền:
“Quân thân thề hết lòng thờ một”.
(Thơ Nôm, bài 14)
“Đã ngoài mọi việc chăng còn ước
Ước một tôi hiền, chúa thánh minh”.
(Thơ Nôm, bài 26)
chứ không phải là vua tham lam, bất lực, đục khoét dân như loài chuột; đó cũng là một xã hội có bộ mặt đạo đức tốt đẹp, mọi người đối xử với nhau một cách chân thật, hòa nhã. Ông ví xã hội này là xã hội Đường Ngu, lý tưởng của ông là một đất nước thái hòa:
“Hà thời tái đổ Đường Ngu trị,
Y cựu kiền khôn nhất thái hòa.”
(Bao giờ lại được trông thấy thời bình trị Đường Ngu,
Để cho trời đất lại được thái bình như xưa).
(Ngụ hứng, bài 2)
“Hà hạnh tái phùng Nghiêu Thuấn thế,
Nhất triều nguyện tác thái bình dân.”
(Mong sao được gặp lại thời Nghiêu Thuấn
Để được làm người dân thái bình của triều đình).
(Ất Sứu tân xuân hý tác)
Và ông cũng coi trách nhiệm của mình là đưa đất nước đi đến ngày đó:
“Muốn cho nhà chúa bằng Nghiêu Thuấn
Phải đạo làm tôi kẻo hổ người”.
Xã hội Đường Ngu của Nguyễn Bỉnh Khiêm thực ra chỉ là hình ảnh của xã hội thịnh trị thời Lê. Nhưng giai cấp phong kiến lúc bấy giờ không tài nào tổ chức lại được một xã hội thịnh trị như dưới thời Lê Thánh Tông, nguyện vọng của Nguyễn Bỉnh Khiêm đến cuối đời vẫn không thực hiện được.
Nguyễn Bỉnh Khiêm về ở ẩn sớm. Về ở ẩn là lánh đời, là thoát khỏi mọi suy nghĩ và ràng buộc về chính trị, về thời thế. Nhưng do ôm ấp lý tưởng một xã hội cao đẹp, nên ông vẫn không hoàn toàn lánh được đời, không thể có thái độ bỏ mặc việc đời. Điều này đã quy định tính chất nhàn ẩn của ông, ẩn mà vẫn biết đời, nhàn mà vẫn lo đến việc nước, việc dân:
“Bần tiện trùng phùng thử loạn ly,
Khu khu ưu quốc mấn thành ty.”
(Nghèo hèn lại gặp thời loạn lạc,
Khư khư một lòng lo nước, tóc bạc như tơ).
(Trung Tân quán ngụ hứng, bài 10)
Cũng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm dù đã vui với ruộng vườn nhưng trong lòng ông vẫn canh cánh nỗi lo cho dân, cho nước, nỗi lo từng khiến ông trăn trở đến bạc đầu.
Có thể nói, xã hội mà ông mơ ước là một xã hội lý tưởng, một xã hội mà các nhà tư tưởng tiến bộ các thời đều mơ ước. Theo Nguyễn Bỉnh Khiêm, xây dựng một xã hội như thế không phải là điều hoàn toàn mới trên đất nước ta, không phải là không có khả năng thực hiện, mà chính ra là quay lại một thời đã qua, là “y cựu” (giống như xưa), là “tái phùng” (gặp lại). Thời Lê Sơ, Lê Thánh Tông đã từng nói:
“Biên manh cửu lạc thừa bình hóa
Tứ thập dư niên bất thức binh.”
(Dân ở nơi biên viễn được hưởng cảnh thái bình đã lâu
Hơn bốn mươi năm không biết chiến tranh là gì).
(An Bang phong thổ)
“Nghiêu Thuấn hưu ngôn sinh bất phùng.”
(Đừng có nói sinh ra không gặp thời Nghiêu Thuấn).
Trong dân gian cũng nói: “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông – thóc lúa đầy đồng, người ấm, vật no”. Từ đó có thể nói, xã hội lý tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm là xã hội thời Lê thịnh ở giữa thế kỷ XV được ước lệ hóa bằng Đường Nghiêu, Ngu Thuấn.
Để có một xã hội như thế, ở thời ông, ông không thể suy nghĩ ra ngoài hai đường lối chính trị cổ truyền là vương đạo và bá đạo. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phê phán đường lối “bá đạo” và chủ trương thực hiện đường lối “vương đạo”.
Ông cho chiến tranh và những thủ đoạn tranh hùng xưng bá lúc bấy giờ là những biểu hiện chủ yếu của bá đạo, và nhận định rằng: đó là nguồn gốc của những cảnh máu chảy thành sông, xương chất thành núi, đó là nguyên nhân của sưu cao thuế nặng, của cảnh “nhà cửa đem chẻ làm củi” và “trâu cày đem ra giết thịt”. Nhận thức đó dẫn tới sự lên án bá đạo, lên án chiến tranh. Đó là cách lập luận có căn cứ, bởi vì các cuộc chiến tranh đương thời xét ra chỉ có mục đích là tranh nhau bá quyền, cả hai bên tham chiến đều phi nghĩa, nó không mang một tính chất vì dân vì nước nào mà còn phá hoại sức sản xuất, phá hoại đời sống thanh bình của nhân dân; không nhất thống được sơn hà mà còn làm cho đất nước ngày càng bị chia cắt nặng nề. Rõ ràng là xã hội đó muốn tiến lên được phải hòa bình thống nhất, phải ổn định và nâng cao đời sống của mọi người. Vì vậy, thái độ phản đối đường lối bá đạo của Nguyễn Bỉnh Khiêm là phù hợp với yêu cầu phát triển của lịch sử.
Nhưng đường lối vương đạo mà ông chủ trương là đường lối nào? Trong tư tưởng Việt Nam cũng như ở phương Đông, có đường lối vương đạo của Chu Văn Chương, Chu Công, Khổng Tử và Mạnh Tử, cũng có các đường lối vương đạo của các nhà nho gắn bó với dân. Đường lối của Chu Văn Chương, Chu Công, Khổng Tử và Mạnh Tử là đường lối lấy đức trị người, chứ không phải lấy chiến tranh, hình phạt và sức mạnh trị người, dùng “tam cương”, “ngũ thường” để ràng buộc người, quy tụ người, nhằm mục đích củng cố và tăng cường địa vị thống trị của một ông vua, của một dòng họ phong kiến thống trị. Còn đường lối vương đạo của các nhà nho gắn bó với dân, tuy có nguồn gốc từ những lời nói của các vị thánh hiền ấy, song nó đã mang một nội dung khác, tuy cũng chủ trương lấy đức trị người, nhưng đức ấy là lấy “nhân nghĩa” để cảm hóa người, chứ không phải lấy hệ thống “tam cương” để bó buộc người. Xét về tính chất, đường lối vương đạo của Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ có thể là đường lối sau, đường lối của những nhà nho sống gần gũi với dân.
Như các nhà nho gắn bó với dân, đường lối vương đạo của Nguyễn Bỉnh Khiêm có nội dung là “nhân nghĩa”. Ông nói:
“Cổ lai nhân giả tri vô địch,
Hà tất khu khu sự chiến tranh.”
(Từ xưa đến nay điều nhân là vô địch,
Cần gì phải khư khư theo đuổi chiến tranh).
Ông cho rằng nhân nghĩa đã giúp nhà Hán làm nên nghiệp vương, còn “kỳ kế” khiến nhà Tần mất nước. Nhưng nếu chỉ nói nhân nghĩa chung chung mà không có nội dung cụ thể thì sẽ rơi vào một thứ lý thuyết suông, một thứ đạo đức giả. Nguyễn Bỉnh Khiêm không thế, đường lối nhân nghĩa của ông được thể hiện bằng chính sách chăm lo đời sống của dân, nhất là đối với dân nghèo. Cụ thể là đất nước phải hòa bình, triều đình phải cứu vớt những người nghèo khổ, nhà vua phải soi xét đến đời sống của dân nghèo:
“Quân vương như hữu quang minh chúc,
Ủng chiếu cùng lư bộ ốc dân.”
(Nếu nhà vua có bó đuốc sáng thì nên soi đến dân ở nơi nhà nát xóm nghèo).
(Cảm hứng)
Đó rõ ràng là một đường lối chính trị yêu nước thương dân, đường lối mang tên vương đạo ở bên ngoài, nhưng có thực chất nhân dân ở bên trong. Đường lối đó là kế tục tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV.
Xây dựng nên đường lối trên, Nguyễn Bỉnh Khiêm không thể xuất phát từ thái độ thông cảm của bề trên đối với kẻ dưới, vì như thế chỉ là dừng lại ở tình cảm xót thương, cũng không thể xuất phát từ nguyên lý “trời trông túc dân ta trông” của thiên Hồng phạm trong Kinh Thư mà ông đã đọc, vì như thế mới là nhận thức chung, thiếu tính cấp bách, mà chỉ có thể xuất phát từ những nhận thức sâu sắc về yêu cầu cơ bản về đời sống, về vai trò của dân trong xã hội:
“Duy thiên sinh chúng dân, Bão noãn các hữu dục.”
(Trời sinh ra chúng dân, sự ấm no, ai cũng có lòng muốn cả).
(Tăng thử)
“Cổ lai quốc dĩ dân vi bản, Đắc quốc ưng tri tại đắc dân.”
(Xưa nay nước phải lấy dân làm gốc, nên biết rằng muốn giữ được nước, cốt phải được lòng dân).
(Cảm hứng)
“Người xưa câu ví có đầu lầm
Lấy thuở dương mà biết thuở âm
Yên bách tính thì yên trị đạo
Thất niên kim chớ thất nhân tâm”.
Do đó, đường lối vương đạo có nội dung là nhân nghĩa đó đã được xây dựng trên cơ sở vững chắc là những yêu cầu về dân sinh, dân chủ. Đó là một đường lối chính trị tiến bộ, đối với đương thời cũng như đối với cả quá trình lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.
Như vậy, nhân nghĩa theo quan niệm của Nguyễn Bỉnh Khiêm khác xa với nhân nghĩa của các nhà nho cũ ràng buộc con người. Mục đích của nó là thông qua giáo huấn củng cố và tăng cường địa vị thống trị của một ông vua, một dòng họ. Con đường nhân nghĩa của Nguyễn Bỉnh Khiêm là đường lối của một nhà nho gắn bó với dân. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng truyền thống cơ bản của dân tộc Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo. Hai yếu tố đó luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Thương nước tức là thương dân, thương dân tức là thương người, mà theo quan niệm của Nho giáo, đó chính là nhân nghĩa. Chứng tỏ rằng quan niệm về nhân nghĩa của Nguyễn Bỉnh Khiêm là sự kết tinh những yếu tố tích cực của tư tưởng nhân nghĩa truyền thống đã có Hoàn cảnh xuất thân và nội dung giáo dục khiến Nguyễn Bỉnh Khiêm là một con người của giai cấp phong kiến và bảo vệ lợi ích của giai cấp này. Nhưng do sống gần nhân dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng cũng như sức mạnh của nhân dân; đồng thời do kế thừa tư tưởng tốt đẹp của Nguyễn Trãi, và cũng do biết đúc kết kinh nghiệm của lịch sử, nên ông đã xây dựng đường lối chính trị nhân nghĩa, trong đó quyền lợi của vua phải gắn bó với quyền lợi của nhân dân và phải lấy việc bảo đảm đời sống của nhân dân làm cơ sở. Ông thấy được vai trò to lớn của nhân dân trong sự yên nguy của xã tắc, bởi vậy, một tư tưởng thân dân sâu sắc đã được hình thành trong ông. Ông mong muốn nhân dân được ấm no, hạnh phúc và quan niệm người làm vua phải biết được sự ảnh hưởng to lớn của dân đến vận mệnh đất nước, phải gần dân, sống giữa lòng dân, thấu hiểu dân và làm được việc tốt cho dân.
Suốt cuộc đời mình, tâm nguyện của ông là : “thấy lại được thời Đường Nghiêu, Ngu Thuấn – Thiên tử thời thái bình, dân thời thái bình”. Đó cũng là nỗi lo đau đáu trong lòng và là niềm khát vọng của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cụ thể hơn là ông mong muốn “dân đen” thoát khỏi cảnh chiến tranh khốc liệt mà mọi giá trị vật chất, tinh thần đều bị chà đạp:
“Nhà ở đem bẻ làm củi,
Trâu cày đem mổ thịt ăn.
Cướp đoạt tài sản không phải là của mình,
Hiếp dỗ người không phải là vợ mình.
Mắt thấy nơi nơi đều lầm than,
Đi qua chốn chốn đều sinh gai góc”.
(Thương cảnh loạn ly)
Nếu quân nhà vua có thể “lấy lòng nhân mà đánh kẻ bất nhân”, “cứu cho dân khỏi cảnh điêu đứng bệnh hoạn này” thì ắt là “tất thắng”, và “bước lên cõi nhân thọ”. Nguyễn Bỉnh Khiêm mong muốn người dân không còn bị cảnh “cá lớn nuốt cá bé” (Đến quán xem cá, thấy cá lớn nuốt cá bé, cảm xúc làm thơ), không phải chịu nạn “chuột xù” tàn phá đến nỗi “ngoài đồng có mạ khô, kho đụn không thóc thừa” (Ghét chuột). Ông “chỉ mong cái tâm sáng này rọi chiếu khắp nơi, khiến cho khắp thôn cùng xóm không nơi nào không sáng sủa, yên hòa” (Dâng nến) và “dân lầm than khổ cực sẽ được nằm trên nệm chiếu yên ổn” (Trú quân ở Liệt Khê), người buôn bán được chợ búa thông thương thuận tiện:
“Việc buôn bán tại chỗ và luân chuyển lúc nào cũng thuận lợi,
Hàng hóa mua bán thông thương suôn sẻ.
Cách thức được lập nên từ Hoàng Đế, mọi người đều đều thỏa chí,
Nhà vua không đánh thuế, thiên hạ được hưởng chung”.
(Thơ về chợ)
Hình mẫu thôn làng lý tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm là dân giàu, vật thịnh, phong tục thuần hậu, có văn hóa, học thức:
“Đông đúc rộn ràng, cuộc sống phồn thịnh,
Những nơi có người ở là có thôn làng.
Hào hoa hội hợp, xóm giềng kề bên nhau,
Nhân hậu như xưa, mỹ tục giữ gìn mãi.
Làm và nghỉ cùng thong thả trong ngày tháng đời Nghiêu
Ca và hát cùng vui trong đất trời nhà Thuấn.
Quan tể tướng đời thái bình được vinh hiển là ở đó,
Mũ lọng đi nhanh như sao, rực sáng cổng làng”.
(Xóm làng)
Có lẽ Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ đầu tiên đề xuất việc phải có chính sách đối với người tàn tật. Trong tờ sớ dâng lên vua Mạc lúc sắp mất và khi còn tại triều, ông khuyên nhà vua “phải hết lòng tu thân phát chính, lấy dân làm gốc, lấy nước làm trọng…”. Còn “người tàn tật mù lòa thì phải dạy cho họ nghề hát, nghề bói để tự nuôi sống mình”. Đó là một lời khuyên vừa thể hiện quan điểm nhân ái, vừa văn minh cũng rất thiết thực.
Nguyễn Bỉnh Khiêm kế thừa tư tưởng thân dân đời Trần, quan điểm ái dân và trọng dân của Nguyễn Trãi; nhiều lần ông nhấn mạnh vai trò của nhân dân đối với đất nước:
“Cổ lai quốc dĩ dân vi bản,
Đắc quốc ưng tri tại đắc dân.”
(Xưa nay nước vốn lấy dân làm gốc,
Nên biết rằng được nước là bởi “được dân”).
(Cảm hứng)
Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của triều đình đối với việc đem lại đời sống yên vui cho dân. Có lẽ phần đóng góp riêng của ông trong tư tưởng trị nước chính là ở chỗ ông đã nhận thức rõ, rất rõ mối quan hệ biện chứng giữa hai thế lực đối trọng vua – dân với thế nước. Dân được thái bình thì vua cũng được thái bình, vua anh minh như Nghiêu Thuấn thì dân cũng thuần thành như thời Nghiêu Thuấn.
Trong cả hai tập thơ Hán và Nôm, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhiều lần nhắc đến cặp đối xứng này:
“Hà thời tái đổ Đường Ngu trị,
Y cựu càn khôn nhất thái hòa”.
(Ngụ hứng, bài 2)
“Dẫu có ai han thì sẽ nhủ,
Thái bình thiên tử thái bình dân”.
(Thơ Nôm, bài 86)
“Mừng thấy thời vần đời mở trị,
Thái bình thiên tử thái bình dân”.
(Thơ Nôm, bài 133)
Tấm lòng ưu ái của Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện trong thơ Nôm không sâu đậm bằng thơ chữ Hán nhưng người đọc vẫn thấy được niềm lo nước, thương dân của ông:
“Ái ưu vằng vặc trăng in nước
Danh lợi lâng lâng gió thổi hoa”.
(Thơ Nôm, bài 1)
Tấm lòng ái ưu của Bạch Vân cư sĩ lúc nào cũng ngời sáng “vằng vặc” như ánh trăng. Đó là lòng yêu nước thương dân của một bậc hiền triết, nó sâu sắc và mang đậm suy tư, khác với lòng yêu nước, thương dân của con người hành động Nguyễn Trãi lúc nào cũng nấu nung, sôi sục “cuộn cuộn” như “nước triều đông”. Nguyễn Bỉnh Khiêm “bạc đầu” vì mối lo trước thiên hạ và ông theo đuổi mối “tiên ưu” ấy đến tận cuối đời:
“Lão lai vi ngải tiên ưu chí,
Đắc tang cùng thông khởi ngã ưu.”
(Đến già vẫn chưa cởi bỏ được mối lo trước thiên hạ,
Còn chuyện được mất cùng thông của riêng mình há lại làm ta bận lòng).
(Tự thuật, bài 5)
Trong tư tưởng cơ bản của mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm coi “nước lấy dân làm gốc”, “bền nước yên dân là việc đầu mối”. Theo ông, vấn đề trị nước phải lấy dân làm sức mạnh. Tư tưởng này xuất phát từ một nguyện vọng là xây dựng xã hội vua hiền tôi trung. Ông thiết tha gìn giữ một kỷ cương, thật tâm mong mỏi thiên hạ được bình yên. Khát vọng này tuy chỉ là một mơ ước, nhưng nó lại đáp ứng với mơ ước của cả triệu người nông dân nghèo khổ. Bởi vậy, ông luôn khuyên vua hãy vì dân, vì nước, ái quốc thì hãy ưu dân.
Mặc dù Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ ước mong xã hội trở lại một trật tự “coi dân là sức nước”, “dùng dân để kết mối vững bền”, thì mong muốn ấy cũng là ý tưởng rất mới và rất lớn. Đó cũng chính là ý tưởng của thiên hạ và nguyện vọng ấy cũng là nguyện vọng của muôn dân. Do đó, ý tưởng trong các tư tưởng của ông luôn gắn với lòng yêu nước, thương dân sâu sắc.
ThS. Phạm Thị Hương
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật