Tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách ứng xử của Công an nhân dân nằm trong tổng thể về phong cách của người cán bộ cách mạng nói chung.
Trong rất nhiều bài nói, bài viết, đối tượng được Hồ Chí Minh nhắc đến là toàn thể cán bộ, đảng viên. Do đó, mỗi lời dạy về phong cách ứng xử của người cán bộ, đảng viên của Người là tài sản tinh thần quý báu của toàn Đảng, toàn dân, dĩ nhiên trong đó có cả lực lượng công an. Tuy nhiên, phong cách ứng xử của Công an nhân dân vẫn có những đặc trưng riêng được quy định bởi vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ công tác của lực lượng Công an nhân dân.
Theo Hồ Chí Minh, trong ứng xử, lực lượng công an phải có phong cách phù hợp với từng đối tượng. Cụ thể như sau:
1. Ứng xử với nhân dân
Với quan điểm thân dân, trọng dân, “dĩ dân vi bản”, Hồ Chí Minh luôn khẳng định nhân dân là chủ thể của nhà nước, là “ông chủ nắm chính quyền”, dân là “ông chủ” thì “công an hay ở quân đội, đều là làm đày tớ cho nhân dân”1. Bởi vậy, Người dạy lực lượng công an trong ứng xử với nhân dân phải “kính trọng, lễ phép”2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về kính trọng, lễ phép với nhân dân của lực lượng công an thể hiện nhân cách và đạo đức của lực lượng công an, quan trọng hơn, đó cũng là một nét văn hóa trong ứng xử của người Công an nhân dân mà ngày nay, chúng ta luôn cố gắng xây dựng.
Kính trọng, lễ phép ở đây là cách xưng hô đúng mực, là thái độ cầu thị, hòa nhã với nhân dân; biết kính già, yêu trẻ, biết lắng nghe nhân dân, học hỏi từ nhân dân. Muốn làm được vậy, cần đoàn kết với nhân dân, gần gũi với nhân dân và dựa vào dân.
Người đã dạy công an phải xử thế “sao cho người ta thấy rõ mình là con người kháng chiến”3. Muốn được như vậy, công an phải thực sự gương mẫu trong cả lời nói lẫn việc làm, phải tự rèn luyện đạo đức của người cách mệnh, tư cách của người công an cách mạng. Cần chống mọi biểu hiện của tư tưởng quan liêu, hách dịch, hống hách, coi mình là “quan cách mạng”. Trong quan hệ với dân, phải thực sự dân chủ, đi đúng đường lối quần chúng. Ứng xử với nhân dân không được chỉ dừng ở thái độ mà còn phải thực hiện ở hành động. Thông cảm với nhân dân, chia sẻ với nhân dân, không ngại khó, ngại khổ giúp đỡ nhân dân, mang lại cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho nhân dân. Đó mới chính là cách ứng xử tốt nhất đối với nhân dân. Hồ Chí Minh đã dạy, trong ứng xử với nhân dân, công an không được có “lối ngoại giao qua loa”, phải thực lòng, thực tâm với nhân dân. Có làm được như vậy, mới xứng đáng với bốn chữ “Công an nhân dân”, mới xứng đáng với niềm tin và nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân trao cho.
Kính trọng nhân dân là bảo vệ những quyền lợi chính đáng của nhân dân, xử lý kịp thời những kẻ có hành động xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Kiên quyết với những hành vi gây thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe, danh dự, phẩm giá và mọi quyền hợp pháp khác của nhân dân. Thái độ thờ ơ vô trách nhiệm, thiếu kiên quyết đối với những lời nói, việc làm có hại đến tình hình an ninh, trật tự, xâm phạm đến tính mạng, tài sản của nhân dân là biểu hiện sự thiếu thốn tôn trọng, thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ cuộc sống yên vui, hạnh phúc của nhân dân. Hồ Chí Minh đã dạy: “Phải làm thế nào để được lòng dân, phải thật sự giúp đỡ dân trong mọi việc chứ không phải là lối ngoại giao qua loa. Có như vậy người dân mới tích cực trở lại giúp đỡ công an”4.
Thái độ kính trọng còn biểu hiện ở sự tôn trọng phong tục tập quán của nhân dân, tôn trọng các quyền tự do dân chủ đã được Hiến pháp, pháp luật quy định. Đối với những đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân cần xét và giải quyết nhanh chóng. Nếu nhân dân yêu cầu giúp đỡ thì phải sẵn sàng hướng dẫn, tạo mọi điều kiện để họ thực hiện được những nguyện vọng chính đáng của mình. Người cán bộ, chiến sĩ công an không được thờ ơ, lãnh cảm, vô trách nhiệm trước những oan ức, những yêu cầu hợp tình, hợp lý của nhân dân.
Ứng xử lễ phép của người cán bộ, chiến sĩ công an phải được biểu hiện bằng sự vui vẻ, hòa nhã, niềm nở, lắng nghe ý kiến trình bày, chủ động giúp đỡ, giải quyết những việc mà người dân yêu cầu nhanh gọn, đúng thủ tục; phải tận tình hướng dẫn, ôn tồn giải thích cho từng người dân. Thái độ hách dịch, cửa quyền, một động tác hất hàm, một câu hỏi đóng, một thái độ cục cằn khi trả lời của cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân là sự thiếu lễ độ đối với nhân dân, trái với bản chất của người công an cách mạng. Phải làm sao để nhân dân thấy cần có sự giúp đỡ của công an, họ sẵn sàng gặp cán bộ, chiến sĩ công an để trình bày, phản ánh hoặc nhờ sự can thiệp; họ có thể đến bất cứ lúc nào mà họ cần. Chỉ có như thế mới thể hiện được địa vị của người dân là chủ của chế độ xã hội chủ nghĩa và công an mới thực sự là “đầy tớ của nhân dân”.
Đối với những trường hợp cán bộ, chiến sĩ công an làm công tác thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, sự lễ phép biểu hiện ở thái độ khiêm tốn, đàng hoàng, tự tin, cởi mở, khéo léo gợi chuyện, am hiểu và tôn trọng phong tục tập quán của địa phương, nếp sống văn hoá, lối sống gia đình, biết cách xử sự tế nhị thích hợp với từng đối tượng giao tiếp. Lễ phép của người cán bộ, chiến sĩ công an đối với nhân dân còn biểu hiện ở thái độ chăm chú, lắng nghe, ghi nhận lời phản ánh, ý kiến phê bình của nhân dân, không nôn nóng, cáu gắt, cắt ngang ý kiến nhân dân một cách thô bạo.
Ứng xử kính trọng, lễ phép đối với nhân dân là biểu hiện tốt đẹp trong phẩm chất của người Công an nhân dân Việt Nam, là nếp sống văn minh của con người mới xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân không ngừng trau dồi, rèn luyện.
2. Ứng xử với đồng nghiệp
Trong hàng ngũ những người cách mạng, tình đồng chí, đồng đội rất thiêng liêng, thuỷ chung, keo sơn gắn bó với nhau thành sức mạnh của tổ chức. Đối với Công an nhân dân, đồng nghiệp chính là những người đồng đội, đồng chí cùng công tác trong một đơn vị, rộng hơn, đó chính là tinh thần đoàn kết giữa tất cả các cán bộ, chiến sĩ công an cùng chiến đấu cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Các cá nhân đoàn kết, thân ái giúp đỡ nhau sẽ xây dựng được tổ chức, đơn vị vững mạnh, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng, đồng thời từ đó tạo cơ sở để nâng cao sức mạnh cho từng cá nhân.
Thân ái, giúp đỡ đối với đồng chí, đồng đội của mình là lời dạy đầu tiên của Hồ Chí Minh giành cho lực lượng Công an nhân dân về phong cách ứng xử. Trong thư gửi cho lực lượng vào tháng 3 năm 1948, Người đã dạy: “Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ”. Thân ái giúp đỡ là đạo đức của người Công an nhân dân, chứa đựng truyền thống văn hóa của dân tộc, được thể hiện ở lòng thương yêu, quý trọng, giúp đỡ con người, thấu tình đạt lý, sống với nhau có tình, có nghĩa. Không những thế, thân ái, giúp đỡ còn là biểu hiện của sống có tình, có nghĩa. Chỉ khi làm được như vậy mới là “hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin”, mới là con người cách mạng chân chính, mới đủ tư cách phục vụ nhân dân. Thân ái giúp đỡ ở đây, không chỉ là với đồng đội cùng chiến đấu, cùng lực lượng mà mở rộng ra còn là những người cùng chung mục đích, lý lưởng chiến đấu vì cuộc sống yên bình của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.
“Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ” đó là: Thân ái với tấm lòng chân thành, thiết tha mong muốn cho đồng sự của mình tiến bộ và hạnh phúc, sự thân ái đó là bền vững và sâu sắc bởi cùng chung lý tưởng, cùng phấn đấu cho sự nghiệp chính nghĩa, đồng cam cộng khổ, chia sẻ vui, buồn trên cơ sở nhận thức rõ trách nhiệm cá nhân trong quan hệ cộng đồng, đồng chí. Thân ái gắn liền với giúp đỡ là đạo lý. Thương yêu đồng chí, gắn bó với đồng sự là sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau một cách vô tư và tận tình khi cần thiết. Thân ái không đi đôi với giúp đỡ chí tình là thân ái bề ngoài, kiểu xã giao, chiếu lệ, ngược lại, giúp đỡ phải gắn liền thân ái có lý, có tình.
Tính chất, nhiệm vụ công tác và yêu cầu xây dựng lực lượng đòi hỏi người Công an nhân dân phải thân ái giúp đỡ đồng sự. Công an nhân dân là lực lượng thừa hành pháp luật Nhà nước, được giao cho một số quyền hạn đặc biệt để tiến hành đấu tranh chống các thế lực thù địch và tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống yên vui và hạnh phúc của nhân dân. Vị trí, nhiệm vụ và tính chất công tác đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ công an cần có đạo đức cách mạng và bản lĩnh chiến đấu dựa trên sức mạnh của tập thể, đơn vị và phẩm chất từ cá nhân, đoàn kết nội bộ chặt chẽ, gắn bó với nhau trên tình đồng chí trong sáng, thuỷ chung. Có thực sự thương yêu nhau thì mới trưởng thành, tiến bộ, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ công tác, chiến đấu.
Trong môi trường công tác phức tạp, hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc trực tiếp các loại tội phạm, các hiện tượng tiêu cực và các mặt trái của xã hội, cán bộ, chiến sĩ công an lại càng phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ và bảo vệ cho nhau. Chân thành tự phê bình và phê bình, tự quản và quản lý nhau, hợp đồng chặt chẽ, tạo điều kiện cho nhau công tác thì mới hoàn thành được nhiệm vụ, mới không để đồng đội mình bị bọn phạm tội và các phần tử xấu tấn công, mua chuộc làm thoái hóa, biến chất.
Mặt khác, với chức năng thừa hành pháp luật, với việc được sử dụng một số biện pháp nghiệp vụ, với chế độ thủ trưởng, chỉ cần lạm dụng chức trách, quyền hạn một chút, hoặc biểu hiện một chút quan liêu, bảo thủ, nóng nảy, hách dịch sẽ dẫn đến tự dựng bức tường ngăn cách với tập thể, dẫn tới quan điểm lệnh lạc, chuyên quyền, độc đoán. Ứng xử đối với đồng sự phải thân ái giúp đỡ được quán triệt trong nhận thức và hành động sẽ loại trừ được sai lầm và tăng cường được sức mạnh của tổ chức Công an nhân dân.
Sự thân ái giúp đỡ theo quan điểm của Hồ Chí Minh hoàn toàn khác xa với sự bao che, giấu diếm. Nó hàm chứa những nội dung tư tưởng thân ái, biết giúp đỡ đồng đội thông qua tự phê bình và phê bình để giúp đỡ nhau khắc phục khuyết điểm, cùng nhau tiến bộ, trở thành một phương châm hành động mang tính cách mạng, khoa học và đầy giá trị nhân văn.
Thân ái giúp đỡ thể hiện ở việc nhiệt tâm, nhiệt thành, “có lòng bày vẽ cho người”, quan tâm giúp đỡ cấp dưới. Thân ái giúp đỡ không chỉ là ở hành động mà còn phải ở tinh thần. Tuyệt đối tránh kiểu giúp đỡ một chiều, né tránh đấu tranh, phê bình, xuê xoa, bao che khuyết điểm cho nhau. Người chỉ rõ: Nội bộ công an từ cấp cao cho đến nhân viên phải đoàn kết, nhất trí. Đoàn kết không phải là “chén chú, chén anh”, là anh A giấu lỗi cho anh B. Trong nội bộ phải thực hành dân chủ, phải luôn luôn tự kiểm thảo để đi đến đoàn kết. Phê bình phải từ trên xuống dưới, và tự phê bình phải từ dưới lên trên. Phê bình trên công tác cách mạng, phê bình để tiến bộ, không phải để soi mói5.
Trong ứng xử với đồng sự, tuyệt đối loại bỏ tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, cục bộ địa phương, coi trọng người thân, bè phái. Phải nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình nghiêm khắc để giúp nhau cùng tiến bộ. Tình thân ái giúp đỡ đồng sự trên cơ sở tình cảm đồng chí và theo quan điểm cách mạng mới thật sự là phẩm chất quý báu của người Công an nhân dân.
3. Ứng xử với các đối tượng đấu tranh
Trước tiên, đối với địch, Người dạy lực lượng công an: “Đối với địch, chớ nên hoang mang, cần phải hết sức trấn tĩnh, trấn tĩnh là bước đầu thắng địch”6. Giữ vững phong thái điềm tĩnh của mình, không hoang mang, lo sợ, nếu lo lắng, sợ sệt sẽ thể hiện ra cho địch thấy ta kém bản lĩnh, còn vụng và yếu kém. Bên cạnh đó, Người cũng chỉ rõ, kẻ địch, kẻ phạm tội, bè lũ thực dân, đế quốc… đều là những kẻ làm hại nhân dân, Tổ quốc, làm hại đến con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của ta. Do đó, công an không được nương tay, nhân từ, lòng dạ yếu mềm, phải làm việc theo pháp luật, theo lẽ phải. Người dạy: “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”7. Cương quyết thể hiện thái độ, bản lĩnh của người Công an nhân dân đối với kẻ địch, trong trận chiến bảo vệ lợi ích của nhân dân, của đất nước, không cho phép người chiến sĩ Công an nhân dân được nhân từ, nhân nhượng với kẻ địch. Công an cần phải tránh các biểu hiện do dự, chần chừ, thiếu quyết đoán dẫn đến bỏ sót hoặc xử lý không nghiêm minh, không triệt để các đối tượng phạm tội. Tuy nhiên, trong quan điểm của Hồ Chí Minh, con người ai cũng có mặt tốt, mặt xấu. Với những con người mà trước kia họ lầm lỡ, chống đối cách mạng mà ngày nay, họ thật thà “cải tà quy chánh”, không gây hại cho cách mạng, tận tình ủng hộ cách mạng thì công an vẫn sẵn sàng thân ái, giúp đỡ những con người đó. Đây là tư tưởng nhân văn trong bảo vệ an ninh, trật tự của Hồ Chí Minh. Người căn dặn lực lượng công an: “Ngay đối với những người không kháng chiến, những người “dinh tê” cũng không khinh rẻ họ, mà phải giúp đỡ cho họ tiến bộ, để họ cùng ta làm việc”8. Người lý giải công việc của đất nước là việc chung, phải có sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân mới làm được, khi đó phải có năng lực của tất cả mọi người, chỉ cần họ có lòng “phụng sự Tổ quốc”, phục vụ nhân dân”. Đây là quan điểm lớn của Hồ Chí Minh về phong cách ứng xử của lực lượng công an, đó là những giá trị nhân bản của con người, luôn hướng tới chân - thiện - mỹ, bao dung nhưng không bao che, không hạ thấp, vùi dập con người.
Cương quyết với địch được hiểu là ý chí sắt đá, thái độ cứng rắn, không khoan nhượng, tinh thần vững vàng, không gì có thể lay chuyển được về mục tiêu chung của cách mạng; cương quyyết không để địch phá hoại, bọn tội phạm làm hại dân, làm hại cách mạng; cương quyết giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, không thỏa hiệp, không nhân nhượng, không để tội phạm mua chuộc, dụ dỗ, không lung lay, gục ngã. Cương quyết với địch là một thái độ quyết đoán, hoàn toàn trái ngược với sự do dự, nhút nhát; chỉ có cương quyết như vậy thì kẻ địch mới không dám lấn tới, không hung hăng, dọa nạt được; có như vậy thì người cán bộ, chiến sĩ công an mới giành thắng lợi trước mọi kẻ thù.
Khôn khéo là một cách ứng xử thông minh, nhanh nhẹn, linh hoạt, sáng tạo của người cán bộ, chiến sĩ công an với địch, là cách thức đánh địch hiệu quả nhất mà địch không phòng, chống nổi để địch không làm tổn thất cho ta, là làm sao ta để địch chủ quan, không phòng bị, sơ hở trước sự tấn công của ta, là nghệ thuật, cách thức đánh địch.
Khôn khéo với địch thể hiện ở ý thức cảnh giác cách mạng cao; nhạy bén về chính trị và nghiệp vụ, thông minh mưu trí biết đề ra đối sách phát hiện và trấn áp có hiệu quả cao mọi thủ đoạn hoạt động của kẻ địch; biết tránh chỗ mạnh, tìm chỗ yếu, chỗ sơ hở để tấn công; phải khéo biết giữ bí mật, biết chọn thời cơ và tạo ra thời cơ để chủ động đánh địch.
Cương quyết và khôn khéo là hai nội dung riêng song có mối quan hệ mật thiết với nhau không thể tách rời. Đó là cách ứng xử mềm dẻo, linh hoạt đồng thời thể hiện sự cương quyết, bản lĩnh của người công an cách mạng. Cương quyết đối với kẻ địch là một nguyên tắc bất di, bất dịch. Thái độ, ứng biến, cách xử thế đối với kẻ địch phải thận trọng, linh hoạt, khôn khéo; là một vấn đề cơ bản có tính chiến lược của cách mạng, có quan hệ biện chứng với tư tưởng, ý chí cương quyết với địch. Tinh thần cương quyết, khôn khéo là vũ khí sắc bén, là nguyên tắc, phương châm ứng xử với các đối tượng đấu tranh của lực lượng Công an nhân dân.
1. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2, 4. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội
3. Bùi Kim Hồng (2010), Giá trị thời đại của văn hóa Hồ Chí Minh, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
5. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
7, 8. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
ThS. HÀ LONG SƠN
Học viện An ninh nhân dân