Có những con người mà cuộc đời, sự nghiệp gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước, dân tộc; tên tuổi và sự cống hiến còn sáng mãi trong sử sách, trong sự kính trọng, biết ơn của đồng chí, đồng bào. Trường Chinh - một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà cách mạng, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, là con người như vậy. Đã có không ít sách, báo viết về ông, đánh giá, ca ngợi những phẩm chất cao quý, tài năng vượt trội, cống hiến to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta1. Ông mang trong mình hình mẫu chung của thế hệ cách mạng tiền bối do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đào tạo, dẫn dắt, đồng thời mang dấu ấn riêng của một con người có tri thức bách khoa và khả năng biến tri thức vô cùng phong phú đó thành sức mạnh sáng tạo, kiến tạo trong thực tiễn cách mạng.
Đồng chí Trường Chinh (1907-1988)
Trường Chinh - một trí tuệ lớn vì nước, vì dân
Trí tuệ Trường Chinh là trí tuệ bách khoa. Tiếp cận những tác phẩm, bài viết, bài nói mà Trường Chinh để lại cho hậu thế có thể nhận thấy ở ông một trí tuệ siêu việt, một tri thức vô cùng phong phú. Trí tuệ Trường Chinh phổ rộng trên nhiều lĩnh vực chính trị, tư tưởng, lý luận, văn hóa, báo chí..., và ở lĩnh vực nào ông cũng có những tác phẩm nổi tiếng thể hiện sự thông tuệ đáng khâm phục. Về tư tưởng, lý luận chính trị, phải kể đến những tác phẩm có tính chiến đấu rất cao, được ông viết ngay từ những năm mới bước vào con đường cách mạng: Chống chủ nghĩa thực dân và cải lương (1935), Vấn đề dân cày (1938, viết cùng Võ Nguyễn Giáp). Trong những năm tháng cả dân tộc chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, tiếp đó tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông là tác giả của những tác phẩm đặc biệt có giá trị lý luận, thực tiễn về khởi nghĩa giành chính quyền, về chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, về tiến trình cách mạng Việt Nam: Chính sách mới của Đảng (1941); Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (1945); Cách mạng Tháng Tám (1946); Kháng chiến nhất định thắng lợi (1947); Bàn về cách mạng Việt Nam (1951). Những năm tháng cả nước kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, xây dựng hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, ông có nhiều bài viết, bài nói quan trọng về đường lối cách mạng của Đảng, về công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước và pháp luật, về đổi mới quản lý kinh tế, đổi mới công tác cán bộ... được công bố trong Trường Chinh tuyển tập, tập III, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành năm 2009 và trong tác phẩm Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại (1987). Về văn hóa, ông thể hiện sự uyên bác và tầm cao trí tuệ qua các tác phẩm: Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943), Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (1948). Trên lĩnh vực báo chí, ông là nhà báo chiến sĩ, tác giả của hàng trăm bài báo có tính chiến đấu, tính thuyết phục và cổ vũ rất cao đăng trên các báo Cờ giải phóng, Cứu quốc, Sự thật, Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản... Về văn học, nghệ thuật, ông vừa là nhà lý luận văn nghệ, vừa là nhà thơ cách mạng, tác giả của nhiều bài thơ tràn đầy cảm hứng anh hùng ca và chứa chan tinh thần nhân văn cộng sản được tuyển chọn trong hai tập Thơ Sóng Hồng (tập 1, năm 1960; tập 2, năm 1974)...
Trí tuệ Trường Chinh là trí tuệ tổng hợp của một nhà cách mạng lớn. Tri thức của ông không chỉ là tri thức sách vở được tích lũy từ thuở thiếu thời trong một gia đình có truyền thống Nho học, trong những năm tháng học tập tại trường Thành Chung (Nam Định), trường Cao đẳng Thương mại (Hà Nội), mà còn là tri thức được ông chắt lọc, đúc kết từ quá trình kiên trì nghiên cứu lý luận cách mạng, nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc, nhân loại... ngay cả trong nhà tù đế quốc; là tri thức ông học hỏi từ đồng chí, từ nhân dân và kiểm nghiệm, tổng kết từ thực tiễn hoạt động cách mạng vô cùng sôi động, phong phú. Chính vì vậy, trong các tác phẩm của ông vừa có sự lấp lánh của tri thức tinh hoa, bác học, vừa đầy ắp, sống động những chất liệu, ý tưởng bắt nguồn từ đời sống.
Trí tuệ Trường Chinh là trí tuệ hướng đích, sáng tạo, nhập thế và cống hiến. Trí tuệ của ông không phải là trí tuệ khoa cử, trí tuệ kinh viện. Ông suy nghĩ, nói và viết không theo lối hàn lâm, bác học mà nghĩ, nói, viết vì nhu cầu cứu dân, cứu nước khỏi ách áp bức, nô lệ: “Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ/Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền”; vì nhu cầu dựng nước, giữ nước khi Tổ quốc đã được độc lập, tự do. Trí tuệ của ông là trí tuệ sáng tạo, viết và nói nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cách mạng vốn rất đa dạng và luôn vận động. Ông luôn lấy thực tiễn, kết quả thực tiễn làm điểm xuất phát và là thước đo giá trị sáng tạo, do vậy, trí tuệ của ông không khép kín, mà là trí tuệ mở, luôn cập nhật và mới mẻ. Trí tuệ của ông không đóng khung trong không gian nhỏ hẹp như một bảo vật để trưng bày, chiêm ngưỡng mà là trí tuệ được đưa vào ứng dụng ngay trong công cuộc đấu tranh, lao động, sáng tạo với mục tiêu nhất quán: phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Là nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà báo, nhà thơ..., Trường Chinh là sự thể hiện vô cùng sinh động về lương tâm, trí tuệ, tình cảm cách mạng cao đẹp và văn hóa của người chiến sĩ cách mạng, một nhà lãnh đạo cộng sản suốt đời phấn đấu theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là nhà lãnh đạo chính trị cộng sản, ông luôn đứng ở tầm cao văn hóa của dân tộc và nhân loại để suy nghĩ và sáng tạo2.
Trường Chinh - một tài năng lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam
Với tư cách và trách nhiệm là người ba lần giữ trọng trách Tổng Bí thư của Đảng, Trường Chinh đã thể hiện xuất sắc tài năng lãnh đạo của người đứng mũi chịu sào vào những thời điểm quan trọng có ý nghĩa bước ngoặt của cách mạng nước ta. Ông đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để chủ trì cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoạch định và lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối chiến lược, chiến thuật của Đảng.
Trường Chinh - nhà thiết kế tài tình đường lối cách mạng của Đảng theo ngọn cờ chiến thắng Hồ Chí Minh. Nghiên cứu các tác phẩm của Trường Chinh, có thể thấy rõ sự cống hiến quan trọng, nổi bật của ông trong việc xây dựng đường lối cách mạng của Đảng trong quá trình chuẩn bị, tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong quá trình chuẩn bị, khởi xướng đường lối đổi mới - những giai đoạn lịch sử ông chịu trách nhiệm trước Đảng với cương vị là Tổng Bí thư. Các bài viết, bài nói của Tổng Bí thư Trường Chinh là sự cụ thể hóa tư tưởng chiến lược của Hồ Chí Minh, vừa cung cấp những luận cứ chủ yếu cho việc hình thành đường lối của Đảng, vừa định hướng những vấn đề cốt lõi của đường lối. Tài năng kiệt xuất của Trường Chinh trong thiết kế đường lối cách mạng thể hiện trước hết ở năng lực phân tích, nắm bắt, dự báo thực tiễn. Ông luôn bám sát thực tiễn, vận dụng phương pháp luận mácxít và bằng nhãn quan chính trị sáng suốt, phát hiện chính xác những mâu thuẫn, những đòi hỏi khách quan cấp thiết của thực tiễn; dự báo khoa học xu thế vận động của thực tiễn, xác định đúng thời cơ, đưa ra những định hướng, quyết sách đúng đắn để biến thời cơ thành hiện thực.
Vào đầu năm 1945, sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 09/3 đã tạo ra tình thế cách mạng mới. Chính ở thời điểm đó, Trường Chinh đã đưa ra nhận định chuẩn xác: “Cả Đông Dương như một cánh đồng cỏ khô; tàn lửa cách mạng động rơi vào đâu cũng có thể bốc cháy”3. Trên cơ sở nhận định đó, ông nhấn mạnh: “Phải hy sinh, phấn đấu. Phải kiên quyết, tích cực. Bỏ lỡ cơ hội là một tội ác. Phải sẵn sàng đón lấy thời cơ và chuẩn bị đủ điều kiện tóm lấy nó”4. Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta do ông soạn thảo và những bài viết của ông trên báo Cờ giải phóng thể hiện tư tưởng chỉ đạo đúng đắn của Đảng, thổi bùng lên cao trào chống Nhật, cứu nước, đưa cao trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ, mà đỉnh cao là Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước Tháng Tám năm 1945.
Cuối năm 1946, thực dân Pháp bộc lộ rõ dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào, chiến sĩ cả nước đã anh dũng đứng lên, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Trong những ngày đầu kháng chiến ác liệt đó, Tổng Bí thư Trường Chinh vừa cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân triển khai thế trận đánh giặc, vừa soạn thảo Chỉ thị Toàn dân kháng chiến và viết hàng loạt bài đăng trên báo Sự thật, sau đó tổng hợp lại thành tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi (1947) cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Tác phẩm của ông thể hiện sâu sắc đường lối kháng chiến, kiến quốc của Đảng, có ý nghĩa quan trọng trong việc thống nhất, hướng dẫn tư tưởng, hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Đúng như đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Bác Hồ là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng đề ra đường lối cụ thể, chỉ đạo cụ thể về lý luận với cuốn Kháng chiến nhất định thắng lợi, là do anh Trường Chinh”5.
Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, trong bối cảnh đất nước đang lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, sau đó là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều bài phát biểu quan trọng tại các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hội nghị Bộ Chính trị khóa IV, khóa V, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng... Ông phân tích sâu sắc tình hình đất nước, phát hiện những mâu thuẫn trên con đường phát triển, những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, từ đó nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới: “Đối với nước ta, đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn”6; “Yêu cầu đó vừa là đòi hỏi bên trong của nền kinh tế nước ta, vừa phù hợp với xu thế đổi mới của thời đại. Chỉ có đổi mới cách nghĩ, cách làm, đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ, chúng ta mới có khả năng thoát khỏi tình hình khó khăn gay gắt hiện nay”7. Tư tưởng của ông đã đặt nền móng cho tiến trình đổi mới ở Việt Nam. Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã vinh danh ông là “Tổng Bí thư của đổi mới”8.
Là nhà lý luận thông tuệ, Trường Chinh, với những tác phẩm xuất sắc của mình còn góp phần quan trọng cho việc hình thành đường lối của Đảng về văn hóa, văn nghệ, báo chí; về xây dựng Nhà nước, Mặt trận Dân tộc thống nhất; về tổ chức - cán bộ... Tác phẩm Bàn về cách mạng Việt Nam chính là bản báo cáo “hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội”, do ông trình bày tại Đại hội lần thứ II của Đảng, năm 1951. Cuối đời, theo phân công của Đảng, ông đóng vai trò chủ chốt dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chuẩn bị trình Đại hội lần thứ VII của Đảng. Với tài năng xuất chúng, Trường Chinh thật sự là một nhà tư tưởng, lý luận tầm chiến lược, có cống hiến quan trọng vào quá trình xây dựng, phát triển đường lối cách mạng của Đảng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trường Chinh - kiến trúc sư tài ba, góp phần trực tiếp tạo nên những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam. Cùng với việc thực hiện vai trò chính trong hoạch định đường lối, chủ trương cách mạng, với cương vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Trường Chinh là người chịu trách nhiệm trước hết trong việc lãnh đạo hiện thực hóa đường lối của Đảng. Ở ông, hoạch định đường lối và lãnh đạo tổ chức thực hiện đường lối là hai công việc hệ trọng luôn được tiến hành đồng thời, bổ trợ cho nhau vì mục tiêu nhất quán phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân theo phương châm Hồ Chí Minh: lý luận gắn với thực tiễn; lấy lý luận soi sáng hoạt động thực tiễn, lấy thực tiễn nâng tầm và mài sắc lý luận. Thông qua hoạt động thực tiễn, ông đã thể hiện tài năng vượt trội của một nhà tổ chức và kiến tạo hiện thực.
Trong quá trình chuẩn bị, tiến hành Cách mạng Tháng Tám, ông luôn theo sát phong trào cách mạng, chỉ đạo quá trình chuyển hướng chiến lược theo quyết định sáng suốt của Hồ Chí Minh, chỉ đạo việc xây dựng Mặt trận Việt Minh, thành lập lực lượng vũ trang cách mạng, xây dựng căn cứ địa và an toàn khu, tiến hành chiến tranh du kích, thúc đẩy phong trào kháng Nhật, cứu nước. Khi thời cơ chín muồi, thay mặt Đảng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, ngày 13/8/1945, Tổng Bí thư Trường Chinh ký Quân lệnh số 19, hạ lệnh tổng khởi nghĩa, mở đầu cuộc quật khởi vĩ đại giành chính quyền của nhân dân Việt Nam trên phạm vi cả nước, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do của dân tộc. Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, với cương vị Tổng Bí thư của Đảng, Trường Chinh nắm chắc diễn biến trên các chiến trường; chỉ đạo sát sao cuộc đấu tranh ở vùng địch tạm chiếm, phong trào chiến tranh du kích, phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, văn hóa kháng chiến, kiến quốc... Ông cùng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị theo sát, thường xuyên chỉ đạo, quyết định những chiến dịch quân sự quan trọng, đưa cuộc kháng chiến phát triển vững chắc, chuyển từ thế phòng ngự chiến lược sang phản công cục bộ, tiến tới tổng tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đưa cách mạng Việt Nam phát triển sang thời kỳ chiến lược mới. Thực tế lịch sử đã khẳng định, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, Trường Chinh có vai trò nổi bật, “là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng”10. Trong cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn của Đảng, của dân tộc, và học trò xuất sắc của Người - Tổng Bí thư Trường Chinh chính là bàn tay điều khiển, chỉ huy sự nghiệp cách mạng, kháng chiến11.
Những năm tháng cả nước tiến hành kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, xây dựng hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, thống nhất nước nhà, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, ở những cương vị khác nhau (Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Tổng Bí thư, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng), Trường Chinh đã làm hết sức mình, đóng góp vào sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị trong chỉ đạo chiến tranh cách mạng ở miền Nam; khôi phục, phát triển kinh tế ở miền Bắc; củng cố, tăng cường hệ thống chính trị; mở rộng mặt trận ngoại giao; thống nhất đất nước... Đặc biệt, để đưa đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách sau chiến tranh, dù tuổi đã cao và bộn bề trăm công nghìn việc, từ năm 1983 đến năm 1985, ông đã dành thời gian trực tiếp khảo sát thực tế ở 20 tỉnh, thành phố trong cả nước, quan sát tình hình, lắng nghe, trao đổi, đối thoại với cán bộ, đảng viên, người lao động, nắm bắt nhu cầu của thực tiễn, nguyện vọng của nhân dân, trên cơ sở đó củng cố quyết tâm, hình thành tư duy, đưa ra quyết sách đổi mới. Tên tuổi của ông gắn liền với sự nghiệp đổi mới với tư cách một "kiến trúc sư" tài danh.
Trường Chinh - một phong cách lãnh đạo mẫu mực
Trong nghiên cứu lý luận, hoạch định đường lối cách mạng cũng như trong chỉ đạo thực tiễn, Trường Chinh là tấm gương sáng ngời về phong cách lãnh đạo - phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt tư tưởng... Phong cách Trường Chinh được hình thành trên nền tảng vững chắc của những nguyên lý cách mạng - khoa học. Đó là phong cách của một nhà lãnh đạo hết lòng tin tưởng, gắn bó với nhân dân, “sức mạnh của một nước, của cách mạng chính là ở nhân dân”12; là phong cách của một người luôn tôn trọng quy luật khách quan, bởi “tôn trọng quy luật khách quan, vận dụng đúng đắn, hành động theo quy luật chính là cách đi lên chủ nghĩa xã hội đúng nhất và nhanh nhất, không có con đường nào khác... Làm đúng quy luật chính là hợp với lòng dân, hợp với xu thế đi lên của đất nước và của thời đại”13. Phong cách Trường Chinh là phong cách của người kiên định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Với ông, trước sau “nhất thiết phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng”14.
Với phong cách được hình thành và định hình trên nền tảng vững chãi của những nguyên lý cơ bản đó, Trường Chinh trong cảm nhận của đồng chí, đồng bào, là một nhà lãnh đạo kiên định, cương nghị, nghiêm túc, cẩn trọng, kỹ lưỡng. Ông nhìn xa, trông rộng, nhưng cẩn trọng đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Điều cao cả và đáng khâm phục nhất ở Trường Chinh chính là kiên định nhưng không bảo thủ, cương nghị nhưng không cứng nhắc, cẩn trọng nhưng không khuôn sáo, luôn xuất phát từ quy luật khách quan, từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân, từ sự mách bảo của cuộc sống mà tự điều chỉnh, không ngừng làm mới mình vì đất nước, vì cách mạng. Ông là tấm gương sáng về đổi mới tư duy, đổi mới phong cách ở thời điểm có tính bước ngoặt, mở ra rộng lớn chân trời đổi mới.
1. Trường Chinh - Một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002; Tổng Bí thư Trường Chinh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007; Trường Chinh tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007; Trường Chinh - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Nam Định, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017;...
2. Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Trường Chinh tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 683-684, 696.
3, 4. Trường Chinh: Tuyển tập, tập I (1937-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 208.
5, 8. Trường Chinh - Một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 31, 36.
6. Trường Chinh: Tuyển tập, tập III (1976-1986), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 1403.
7. Trường Chinh: Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 66.
9. Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t. 2, tr. 978-979.
10. Báo Nhân Dân, ngày 06/10/1988.
11 Báo Cứu quốc, ngày 23/3/1951.
12. Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Trường Chinh tiểu sử, Sđd, tr. 690.
13. Trường Chinh: Tuyển tập, tập III (1976-1986), Sđd, tr. 1158.
14. Trường Chinh: Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại, Sđd, tr.18.
GS.TS. Phùng Hữu Phú
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương,
Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương