Triết lý nhân văn quân sự trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Nguyễn Thu Hằng

CT&PT - Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có bài viết, bài nói nào trực tiếp bàn về tư tưởng nhân văn nói chung, tư tưởng nhân văn quân sự nói riêng, song toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng, thân thế, sự nghiệp và các tác phẩm Người để lại cho Đảng và nhân dân ta đã toát lên chủ nghĩa nhân văn sâu sắc. Trong đó, tư tưởng nhân văn quân sự của Người chiếm vị trí đặc biệt quan trọng.

1. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề tổ chức và hoạt động quân sự không chỉ được thể hiện và luận giải về mặt lý luận trong các tác phẩm, bài viết, bài nói, mà còn được giải quyết về mặt thực tiễn trong quá trình hoạt động cách mạng vì sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng dân tộc và giai cấp. Vì thế, triết lý quân sự Hồ Chí Minh đã thấm đậm triết lý nhân văn, nhân đạo rất sâu sắc.

Triết lý quân sự Hồ Chí Minh là bộ phận quan trọng trong triết lý cách mạng của Người. Triết lý đó được hình thành phát triển trong quá trình giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa đường lối cách mạng và phương pháp cách mạng, xuất phát từ đặc điểm nổi bật của cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh cách mạng. Triết lý quân sự Hồ Chí Minh có nội dung đa dạng và phong phú, bao trùm nhiều lĩnh vực hoạt động quân sự và đấu tranh vũ trang. Triết lý nhân văn quân sự Hồ Chí Minh phản ánh bản chất, tính chất của triết lý quân sự đó. Nó cần được xem xét như là một bộ phận của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, tư tưởng quân sự Việt Nam trong thời đại mới. Đó là triết lý phản ánh bản chất nhân văn, nhân đạo của khởi nghĩa vũ trang, tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc, chống xâm lược, bảo vệ đất nước do Người và Đảng ta lãnh đạo. Nghiên cứu triết lý quân sự Hồ Chí Minh nhất thiết phải nghiên cứu triết lý nhân văn quân sự của Người; đồng thời, nghiên cứu triết lý nhân văn quân sự Hồ Chí Minh phải đặt trong tổng thể tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và tư tưởng quân sự Việt Nam thời đại mới trong mối quan hệ thống nhất, không tách rời. Tuy nhiên, triết lý nhân văn quân sự Hồ Chí Minh mang tính độc lập tương đối trong hệ thống tư tưởng của Người, phản ánh bản chất, tính chất nhân văn trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, bao gồm giải phóng, bảo vệ, xây dựng con người. Nói một cách cụ thể, đó là tư tưởng về những hoạt động quân sự vì con người, do con người, trực tiếp hướng tới phục vụ nhân dân, giải phóng nhân dân, giải phóng dân tộc và giai cấp.

2. Triết lý nhân văn quân sự Hồ Chí Minh là kết quả hoạt động tư duy và thực tiễn của Người trong điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước và thế giới. Hồ Chí Minh đã tiếp thu, vận dụng sáng tạo di sản tư tưởng, triết lý nhân văn quân sự của dân tộc, tinh hoa quân sự của nhân loại, trong đó đặc biệt là lý luận quân sự Mác - Lênin. Đó là những yếu tố cơ bản, nguồn gốc quyết định sự ra đời và phát triển triết lý nhân văn quân sự Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở cách tiếp cận nêu trên, đặt trong chỉnh thể thống nhất với tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng quân sự của Người nói riêng, có thể quan niệm: Triết lý nhân văn quân sự Hồ Chí Minh là bộ phận của triết lý quân sự Hồ Chí Minh, phản ánh bản chất, tính chất nhân văn của tổ chức và hoạt động quân sự Việt Nam trong thời đại mới, bao gồm hệ thống các quan điểm, luận điểm của Hồ Chí Minh về mục tiêu, tính chất, nhiệm vụ, lực lượng, sức mạnh, phương thức tổ chức và hoạt động quân sự vì con người, vì nhân dân, đặc biệt là về tổ chức lực lượng vũ trang và tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở tư tưởng của đường lối, triết lý quân sự và các hoạt động quân sự của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nội hàm triết lý nhân văn quân sự Hồ Chí Minh thấm đượm giá trị nhân văn, nhân đạo; phản ánh tư tưởng và triết lý nhân văn cao cả của một vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới đã phấn đấu hy sinh không mệt mỏi, cống hiến cả cuộc đời vì sự nghiệp giải phóng con người, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho con người, vì giải phóng dân tộc và giai cấp.

3. Bản chất triết lý nhân văn quân sự Hồ Chí Minh nói một cách khái quát và chung nhất là vì con người, giải phóng con người, đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho con người. Đây là vấn đề gốc rễ quy định mục tiêu, tính chất, động lực, sức mạnh, phương thức và nghệ thuật tiến hành, cũng như việc giải quyết các mối quan hệ trong mọi tổ chức và hoạt động quân sự Việt Nam thời đại mới. Bản chất đó biểu hiện cụ thể trên nhiều lát cắt, góc độ điều kiện khác nhau trong một lĩnh vực đặc thù là lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc:

Thứ nhất, tổ chức và hoạt động quân sự vì sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng nhân dân lao động, giải phóng dân tộc và giai cấp. Bản chất, tính chất nhân đạo, nhân văn, vì con người, dân tộc, giai cấp và nhân dân trong tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh được biểu hiện trên các phương diện: mục đích khởi nghĩa, chiến tranh cách mạng, kháng chiến chống xâm lược; xây dựng, phát huy sức mạnh bạo lực, sức mạnh chiến tranh nhân dân; thực hiện phương thức hoạt động quân sự, phương thức tác chiến; quan hệ với đối phương, với quân nhân và nhân dân đối phương.

Xuất phát điểm, động lực và mục tiêu hướng tới của mọi hoạt động quân sự chính là tiến hành chiến tranh, đều là vì sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng nhân dân lao động, giải phóng dân tộc và giai cấp. Đó là vấn đề cốt lõi trong bản chất triết lý nhân văn quân sự Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nói đến tổ chức và hoạt động quân sự, tiến hành chiến tranh là phải bàn đến vấn đề con người, giải phóng con người, giải phóng nhân dân lao động. Người đặt sự nghiệp giải phóng con người trong mối quan hệ với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp; giải phóng dân tộc, giai cấp cũng chính là giải phóng con người, giải phóng những con người bị “đọa đầy đau khổ”. Vì thế, trước hết và trực tiếp, theo Hồ Chí Minh, hoạt động quân sự phải hướng vào phá bỏ gông xiềng nô dịch, áp bức, bóc lột trói buộc nhân dân lao động; phải giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân lao động.

Trong sử dụng bạo lực, Người khẳng định: “... chúng tôi quyết dùng súng, đạn, gươm, dao để đạp đổ sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, “giành lại độc lập tự do cho Việt Nam”1. Khi buộc phải tiến hành chiến tranh chống xâm lược, Hồ Chí Minh nhấn mạnh tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến của nhân dân ta: “Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước”2. Hai luận điểm về hai hoạt động quân sự cơ bản đó thể hiện rất rõ tư tưởng bạo lực, mà bản chất là bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân; tư tưởng chiến tranh nhân dân mang đậm tính nhân văn, nhân đạo, vì độc lập tự do, hạnh phúc của nhân dân - những giá trị cốt lõi trong triết lý nhân văn quân sự Hồ Chí Minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Quân đội nhân dân là sự thể hiện sâu sắc bản chất nhân văn trong tổ chức và hoạt động quân sự Việt Nam. Hay nói cách khác, bản chất tư tưởng và triết lý nhân văn quân sự Hồ Chí Minh được thể hiện cụ thể và sâu sắc ở tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của quân đội do Người tổ chức và lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện quân đội ta, một quân đội mang bản chất, tính chất, đặc điểm của quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, đ­ược nhân dân kính trọng suy tôn là “Bộ đội Cụ Hồ”. Với khát vọng giải phóng và yêu nước thiết tha của nhân dân thì sự ra đời của quân đội nhân dân, tổ chức vũ trang cách mạng của nhân dân là một tất yếu khách quan. Do đó, sứ mệnh lịch sử vẻ vang và trọng trách lớn lao của quân đội là cùng toàn dân đấu tranh chống thực dân, phong kiến giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc. Do đó, Quân đội nhân dân Việt Nam - “Bộ đội Cụ Hồ” đã vượt ra ngoài quan niệm thông thường là một công cụ bạo lực có vũ trang của một giai cấp, nhà nước nhất định trở thành đứa con của dân tộc và giai cấp hội tụ những giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.

Thứ hai, quan tâm đến con người trong lĩnh vực quân sự, những cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang. Bản chất triết lý nhân văn quân sự Hồ Chí Minh còn thể hiện sâu sắc ở hệ thống quan điểm, luận điểm của Người về con người trong lĩnh vực quân sự; ở sự quan tâm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng con người trong tổ chức và hoạt động quân sự. Chiến tranh là hiện tượng lịch sử xã hội do con người tiến hành; vai trò con người trong hoạt động quân sự và đấu tranh vũ trang luôn là vấn đề mà các nhà nghiên cứu lý luận quân sự quan tâm giải quyết. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vai trò con người, thường xuyên quan tâm đến con người trong hoạt động quân sự, từ tổng tư lệnh đến từng chiến sĩ. Người xác định những yêu cầu về phẩm chất của người hoạt động trong lĩnh vực quân sự và đấu tranh vũ trang đó là những con người có phẩm chất toàn diện, phù hợp với đặc điểm hoạt động quân sự, như: chính trị, tinh thần, ý chí, kỹ năng quân sự, kỹ thuật, chiến thuật, sức khỏe, kỷ luật... Trong đó, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh phẩm chất chính trị tinh thần; đồng thời, yêu cầu các phẩm chất của con người trong lĩnh vực quân sự đều phải được thể hiện ở hành động cách mạng cụ thể, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Hồ Chí Minh nêu rõ: “Vẻ vang thay! Cái nhiệm vụ của anh em. Ăn gió nằm sương, xung phong hãm trận, các anh em không quản gian lao. Máu trôi lửa cháy, mưa đạn rừng bom. Các anh em không quản nguy hiểm. Các anh em chỉ biết đua nhau đánh giặc”3. Người yêu cầu: “ Phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của binh sĩ, phải coi binh sĩ như anh em ruột thịt của mình”; “Đối với chiến sĩ, phải săn sóc họ, làm sao cho họ đủ ăn, đủ mặc, đủ súng, đủ thuốc... phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sĩ”4. Đó là quan điểm quần chúng, là lập trường giai cấp5.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội, quan tâm đến đời sống của những người “chỉ biết đua nhau đánh giặc” không chỉ nhằm bảo đảm sức chiến đấu của quân đội, càng không phải là sự ban ơn đối với bộ đội, mà là thể hiện quan điểm, lập trường giai cấp rõ ràng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với quân đội. Vì thế, trong khi động viên bộ đội khắc phục khó khăn, gian khổ, quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, Người luôn nhắc nhở cán bộ các cấp phải quan tâm đến chiến sĩ, phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức chiến đấu nhất định của bộ đội, “không nên làm cho bộ đội hao mòn, mệt mỏi quá”6. Chiến tranh là có đổ máu, hy sinh. Nhưng, không phải vì thế mà “lạm dụng” sự hy sinh ấy, mà phải cố gắng giành thắng lợi lớn nhất, tổn thất ở mức thấp nhất. Tư tưởng này thấm đượm tính nhân văn cao cả của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người Cha già kính yêu của lực lượng vũ trang nhân dân; có giá trị to lớn trong chỉ đạo nghệ thuật tiến hành chiến tranh, nghệ thuật sử dụng lực lượng trong đấu tranh vũ trang, tiến hành chiến tranh.

Triết lý nhân văn quân sự trong tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ rõ, tổ chức, hoạt động và thực hiện các nhiệm vụ quân sự không phải là mục đích tự thân, mà là phải phục vụ sự nghiệp cách mạng của nhân dân và dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày nay, triết lý đó của Người không chỉ là phương châm chỉ đạo việc hoạch định và thực hiện chiến lược quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng và Nhà nước ta, mà còn là những chỉ dẫn quan trọng đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội trong hoạt động thực tiễn của mình.


1, 2, 3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 478; t. 4, tr. 30; t. 5, tr. 51; t. 7, tr. 433.

5, 6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 132, 29.

Thượng tá ĐẶNG CÔNG THÀNH

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin