Tôn giáo với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Bảo vệ môi trường, chủ động, tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) là những vấn đề quan trọng, quyết định sự phát triển của đất nước cũng như tương lai phồn thịnh và hạnh phúc của dân tộc. Đó cũng là mục tiêu mà nhiều tôn giáo ở Việt Nam đã và đang hướng đến. Phân tích vai trò của tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường không chỉ dừng lại ở phạm vi biểu hiện của tôn giáo mà cần mở rộng ra phạm vi của đạo đức tôn giáo và văn hóa tôn giáo. 

Tóm tắt: Bảo vệ môi trường, chủ động, tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) là những vấn đề quan trọng, quyết định sự phát triển của đất nước cũng như tương lai phồn thịnh và hạnh phúc của dân tộc. Đó cũng là mục tiêu mà nhiều tôn giáo ở Việt Nam đã và đang hướng đến. Phân tích vai trò của tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường không chỉ dừng lại ở phạm vi biểu hiện của tôn giáo mà cần mở rộng ra phạm vi của đạo đức tôn giáo và văn hóa tôn giáo. 
Từ khóa: tôn giáo, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH
Cam kết chung của các tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH

Ngày 03/12/2015, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Thành công lớn của Hội nghị là bản Cam kết của các tổ chức tôn giáo Việt Nam về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu1. Bản cam kết gồm bốn nội dung: Một là, cam kết nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH; triển khai nhiều giải pháp tích cực, các hoạt động cụ thể, thiết thực để góp phần thay đổi hành vi của cộng đồng và xã hội trong bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Với mục tiêu đó, giáo dục bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH sẽ được đưa vào sinh hoạt của các cộng đồng tôn giáo. Hai là, các tôn giáo tích cực tham gia các chương trình hành động bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH; tăng cường xây dựng năng lực tự ứng phó và giúp đỡ nhau cùng ứng phó giữa các cộng đồng tôn giáo, giữa người có tôn giáo và người không có tôn giáo khi xảy ra rủi ro, thiên tai. Ba là, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan tài nguyên- môi trường và cơ quan chức năng các cấp để vận động thực hiện và giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan nhằm bảo đảm hiệu quả thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và Chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH. Bốn là, khuyến khích các hoạt động từ thiện, giữ gìn và thân thiện với môi trường của chức sắc, tín đồ và người dân; kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ với những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, bão, lũ. 
Bản cam kết là tiếng nói chung, thể hiện trách nhiệm xã hội của các tôn giáo đối với vấn đề chung của đất nước và nhân loại; thể hiện tinh thần nhập thế đi vào thực chất và mục tiêu sống tốt đời đẹp đạo. Nội dung bản cam kết cho thấy nhận thức của cộng đồng tôn giáo về những nguy cơ và tác hại của suy thoái môi trường và BĐKH đã, đang và sẽ diễn ra trên trái đất. Tinh thần đồng thuận, nhất trí cao và cam kết hành động của 40 tổ chức tôn giáo đại diện cho 14 tôn giáo Việt Nam thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các tôn giáo, giữa cộng đồng có tôn giáo và không có tôn giáo.
Điểm nhấn quan trọng trong cam kết của các tôn giáo Việt Nam về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH là một kế hoạch hành động rõ ràng, có lộ trình và cam kết về kết quả thực hiện. Theo chương trình phối hợp giữa các bên trong Hội nghị, đến năm 2020, bảo đảm mỗi xã, phường, thị trấn ở nước ta sẽ xây dựng được ít nhất một mô hình cộng đồng tôn giáo thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó, việc giám sát Luật Bảo vệ môi trường cũng sẽ được thực hiện trong suốt quá trình. Như vậy, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam thực hiện vai trò quan trọng như một tổ chức xã hội, đó là giám sát, phản biện chính sách ở cơ sở.
Quá trình thực hành tôn giáo của các chức sắc, tín đồ trong sinh hoạt và sản xuất
Thông điệp về bảo vệ môi trường “Laudato Si’” được Giáo hoàng Phanxicô ban hành ngày 17/6/2015 tại Vatican đã lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến phong trào bảo vệ môi trường của cộng đồng Công giáo Việt Nam. Sự lan tỏa đó không chỉ được thể hiện bằng những hành động đơn lẻ tại các giáo xứ, giáo phận, dòng tu mà còn trở thành một chủ trương chung trong cộng đồng Công giáo. Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn trong Thư Mục từ Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh năm 2009 nhấn mạnh: “bổn phận người Kitô hữu còn là tôn trọng, gìn giữ bảo vệ môi trường. Nếu anh chị em là những người đầu tư vào công việc sản xuất, anh chị em cần quan tâm đến tác động của việc sản xuất đối với môi trường. Dù không phải là nhà sản xuất, mỗi người đều phải biết bảo vệ và giữ gìn môi trường sống của mình và của mọi người, bằng những hành động cụ thể trong đời sống thường ngày, như không xả rác nơi công cộng, không làm mất vệ sinh trong khu xóm... Đối với các Kitô hữu, gìn giữ, bảo vệ, chăm sóc môi trường thiên nhiên không chỉ là một trách nhiệm xã hội mà còn là đòi hỏi của niềm tin, là một nghĩa vụ cao cả, vì lẽ ta được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng”2. Bằng những hành động cụ thể, các Giáo hoàng đã thực sự trở thành những người đi đầu trong công tác giáo dục, tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức cho giáo dân trong bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Có thể kể đến lớp tập huấn “Nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu” do Tòa Giám mục Bùi Chu (Nam Định) phối hợp với Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam tổ chức ngày 31/7/2015 với mục tiêu nâng cao kiến thức cho người dân, đào tạo tình nguyện viên truyền thông trong lĩnh vực bảo vệ môi trường3... 
Nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo vệ môi trường thông qua truyền giảng, giáo dục cũng là phương pháp được tiến hành trong sinh hoạt tôn giáo của Phật giáo Nam tông (Phật giáo Theravada) của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các ngôi chùa của người Khmer Nam Bộ không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh mà còn là trường học để truyền thụ tri thức và dạy nghề, các vị sư trong chùa cũng đồng thời là những thầy giáo. Vào chùa để tu tập đã trở thành văn hóa của cộng đồng người Khmer. Hoạt động giáo dục và tu tập trong nhà chùa có tác động rất lớn đến việc điều chỉnh nhận thức, hành vi của các tín đồ. Nội dung được truyền dạy chủ yếu là chữ Sanskrit, chữ Pali, truyền thống văn hóa của người Khmer, học nghề... từ đó hình thành và củng cố niềm tin cho các Phật tử. Việc giảng dạy trong các ngôi chùa của Phật giáo Nam tông còn chú trọng giáo dục, phát triển tư tưởng dung hòa giữa tự nhiên và con người - điểm then chốt trong tư tưởng bảo vệ môi trường của cộng đồng người Khmer Nam Bộ. Vì vậy, đã có nghiên cứu so sánh, đánh giá tư tưởng sinh thái của Phật giáo Nam tông như một ví dụ sinh động cho vấn đề Sinh thái học tâm linh (Spiritual Ecology) - một chuyên ngành khoa học quan tâm đến mối quan hệ giữa tôn giáo, tín ngưỡng và môi trường xuất hiện từ những năm 19904.
Đối với cộng đồng các tín đồ tôn giáo, quá trình thâm nhập, ảnh hưởng của yếu tố tôn giáo đến đạo đức, văn hóa diễn ra thông qua hoạt động sinh hoạt và sản xuất hằng ngày. Vì vậy, cuộc sống hiện thực của họ chính là chất liệu phong phú để minh họa sinh động cho niềm tin và tín ngưỡng mà họ đang tin theo. Xét một cách tổng thể, cộng đồng có tôn giáo ở nước ta đã và đang duy trì khá tốt lối sống tiết kiệm, thân thiện với môi trường, chan hòa với thiên nhiên. Điều này xuất phát từ các tập tục, quy định và giáo lý tôn giáo của họ. Niềm tin tôn giáo giống như tôn chỉ trong cuộc sống, dẫn dắt và chi phối tín đồ làm việc thiện, việc nên làm, đồng thời tránh những điều ác, không nên làm. Đối với người Khmer Nam Bộ, Phật giáo Nam tông đã thật sự đi vào đời sống văn hóa của họ một cách tự nhiên, tạo ra nét đặc trưng văn hóa vùng miền và trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học nghiên cứu về ý nghĩa của văn hóa đối với việc bảo vệ môi trường hiện nay. Trên thực tế, “luật nhân quả đã được Phật giáo Nam tông áp dụng trong công tác truyền bá tư tưởng về lối sống cân bằng giữa con người với các loài vật và môi trường tự nhiên đã tạo nên sự phát triển bền vững cho nhiều vùng sinh thái xung quanh nhà chùa tại các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng”5
Quan trọng hơn, người Khmer đã thiêng hóa những yếu tố tự nhiên như đất đai, nguồn nước... để thể hiện sự kính trọng và biết ơn tự nhiên. Đối với người Khmer Nam Bộ, ba lễ hội lớn trong năm là Lễ vào năm mới (Chôl Chnăm Thmây), Lễ cúng ông bà (Đôn-ta), Lễ cúng trăng hay Lễ đút cốm dẹp (Ok Om Bok). Ba lễ hội này đều được tổ chức theo ngày Phật lịch, có sự pha trộn của các yếu tố tôn giáo. Đặc biệt, Lễ hội Ok Om Bok được xem là dịp để con người tạ ơn thiên nhiên đã giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu trong suốt một năm và cầu mong tiếp tục nhận được sự chở che, bảo hộ của thần trong năm tới. 
Qua lăng kính của tôn giáo, tự nhiên đối với người Khmer Nam Bộ không đơn thuần chỉ là đất đai để canh tác, nguồn nước để sinh hoạt, sản xuất, mà còn là hiện thân của thánh thần như: hồ nước thiêng (Baray) do rắn thần Naga canh giữ và ban phát cho con người, vì vậy người Khmer Nam Bộ chỉ dựng nhà trên mặt đất mà không làm chỗ cư trú ở đầu nguồn các dòng sông để tránh làm bẩn nguồn nước sinh hoạt của cộng đồng, xâm phạm đến thần linh; đất trong quan niệm của người Khmer là Mẹ Đất (Prah Thorni) canh giữ đất thiêng của những ngôi chùa, do đó người Khmer sống xung quanh chùa luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh, tránh vấy bẩn không gian linh thiêng6...
Trường hợp của Phật giáo Nam tông là một minh chứng điển hình về sự ảnh hưởng của tôn giáo đến văn hóa của con người trong việc bảo vệ môi trường, sống hài hòa với thiên nhiên. Ngày nay, khi đi sâu tìm hiểu Phật giáo (bao gồm các tông phái khác nhau ở nước ta), có thể thấy thêm nhiều khía cạnh có ý nghĩa tích cực với việc giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp. Tục ăn chay, không sát sinh của Phật giáo đã lan tỏa đến những người không theo tôn giáo. Họ thực hành không thuần túy vì niềm tin mà còn vì những căn cứ khoa học đã chứng minh ăn chay như một phương pháp giúp thanh lọc cơ thể, hữu ích đối với sức khỏe con người. Tương tự như vậy, quan niệm không đốt vàng mã của người Công giáo cũng nhận được sự hưởng ứng của nhiều người, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.
Từ những việc tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại cho thấy sự tác động của tôn giáo đến nhận thức, hành vi của con người không hề hạn hẹp. Tinh thần chung toát lên từ thực tiễn chính là tôn giáo có tác dụng định hướng hành vi của con người, góp phần xây dựng lối sống “xanh”, tiết kiệm, thân thiện với môi trường. Sự tác động của tôn giáo đến việc bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH không thể hiện ở những giải pháp trực tiếp mà xuất phát từ nền tảng văn hóa, đạo đức trong con người - yếu tố “phòng” chứ không phải “chống” đối với sự thay đổi môi trường hiện nay. Thực tế cho thấy, BĐKH kéo theo sự cố môi trường là hệ quả mà con người không thể chống lại. Khi đó, tiếp thu những giá trị tích cực của tôn giáo được xây dựng trong đạo đức, văn hóa, lối sống của người Việt được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu.
Có thể khẳng định, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH là trách nhiệm chung của cộng đồng, nhân loại. Để hạn chế thấp nhất những rủi ro từ sự cố môi trường và thiên tai gây ra cho con người, cần phải có biện pháp đồng bộ, tiến hành trên mọi lĩnh vực. Từ phương diện của tôn giáo, trên cơ sở xây dựng và củng cố niềm tin về mối tương giao giữa con người và tự nhiên, tôn giáo hướng con người tới thái độ tôn trọng và yêu quý môi trường sống. 
Hiện nay, tôn giáo chính là một kênh quan trọng để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào đời sống xã hội. Đối với công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH ở Việt Nam, đóng góp lớn nhất của tôn giáo chính là “định vị” niềm tin, lan tỏa đạo đức tôn giáo và làm phong phú thêm văn hóa dân tộc, đặc biệt là đạo đức và văn hóa ứng xử với môi trường, truyền thống sống hài hòa, yêu quý thiên nhiên của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Điều đó được minh chứng rõ nét bằng chính đời sống hiện thực của cộng đồng có tôn giáo ở nước ta. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cộng đồng có tôn giáo vẫn giữ được những tập tục riêng, ổn định và hữu ích đối với sự phát triển bền vững của địa phương và đất nước. 
1. Xem toàn văn bản Cam kết tại: http://btgcp.gov.vn.
2. Thư Mục từ Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh năm 2009.
3. Phương Liên: “Từ Tông thư về bảo vệ môi trường “Laudato Si” của Giáo hoàng Francis đến Thư mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2015”, Ban Tôn giáo Chính phủ, (http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/9493/Tu_Tong_thu_ve_bao_ve_moi_truong_Laudato_Si_cua_Giao_hoang_Francis_den_Thu_muc_vu_cua_Hoi_dong_Giam).
4, 5.  Phan Anh Tú: “Bảo vệ môi trường tự nhiên của người Khmer Nam Bộ nhìn từ quan điểm sinh thái học Phật giáo Theravada (phần 1)”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phân ban Thông tin truyền thông, Phật giáo Nam tông Khmer (http://phatgiaonamtongkhmer.org/bao-ve-moi-truong-tu-nhien-cua-nguoi-khmer-nam-bo-nhin-tu-quan-diem-sinh-thai-hoc-phat-giao-theravada--phan-1--a-187.aspx).
6. Phan Anh Tú: “Ứng xử với môi trường tự nhiên của người Khmer ở Nam Bộ: Nhìn từ sinh thái học Phật giáo”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, 2014, số 5, tr. 61-69; Phan Thị Yến Tuyết: “Tâm thức ứng xử với biển của người Khmer Nam Bộ qua lễ hội phước biển (Chrôi Rumchek) - Tiếp cận sinh thái văn hóa”, Tạp chí Khoa học xã hội, 2012, số 4, tr. 54-60.

Phạm Thị Hường - Nguyễn Việt Cường

Viện Triết học
 

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin