CT&PT - Xuất bản số và kết nối thông minh đang là xu hướng phát triển của ngành xuất bản, theo đó các nhà xuất bản truyền thống đang tích cực chuyển đổi sang mô hình xuất bản số. Đến nay, nền tảng thương mại điện tử đã hỗ trợ tích cực cho xu hướng xuất bản trực tuyến - vốn là xu thế đã và đang được định hình của ngành xuất bản thế giới. Vì vậy, thực hiện phân phối trực tuyến các xuất bản phẩm truyền thống, xuất bản phẩm số, quản lý số và xuất bản đa phương thức bằng các nguồn lực hiện có của nhà xuất bản… trên nền tảng thương mại điện tử trở thành yêu cầu quan trọng đối với sự phát triển của ngành xuất bản Việt Nam.
Thương mại điện tử ra đời dựa trên thành tựu của khoa học và công nghệ, đặc biệt là mạng máy tính và internet. Đến nay, thương mại điện tử đã trở thành phương tiện quan trọng, giúp các nhà xuất bản đạt được lợi thế trong cạnh tranh và phát triển. Hệ thống mạng internet là nền tảng hoạt động của nhà xuất bản trong tương lai gần, là công cụ hỗ trợ kỹ thuật, giúp các nhà xuất bản bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số. Trên nền tảng thương mại điện tử, nhà xuất bản xây dựng một thương hiệu hoàn toàn mới, bảo đảm phù hợp với môi trường và phương pháp làm việc mới. Sự tham gia của nhà xuất bản trên nền tảng thương mại điện tử trở thành “cửa sổ tự hiển thị” của nhà xuất bản trên môi trường internet. Có thể nói, đây là sự mở rộng cả về không gian và thời gian trong hoạt động kinh doanh truyền thống của các nhà xuất bản, theo đó, sự thay đổi phương thức kinh doanh, dịch vụ, cách vận hành… sẽ giúp các nhà xuất bản tiếp cận công chúng một cách nhanh chóng.
1. Khái quát hiện trạng thương mại điện tử của các nhà xuất bản ở Việt Nam hiện nay
Xuất bản số không dừng lại ở xuất bản ấn phẩm điện tử, mà phải thực hiện số hóa toàn bộ quá trình xuất bản và quản lý số xuất bản. Theo đồng chí Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản - In - Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số cần trải qua ba giai đoạn: một là, số hóa một số hoạt động mang tính kỹ thuật như: kế toán, bán hàng, quảng cáo…; hai là, ứng dụng công nghệ AR (Augmented Reality - Công nghệ thực tế ảo tăng cường), trí tuệ nhân tạo AI, Công nghệ IoT (Internet of things - Kết nối vạn vật) và BigData (Dữ liệu lớn) để tạo ra những sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ vào quy trình quản lý; ba là, chuyển đổi hoàn toàn từ nhà xuất bản truyền thống sang nhà xuất bản số.
Thực tế cho thấy, ngành xuất bản Việt Nam đang ở giai đoạn thứ nhất: chuyển đổi số, đánh dấu sự gia tăng số lượng nhà xuất bản Việt Nam bước đầu thực hiện số hóa hoạt động bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời, một số nhà xuất bản đã bắt đầu sản xuất sản phẩm số kết hợp với kinh doanh số. Tuy nhiên, quá trình số hóa không được tiến hành đồng nhất trong hệ thống xuất bản.
Hiện nay, Việt Nam có 59 nhà xuất bản, trong đó có 43 nhà xuất bản Trung ương, 16 nhà xuất bản địa phương. Một số nhà xuất bản đủ điều kiện cấp phép xuất bản điện tử theo quy định tại Luật Xuất bản năm 2012, như: Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông; Nhà xuất bản Tài nguyên, Môi trường và Bản đồ Việt Nam; Nhà xuất bản Trẻ; Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Để đánh giá mức độ số hóa ở giai đoạn 1, bài viết khảo sát trên ba nền tảng website thương mại điện tử B2C: website sàn thương mại điện tử trực truyến, website bán sách trực truyến của đơn vị phát hành, website kinh doanh của nhà xuất bản, từ đó bước đầu đánh giá hiện trạng thương mại điện tử của các nhà xuất bản.
Website sàn thương mại điện tử trực tuyến
Đây là hình thức của E-market place, gồm nhiều gian hàng đến từ các cá nhân, doanh nghiệp khác nhau. Sự ra đời của sàn giao dịch điện tử giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiết kiệm chi phí xây dựng website, tận dụng hệ thống thương mại khép kín (từ giới thiệu, bán hàng, thanh toán đến vận chuyển, đưa sản phẩm đến người dùng thông qua thao tác đăng ký và chấp nhận điều khoản mở gian hàng). Các sàn thương mại điện tử nổi tiếng, xuất hiện nhiều gian hàng kinh doanh xuất bản như Tiki, Shopee, Lazada (sàn giao dịch tổng hợp)… và sàn giao dịch sách trực tuyến book365.vn.
Book365.vn là sàn thương mại điện tử xuất bản do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tổ chức, nhằm tiếp tục duy trì hoạt động thường niên của ngành xuất bản, đó là - Hội sách Quốc gia, được tổ chức dưới hình thức trực tuyến; đồng thời, là kênh giao lưu, kinh doanh của các nhà xuất bản. Khảo sát đối với sàn giao dịch sách trực tuyến book365.vn cho thấy, có 67 đơn vị tham gia sàn giao dịch sách in, trong đó có 26/59 nhà xuất bản tham gia (chiếm tỷ lệ 44%) với 24 nhà xuất bản trực thuộc Trung ương, 2 nhà xuất bản địa phương; còn lại là các đơn vị tham gia sàn giao dịch sách điện tử.
Khảo sát tại website thương mại điện tử tiki.vn, có 20 đơn vị xuất bản, phát hành mở gian hàng kinh doanh, trong đó chỉ có hai nhà xuất bản mở gian hàng, đó là Nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Trẻ (chiếm tỷ lệ 3,4%).
Website thương mại điện tử của các đơn vị phát hành
So với các sàn thương mại điện tử trực truyến, website này ra đời sớm và hoạt động hiệu quả, tiêu biểu như vinabook.com, fahasha.com.
Vinabook.com là một trong những trang bán sách trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam, thuộc Công ty Cổ phần Thương Mại và Dịch vụ Mê Kông Com, hoạt động từ tháng 12/2004, cung cấp hơn 80.000 đầu sách đến từ 40 đơn vị xuất bản trong và ngoài nước, trong đó có 10 nhà xuất bản trong nước hợp tác thường xuyên. Vinabook có hệ thống phát hành sách ebook với thư viện lớn nhất hiện nay, dự kiến sẽ thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước, sẵn sàng đưa các xuất bản phẩm đến với đông đảo bạn đọc.
Fahasha.com là website bán hàng trực tuyến thuộc Công ty Cổ phần Phát hành sách Thành phố Hồ Chí Minh. Website này chuyên kinh doanh sách quốc văn, sách ngoại văn, văn hóa phẩm, văn phòng phẩm, dụng cụ học tập, quà lưu niệm, đồ chơi dành cho trẻ em… Ngoài ra, Fahasha còn kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm…
Theo kết quả khảo sát tại website fahasha.com, có 10 nhà xuất bản thường xuyên hợp tác phát hành cùng Fahasha. Trong đó, có một số nhà xuất bản kết nối thương mại điện tử như: Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Phụ nữ, Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Hội nhà văn, Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Thế giới.
Website thương mại điện tử của nhà xuất bản
Một website thương mại điện tử phải có đủ các nội dung và công cụ cơ bản để thực hiện giao dịch thương mại điện tử: catalog sản phẩm, giỏ hàng, kết nối thanh toán, giao hàng.
Hầu hết các nhà xuất bản hiện nay đều có website. Hiện trạng sử dụng website của các nhà xuất bản như sau:
- Nhóm website giới thiệu nhà xuất bản, không hỗ trợ cổng thanh toán trực tuyến, giao hàng.
- Nhóm website vận hành chức năng thương mại điện tử. Một số nhà xuất bản tiên phong trong vấn đề này là Nhà xuất bản Trẻ (Ybook.com), Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông (ebook365.vn), Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (websach.com), Nhà xuất bản Kim Đồng (nxbkimdong.com.vn, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (stbook.vn, sachsuthattphcm.com.vn).
Như vậy, thương mại điện tử của các nhà xuất bản về cơ bản là thương mại điện tử theo nghĩa hẹp, đang ở giai đoạn của các giao dịch điện tửvới nền tảng giao dịch chưa hoàn thiện. Đối với nhà xuất bản tự kinh doanh, đa phần các website xây dựng chỉ có chức năng tiếp thị cơ bản mà không có chức năng mua sách trực tuyến, thanh toán điện tử, cũng như các chức năng khác. Ở giai đoạn đầu của thương mại điện tử, các nhà xuất bản thực hiện các hoạt động kinh doanh: marketing, bán hàng, phân phối và thanh toán thông qua các phương tiện điện tử, nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh, gia tăng hiệu quả kinh doanh xuất bản phẩm. Để thực hiện kinh doanh thương mại điện tử, các nhà xuất bản/doanh nghiệp cần xây dựng mô hình kinh doanh; đặc biệt, các nhà xuất bản cần có trang web/gian hàng thương mại điện tử; sản phẩm truyền thống/sản phẩm số hóa, hệ thống thanh toán an toàn, hệ thống logictic - kho lưu trữ, vận chuyển, phân phối, bộ phận kinh doanh trực tuyến và chăm sóc khách hàng. Ở giai đoạn phát triển cao hơn, thương mại điện tử phải tích hợp hệ thống quản trị số hóa mọi công đoạn xuất bản.
Có thể nói, thương mại điện tử xuất bản ở Việt Nam còn khá mới mẻ, chưa đạt được trình độ phát triển như thương mại điện tử xuất bản trên thế giới. Vì vậy, để đẩy mạnh số hóa ngành xuất bản, việc hoàn thiện nền tảng thương mại điện tử là giai đoạn không thể thiếu, trên cở sở nghiên cứu và tiếp thu kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển.
2. Vấn đề đặt ra và giải pháp nhằm đẩy mạnh xây dựng nền tảng thương mại điện tử của các nhà xuất bản
Thương mại điện tử không đơn thuần chỉ là các giao dịch điện tử diễn ra trên môi trường internet. Hiểu một cách đầy đủ, thương mại điện tử là mô hình kinh doanh kết hợp mô hình quản lý với biện pháp công nghệ phù hợp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số của các nhà xuất bản trước hết tập trung hoàn thiện quá trình chuyển đổi thương mại truyền thống sang thương mại điện tử hiện đại trên cơ sở tiếp thu những thành tựu về công nghệ kinh doanh và công nghệ quản trị hiện đại.
Phát triển thương mại điện tử được coi là chiến lược thay đổi ngành công nghiệp xuất bản. Song, quá trình phát triển thương mại điện tử đang đứng trước một số vấn đề cần giải quyết, đó là: sự liên kết thông tin, dữ liệu giữa các bộ phận chức năng của nhà xuất bản, vấn đề quản trị chuỗi cung ứng, vấn đề quản trị khách hàng và vấn đề quản trị website thương mại điện tử. Đây là những vấn đề cốt lõi để hoàn thiện, phát triển thương mại điện tử, tạo cơ sở nền tảng cho chuyển đổi số.
Một là, vấn đề liên kết thông tin, dữ liệu giữa các bộ phận chức năng nhà xuất bản
Thương mại điện tử đặt ra yêu cầu phải thay đổi cách thức quản lý quy trình xuất bản truyền thống. Hiện nay, các nhà xuất bản Việt Nam vẫn duy trì mô hình tổ chức và quản lý xuất bản truyền thống, việc ứng dụng công nghệ vào quản lý số đối với các khâu vận hành còn hạn chế. Kinh nghiệm của các nhà xuất bản đã chuyển đổi số thành công cho thấy, mô hình thương mại điện tử của các nhà xuất bản được tổ chức trên cơ sở ứng dụng công nghệ quản lý số.
ERP (Enterprise resource planning systems) là hệ thống quản lý đa chức năng, lưu trữ, liên kết, quản lý và phân tích dữ liệu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà xuất bản. ERP được sử dụng để tích hợp thông tin nhà xuất bản. Cốt lõi của ERP là cơ sở dữ liệu. Cơ sở dữ liệu thu thập thông tin về các hoạt động kinh doanh khác nhau, các quy trình liên quan trong và ngoài nhà xuất bản; việc sử dụng mạng internet hoặc intranet cho phép các đơn vị, phòng ban nhanh chóng kết nối với cơ sở dữ liệu này, truy vấn thông tin và áp dụng các mô-đun chương trình liên quan. ERP tích hợp nội bộ các nguồn lực khác nhau trong nhà xuất bản, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của tổ chức thông qua việc lập kế hoạch và phân bổ hệ thống tối ưu. Bên cạnh đó, ERP cho phép kết hợp khách hàng và đối tác thông qua mạng và hệ thống để tạo thành không gian ảo tích hợp. Phân hệ ERP có thể tích hợp hiệu quả chức năng quản lý xuất bản, quản lý xuất bản phẩm, quản lý phân phối, quản lý kho, phân tích thống kê, quản lý marketing, quản lý tài chính và quản lý các hệ thống thông tin khác nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà xuất bản.
Hai là, vấn đề quản trị chuỗi cung ứng đối với quá trình sản xuất của nhà xuất bản
Quản trị chuỗi cung ứng (Supply Chain Management - SCM) là việc quản lý “dòng chảy” của hàng hóa và dịch vụ , bao gồm quá trình biến nguyên liệu thô thành sản phẩm cuối cùng. Nó liên quan đến việc hợp lý hóa tích cực các hoạt động bên cung của doanh nghiệp để tối đa hóa giá trị của khách hàng và đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Vấn đề quản trị cung ứng được đặt ra vào thập niên 70, 80, và đặc biệt trở nên cấp thiết vào những năm 90 của thế kỷ XX, khi các nhà kinh doanh tại Mỹ nhận thấy chí phí về vật tư, nguyên liệu, nhân công, kho bãi… chiếm tới gần 60% tổng chi phí hàng hóa bán ra. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, các nhà quản trị càng thấy được vai trò quan trọng của quản trị chuỗi cung ứng. Cung ứng đóng vai trò là người quản lý các hoạt động sản xuất từ bên ngoài. Vì khi phân công lao động xã hội phát triển ngày càng cao, thay vì doanh nghiệp tự sản xuất thì nguồn cung ứng từ thu mua, đặt hàng bên ngoài ngày càng trở nên quan trọng. Tiêu chí quản trị cung ứng là: Đúng chất lượng (Of the right quality), Đúng nhà cung cấp (From the right supplier), Đúng số lượng (In the right quantity), Đúng thời điểm (At the right time), Đúng giá (At the right price). Lý thuyết cung ứng xâm nhập vào tất cả các ngành nghề kinh doanh.
Thực tiễn phát triển của ngành xuất bản thế giới cho thấy, trước sự gia tăng mức độ chuyên môn hóa và sự cạnh tranh trong ngành, để mở rộng quy mô và giảm giá thành, các nhà xuất bản đã kết hợp với các nguồn lực xã hội trong một số lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành, hoàn thành việc sản xuất và lưu thông sản phẩm bằng nguồn nhân lực xã hội nghề nghiệp, sức mạnh kỹ thuật và năng lực sản xuất. Mô hình kinh doanh này không chỉ cho phép nhà xuất bản lựa chọn xuất bản phẩm từ bên ngoài và có được dịch vụ chất lượng cao, mà còn tạo cơ sở để nhà xuất bản có tổ chức nhân sự gọn nhẹ hơn, linh hoạt hơn, chi phí thấp hơn và đạt được lợi thế cạnh tranh hơn so với việc tự vận hành.
Thành phần của chuỗi cung ứng nhà xuất bản bao gồm các nhà cung cấp vật liệu (chẳng hạn như giấy), các đại lý bản thảo (trung gian bản thảo), đối tác liên kết (tổ chức và biên tập bản thảo ở một số loại bản thảo), đơn vị thiết kế, trình bày minh họa, đối tác hiệu đính, nhà máy in, công ty kho bãi, công ty vận tải, đơn vị phát hành bán buôn, các trung tâm và cửa hàng sách bán lẻ, v.v.. Quản lý chuỗi cung ứng của nhà xuất bản là sự thiết lập các liên kết trong các công đoạn nói trên, thực hiện phối hợp quản lý, thống nhất tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, chia sẻ thông tin và nguồn lực, hợp tác giải quyết vấn đề, nâng cao chất lượng sản xuất trong từng công đoạn của chu trình xuất bản, rút ngắn thời gian từng công đoạn, giảm giá thành sản phẩm cuối và nâng cao khả năng cạnh tranh tổng thể.
Mô-đun quản trị chuỗi cung ứng (SCM module) là nền tảng cơ sở dữ liệu, giúp người quản lý điều phối tất cả khía cạnh của chuỗi cung ứng: kế hoạch hay chiến lược cung ứng, nguồn nguyên liệu (nguyên liệu thô hoặc dịch vụ), sản xuất, kho bãi, giao hàng, sản phẩm hoàn (đối với sản phẩm lỗi).
Tại các nhà xuất bản đã phát triển thương mại điện tử, mô-đun quản trị chuỗi cung ứng SCM là nền tảng dữ liệu để các nhà xuất bản có thể xuất các thông tin đấu thầu, kế hoạch mua hàng, v.v.; nhà cung cấp của nhà xuất bản có thể triển khai đặt giá thầu trực tuyến, truy vấn kế hoạch mua hàng, xác nhận đơn đặt hàng, theo dõi trạng thái đơn đặt hàng và kiểm tra trạng thái các khoản phải thu. Thông thường, SCM kiểm soát tập trung hoặc liên kết việc sản xuất, vận chuyển và phân phối sản phẩm. Các đơn vị có thể cắt giảm chi phí dư thừa và cung cấp sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh hơn bằng cách kiểm soát chặt chẽ hơn sản xuất nội bộ, phân phối, bán hàng và hàng tồn kho nội bộ.
Ba là, vấn đề quản trị quan hệ khách hàng
Quản trị quan hệ khách hàng (Customer Relationship Management - CRM) là khái niệm xuất hiện vào những năm 70 của thế kỷ XX, khi các doanh nghiệp chuyển hướng từ sản phẩm sang khách hàng. Quản trị quan hệ khách hàng là phương thức doanh nghiệp quản lý thông tin khác hàng, triển khai các hoạt động tương tác và chăm sóc khách hàng. Hiện nay, cùng với tiến bộ vượt bậc của công nghệ máy tính và internet, các doanh nghiệp thực hiện quản trị quan hệ khách hàng bằng hệ thống CRM (CRM System).
Hệ thống CRM là công nghệ quản lý tất cả các mối quan hệ và sự tương tác giữa doanh nghiệp với khách hàng (customer) và khách hàng tiềm năng (leads), nhằm mục tiêu cải thiện các mối quan hệ kinh doanh. Hệ thống CRM cho phép doanh nghiệp luôn kết nối với khách hàng, chú trọng chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, CRM cũng là công cụ quản lý bán hàng, tương tác khách hàng.
Đối với cửa hàng trực tuyến của nhà xuất bản, trên nền tảng này, việc bán và phân phối sản phẩm của nhà xuất bản có thể được tự động hóa. CRM cung cấp giải pháp kinh doanh tự động cho việc phân phối xuất bản phẩm, dịch vụ khách hàng và hỗ trợ quyết định sản xuất của nhà xuất bản. Nền tảng quản trị quan hệ khách hàng được sử dụng để công bố thông tin nhà xuất bản, thông tin sản phẩm sách, hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ được cung cấp, v.v.. Nền tảng quản trị quan hệ khách hàng của nhà xuất bản cho phép thu thập thông tin khách hàng một cách toàn diện và được cá nhân hóa, nhờ đó giúp nhà xuất bản nâng cao khả năng sử dụng thông tin để phục vụ khách hàng bằng cách tăng cường các dịch vụ theo dõi. Sau khi mối quan hệ “1-1” giữa nhà xuất bản và khách hàng được xác lập, nhà xuất bản có thể cung cấp cho khách hàng các dịch vụ chất lượng hơn và chu đáo hơn, góp phần cải thiện thị hiếu của khách hàng, từ đó gia tăng doanh số bán hàng.
Bốn là, vấn đề quản trị website thương mại điện tử
Website thương mại điện tử là giao diện giao tiếp, tương tác trực tiếp giữa nhà xuất bản và khách hàng trên môi trường internet, gồm giao diện hiển thị thông tin trực quan, tiếp cận khách hàng và quản trị website xử lý các vấn đề liên quan đến khách hàng.
Giao diện website thương mại điện tử hướng đến khách hàng, được khách hàng truy cập trực tiếp. Nội dung hiển thị chính trên giao diện gồm:
- Thông tin của đơn vị xuất bản: giới thiệu nhà xuất bản, cơ cấu tổ chức, thông tin liên hệ.
- Catalog trưng bày sản phẩm: hiển thị hình ảnh các sản phẩm được bày bán trên website, được sắp xếp theo danh mục sản phẩm theo tab ngang và tab dọc, thuận tiện cho việc tìm kiếm, mua sắm của khách hàng.
- Giỏ mua hàng: là tiêu chuẩn để thực hiện thương mại điện tử bán lẻ. Giỏ mua hàng lưu trữ các sản phẩm mà người mua đã chọn, cho phép người mua xem lại những mặt hàng mà mình đã chọn đưa vào giỏ, thêm vào giỏ mặt hàng mới hoặc bỏ bớt đi sản phẩm nào đó. Để đặt hàng, khách hàng chỉ cần thực hiện thao tác đơn giản là kích chuột vào sản phẩm đó, tất cả các thông tin về sản phẩm bao gồm giá cả, mô tả, mã sản phẩm và các thông liên quan đều được tự động lưu trữ trong giỏ mua hàng. Khi khách hàng đã chọn hàng xong, chỉ cần nhấn nút thực hiện việc mua hàng, phần mềm giỏ mua hàng sẽ tự động tính toán tổng số sản phẩm, tổng giá trị tiền phải thanh toán cũng như chi phí vận chuyển hoặc thuế. Phần mềm giỏ mua hàng của một số trang website thương mại điện tử còn cho phép khách hàng chọn sản phẩm đưa vào giỏ, để giỏ vào một ngăn ảo, sau vài ngày khách hàng vẫn có thể quay trở lại rồi quyết định chọn mua, thanh toán. Một số phần mềm giỏ mua hàng được bán độc lập để các công ty tự kết nối vào trang web bán hàng của mình.
Xử lý giao dịch đặt hàng, hợp đồng, thanh toán: Khi người mua quyết định mua hàng bằng cách nhấn nút checkout trên trang website, khi đó trang website sẽ thực hiện quy trình xử lý giao dịch. Khi checkout, cả khách hàng và người bán đều chuyển sang giao diện giao dịch an toàn. Xử lý giao dịch là khâu phức tạp nhất của việc bán hàng trực tuyến. Tính toán thuế và chi phí vận chuyển là những phần quan trọng trong quá trình này, các nhà quản trị mạng phải thường xuyên kiểm tra mức thuế suất cũng như chi phí vận chuyển để bảo đảm mức giá đang được áp dụng là mức giá đúng. Một số phần mềm cho phép máy chủ tự động cập nhật thông tin giá vận chuyển bằng cách kết nối trực tiếp tới các công ty vận chuyển. Quản trị website thương mại điện tử là hoạt động quan trọng, quyết định hiệu quả vận hành website. Hệ thống quản trị website bao gồm:
- Quản lý tài nguyên khách hàng: quản lý thông tin những người dùng đã đăng ký; cho phép thêm, xóa, sửa đổi, truy vấn và các chức năng khác.
- Quản lý sản phẩm (sách, văn hóa phẩm, văn phòng phẩm): Mô-đun này cho phép quản trị viên website thêm, xóa và sửa đổi thông tin sách trực tuyến thông qua trình duyệt và dữ liệu sách có thể được cập nhật theo thời gian thực, bảo đảm người dùng có thể duyệt thông tin sách mới nhất. Người quản trị cũng có thể phân loại sách, giúp người dùng có thể tìm kiếm thông qua phân loại danh mục.
- Quản lý tin tức: cung cấp mẫu để nhập văn bản tin tức và thông tin hình ảnh có liên quan. Quản trị viên nhập nội dung tương ứng vào mẫu, thông tin sẽ được tự động xuất bản trên trang web sau khi gửi, để đạt được mục đích cập nhật mọi khoảnh khắc trong ngày.
- Quản lý hỗ trợ kỹ thuật: bao gồm quản lý câu hỏi thường gặp (FAQs), quản lý câu hỏi trực tuyến và quản lý phản hồi của người dùng. Quản lý câu hỏi thường gặp sẽ thêm, xóa và thay đổi một số câu hỏi phổ biến. Quản lý câu hỏi trực tuyến chủ yếu do quản trị viên trả lời, xóa và sửa đổi câu hỏi của người dùng, được phản ánh trực tiếp trên trang câu hỏi trực tuyến. Đối với quản lý phản hồi của người dùng, quản trị viên sẽ đưa ra phản hồi cho người dùng về các câu hỏi mà nhà xuất bản đưa ra và thông tin nhu cầu về sách, với các chức năng truy vấn, thêm và sửa đổi.
- Quản lý nhà cung cấp: quản lý thông tin các nhà cung cấp của nhà xuất bản, với các chức năng thêm, xóa, truy vấn và sửa đổi.
- Quản lý giao dịch: bao gồm quản lý đơn hàng và quản lý giỏ hàng. Quản lý đơn hàng: đặt trạng thái đơn hàng, xem thông tin đơn hàng, truy vấn thông tin đơn hàng và các chức năng khác. Quản trị viên có thể duyệt, truy vấn, sửa đổi đơn đặt hàng, phân tích đơn đặt hàng/hợp đồng và theo dõi toàn bộ quá trình từ khi tạo đơn hàng đến khi hoàn thành đơn hàng. Quản lý giỏ hàng: theo dõi thời gian thực hiện các hoạt động mua hàng đang diễn ra của người dùng; người quản trị có thể xem toàn bộ quá trình mua hàng, lựa chọn và trả hàng của người tiêu dùng thông qua website.
- Phân tích lượt truy cập: Phân tích đặc điểm phân phối và hành vi của người mua đối với từng sản phẩm sách. Tiến hành phân tích, thống kê lưu lượng truy cập trang website và hướng dẫn các nhà xuất bản trong kinh doanh thương mại điện tử.
- Giám sát và quản lý bảo mật: nó có thể giám sát, kiểm soát và ghi lại hoạt động của các máy tính trong mạng LAN trên internet một cách hiệu quả. Đồng thời, có thể ghi lại tất cả các email được gửi và nhận bởi các máy tính trong mạng LAN, các trang web đã duyệt, các tệp được tải lên và tải xuống bằng FTP trong thời gian thực. Quản trị viên có thể giám sát và quản lý các cuộc trò chuyện của người dùng trên mạng, hạn chế và chặn người dùng trên mạng truy cập vào các tài nguyên mạng hoặc giao thức mạng.
- Quyền hạn quản trị viên: mỗi hệ thống phải tương ứng với người dùng khác nhau và mỗi người dùng khác nhau cũng quyền sử dụng khác nhau. Người quản trị trang website có quyền quản lý cao nhất và có thể quản lý toàn bộ trang web; có thể đặt quyền cho các cấp quản trị viên khác và thực hiện các thao tác như thêm, xóa, truy vấn và sửa đổi quyền của người quản lý.
Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng thương mại điện tử tổng thể đã được xác lập về cơ sở hạ tầng. Theo Báo cáo Thương mại điện tử của Bộ Công thương, năm 2015, thương mại điện tử Việt Nam đã chuyển từ giai đoạn hình thành, tạo lập hạ tầng sang giai đoạn phát triển mạnh, từng bước định hình hạ tầng vững chắc. Từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng internet đạt 70% dân số, tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực truyến đạt 88%, số lượng người tiêu dùng trực tuyến đạt 49,4 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến ước tính đạt 240USD/người1. Rõ ràng, hạ tầng cơ sở và thói quen của người tiêu dùng Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà xuất bản tham gia vào nền tảng thương mại điện tử, từng bước thực hiện chuyển đổi số toàn diện ngành xuất bản.
1. Theo Báo cáo Thương mại điện tử năm 2021.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Linda C. Gordon : Strategic use of E-Commerce in the Transformation of the Publishing Industry, Communications of the IIMA: Vol. 8 : Iss. 4 , Article 6, 2008.
2. Nguyễn Văn Hồng, TS. Nguyễn Văn Thoan: Giáo trình Thương mại điện tử, Đại học Ngoại thương, Hà Nội, 2011.
3. Jinghua Huang: E-commerce success factors: exploratory and empirical research on the Chinese publishing industry, IEEE International Conference on e-Business Engineering (ICEBE05), Beijing, China, 2005.
4. Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử 2020 của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam.
5. Trần Văn Hòe: Giáo trình thương mại điện tử căn bản, Nxb. Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2017.
6. Thái Thanh Sơn, Thái Thanh Tùng: Thương mại điện tử trong thời đại số, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2017.
7. Quế Phương: Chuyển đổi số: Lối đi tương lai cho ngành xuất bản, Báo Thế giới và Việt Nam, ngày 25/4/2021, https://baoquocte.vn/chuyen-doi-so-loi-di-tuong-lai-cho-nganh-xuat-ban-143260.html.
8. Đoàn Thị Hồng Vân: Quản trị cung ứng, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2011.
ThS. TRẦN THỊ MAI DUNG
Học viện Báo chí và Tuyên truyền