1. Quan điểm giáo dục, bồi dưỡng thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Di chúc
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà... nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”1; tương lai của đất nước và tiền đồ vẻ vang của dân tộc nằm trong tay thanh niên. Vì vậy, để phòng khi Người “sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh”2, Người đã chuẩn bị những điều căn dặn để “đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”3, trong đó có lời căn dặn đối với đoàn viên, thanh niên: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”4. Qua đó cho thấy, sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ thanh niên cho hiện tại và tương lai, nhằm xây dựng đội ngũ những người trẻ có năng lực, phẩm chất, có đạo đức cách mạng, có lối sống và lý tưởng để xây dựng, phát triển đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu và thực hiện thành công con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh quan điểm giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, nhằm giúp thanh niên trở thành những công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người chủ xứng đáng của đất nước và là người cách mạng chân chính. Người căn dặn thanh niên ta phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải trau dồi đạo đức của người cách mạng. Đặc biệt, mục đích quan trọng hàng đầu của giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên là tạo nguồn cán bộ cho cách mạng. Người yêu cầu, phải giáo dục họ “luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho”5. Giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên nhằm hướng tới mục tiêu đào tạo những chiến sĩ cách mạng sẵn sàng cống hiến hết mình để bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Song, đạo đức cách mạng không phải tự nhiên mà có, mà phải trải qua rèn luyện, giáo dục hằng ngày thể hiện trong thực tiễn phong trào cách mạng, bằng nhận thức và thông qua những việc làm cụ thể.
Bên cạnh đó, trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng thanh niên xây dựng chủ nghĩa xã hội phải vừa “hồng”, vừa “chuyên”, vừa có đạo đức, vừa có trình độ chuyên môn, nghĩa là phải vừa có đức, vừa có tài. Theo Người: “Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người”6. Trong mối quan hệ giữa đức và tài, đạo đức là cái “gốc” của người cách mạng. Người có đạo đức cách mạng mới gánh được nặng, đi được xa. Khẳng định đạo đức là gốc, là nền tảng, song Chủ tịch Hồ Chí Minh không vì thế mà xem nhẹ tài năng. Theo Người, đạo đức thể hiện qua hành động, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo, do đó, Người luôn đặt đạo đức bên cạnh tài năng, gắn đức với tài. Để trở thành người có trí tuệ, có tri thức, bên cạnh việc trau dồi đạo đức cách mạng, thanh niên phải hăng hái học tập, kết hợp thấm nhuần lý luận cách mạng với tích cực học tập văn hóa, khoa học - kỹ thuật, đồng thời vận dụng tri thức trong xây dựng và phát triển xã hội.
2. Quan điểm, chủ trương của Đảng về giáo dục, bồi dưỡng thanh niên theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm củng cố, xây dựng và phát triển mọi mặt cho thanh niên, trong đó đặc biệt là sự quan tâm đối với hoạt động giáo dục, bồi dưỡng thanh niên.
Ngày 14/01/1993, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNTW về công tác thanh niên trong thời kỳ mới, trong đó khẳng định: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không..., cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”.
Ngày 25/7/2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó nhấn mạnh quan điểm: “Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước”. Ngày 25/7/2013, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Kết luận số 80-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ngày 24/3/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030, trong đó đề ra mục tiêu: “Trong thời gian tới, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ phải được tiếp tục tăng cường và nâng cao về chất lượng, nhằm góp phần xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức trong sáng, ý thức tuân thủ pháp luật; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức, kỹ năng lao động, trở thành những công dân tốt, tích cực tham gia vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức... Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”7.
Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng và đánh giá rất cao vai trò, vị trí của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội”8.
Ngày 21/12/2022, Nghị quyết liên tịch số 01/NQLT-CP-BCHTWĐ của Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về việc ban hành quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2027 được ký kết, quy định về quan hệ phối hợp công tác của Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Trong đó, đề cập một số nội dung nổi bật: (1) Phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; cung cấp thông tin về tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho thanh thiếu niên. (2) Phối hợp giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng; tạo điều kiện để thanh niên bình đẳng về cơ hội học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; đoàn kết tập hợp thanh niên. (3) Phối hợp nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững cho thanh niên; phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao; hội nhập quốc tế. (4) Phối hợp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; thực hiện pháp luật về trẻ em. (5) Phối hợp nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh niên...
Từ những quan điểm, chủ trương của Đảng, cùng với quyết tâm chính trị cao, sự đồng thuận và vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh niên đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần khẳng định thanh niên Việt Nam thực sự là chủ nhân tương lai của đất nước, lực lượng xung kích trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Song, bên cạnh ưu điểm, một bộ phận không nhỏ thanh niên còn có những hạn chế nhất định. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có những diễn biến phức tạp, trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, một bộ phận thanh niên Việt Nam có nhận thức sai lệch về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, lười học tập và rèn luyện, chưa giải quyết hài hòa các mối quan hệ; phai nhạt lý tưởng, giảm sút niềm tin, ý chí, ít quan tâm đến tình hình đất nước; thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc. Một số thanh niên có biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi, tách rời tổ chức; nghiêm trọng hơn, một số đoàn viên, thanh niên bị lôi kéo, kích động, truyền bá các sản phẩm văn hóa xấu, độc, sa vào tệ nạn xã hội... Bên cạnh đó, hiện nay, tỷ lệ thanh niên trong cơ cấu dân số cả nước tiếp tục giảm. Theo số liệu của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, năm 2022, nước ta có hơn 22,1 triệu người trong độ tuổi thanh niên9. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2023, “dân số thanh niên trong độ tuổi 16 - 30 hiện nay khoảng hơn 20,7 triệu người, chiếm 20,9% dân số cả nước”. Tính đến ngày 31/12/2023, cả nước có 4.589.120 đoàn viên10. Trước thực trạng trên, sự quan tâm sâu sát của Đảng đối với hoạt động giáo dục, bồi dưỡng thanh niên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh mới hiện nay.
3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng thanh niên hiện nay theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”11. Vì vậy, để giúp thanh niên ngày càng phát triển toàn diện, đóng góp đắc lực và hiệu quả vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh niên cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường phổ biến, quán triệt chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lực lượng đoàn viên, thanh niên. Chú trọng giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật, trách nhiệm của thanh niên đối với bản thân, gia đình và xã hội. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể nhân dân trong hoạt động giáo dục, bồi dưỡng đoàn viên, thanh niên.
Hai là, chủ động xây dựng hệ thống chiến lược về công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh niên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh niên là một quá trình lâu dài, thường xuyên, liên tục, nhằm xây dựng, chuẩn bị đội ngũ cán bộ trong tương lai có phẩm chất tốt, chuyên nghiệp, tận tụy, hết lòng phục vụ nhân dân, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó. Đảng cần xây dựng kế hoạch, chiến lược đào tạo và bồi dưỡng thanh niên. Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ của chiến lược, trong đó xác định việc đào tạo và bồi dưỡng thanh niên vừa là động lực phát triển đất nước, vừa là cơ sở, tiền đề để phát hiện nguồn cán bộ cho tương lai.
Ba là, phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên; kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho thanh niên, từ đó hình thành những phẩm chất cao đẹp của con người mới xã hội chủ nghĩa. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh “phải là cánh tay đắc lực của Đảng trong việc tổ chức và giáo dục thế hệ thanh niên và nhi đồng thành những chiến sĩ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”12. Đoàn phải chủ động trong mọi hoạt động liên quan đến giáo dục, bồi dưỡng thanh niên; đặc biệt, chủ động nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng, nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của mỗi đoàn viên, thanh niên để tham mưu cấp trên tổ chức các khóa học phù hợp, thiết thực đối với thanh niên.
Bốn là, tích cực nêu gương những thanh niên tiêu biểu, điển hình, có thành tích xuất sắc trong lao động và học tập. Bên cạnh đó, cần đề cao trách nhiệm nêu gương của thanh niên. Thực hiện tốt vai trò nêu gương của cán bộ Đoàn nói riêng và đoàn viên, thanh niên nói chung không chỉ thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với Đảng, mà còn góp phần giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, nhân lên nhiều việc làm tốt, tấm gương tốt trong đoàn viên, thanh niên. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng và phát triển phong trào Đoàn ngày càng thực chất, tiến bộ và có tính lan tỏa.
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 5, tr. 216.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 611.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 611.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 612.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 507.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 399.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 168.
8. Nguyễn Phú Trọng: Biến thách thức thành cơ hội, quyết tâm tạo đột phá đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr. 677.
9. Tháng Thanh niên: Những “số liệu vàng“ về thanh niên Việt Nam, https://www.vietnamplus.vn/
thang-thanh-nien-nhung-so-lieu-vang-ve-thanh-nien-viet-nam-post780133.vnp.
10. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Báo cáo tổng kết công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2023, tr. 1.
11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 612.
12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 420.
ThS. NGUYỄN ĐỨC ANH
Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh