Thông tin của báo chí với thúc đẩy nâng cao năng suất lao động tại doanh nghiệp

CT&PT - Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã rất coi trọng vai trò thông tin của báo chí trong việc thúc đẩy nâng cao năng suất lao động các ngành kinh tế và của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong công tác thông tin của báo chí về nâng cao năng suất lao động. Trên cơ sở tổng hợp, phân tích dữ liệu báo chí, thu thập thông tin có giá trị khoa học, cùng với cơ sở lý luận và dữ liệu thực tế, bài viết đề xuất một số giải pháp tăng cường hiệu quả thông tin của báo chí đối với nâng cao năng suất lao động.

 1. Sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về nâng cao hiệu quả thông tin của báo chí nhằm thúc đẩy nâng cao năng suất lao động

 Nghị quyết số 16-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới yêu cầu báo chí phải nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới; coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tiếp tục phát huy tiềm lực và ưu điểm, khắc phục các yếu kém, khuyết điểm, nâng cao chất lượng tư tưởng, tính hấp dẫn, mở rộng đối tượng độc giả, vươn lên hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ1.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra định hướng “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại…”2. Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí giai đoạn 2021 - 2025 yêu cầu báo chí thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền Trung ương và địa phương; tuyên truyền về phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của ngành, lĩnh vực, địa phương; tuyên truyền khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc3.

Qua các văn bản trên cho thấy, Đảng và Nhà nước rất coi trọng vai trò của báo chí trong việc khơi dậy khát vọng của người lao động (NLĐ), cộng đồng doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, các ngành kinh tế, góp phần đưa Việt Nam phát triển hùng cường, vững mạnh và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Năng suất lao động (NSLĐ) là một khái niệm kinh tế, đo lường mức độ hiệu quả của nguồn lực lao động trong quá trình sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ. Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế ở mức rất cao và trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài, tạo ra sự cạnh tranh lớn trong ngành công nghiệp, dịch vụ. Nâng cao NSLĐ là một yếu tố then chốt để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, các ngành kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để nâng cao NSLĐ, doanh nghiệp cần khai thác hiệu quả nguồn lực lao động sẵn có, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, tối ưu hóa tổ chức, quản lý tại doanh nghiệp và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa... Bên cạnh vai trò chủ động học hỏi, tìm kiếm cơ hội để nâng cao NSLĐ, thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các nhiệm vụ triển khai cụ thể về thúc đẩy nâng cao NSLĐ và đề cao vai trò tham gia của báo chí.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao NSLĐ, sức cạnh tranh của nền kinh tế đề ra mục tiêu: tốc độ tăng NSLĐ bình quân hằng năm cao hơn 5,5%; tốc độ tăng năng suất nội ngành đóng góp hơn 60% vào tăng NSLĐ của nền kinh tế. Trung ương phân công “Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan thông tin, báo chí tổ chức tuyên truyền sâu rộng và liên tục về Nghị quyết, kết quả thực hiện, những cách làm sáng tạo, điển hình tốt; phê bình những cá nhân, tổ chức chần chừ, thiếu tích cực, thụ động hoặc thực hiện không đạt kết quả như yêu cầu, nhiệm vụ đề ra”4. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong phần định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, về kinh tế nêu: đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%; tốc độ tăng NSLĐ xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm5.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các chương trình quốc gia để thúc đẩy nâng cao NSLĐ các ngành kinh tế và doanh nghiệp, trong đó có phát huy vai trò tuyên truyền, phổ biến thông tin, kinh nghiệm về nâng cao NSLĐ của báo chí. Quyết định số 1322/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 yêu cầu: Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về năng suất chất lượng. Cụ thể là đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, nhất là các công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh vào doanh nghiệp; tổ chức, triển khai các hình thức thông tin truyền thông để phổ biến, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về nâng cao năng suất chất lượng6.

Quyết định số 36/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030 yêu cầu: Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về năng suất, cụ thể: Xây dựng chương trình truyền thông, phổ biến kiến thức về năng suất, cải tiến năng suất, các kinh nghiệm điển hình cải tiến năng suất ở cấp quốc gia, cấp địa phương, cấp doanh nghiệp và cộng đồng; hằng năm, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tôn vinh tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có đóng góp đối với hoạt động năng suất; tổ chức Diễn đàn năng suất quốc gia với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia năng suất, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong nước và quốc tế7.

2. Giải pháp tăng cường hiệu quả thông tin của báo chí về thúc đẩy nâng cao năng suất lao động

a) Với cơ quan báo chí

Thứ nhất, tạo nội dung phong phú và chất lượng

Để thông tin hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao NSLĐ đối với doanh nghiệp, báo chí cần cung cấp thông tin, kinh nghiệm về nâng cao NSLĐ một cách chính xác, chi tiết và dễ hiểu. Bên cạnh thông tin giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết, báo chí cung cấp những gợi ý cụ thể, phương pháp thực tế và thí dụ minh họa để lãnh đạo, quản lý, doanh nghiệp có thể học hỏi, áp dụng vào công việc hằng ngày.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đối với nâng cao NSLĐ, phóng viên cần tìm hiểu từ các báo cáo, bài viết hoặc chuyên gia để tìm ra những khía cạnh, chiến lược đã được áp dụng thành công. Ngoài ra, cần có thông tin chi tiết, dữ liệu/số liệu liên quan để chứng minh, hỗ trợ ý kiến và khuyến nghị, đồng thời khai thác ý kiến chuyên gia, kinh nghiệm thực tế từ doanh nghiệp để vận dụng vào công việc thực tế. Để làm tốt điều này, báo chí cần xây dựng mạng lưới tiếp cận thông tin và hỗ trợ thông tin chuyên môn, chuyên sâu thông qua hợp tác với chuyên gia, cơ quan chuyên môn và cơ quan quản lý liên quan đến nâng cao NSLĐ.

Báo chí cũng cần xây dựng và duy trì mối quan hệ tin cậy với doanh nghiệp, nhằmtiếp cận được thông tin mới và được hỗ trợ trong quá trình thu thập thông tin.

Để tập trung nguồn lực cần thiết cho việc tạo ra tác phẩm có nội dung phong phú và chất lượng về đề tài nâng cao NSLĐ, cơ quan báo chí cần xem xét xây dựng mục/chuyên đề về nâng cao NSLĐ như tờ New York Times của Mỹ hoặc tờ Strait Times của Xinhgapo hiện đang duy trì chuyên mục về Năng suất - Productivity với nhiều bài viết hữu ích về nâng cao NSLĐ8.

Thứ hai, nâng cao độ tin cậy, tính khách quan của thông tin báo chí

Về hoạt động báo chí, tại khoản 8, Điều 9 Luật Báo chí số 103/2016/QH13 đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm: “Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”9; 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam của Hội Nhà báo Việt Nam cũng quy định tại Điều 3: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi…, Điều 4: Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân10. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, ngày 07/10/2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản với hình thức xử phạt rất nặng đối với hành vi đăng, phát thông tin có nội dung sai sự thật11.

Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát và phỏng vấn, trao đổi với lãnh đạo doanh nghiệp, đã có không ít ý kiến về độ tin cậy của thông tin báo chí và đặc biệt là tính khách quan trong hoạt động báo chí. Một số lãnh đạo doanh nghiệp đã chọn cách ứng xử hạn chế tiếp xúc hoặc “co mình lại” trước báo chí.

Để bảo đảm độ tin cậy và tính khách quan, nhiều cơ quan thông tấn, báo chí đã ban hành và áp dụng bộ quy tắc riêng như “Đạo đức báo chí: Sổ tay về Giá trị và Thực hành cho Bộ phận Tin tức và Biên tập - Ethical Journalism: A Handbook of Values and Practices for the News and Editorial Departments” của tờ New York Times12, “Tuyên bố về Giá trị và Nguyên tắc Tin tức của Hãng thông tấn AP - The Associated Press Statement of News Values and Principles”13...

Tại nước ta, người đứng đầu cơ quan báo chí phải thay đổi cách nhìn nhận về vấn đề “tin cậy, khách quan” trong việc thông tin liên quan tới doanh nghiệp, không để doanh nghiệp hạn chế tiếp xúc hoặc “co mình lại” trước báo chí như hiện nay. Bằng cách đưa ra bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp phù hợp với đặc thù của từng cơ quan báo chí, đồng thời thiết lập một hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả. Báo chí sẽ dần thay đổi các định kiến không hay mà một số doanh nghiệp và công chúng đang nghĩ về báo chí như hiện nay. Quy định và cơ chế kiểm soát để phóng viên, biên tập viên tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp về sự chính xác, minh bạch, trung thực… sẽ tạo tiền đề quan trọng để có được sự tin tưởng từ công chúng.

Cơ quan báo chí cũng cần rà soát lại quy trình kiểm tra thông tin trước khi đăng tải và cách thức kiểm soát để bảo đảm thông tin công bố được sử dụng từ nguồn đáng tin cậy và bảo đảm tính chính xác cần thiết. Đặc biệt là trong tình huống thông tin được đăng tải, cập nhật một cách nhanh chóng để bảo đảm tính thời sự và thể hiện ưu thế dẫn đầu của cơ quan báo.

Để tăng tính khách quan, cần sử dụng đa dạng nguồn tin nhằm bảo đảm sự cân nhắc và tránh thiên vị trong quá trình truyền tải thông tin. Trong quá trình phân tích và truyền tải, cần phản ánh quan điểm đa chiều từ các bên liên quan, tạo điều kiện cho công chúng tự đánh giá và hình thành ý kiến riêng. Khi thích hợp, cần cung cấp thông tin cụ thể và nguồn gốc dữ liệu, đồng thời trích dẫn nguồn tham khảo để công chúng có thể tự xác minh và kiểm tra thông tin. Đồng thời, cần bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng, không thiên vị, tránh ưu ái hoặc phê phán một phía, bảo đảm tính trung lập và khách quan trong việc truyền tải thông tin.

Thứ ba, đa dạng hóa hình thức truyền thông

Đa dạng hóa hình thức truyền thông là một yếu tố quan trọng trong hoạt động báo chí, giúp tăng cường tính sáng tạo và độ phong phú của thông tin, qua đó giúp báo chí tiếp cận và tương tác với công chúng theo nhiều cách khác nhau. Trong bối cảnh công chúng có xu hướng tiếp cận thông tin qua thiết bị điện tử cầm tay, thiết bị trên ôtô… cơ quan báo chí sẽ phải từng bước số hóa, chuyển đổi số hoạt động báo chí và thay đổi, cải tiến hình thức truyền thông để đưa thông tin đến với công chúng. Một số hình thức truyền thông đang được công chúng quan tâm hiện nay và các báo dần định hướng phát triển gồm:

- Phát triển phiên bản điện tử của báo chí truyền thống như: báo in, phát thanh, truyền hình để cung cấp thông tin trên trang web và ứng dụng di động, giúp cập nhất thông tin nhanh chóng và tiếp cận rộng rãi với công chúng. Hiện tại, hầu hết các báo đều đã có phiên bản điện tử. Tuy nhiên, nhiều trang thông tin của báo chưa được đầu tư về công nghệ để tối ưu hóa việc cung cấp thông tin, hiện cũng chỉ rất ít trang xây dựng được mô hình để tổng hợp, phân tích thông tin dữ liệu về sự quan tâm của công chúng nhằm cung cấp cho doanh nghiệp hoặc các bên liên quan có nhu cầu. Ngoài ra, với số lượng 815 cơ quan báo chí (tính đến tháng 5/2022)14, công chúng khó có thể truy cập đến hàng nghìn trang thông tin của cơ quan báo. Cơ quan báo chí sẽ phải đưa thông tin của mình lên các ứng dụng đọc tin phổ biến như trang chủ trình duyệt Microsoft Edge trên hệ điều hành Windows, Google News, ứng dụng đọc báo free trên thiết bị điện tử Samsung, Apple News trên hệ điều hành IOS của Apple… để có thể tiếp cận với công chúng của mình.- Truyền thông qua podcast cho phép người nghe tải file âm thanh về để nghe qua điện thoại, máy tính bảng hoặc máy tính cá nhân ngay cả khi không có kết nối mạng. Qua ứng dụng podcast trên hệ điều hành IOS của Apple, Android của Google hoặc trang web chuyên dụng, người nghe có thể tìm kiếm, lựa chọn và nghe các chương trình podcast theo sở thích và quan tâm riêng. Hình thức truyền thông này đặc biệt hữu ích cho những người đi làm hằng ngày bằng ôtô. Qua podcast được tích hợp trong ứng dụng trên xe ôtô như Apple Carplay hoặc Android Auto, người ngồi trên xe được cập nhật tin tức và chương trình chuyên sâu về kinh tế, công nghệ.

- Truyền thông qua mạng xã hội: Facebook, Twitter, TikTok, YouTube, Instagram, LinkedIn, Zalo… cung cấp một nền tảng hiện đang có rất nhiều người sử dụng để báo chí chia sẻ và tương tác với độc giả thông qua hình ảnh, video và bài viết ngắn.

- Thông tin qua Infographic và hình ảnh tương tác: Infographic giúp tăng cường hiểu biết và ghi nhớ thông tin bằng cách biểu diễn dữ liệu phức tạp thành một bản vẽ đơn giản và trực quan. Hình ảnh tương tác hay hình ảnh động là các hình ảnh kỹ thuật số hoặc đồ họa được thiết kế để tương tác với người xem. Thông qua việc sử dụng hiệu ứng động, liên kết, hover, click và các phương thức tương tác khác, hình ảnh tương tác cho phép người xem tương tác trực tiếp với hình ảnh và khám phá các chi tiết, thông tin…

- Truyền tải sự kiện và thông tin qua video phát trực tiếp trên các nền tảng trực tuyến như Facebook Live, YouTube Live và Instagram Live cho phép thông tin báo chí được truyền đến công chúng tức thời, theo thời gian thực.

b) Với cơ quan nhà nước có liên quan

Thứ nhất, nâng cao năng lực và hỗ trợ báo chí tiếp cận thông tin về NSLĐ

Năng suất, NSLĐ không phải là vấn đề mới, tuy nhiên vấn đề NSLĐ của doanh nghiệp đang ở mức rất thấp cũng chỉ mới được xã hội quan tâm trong những năm gần đây khi báo chí đồng loạt đưa tin về NSLĐ của Việt Nam và so sánh với một số nước… Với thực tế chưa phân công cụ thể cơ quan đầu mối về vấn đề năng suất ở nước ta, khi báo chí đưa tin về NSLĐ cũng có những lúng túng khi cần tìm kiếm thêm thông tin, ý kiến từ cơ quan quản lý, chuyên gia. Do vậy, Chính phủ cần phân công, giao trách nhiệm cụ thể bộ, ngành có trách nhiệm đầu mối về vấn đề NSLĐ. Trên cơ sở đó, cơ quan được phân công cần xây dựng hệ thống thông tin và tương tác giữa báo chí với các hoạt động nâng cao NSLĐ để nhà báo đưa tin trong lĩnh vực này tiếp cận được với các hoạt động nâng cao NSLĐ một cách thuận tiện và kịp thời. Đây cũng là một trong các vấn đề được nhiều nhà báo quan tâm và có ý kiến trong quá trình trao đổi, phỏng vấn.

Cơ quan được giao trách nhiệm đầu mối cần triển khai chương trình, dự án để hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực cho nhà báo về vấn đề NSLĐ. Việc triển khai các chương trình này giúp cung cấp kiến thức chuyên môn về các yếu tố, khía cạnh ảnh hưởng đối với nâng cao NSLĐ và công cụ, giải pháp để nâng cao NSLĐ tại doanh nghiệp. Thông qua các chương trình này, nhà báo sẽ nắm bắt tốt hơn các khía cạnh quan trọng liên quan đến nâng cao NSLĐ để lựa chọn đề tài và truyền tải các thông điệp về nâng cao NSLĐ tới doanh nghiệp một cách sáng tạo và hiệu quả nhất.

Thứ hai, khuyến khích và tạo điều kiện cần thiết cho các hoạt động thông tin về NSLĐ của báo chí

Nâng cao NSLĐ là vấn đề được quan tâm hằng ngày của chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý, cá nhân NLĐ, cơ quan quản lý liên quan và cũng thường xuyên được trao đổi trong các kỳ họp Quốc hội… Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong nhiều nội dung đưa tin của báo chí, dường như chưa được các cơ quan báo quan tâm và có chiến lược thông tin một cách hệ thống. Hiện nay, Việt Nam đang rất cần thúc đẩy nâng cao NSLĐ thì trước hết phải nâng cao được nhận thức và sự hiểu biết của doanh nghiệp về nâng cao NSLĐ, bên cạnh các hình thức truyền thông khác thì vai trò của báo chí trong việc phổ biến rộng rãi thông tin, kinh nghiệm về nâng cao NSLĐ đến với doanh nghiệp là không thể phủ nhận. Để làm tốt hơn công tác thông tin về NSLĐ, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích báo chí, truyền thông về lĩnh vực này, thí dụ như khen thưởng, giải thưởng báo chí về NSLĐ tương tự các lĩnh vực quan trọng khác của đất nước.

Tạo ra động lực để cơ quan báo chí, nhà báo chủ động, sáng tạo trong công tác thông tin về nâng cao NSLĐ là một trong các nguyên tắc quan trọng cải thiện công tác này trong dài hạn. Các hình thức giải thưởng, ghi nhận phù hợp đối với nhà báo, cơ quan báo chí là một trong các phương thức tạo động lực cần thiết. Các cơ quan đại diện cho doanh nghiệp như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội DNNVV… cũng cần vào cuộc để có những hành động thiết thực khuyến khích, động viên nhà báo, cơ quan báo chí tham gia thông tin về nâng cao NSLĐ.  

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động báo chí

Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cần có thêm giải pháp để hạn chế tình trạng “thương mại hóa” trong hoạt động báo chí. Bên cạnh ban hành thêm các quy định cần thiết, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử phát kịp thời trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về báo chí. Các trường hợp vi phạm trong hoạt động báo chí chỉ mang lại lợi ích cho một số cá nhân, nhóm nhỏ. Việc siết chặt, kiểm soát tuân thủ các quy định sẽ tạo môi trường lành mạnh để nhà báo và cơ quan báo chí phát triển theo đúng tôn chỉ, mục đích. Bảo đảm độ tin cậy và tính khách quan là nguyên tắc quan trọng để phát triển hoạt động báo chí. Vì vậy, cơ quan quản lý báo chí cần tiếp tục hoàn thiện quy định và thực thi biện pháp kiểm soát để mang lại niềm tin của công chúng nói chung và doanh nghiệpnói riêng đối với thông tin đăng tải trên báo chí.

Cơ quan quản lý báo chí cần xem xét xây dựng và áp dụng “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng công tác thông tin của báo chí” quy định về công tác tổ chức, quản lý; yêu cầu về năng lực của nhà báo theo lĩnh vực thông tin; hệ thống trang thiết bị hỗ trợ; quy trình sản xuất thông tin; quy trình kiểm duyệt thông tin… làm cơ sở thúc đẩy cơ quan báo chí, nhà báo thay đổi và nâng cao chất lượng thông tin.

Cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định để bảo đảm độc lập và an toàn cho môi trường tác nghiệp của báo chí, đồng thời có cơ chế khuyến khích, bảo đảm người làm báo có thể sống bằng nghề một cách chân chính để nhà báo có thể chuyên tâm vào hoạt động nghề nghiệp của mình.


1. Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 01/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới.

2, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,  Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 146, 219.

3. Chỉ thị số 09/CT-TTg, ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí giai đoạn 2021 - 2025.

4. Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

6. Quyết định số 1322/QĐ-TTg, ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030.

7. Quyết định số 36/QĐ-TTg, ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030.

8. New York Times: Productivity - The New York Times (nytimes.com). Straits Times: Latest Productivity | The Straits Times.

9.  Luật Báo chí số 103/2016/QH13.

10. Hội Nhà báo Việt Nam: Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 483/QĐ-HNBVN ngày 16/12/2016.

11. Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

12. New York Times: Ethical Journalism: A Handbook of Values and Practices for the News and Editorial Departments, New York Times, New York City, 2004.

13. Associated Press: The Associated Press Statement of News Values and PrinciplesNews Values and Principles | AP.

14. Nguyễn Thu Trang: Phát huy vai trò của cơ quan qun lý báo chí trong chđo, đnh hưng cơ quan thông tin, báo chí tham gia truyn thông dtho chính sách có tác đng ln đến xã hi trong quá trình xây dng văn bn quy phm pháp luthttps://cspl.mic.gov.vn/Pages/TinTuc/tinchitiet.aspx?tintucid=138441.  

Theo Tạp chí Lý luận chính trị điện tử

Phạm Hương tổng hợp

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin