Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở nước ta hiện nay

Nguyễn Thị Oanh

CT&PT - Nhìn lại quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua có thể thấy, mặc dù tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã đạt được những kết quả khả quan, song những kết quả này vẫn chưa tạo sự chuyển biến về chất trong cơ cấu tổ chức quản lý điều hành, quản lý tài chính cũng như chất lượng lao động của doanh nghiệp nhà nước. Để quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đạt được kết quả như mong muốn, cần có sự đánh giá khách quan về tình hình thực hiện và nhìn nhận các vấn đề còn tồn tại, từ đó có giải pháp thực hiện.

1. Thực trạng tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước

Tái cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội và là một trong ba trụ cột của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế cho tiến trình tái cơ cấu DNNN có ý nghĩa quyết định đến việc đi đúng hướng, đúng kế hoạch và kết quả... Thời gian qua, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về cơ cấu lại DNNN đã được ban hành khá đồng bộ. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, từ năm 2017 đến nay, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ, đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách, pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN kịp thời theo đúng quy định của Luật doanh nghiệp (DN), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, Luật Chứng khoán, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Đất đai… Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định và các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện.

Giai đoạn 2016-2020, cả nước đã cổ phần hóa được 180 doanh nghiệp, theo đó đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra là 137 doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong số 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa của giai đoạn 2016-2020, chỉ có 39/128 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, đạt khoảng 30% kế hoạch. Tiến độ chậm chạp trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2012-2020 đang có những dấu hiệu kéo dài sang cả giai đoạn 2021-2025 dù đã sang năm 2023.

Báo cáo Kết quả tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DNNN mới đây cho thấy, đến hết năm 2020, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trong số 350 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước). Tính đến hết năm 2021, mới chỉ thoái vốn tại 16 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 1.652 tỷ đồng, thu về 4.356 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn như: Agribank, Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV - công ty mẹ), Tập đoàn Bưu chính - viễn thông Việt Nam (VNPT - công ty mẹ), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (công ty mẹ), Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn (Saigoncons), Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), Tổng công ty Bến Thành (BenthanhGroup), Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist),...

Tóm lại, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, các cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN tiếp tục được hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung khá đầy đủ, đồng bộ theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch hơn, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tiêu chí phân loại DNNN, đơn vị sự nghiệp công lập, Đề án cơ cấu lại DNNN,… được chỉ đạo xây dựng, phê duyệt, ban hành kịp thời, làm cơ sở cho các bộ ngành, địa phương sớm xây dựng kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp cho giai đoạn 2021-2025.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng việc thực hiện tái cơ cấu DNNN vẫn còn chậm, chưa như mong đợi.

Nguyên nhân chủ quan: Một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa thật sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn đã được phê duyệt. Đồng thời, một số Bộ, ngành chưa tập trung cho việc ban hành cơ chế, chính sách theo đúng kế hoạch đã đề ra. Về cơ bản, cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức quản lý và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên tiến độ còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân khách quan: Những biến động của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế thời gian vừa qua và những khó khăn của kinh tế trong nước đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán.

Nhiều doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn hiện nay có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, tình hình tài chính phức tạp, việc xử lý công nợ, xử lý tài chính, phương án sử dụng đất trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa; việc lựa chọn cổ đông chiến lược… cần có nhiều thời gian để chuẩn bị, xử lý.

Hơn nữa, việc bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn chưa được đẩy nhanh do vướng những quy định pháp lý về thời gian thực hiện, trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

2. Giải pháp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo các Nghị quyết của Trung ương Đảng tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.

Hai là, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp đã được phê duyệt.

Người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo kế hoạch đã đề ra, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai công tác cơ cấu lại DNNN, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ đã giao. Các bộ, ngành tập trung trình các cấp có thẩm quyền các đề án, chính sách với các nội dung chính gồm các cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực được phân công; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương về tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đối với các DNNN; thực hiện công tác giám sát, xử lý vướng mắc tài chính của các DN; xây dựng báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN. Hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ba là, kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị, kiểm soát, kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp.

Bốn là, thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của DNNN theo quy định của pháp luật.

Năm là, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

VIẾT TRƯỜNG

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin