Quan điểm, mục tiêu xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở hiện nay

CT&PT - Sách lý luận, chính trị, pháp luật là một bộ phận cấu thành của cơ cấu sách xuất bản. So với các xuất bản phẩm khác, sách lý luận, chính trị, pháp luật là loại sách đặc biệt ở nội dung truyền tải, phương thức phản ánh. Sách chính trị - pháp luật trực tiếp truyền bá hệ tư tưởng giai cấp, quan điểm, đường lối của một chính đảng, chính sách của Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm bảo vệ lợi ích của một giai cấp, một dân tộc.

1. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác tư tưởng, văn hóa nói chung và công tác xuất bản sách nói riêng. Công tác tư tưởng, văn hóa được coi là một mặt trận, trong đó xuất bản là một “binh chủng”. Trong điều kiện đẩy mạnh đổi mới hiện nay, với rất nhiều luồng thông tin khác nhau, nhiều cách tiếp cận thông tin nhanh chóng, vai trò của công tác tư tưởng, văn hóa càng được đề cao, trong đó sách lý luận, chính trị, pháp luật vẫn giữ vai trò là công cụ chủ chốt, có tính định hướng, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xuất bản sách, nhất là xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật mang những nét rất đặc thù, gắn liền với từng thời kỳ lịch sử của cách mạng Việt Nam. Từ khi nắm chính quyền trong tay cho đến trước khi thực hiện đường lối đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác xuất bản, báo chí, nhất là xuất bản sách lý luận, chính trị, xác định đó là vũ khí sắc bén của công tác tư tưởng, văn hóa. Trong thời kỳ đổi mới từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đến nay, không có đại hội nào Đảng ta không đề cập tới công tác xuất bản như là một bộ phận hữu cơ của công tác tư tưởng, văn hóa.

2. Mục tiêu của công tác xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở hiện nay

Hơn 92 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm công tác huấn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cách mạng. Đảng coi đó là nhiệm vụ tối quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc...”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Đảng ta xác định phải xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ ở cơ sở có đủ năng lực lãnh đạo, thúc đẩy phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân. Vì đảng viên có mạnh thì Đảng mới mạnh. Cán bộ của Đảng có giỏi thì cách mạng mới mau chóng thành công. Cán bộ cơ sở là cán bộ thực tiễn, cán bộ hành động (miệng nói tay làm) gần dân, sát dân nhất, luôn sống cùng phong trào, hòa mình vào phong trào quần chúng. Họ cần có lập trường tư tưởng vững vàng, nắm vững những nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện có hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Người cán bộ phải luôn kiên định lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có bản lĩnh chính trị sắc bén mới có đủ năng lực lôi kéo, tổ chức và lãnh đạo quần chúng nhân dân tham gia phong trào cách mạng, đưa đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Thông qua phong trào quần chúng, rèn luyện cho họ những phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên vừa “hồng” vừa “chuyên”, vừa vững về chính trị tư tưởng, vừa giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức cách mạng, được nhân dân tin yêu và noi theo. Để đạt được mục tiêu cơ bản đó, tổ chức đảng các cấp không thể không coi trọng việc học tập, nghiên cứu lý luận chính trị cho các bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở. Do vậy, công tác xuất bản sách lý luận, chính trị phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở có mục tiêu quan trọng là:

Thứ nhất, nâng cao trình độ lý luận chính trị. Cán bộ lãnh đạo cơ sở thường xuyên học tập, tiếp thu kiến thức lý luận chính trị không chỉ để củng cố lập trường tư tưởng chính trị vững vàng cho bản thân, mà còn có trình độ lý luận để giải thích, giáo dục, truyền bá những giá trị lý luận chính trị đó cho quần chúng nhân dân. Nắm vững kiến thức lý luận chính trị giúp cho cán bộ lãnh đạo tự tin hơn trong công tác vận động quần chúng, cùng nhân dân lý giải, cắt nghĩa mọi sự kiện chính trị thực tiễn trên thế giới và đất nước đang diễn ra, kể cả những vấn đề hóc búa, phức tạp nhất, nhằm củng cố niềm tin vào cuộc sống, tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin vào con đường cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Không ngừng học tập để nâng cao trình độ lý luận chính trị là trách nhiệm, nghĩa vụ đồng thời cũng là quyền lợi của cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo cơ sở nói riêng. Đây cũng là thước đo phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức của người cán bộ. Kết quả hoạt động của cán bộ được phản ánh qua đời sống tinh thần xã hội ở địa phương, ở sự ổn định chính trị, ở tư tưởng, niềm tin (lòng dân) vào Đảng, đảng viên và cuộc sống xã hội.

Thứ hai, trang bị công cụ lãnh đạo, quản lý. Chức năng lãnh đạo quản lý của người cán bộ là chức năng điều hoà những hoạt động của các cá nhân, thành viên nhằm đến một mục tiêu cụ thể theo yêu cầu. Đó cũng là vai trò nhạc trưởng, là linh hồn của phong trào quần chúng nên người cán bộ cần phải có một số phẩm chất để làm công cụ, đặc biệt là phương pháp tư duy và khả năng xử lý thực tiễn bằng việc đưa ra các quyết định, biện pháp tổ chức phù hợp. Để đạt được mục tiêu, các “công cụ” họ sử dụng phải thực sự “khôn khéo”. Những tri thức lý luận chính trị học được, những kinh nghiệm thực tiễn đã trải qua, cùng với việc sử dụng những phương pháp luận mácxít của cán bộ lãnh đạo cho họ quyền lực và uy tín (quyền uy) để xử lý tốt công việc. Quyền lực mà xã hội trao cho họ, được quần chúng nhân dân tôn trọng sẽ tạo ra sức mạnh thực sự để người cán bộ vận dụng đúng quy luật khách quan vào thực tiễn cuộc sống. Như vậy kiến thức lý luận chính trị, đặc biệt là thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng đã trở thành công cụ quản lý, lãnh đạo quan trọng của người cán bộ hoạt động thực tiễn.

Thứ ba, giúp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý làm tốt công tác dân vận. Biết vận động nhân dân hăng hái thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là người cán bộ lãnh đạo giỏi. Người cán bộ không phải là người hành động cụ thể, trực tiếp thực thi công việc được giao. Với tư cách là người đứng đầu phong trào, cái quan trọng là họ biết vận dụng sức mạnh của tập thể các thành viên, đông đảo quần chúng nhân dân, quy tụ sức mạnh của họ lại thành một khối thống nhất và biết “thổi bùng” khí thế cách mạng, lòng hăng hái của quần chúng thành phong trào, vượt qua mọi khó khăn tiến đến mục tiêu đã định. Lôi kéo quần chúng nhân dân tự giác thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức hoạt động thực tiễn đạt hiệu quả cao là tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo của người cán bộ. Đảng mạnh là có các tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, có các cán bộ giỏi, đảng viên vững vàng. Có được phẩm chất, khả năng đó là nhờ có sự đóng góp khá lớn của công tác giáo dục, đào tạo cán bộ của Đảng, công tác tuyên truyền vận động, tác dụng của sách báo lý luận, chính trị.

Thứ tư, nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn. Lý luận chính là sự khái quát từ thực tiễn, lấy “nguyên liệu” từ thực tiễn mà xây dựng nên rồi được bổ sung qua tổng kết thực tiễn cùng các thành tựu mới của khoa học cụ thể làm giàu thêm tri thức lý luận mới, lại chuyển xuống cơ sở, chỉ đạo cơ sở vận dụng, đưa giá trị lý luận đó vào cuộc sống. Tri thức khoa học nói chung, lý luận chính trị nói riêng tạo cơ sở cho phép người cán bộ của Đảng rèn luyện và hình thành phương pháp tổng kết phong trào thực tiễn tại địa phương mình, ngành mình. Biết đánh giá khách quan, bao quát đúng tình hình, tìm ra khâu trọng yếu của công việc để tác động, đánh giá đúng những thành tựu, nhận biết nguyên nhân những sai lầm, thất bại; đặc biệt tìm đúng nguyên nhân thành công và thất bại, biết rút ra những bài học kinh nghiệm, khắc phục yếu kém, phát huy thành tích có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác lãnh đạo. Đó là yêu cầu đầu tiên của việc tổng kết thực tiễn. Người cán bộ lãnh đạo cấp nào cũng cần khả năng tổng kết thực tiễn. Quá trình tổng kết thực tiễn của Đảng không phải là để nhận biết, rút ra bài học thực tiễn không phải rồi để trong “ngăn kéo”. Cái chính là phải biết đúc kết thành lý luận mới, bổ sung và làm giàu thêm lý luận. Quá trình tổng kết thực tiễn cũng là quá trình cán bộ cơ sở đánh giá, nhìn nhận lại chính mình, soi lại mình, nhận thức đầy đủ mặt mạnh, mặt yếu của quần chúng, mặt mạnh, mặt yếu của phong trào ở địa phương, ở ngành, ở cơ quan mình để khích lệ mặt tốt, mặt tích cực lên, hạn chế mặt yếu, mặt tiêu cực. Lý luận chính trị mácxít nói chung, những quan điểm, phương châm công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng luôn đánh giá cao năng lực tổng kết thực tiễn tại các đơn vị và của các cán bộ cơ sở.

 Thứ tư, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao năng lực đấu tranh với mọi kẻ thù trên mặt trận tư tưởng và văn hóa. Hiện nay, mặc dù tình hình đã có nhiều thay đổi, nhưng các thế lực thù địch, kẻ thù của chủ nghĩa xã hội và các đảng cộng sản vẫn tìm mọi cách chống phá chủ nghĩa xã hội, sử dụng các thủ đoạn tinh vi để chống phá sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Để có thể vô hiệu hóa các luận điệu phá hoại của kẻ thù, mọi cán bộ, đảng viên phải luôn mài sắc vũ khí lý luận bằng cách giữ vững bản lĩnh chính trị, biết tổ chức và hướng dẫn nhân dân tấn công không khoan nhượng làm thất bại những luận điệu xuyên tạc, âm mưu, thủ đoạn chống phá của chúng. Toàn Đảng, toàn dân phải đoàn kết, đồng lòng nhất trí hợp thành mặt trận thống nhất tiến công trên nhiều hướng đối với kẻ thù, bảo vệ thành quả cách mạng. Mặt khác chúng ta cần không ngừng bồi dưỡng tri thức lý luận chính trị cách mạng để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Tính tự giác và vai trò tiên phong, vai trò nêu gương cả trong hành động và tư tưởng của cán bộ, đảng viên ta, lập trường kiên định sẽ làm thất bại mọi âm mưu chống phá của kẻ thù.

Sách lý luận, chính trị chính là công cụ hữu hiệu để nâng cao trình độ của cán, bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hình mới, đối phó hiệu quả với mọi thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Thứ năm, khắc phục chủ nghĩa cá nhân, xây dựng đạo đức cách mạng. Ở nước ta hiện nay, quá trình rèn luyện đạo đức cách mạng đi đôi với quét sạch chủ nghĩa cá nhân thực chất là quá trình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức cao cả để toàn Đảng, toàn dân ta, đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên học tập suốt đời. Nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị, đặc biệt là sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở rèn luyện tư cách đạo đức, khắc phục tư tưởng cá nhân, nâng cao ý thức tự giác, tinh thần phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xứng đáng là “người đày tớ” trung thành của nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Có thể nói, sách lý luận, chính trị, pháp luật có vai trò rất quan trọng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở. Thông qua sách lý luận, chính trị, pháp luật cán bộ ở cơ sở hiểu một cách đầy đủ, toàn diện hơn về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cập nhật những kiến thức thiết yếu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và thực thi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

ThS. NGUYỄN THỊ LAN ANH

Nhà xuất bản Lý luận chính trị

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin